Nội san

NGHIÊN CỨU, BIÊN SOẠN TÀI LIỆU HỌC PHẦN TRANG TRÍ CƠ BẢN 1 NGÀNH THIẾT KẾ THỜI TRANG

29 Tháng Mười Một 2021

ThS Lê Mai Trinh

   Khoa TKTT&CNM

Học phần Trang trí cơ bản 1 ngành Thiết kế thời trang có những điều chỉnh, cải tiến sát với nhu cầu đối tượng đào tạo, giúp sinh viên hiểu và vận dụng sáng tạo một cách linh hoạt, nhuần nhuyễn những kiến thức cơ bản, nâng cao thẩm mỹ từ những bài tập ở trên lớp, góp phần trợ giúp trong thời kỳ học tập trực tuyến được thuận lợi hơn trong mùa dịch, xuất phát từ hướng cải thiện nâng cao chất lượng bài tập phù hợp với thời kỳ xã hội phát triển với tốc độ cao, thông tin điện tử và cuộc cách mạng xã hội 4.0.

Trong giai đoạn cần củng cố và nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội, Học phần Trang trí cơ bản 1 ngành Thiết kế thời trang có những điều chỉnh, cải tiến sát với nhu cầu đối tượng đào tạo. Nội dung chương trình thay đổi dựa trên thiết kế của đề cương chi tiết học phần vẫn đảm bảo lượng kiến thức đã kế thừa từ những tài liệu giảng dạy trước đây. Học phần trang trí cơ bản 1 là học phần đầu tiên mà sinh viên được đào tạo với mục tiêu về kiến thức, kỹ năng và các năng lực khác. Về kiến thức: Giới thiệu về nghệ thuật trang trí, kiến thức về màu sắc, và các nguyên tắc trang trí cơ bản. Biết Giá trị của tinh hoa vốn cổ dân tộc. Áp dụng được các Phương pháp ghi chép, đơn giản và cách điệu họa tiết. Học phần luyện kỹ năng vẽ chì, kỹ năng vẽ bột màu, kỹ năng vẽ màu nước, kỹ thuật Ghi chép họa tiết, chép hoa lá trong thiên nhiên để đơn giản và cách điệu họa tiết. Hình thành kỹ năng thực hành bài tập Thực hiện bài tập thực hành đúng yêu cầu. Năng lực tự chủ và yêu cầu bao gồm: Hình thành thói quen tự nghiên cứu, sưu tầm tài liệu. Hình thành ý thức trang trí và trình bày bài tập. Trách nhiệm: Gìn giữ và bảo tồn nét  đẹp vốn cổ dân tộc. Học phần Trang trí cơ bản góp phần củng cố lượng kiến thức mỹ thuật phổ thông và hoàn chỉnh kỹ năng và hệ thống kiến thức đã được biết  bồi dưỡng năng lực sáng tạo, năng khiếu những ý tưởng sáng tạo Mỹ thuật và Thời trang. Môn học này cũng hỗ trợ cho một số môn học cơ sở khác ví dụ như Hình họa trong việc nghiên cứu và nhận thức về tương quan màu sắc trong thực tế và thiên nhiên. Từ đó hình thành ý thức Thẩm mỹ và ý thức quan sát về Mỹ thuật và Nghệ thuật.

Trong học phần Trang trí cơ bản 1 giới thiệu lượng kiến thức chung về nghệ thuật trang trí, kiến thức về mỹ thuật trang trí và các bài tập thực hành cần nghiên cứu. Nội dung tài liệu Học phần Trang trí cơ bản 1 trở thành tài liệu cần thiết, không phải để tham khảo mà thành những công cụ, những hướng dẫn giúp người học trong quá trình tự học tự nghiên cứu, giúp sinh viên nâng cao chất lượng học tập. Trong thời kỳ cấp bách như tình hình hiện nay việc đồng bộ hóa các chương trình học để nhằm nâng cao chất lượng dạy và học một cách toàn diện.

            Nội dung chương trình bao gồm: Phần lý thuyết chung về Trang trí cung cấp kiến thức cơ bản về ngôn ngữ nghệ thuật trong trang trí, vốn cổ nghệ thuật dân tộc, hoạ tiết trang trí, phương pháp đơn giản, phương pháp cách điệu, sáng tạo hoạ tiết…Phần thực hành bao gồm các bài tập: Ngôn ngữ nghệ thuật trong trang trí (Bài tập màu sắc), nghiên cứu vốn cổ dân tộc, nghiên cứu và sáng tạo hoạ tiết hoa lá, nghiên cứu và sáng tạo hoạ tiết động vật. Thông qua các bài học thực hành giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng trang trí bằng chất liệu chì, mực nho, bột màu, hình thành khả năng xây dựng hoạ tiết, giúp sinh viên có khả năng cảm nhận vẻ đẹp của màu sắc, đường nét, hướng sinh viên thể hiện thông qua các bài tập. Từ đó phát triển kỹ năng, đưa cảm quan thẩm mỹ và kiến thức trang trí áp dụng trong các bài tập sáng tác chuyên ngành. Nắm được các nguyên tắc trang trí cơ bản vào trang trí các sản phẩm thời trang. Sinh viên thực hiện một hệ thống bài tập cơ bản làm tiền đề cho các sáng tác sau này.

Khái niệm” Vốn cổ dân tộc” Vốn cổ dân tộc là những công trình nghệ thuật của cha ông ta để lại truyền từ đời này đến đời khác, trở thành nét truyền thống văn hóa mang bản sắc dân tộc. Vốn cổ dân tộc bao gồm nhiều thể loại, lĩnh vực khác nhau, đây là những giá trị trí tuệ và tinh thần và vật chất được phát triển, tích lũy trải qua những năm dài của lịch sử. Bao gồm: Vốn cổ vật thể và vốn cổ phi vật thể.  Vốn cổ Vật thể là những di sản về công trình kiến trúc, đình chùa, lăng tẩm, tượng Phật. Lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước là một bề dày lịch sử với những mốc lịch sử Lý- Trần - Lê. Hình tượng rồng, chim lạc, các chạm  khắc hoa văn trong nghệ thuật cung đình hay nghệ thuật chạm khắc đình làng. Từ Trống đồng Đông Sơn- Ngọc Lũ (Hà Nam), đình Chu quyến, Văn Miếu, Chùa Phật Tích... chịu ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo đạo giáo và Nho giáo. Tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh), Tranh Hàng Trống (Hà Nội), tranh thờ các dân tộc thiểu số...

Miền Trung có các di sản quốc gia, được thế giới công nhận là di sản Thế giới như Cố đô Huế, các lăng tẩm, bảo tàng Chàm, thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam)... nghệ thuật Hội họa với dòng tranh Sình (Huế). Hình tượng Rồng là biểu tượng của quyền uy của vương triều. Hình tượng Rồng thường được dùng trang trí trên tấm áo bào của vua chúa, chạm khắc cung đình, đình chùa. Bên cạnh đó, rồng trong tạo hình dân gian lại bình dị và gần gũi. Trong tâm thức của người Việt, gắn liền với nguồn gốc Con rồng, cháu Tiên. Rồng là điểm hội tụ linh khí với những quan niệm và ý nghĩa vụ trụ và nhân sinh, hình ảnh tiêu biểu, chí khí quật cường của dân tộc, nhân dân chống giặc ngoại xâm. Đây là hình tượng cách điệu và điển hình tượng trưng cho  hy vọng và sức mạnh siêu việt.

Hình ảnh áo Hoàng bào của Vua triều Nguyễn đã được phục dựng lại, áo được trang trí hoa văn Rồng và mây. (Nguồn ảnh  của tác giả.)

            Chạm khắc đình làng thể hiện văn hóa làng xã Việt Nam và cuộc sống tập quán văn hóa đình làng và thể hiện kỹ năng sáng tạo, bàn tay gọt rũa nên những chi tiết trang trí cho bên trong một đình làng hay cột chùa, góc chùa. Bất kể ở một góc nhìn nào cũng thấy tâm hồn, con mắt của nghệ nhân có thể tạo tác những tác phẩm có giá trị và trở thành vốn quý giá để thế hệ tiếp theo nghiên cứu, học hỏi để duy trì phát triển ,góp phần để những báu vật và những di sản còn lại mãi với thời gian.Tranh dân gian đã mượn hình ảnh gắn liền với đời sống sinh hoạt của mình để xây dựng những đề tài rất hay về mong ước hồn nhiên trong cuộc sống đồng thời phản ánh cuộc rất đỗi bình dị và thanh bình đẹp đẽ. Ví dụ: Tranh Gà đại cát, gà đàn, lợn ăn cây dáy, lợn đàn, vinh hoa, phú quý, Chim công, Lý ngư vọng nguyệt…Hoa lá và chim muông và các con vật luôn là niềm cảm hứng được phản ánh qua những sản phẩm nghệ thuật hoặc những vật dụng phục vụ con người và là sản phẩm  chứng tỏ bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ và tâm hồn yêu cái đẹp của các nghệ nhân đã tạo tác được những tác phẩm. Họa tiết trang trí tạo nên hình của đối tượng trang trí. Họa tiết trang trí là những môtýp thường mang những chi tiết dường như nhắc lại hoặc có sự thống nhất trong tổng thể bố cục chung. Họa tiết đóng vai trò quan trọng trong nghệ thuật trang trí nói chung và trong nghành sáng tác thiết kế nói riêng.

Nghiên cứu từ phần ghi chép mẫu thật, chúng ta cần lược bỏ và điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu xây dựng họa tiết mới. Công đoạn này gọi là đơn giản giúp quá trình sáng tạo họa tiết thêm hiệu quả hơn. Là bước không thể thiếu trong phương pháp từ nghiên cứu thật đến đơn giản sau đó bước cuối cùng là cách điệu. Đơn giản hoa lá là lược bỏ những chi tiết thực tế không cần thiết để làm điển hình và cô đọng và làm nổi bật đặc điểm của loại cây cỏ hay đặc điểm hình dáng hay đặc điểm cấu tạo của loài vật. Sáng tạo họa tiết hoa lá và động vật chính là việc trang trí hoa lá và động vật. Từ những nghiên cứu thật ta có thể sáng tạo họa tiết theo những cách: Chú ý đến mảng, chấm hoặc nét theo hướng in ấn đồ họa. Hoặc cách vẽ trang trí màu, sử dụng gam màu đơn giản phối hợp hình, bố cục gam màu trong đó chú ý đến nét tạo nên họa tiết hay cụm họa tiết. Bài tập sẽ yêu cầu chép số lượng bài tập theo yêu cầu từ mẫu thực. Sau đó kết hợp mẫu thành một bài trang trí sáng tạo họa tiết hoa lá và động vật  trên chất liệu bột màu. Yêu cầu: thực hiện bài nghiêm túc. Bài tập  đạt yêu cầu có Họa tiết phong phú, phù hợp, có Hệ thống đậm nhạt tốt, Hòa sắc đẹp, phù hợp nội dung thể hiện. Khuyến khích bài tập có Bố cục đẹp có tính sáng tạo, Kỹ năng thể hiện tốt, trình bày bài đẹp, sạch sẽ.

     Có thể nói, Học phần Trang trí cơ bản 1 là những kiến thức cơ bản, tuy đơn giản nhưng là nội dung cần thiết và quan trọng, là cơ sở trang bị cho những học phần tiếp theo trở nên dễ dàng và có phần củng cố khả năng tự học. Nội dung tài liệu sau khi được nghiệm thu sẽ được chuyển giao làm tài liệu giảng dạy để Giảng viên sử dụng để hướng dẫn giảng dạy và  Sinh viên sử dụng tài liệu trong việc nghiên cứu bằng phương pháp tự học một cách hữu ích.

            

Bài tập chép phù điêu và hoa văn vốn cổ của sinh viên Nguyễn Ngọc   Huyền Trang và  sinh viên Lý Thu Thảo. (Nguồn ảnh của Tác giả).

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.ThS Nguyễn Thành Việt, Ths Nguyễn Hải Kiên (2013) Tài liệu giảng dạy Trang trí cơ bản 1, Khoa Mỹ thuật cơ sở, Đại học Sư phạm nghệ thuật TW.

 2. Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Thị Nhung, Phạm Ngọc Tới (1998), Giáo trình trang trí, NXB Giáo dục.

3. Nguyễn Duy Lẫm; Đặng Thị Bích Ngân (2001), “Màu sắc và          phương pháp vẽ màu”, Nxb Văn hoá Thông tin.

4. Ngô Bá Công (2015), Giáo trình Mỹ thuật cơ bản, NXB Đại học SP.

5. Tạ Phương Thảo (2004), Giáo trình Trang trí, Nxb Đại học SP