Nội san

HỌA TIẾT TRANG TRÍ TRANG PHỤC DÂN TỘC CƠ TU – BIỂU TƯỢNG VĂN HÓA CƠ TU

15 Tháng Mười Hai 2021

Nguyễn Thanh Huyền - Khoa Thiết kế đồ họa

Trong nghệ thuật trang trí Cơ Tu, họa tiết trang trí tự thân nó đã là một thứ ngôn ngữ hình tượng được người Cơ Tu sáng tạo, gửi gắm theo những ước mơ giản dị về cuộc sống và gìn giữ những ký ức về văn hóa tộc người. Trên trang phục của người Cơ Tu, các motif họa tiết thật sống động và hồn nhiên đã phần nào biểu hiện được những tâm tư tình cảm, quan điểm thẩm mĩ, và cả niềm tin tín ngưỡng, chứ không còn chỉ là một giá trị vật chất đơn thuần. Họa tiết trang trí trang phục dân tộc Cơ Tu là sản phẩm văn hóa, thể hiện trình độ thẩm mĩ, và quan điểm sống của người Cơ Tu.

Qua các họa tiết trên trang phục cũng thể hiện rõ được tài nghệ, tính cách và thị hiếu thẩm mĩ của người dùng. Chính nhờ vào sự sáng tạo kết hợp chất liệu, và tạo hình mà người Cơ Tu đang sở hữu một kho tàng nghệ thuật đồ sộ về họa tiết trang trí trên trang phục với hệ thống motif họa tiết hết sức đa dạng không phải dân tộc nào cũng có được. Có thể nói, bản sắc văn hoá độc đáo của tộc người Cơ Tu được thể hiện thông qua hệ thống họa tiết trang trí trang phục. Với đề tài phong phú từ nhóm họa tiết phản ánh về thế giới quan rộng lớn đến nhóm họa tiết về con người, về thực vật, về động vật và về đồ đạc những gì thân thuộc và gần gũi với đời sống của họ.

Bản chất của nghệ thuật tạo hình là để làm đẹp, được biểu cảm bằng ngôn ngữ của nó như màu sắc, hình khối, đường nét... và được chọn lọc, thể hiện có mục đích rõ ràng. Hoa văn trang trí trang phục của dân tộc Cơ Tu chẳng những phong phủ về loại hình, motif  mà còn chuyển tải những ý tưởng, tình cảm, tư duy của con người, thể hiện năng lực sáng tạo nghệ thuật của dân tộc. Nó mang dấu ấn, đặc trưng, phong cách riêng và hoàn toàn khác lạ so với các dân tộc anh em khác trong vùng.

Motif trang trí trang phục Cơ Tu chủ yếu được xây dựng bằng hình kỷ hà, các motif hoa văn này được tạo hình bằng ngôn ngữ chủ đạo là chấm và nét, từ những hạt cườm màu trắng bố trí liên tục trên nền thổ cẩm cho ta thấy đây là sự chuyển động của các chấm tròn màu trắng chuyển động tạo nên các hình hình học hay các nét với nhiều kích cỡ to nhỏ và chiều hướng khác nhau, tạo nên sự đa dạng, phong phú, độc đáo và giàu tính thẩm mĩ.

Sự phối hợp, liên kết giữa các motif hoa văn trang trí là đặc trưng phong cách, trở thành một nguyên tắc trong trang trí trên trang phục. Bản thân mỗi một hoa văn chỉ miêu tả một ý nghĩa nhất định, còn khi chúng kết hợp sẽ tạo nên một tổ hợp hoa văn chuyển tải nội dung cô đọng và tạo ra giá trị nghệ thuật cao hơn. Ví dụ  như hoa văn ô cửa được kết hợp từ hai hàng tam giác đối đầu nhau tạo nên hình thoi, ở giữa hình thoi lại có hình hoa thị; hoa văn chày - cối cũng được hợp thành từ 2 hình tam giác đối đỉnh. Hoa văn lá atut (lá đùng đình) có nét tạo hình đẹp giống như cái chong chóng mà người Cơ Tu rất thích trang trí trên trang phục, cột lễ, nhà gươl, nhà mồ.... Hay việc kết hợp đáy bồn hình tam giác đơn giản, người ta sẽ tạo ra những ngôi sao trên trời.

Những đặc trưng của hệ thống motif hoa văn trang trí trang phục của người Cơ Tu chính là sự chuyển tải hiện thực cuộc sống và hàm chứa tư duy sáng tạo văn hoá nghệ thuật và quan điểm thẩm mĩ của đồng bào. Tư duy thẩm mĩ của họ là cái đẹp hài hoà, cân đối, khoẻ mạnh, là sự giản lược, cách điệu và ước lệ cao. Bằng thủ pháp nghệ thuật ước lệ, người nghệ nhân đã cách điệu với ngôn ngữ hình học đã làm cho mọi vật trở nên tối giản, sơ lược nhất nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng và không hề khô cứng.

Ban đầu, người Cơ Tu chỉ biết tạo ra một số motif hoa văn đơn giản. Khi tích luỹ được nhiều kinh nghiệm, tư duy thẩm mỹ được nâng lên, người ta sáng tạo ra được nhiều văn hóa phức tạp có sự cách điệu cao, kết hợp, liên kết các hoa văn, dài màu với một trật tự, bố cục hoàn chỉnh hơn có ý đồ, ý nghĩa rõ ràng. Hoa văn trên trang phục Cơ Tu ẩn chứa các cặp biểu tượng hoặc các biểu tượng kép, hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc. Mỗi chiếc khổ của đàn ông Cơ Tu là một bức tranh, câu chuyện tái hiện nếp sống, sinh hoạt cộng đồng, thông qua những motif trang trí được kết hợp linh hoạt, sống động. Ví dụ như  hoa văn ya ya tượng trưng cho sự vui mừng của dân làng, hàng chông sắc nhọn tượng trưng cho vũ khí, hoa (pơ lơm) tượng trưng cho các con thú săn bắn được... đã tái hiện lại cuộc sống săn bắt, hái lượm ngày xưa của đồng bảo Cơ Tu. Hoa văn ya ya cũng là một hoa văn mang nhiều ý nghĩa, biểu trưng khác nhau. Nó vừa là hình ảnh của thần lúa, mẹ lúa tượng trưng cho sự may mắn, vụ mùa bội thu, hình ảnh tái hiện thân thể của người phụ nữ, biểu tượng của phồn thực, sự sinh sôi nảy nở mà còn mang biểu tượng của cây, mang lại nguồn sống cho cộng đồng. Hoặc như hoa văn cối giã gạo, vừa biểu thị cho sự phồn thực, sinh nở vừa biểu đạt ý nghĩa khác đầy tính nhân văn, đó là sự cầu mong ấm no, hạnh phúc cho con người. Hoa văn mã não, ngoài biểu tượng cho sự giàu có, thoả mãn về nhu cầu vật chất còn biểu tượng cho quyền lực, sức mạnh của con người.

Cách tạo hình họa tiết trang trí trên trang phục của người Cơ Tu thể hiện những đặc điểm văn hóa riêng, vượt qua giá trị trang trí thông thường để trở thành biểu tượng của văn hoá Cơ Tu. Motif  trang trí của dân tộc Cơ Tu nhìn chung đều được thể hiện khả tỉ mỉ, ngoài màu trắng của họa tiết cườm, còn có màu đỏ, vàng của chỉ màu nổi bật trên nền vải chàm đen. Các sản phẩm với màu sắc đơn giản nhưng không đơn điệu tẻ nhạt mà trang nhã và trở thành sản phẩm trang trí đầy nghệ thuật.

Với bản chất thích tìm tòi, sáng tạo những cái mới người nghệ nhân Cơ Tu đã gieo nên những hạt ý tưởng của bản thân. Lồng vào những hình ảnh của họa tiết trang trí truyền thống là những dạng thức mang đầy màu sắc hiện đại, những hình ảnh gần gũi… tùy vào sự sáng tạo của mỗi cá nhân mà tạo nên những loại hình họa tiết trang trí mới phù thuộc sở thích và ý tưởng của mỗi người. Trang phục truyền thống với những họa tiết trang trí chính là nét đặc sắc trong di sản văn hóa của người Cơ Tu, chính là những thủ pháp tạo hình, những đường nét và mảng màu sắc mang tính chất riêng hội tụ nhiều yếu tố của dân tộc vùng cao. Có thể khẳng định, dân tộc Cơ Tu là một trong những số ít các dân tộc thiểu số ở Việt Nam bảo lưu được một cách tương đối nguyên vẹn giá trị nghệ thuật truyền thống. Và chính những họa tiết trang trí trên trang phục đó không chỉ là những sản phẩm làm đẹp mà đã trở thành biểu tượng cho nền văn hóa Cơ Tu.

Trang phục đàn ông Cơ Tu. Ảnh: Thế Dương

Những cô gái Cơ Tu duyên dáng trong trang phục truyền thống.

Ảnh: Thế Dương

Trang phục cô dâu, chú rể Cơ Tu trong ngày cưới. Ảnh: Làng Việt