Nội san

KHAI THÁC HỌA TIẾT TRÊN TRANG PHỤC CỦA NGƯỜI DAO ĐỎ SAPA VÀO THIẾT KẾ TRANG PHỤC BIỂU DIỄN

09 Tháng Mười Hai 2021
ThS. Trần Việt Hùng
Khoa Thiết kế thời trang & Công nghệ May
Họa tiết của người Dao Đỏ của người Sapa mang ý nghĩa tượng trưng cho đời sống của người dân tộc thiểu số với mong muốn “Mưa thuận gió hòa”, “An cư lạc nghiệp”, Có thể nói họa tiết Dao đỏ Sapa đã đi vào đời sống tinh thần của người dân thiểu số nói riêng và dân việt nói chung. Chính vì thế chúng ta có thể bắt gặp họa tiết trang trí dao đỏ sapa ở khắp nơi: từ những vật dụng đến những sản phẩm trang trí trong phòng khách.
Trong quá trình giảng dạy môn Tạo mẫu trang phục 5, bài “Thiết Trang Phục Biểu diễn”, sinh viên khoa Thiết kế Thời trang rất yêu thích các mẫu họa tiết trang trí trên trên vải thổ cẩm thể hiện trên các trang phục. Tuy nhiên, sinh viên còn chưa phân biệt được tạo hình họa tiết trang trí trên thổ cẩm với các trang phục khác, đồng thời còn gặp nhiều lúng túng trong việc áp dụng kiến thức trang trí cơ bản lên các bài tạo mẫu trang phục. Những họa tiết của người dao đỏ với lối tạo hình đa dạng sẽ là nguồn kiến thức và tư liệu tốt để các sinh viên Thiết kế Thời trang có thể ứng dụng vào thiết kế trang phục biểu diễn, không chỉ cung cấp nguồn hình ảnh phong phú sát với nội dung bài học, cập nhật những xu hướng mốt mới, tạo cho sinh viên có cái nhìn thẩm mỹ và cách vận dụng họa tiết  trang trí lên trang phục biểu diễn, mà còn hy vọng có thể ứng dụng thêm vào các loại trang phục khác.
Đã có những công trình nghiên cứu của các tác giả: Lược sử mỹ thuật Việt Nam của Nguyễn Phi Hoanh; Một con đường tiếp cận lịch sử của Trần Lâm Biền, Bài giảng trang trí chuyên ngành 1,2, Bộ môn Cơ sở ngành – Trường ĐHSP Nghệ thuật TW; Ngàn năm áo mũ của Trần Đức Quang; Trang phục Việt Nam của Đoàn Thị Tình….
Người Dao Đỏ có dân số đứng thứ hai sau người H'Mông ở Sa Pa. Cũng có nguồn gốc từ Vân Nam - Trung Quốc, người Dao Đỏ là một bộ phận nhỏ của tộc người Dao di cư vào Việt Nam từ thế kỷ XIII đến những năm 40 của thế kỷ trước. Họ sống tập trung đông nhất ở các xã Tả Phìn, Nậm Cang, Thanh Kim, Suối Thầu, Trung Chải.
Một bộ trang phục của người Dao Đỏ đầy đủ bao gồm: Áo, yếm, quần, khăn vấn đầu, thắt lưng và một số phụ kiện đi kèm. Mỗi một chi tiết trang trí trên trang phục đều mang ý nghĩa truyền thống của người Dao Đỏ. Họa tiết Dao đỏ sa pa là một nghệ thuật trang trí độc đáo, khá khác so với các ý tưởng truyền thống khác. Từ đó, tạo nên một cơ sở vững chắc, phù hợp để đưa vào bài học Tạo mẫu trang phục Biểu diễn. 
Với thực trạng trong công tác dạy – học của ngành TKTT, chúng tôi nhận thấy một số ưu nhược điểm trong công tác đào tạo ngành TKTT, việc ứng dụng họa tiết Dao đỏ Sa pa sẽ khắc phục được phần nào nhược điểm đó, giúp nâng cao chất lượng dạy – học bài Tạo  mẫu trang phục 5 của SV ngành TKTT.
Hiện tại môn tạo mẫu trang phục trong chương trình học ngành TKTT gồm có 5 học phần được bố trí giảng dạy cho sinh viên được kéo dài từ năm thứ 2 cho đến năm học cuối cùng của ngành. Trong đó, mỗi học phần bao gồm 3 tín chỉ với 60 giờ lý thuyết, 150 giờ thực hành và 15 giờ tự học). Bài tập tạo mẫu trang phục được chia ra: 10 bài thiết kế trang phục với yêu cầu sinh viên sáng tạo và trình bày trên bảng 60x90cm. Bài học này nhằm cung cấp cho các em kĩ năng, trình độ và kiến thức thực hiện tạo mẫu ban đầu, từ phác thảo trên giấy đến một bản mẫu hoàn chỉnh; 3 bài học phần bao gồm: trình diễn trang phục Dạo phố, trình diễn trang phục Dạ hội, trình diễn trang phục Ấn tượng. 
Việc sắp xếp bố cục trong trang trí là một vấn đề cần được chú ý và được nhận nhiều sự quan tâm của sinh viên để có thể phân bố cục trang trí hợp lý việc đầu tiên ta phải hiếu được bố cục trang trí là gì. Đó chính là sự sắp xếp các yếu tố trang trí như hình mảng, đường nét, đậm nhạt, màu sắc theo những qui tắc của trang trí, phù hợp với từng thể loại trang trí khác nhau.Với tầm quan trọng của bố cục trong trang trí quyết định đến sự thành công của trang phục. Hiểu một cách đơn giản thì bố cục là một phần của thiết kế trong đó tất cả các yếu tố riêng biệt được kết hợp với nhau tạo thành một tổng thể có sự gắn kết chặt chẽ. Với chất liệu vải tự dệt rồi nhuộm chàm, màu xanh đậm, chắc, khỏe làm nền cho tổng phổ các màu sắc của hệ thống họa tiết dày đặc và sặc sỡ đã làm cho thị giác cảm nhận sự tươi tắn, sinh động và lung linh của từng nhóm, từng sợi màu. Những nhóm màu, sợi màu ấy tuy sặc sỡ nhưng khi được đặt và đứng bên màu chàm đậm đã không còn cảm giác về sự chối, chói mắt và sống sượng mà tự bản thân những nguyên màu mang lại. Màu sắc chủ đạo nổi bật là hai màu đỏ và đen. Mặc dù hai màu có độ tương phản cao nhưng qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ Dao đã tạo nên một tổng thể hài hòa vô cùng nổi bật và đẹp mắt. Đặc sắc nhất từ chiếc khăn đội đầu đến hoa văn, họa tiết được thêu trên áo, quần, túi đeo điểm nhấn chính là chiếc khan đội đầu rất dễ phân biệt của đồng bào người Dao.
Trong trang phục của người Dao đỏ quan trọng nhất là chiếc áo dài. Theo phong tục, phụ nữ Dao đỏ không mặc áo ngắn mà chỉ mặc áo dài. Áo tứ thân màu chàm hoặc đen, không khoét nách mà tay đấu thẳng vào thân. Nẹp cổ liền với nẹp ngực được thêu kín các họa tiết trang trí bằng chỉ màu đỏ. Hai đầu của nẹp ngực đính nhiều chuỗi hạt cườm và tua đỏ. Cửa tay áo, nẹp xung quanh tà áo trước và sau đều được thêu bằng chỉ màu đỏ và trắng. Riêng ở gấu vạt trước và sau người ta thêu hai nẹp tách rời nhau, trông xa như hai áo mặc lồng nhau, áo ngoài ngắn hơn áo trong. Bên trong của chiếc áo dài, phụ nữ Dao Đỏ còn mặc áo con, giống như cái yếm, mặc bên trong che kín cả ngực và bụng, cổ tròn mở sau gáy, có những đường thêu bằng chỉ trắng và vàng. Khoảng giữa thân áo mỗi bên đính một dải vải nhỏ để làm dây buộc ra phía sau lưng. Hoa văn trang trí trên dây lưng tập trung ở hai đầu gồm các họa tiết hình dấu chân hổ, hình cây thông, hình người mặc váy... Khi thắt dây lưng phải cuốn từ 3 đến 4 vòng và buộc chặt ở phía sau. Hoa văn trang trí trên quần được thêu thùa tỉ mỉ hơn. Họa tiết ở nửa dưới của hai ống quần là các họa tiết hình vuông, hình chữ nhật màu đỏ - vàng - trắng, hình cây thông, hình chữ vạn, hình quả trám...Khi mặc, quần phần trên màu đen không có hoa văn, quấn bằng dây, thắt lưng; phần dưới của hai ống quần với các hoa văn, họa tiết đã tạo nên sự cân đối hài hòa cho toàn bộ y phục.
Trang phục của người Dao Đỏ không chỉ biểu hiện tính cần cù, nhẫn nại và bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú cùng với con mắt thẩm mỹ mà về nghệ thuật còn rất tinh tế trong việc sử dụng màu sắc, bố cục cân đối hài hòa, vui tươi, trong sáng, góp phần tô điểm thêm cho bản sắc riêng vốn có của dân tộc Dao Đỏ.
                               
Phiên chợ vùng cao (nguồn: tác giả sưu tầm)
    
                       
Họa tiết của người Dao đỏ (nguồn: tác giả sưu tầm)
    
              Phong tục đám cưới của người Dao đỏ Sapa (nguồn: tác giả sưu tầm)
    
Cuộc thi của các nhà thiết kế trẻ (nguồn: tác giả sưu tầm)
   
                        Cuộc thi của các nhà thiết kế trẻ (nguồn: tác giả sưu tầm)
        
                    Cảnh sinh hoạt của người Dao đỏ (nguồn: tác giả sưu tầm)
 
Từ chất liệu vốn được coi là khô khan, sau khi được những bàn tay tà hoa của người thợ đã được thổi hồn trở nên nhẹ nhàng bay bổng. họa tiết dao đỏ Sa pa được đánh giá là có nhiều nét độc đáo nhất từ cấu trúc cho đến cách trang trí, chính vì vậy chúng tôi mong muốn đưa những giá trị đó vào bài tập tạo mẫu trang phục Biểu diễn để có thể phát huy được những vẻ đẹp đó, nghiên cứu này đã đem đến cho các SV thêm một lượng kiến thức không chỉ về họa tiết còn là những giá trị của nó còn lưu giữ được cho đến ngày nay. Việc đưa những giá trị này vào trong bài học tạo mẫu trang phục Biểu diễn được SV đón nhận với sự hào hứng với những đề tài mới, kỹ thuật thể hiện sự tỉ mỉ, tinh tế phù hợp với những đặc điểm của một bộ trang phục Biểu diễn.
Kết quả nghiên cứu đã đạt được những thành công ban đầu về việc đưa thêm kiến thức mới cho SV vào trong bài học của mình. Từ đó làm tiền đề cho những ý tưởng sáng tạo không ngừng cho những bộ trang phục không chỉ là trang phục dạ hội mà còn là các bộ trang phục khác. SV đạt được kết quả bài học khá tốt, các kiến thức, kỹ năng thực hiện bài học được SV tiếp thu và thực hành thành thục. Kỹ năng làm việc nhóm tốt, các em đã biết cách hợp lực để bài học được tiến hành một cách nhanh chóng, đạt kết quả cao. Bên cạnh đó, SV còn được thực hành thuyết trình về những kiến thức nhóm mình tìm hiểu, nghiên cứu.
Với những đặc điểm của trang phục Biểu diễn là sang trọng, quý phải và đẳng cấp thì việc đưa những giá trị họa tiết trang trí trên trang phục của người Dao đỏ Sa pa vào trong bài học tạo mẫu trang phục không chỉ giúp các em có thêm những cách làm mới, mà còn là cách truyền giữ những giá trị lịch sử của chúng ta. Đất nước ngày càng phát triển, hội nhập với thế giới, việc tiếp cận với những giá trị hiện hiện nhưng vẫn phải gìn giữ được những nét truyền thống luôn là những yêu cầu trong phát triển đất nước. Điều này giúp giáo dục ý thức tôn trọng, bảo vệ và phát huy truyển thống cho các sinh viên ngành Thiết kế thời trang.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Thủy Bình (2005) Giáo trình mỹ thuật trang phục, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
2. Trần Thủy Bình, Phạm Hồng (1992), Kỹ thuật tạo mốt và vật liệu thời 
trang, Nxb Khoa học và kỹ thuật Hà Nội. 
3. Cadiere  (1921), Xứ Trung Kỳ hướng dẫn du lịch Hà Nội (bản dịch của viện 
Mĩ thuật).
4. Vũ Tam Cang (1991), Giáo trình trang trí, Nxb Xây dựng.
5. Trần Thanh Hương (2008), Giáo trình thiết kế trang phục 5, Nxb Đại học 
Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
6. Nguyễn Thạc (chủ biên, 1992), Tâm lý học sư phạm, Nxb Giáo dục.
7. Trần Từ Thành, Lê Huy Văn , Cơ sở tạo hình, Nxb Văn hóa thông tin.
8. Ngô Đức Thịnh (2000), Trang phục cổ truyền các dân tộc Việt Nam, Nxb 
Văn hóa dân tộc.
9. Hồ Văn Thùy (2006), Bài giảng Mĩ thuật phương pháp giảng dạy Mĩ 
thuật, Nxb Giáo dục.
10. Phạm Anh Trang (2010), Hỏi đáp về trang phục truyền thống Việt Nam, 
Nxb Thời đại.