Nội san

BIỆN PHÁP DẠY HỌC HÁT DÂN CA CHO HỌC SINH LỚP 5, TRƯỜNG TIỂU HỌC LÊ VĂN TÁM, THÀNH PHỐ THANH HÓA

10 Tháng Giêng 2022

Học viên Nguyễn Thị Nguyệt

 K11 Lý luận và PPDH Âm nhạc

 

 

Đối với học sinh Tiểu học nói chung, học sinh lớp 5 nói riêng, phân môn học hát có vị trí quan trọng, giúp HS hiểu biết thêm về đời sống văn hóa xã hôi, về kién thức âm nhạc, về kỹ năng ca hát, đặc biệt là phát triển năng lực học tập các môn học trong chương trình lớp 5 và năng lực âm nhạc. Việc phân môn học hát góp phần hoàn thiện nhân cách rất quan trọng, là nền tảng cho các em phát triển và trưởng thành sau này. Âm nhạc góp phần giáo dục thẩm mỹ, giáo dục đạo đức cho học sinh và giúp cho các em được giải trí sau những giờ học căng thẳng, phát triển trí tuệ, phát triển thể chất, tự tin hơn trong giao tiếp, từ đó có thể vận dụng tham gia các hoạt động âm nhạc của cộng đồng, nâng cao hơn khả năng thưởng thức âm nhạc...

Trong xu hướng toàn cầu hóa, Đảng và Nhà nước ta chủ trương mở rộng quan hệ về mọi mặt với tất cả các nước trên thế giới. Giao lưu văn hoá, trong đó có giao lưu âm nhạc với các nước trên thế giới để tiếp thu tinh hoa là cần thiết. Song không vì thế mà hòa tan vào dòng âm nhạc thịnh hành của thế giới, mà phải gìn giữ được cái riêng, cái bản sắc độc đáo của nền âm nhạc dân tộc.

 Hiện nay, những sinh hoạt hát dân ca đã biến đổi rất nhiều. Một số sinh hoạt hát dân ca đã mất hẳn. Một bộ phận thiếu nhi nước ta, trong đó có thiếu nhi Trường Tiểu học Lê Văn Tám hiện nay không yêu thích hát dân ca, mà chỉ thích các bài hát nước ngoài. Nguy cơ nhiều sinh hoạt hát dân ca với học sinh lớp 5 ở Thanh hóa nói chung, Trường Tiểu học Lê Văn Tám nói riêng sẽ bị mai một là rất cao.

Là giáo viên dạy môn Âm nhạc ở Trường Tiểu học Lê Văn Tám, thành phố Thanh Hóa chúng tôi thấy các thầy, cô dạy phân môn học hát nói chung, hát dân ca nói riêng đã thực hiện quy trình dạy học, thời gian dạy học và kế hoạch dạy học đúng theo qui định. Tuy nhiên, còn một số hạn chế như việc tổ chức các hình thức lớp học chưa phong phú, phương pháp dạy học còn nặng về truyền thụ kỹ năng, chưa áp dụng các phương pháp dạy học hiện đại để học sinh có những hoạt động tự sáng tạo, khám phá, phát triển năng lực âm nhạc, năng lực ca hát.

Dạy học hát dân ca cho học sinh là một trong những phương tiện hiệu quả, phát triển khả năng cảm thụ những cái hay, cái đẹp của dân ca cho học sinh, từ đó các em có nhu cầu thưởng thức dân ca. Dạy hát dân ca bao gồm cả dạy kiến thức lý thuyết và kỹ năng thực hành.

Để góp phần nâng cao chất lượng dạy học hát dân ca cho học sinh lớp 5 của Nhà trường, tôi đề xuất một số biện pháp.  

1. Rèn luyện tư thế hát

Tư thế cơ thể nói chung và tư thế đầu nói riêng của học sinh đúng, sai có tác động nhiều tới việc học hát hay biểu diễn. Do đó, bài học đầu tiên trong dạy thực hành học hát cho học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Lê Văn Tám chúng tôi luyện cho học sinh về tư thế của cơ thể và tư thế đầu.

            Thực hành luyện tập tư thế ngồi hát và tư thế đứng hát

- Luyện tập tư thế ngồi hát

Giaó viên yêu cầu học sinh ngồi cùng nhau trong một bàn học phải cách nhau một khoảng cách vừa đủ, để hai khủy tay từng em khi đặt vuông với thành bụng ở hai bên dưới khung sương sườn, không chạm vào nhau. Sau đó khi luyện tập hơi thở thì hai tay vẫn để trong tư thế hai bàn tay đặt hai bên thành bụng, lưng thẳng, vai mở, ngực thẳng, đầu để thẳng tự nhiên, không cúi xuống, không ngẩng cao, mắt nhìn thẳng lên bảng. Khi học hát hai bàn tay đặt lên bàn để có thể gõ nhịp nhẹ nhàng trên bàn hoặc cầm nhạc cụ gõ thanh phách, hay song loan....

- Luyện tập tư thế đứng hát

GV yêu cầu HS đứng thẳng, hai bàn chân mở ra ngang bằng vai ở tư thế vững vàng, lưng thẳng, hai vai mở, ngực thẳng, đầu để thẳng tự nhiên, không cúi xuống, không ngẩng lên, mắt nhìn thẳng. Khi luyện hơi thở và khởi động giọng hai bàn tay đặt hai bên thành bụng, vuông góc thành bụng, khoảng cách giữa hai HS không để hai khủy tay sát nhau. Khi hát hai tay buông lỏng thoải mái, bàn tay có thể cầm nhạc cụ gõ. Trong thời gian dạy học hát ở tư thế đứng, GV cho phép HS nếu tư thế đứng trụ hai chân mỏi, có thể tự động chuyển trọng tâm từ hai chân sang một chân, để một chân được nghỉ, lúc chân phải làm trụ, lúc chân trái làm trụ.

Tư thế của cơ thể và của đầu khi hát phải biểu hiện sự tập trung toàn bộ cho tiếng hát, cho thể hiện tình cảm bài hát. Những yêu cầu về tư thế của cơ thể, tư thế của đầu khi hát như nêu trên là bắt buộc HS thực hiện.

Trong quá trình dạy học hát, GV luôn chú ý uốn nắn kịp thời những tư thế cơ thể, tư thế đầu, để HS luôn có tư thế vừa đúng, vừa thoải mái, tự nhiên trong giờ học hát.

2. Rèn luyện hơi thở

Rèn luyện hơi thở là rèn luyện kỹ năng đầu tiên trong rèn luyện các kỹ năng của nghệ thuật ca hát. Hơi thở sử dụng đúng sẽ giúp người hát thể hiện được tư tưởng, tình cảm bài hát và làm cho tiếng hát vang xa, bay xa, âm thanh chuẩn xác hơn, nhịp điệu chính xác hơn. Có nhiều kiểu hơi thở trong ca hát như thở ngực trên, thở ngực dưới kết và bụng, thở bụng... Với học sinh lớp 5 do thể lực, tâm sinh lý và cấu tạo bộ máy phát âm chưa hoàn thiện, nên chỉ rèn luyện hai kiểu thở là thở ngực trên và thở ngực dưới kết hợp thở bụng là phù hợp.

Luyện tập hơi thở ngực trên.

Giáo viên hướng dẫn học sinh hít hơi qua mũi và miệng vào đầy phần trên của phổi, lồng ngực nâng lên đầy đặn, chúm môi lại rồi thả hơi ra bằng cả đường mũi và mồm. Tập hít hơi, thả hơi diễn ra đều đều, không chậm, không nhanh. Lồng ngực chuyển động rõ ràng, dứt khoát, nâng lên khi hít hơi vào, hạ thấp xuống khi thả hơi ra.

Luyện tập hơi thở ngực dưới và bụng

Giáo viên hướng dẫn học sinh hít hơi qua mũi và miệng vào đầy phần phía dưới phổi, lồng ngực hơi nâng lên, thành bụng gần ngực hơi nở, chúm môi lại rồi thả hơi ra bằng cả đường mũi và mồm. Tập hít hơi, thả hơi đều đều không chậm rãi, không nhanh. Lồng ngực chuyển động nhẹ nhàng chỉ hơi nâng lên, hạ xuống, bụng nhỏ dần khi hít hơi vào thả hơi ra. 

3. Luyện phát âm

Dân ca các dân tộc Việt Nam rất đa dạng và phong phú, là một trong những di sản vô cùng quý giá trong kho tàng âm nhạc truyền thống. Dân ca được hình thành từ lao động sản xuất, từ sinh hoạt thường ngày, hay trong hội hè làng xã, trong nghi thức cầu cúng tín ngưỡng... Dân ca là một trong những di sản văn hóa phi vật thể biểu hiện đậm đà nhất bản sắc dân tộc. Dân ca thường được lưu truyền bằng cách truyền miệng (truyền khẩu), dị bản là đặc điểm tiêu biểu của dân ca. Để xác định được dân ca của một vùng, miền hay một địa phương ở nước ta, người ta căn cứ vào một số yếu tố có trong bài dân ca như: tiếng địa phương, những từ phụ, từ đệm… và những địa danh của vùng, miền, địa phương. Sự khác biệt nhất giữa dân ca các vùng miền ở nước ta một phần cốt lõi là cách phát âm, nhả chữ khi diễn xướng dân ca. Trong nghệ thuật ca hát truyền thống ở nước ta có cụm từ hát tròn vành, rõ chữ. Hát tròn vành rõ chữ là phát âm những từ, ngữ trong lời ca bài hát không bẹt, rõ nghĩa từng từ, từng ngữ.

Để dạy học hát rõ lời bài hát dân ca, chúng tôi rèn luyện học sinh hát các nguyên âm như sau:

Hát nhóm nguyên âm A (ắ, â), miệng mở rộng, hạ thấp cằm dưới xuống, miệng như hơi cười. Mặt lưỡi để phẳng tự nhiên, đầu lưỡi tiếp giáp nhẹ với răng hàm dưới; Hát nhóm nguyên âm E (ê) miệng mở hơi rộng, cằm dưới  hạ thấp vừa phải, môi hơi chúm lại, mặt lưỡi hơi uốn cong; Hát nhóm nguyên âm I (y), miệng mở ngang nhỏ, cằm dưới không hạ, môi hơi nhếch lên, mặt lưỡi thả lỏng, đầu lưỡi chạm vào răng hàm dưới; Hát nhóm nguyên âm Ô (o, ơ) miệng mở tròn, cằm dưới hạ, môi trên hơi thu lại. mặt lưỡi thả lỏng tự nhiên; Hát nhóm nguyên âm U (ư) miệng hơi mở, môi trên và môi dưới chúm lại, lưỡi để tự nhiên; Hát các nguyên âm ghép oa, oe, uy, uê thì o và u là bán nguyên âm, nên giữ vị trí phụ, hát chính là nguyên âm a, e (ê). Ví dụ khi hát từ đóa (hoa) thì nguyên âm o lướt qua, nguyên âm a kéo dài hơn; khi hát từ hoe (nắng hoe) thì hát nguyên âm o lướt qua, hát nguyên âm e kéo dài hơn; khi hát từ quê (hương) thì hát nguyên âm u lướt qua, kéo dài nguyên âm e (ê) hơn…

Khi dạy học sinh hát các từ ngữ có phụ âm ở đầu, nguyên âm ở đuôi thì phát âm phụ âm lướt qua, miệng mở, hát kéo dài nguyên âm; Khi dạy hát các từ, ngữ có phụ âm đầu từ, ngữ và phụ âm ở đuôi từ, ngữ thì hát phụ âm đầu lướt qua, miệng mở hát nguyên âm rồi đóng nhưng kéo dài ở âm ngậm. Ví dụ: hát từ ta, t lướt qua, miệng mở hát nguyên âm a kéo dài; hát từ đi, đ lướt qua, miệng mở hát từ ikéo dài…

Phát âm, nhả chữ có mối quan hệ mật thiết với việc sử dụng lưỡi, môi, hàm dưới…. Do đó cần hướng dẫn cho học sinh sử dụng lưỡi, môi, hàm dưới thật mềm mại, cử động tự nhiên. Trước khi dạy bài hát, giáo viên yêu cầu học sinh đọc rõ chữ, rõ lời và diễn cảm nội dung lời ca bài hát. Trong nhiều bài dân ca có những từ, ngữ ngày trước có dùng nhưng nay không dùng, giáo viên cần nghiên cứu giải nghĩa những từ này. Ví dụ trong bài Đi cấy dân ca Thanh Hóa có từ lệch (lệch cùng trăng) và từ bợm (cùng trăng), giáo viên cần giải nghĩa những từ này cho học sinh hiểu. Lệch tiếng cổ nghĩa là lịch. Bợm tiếng cổ là bạn...

4. Tích hợp phương pháp dạy học truyền thống và phương pháp dạy học hiện đại trong dạy học hát dân ca

Cùng với kế thừa các phương pháp dạy học hát truyền thống như trình bày tác phẩm; thực hành luyện tập, dạy hát theo kiểu móc xích...  chúng tôi tích hợp với một số phương pháp dạy học hiện đại như dạy học theo nhóm, dạy học nêu vấn đề - giải quyết vấn đề và ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học hát.

Về việc sử dụng phương pháp dạy học nêu vấn đề - giải quyết vấn đề, giáo viên cần chú ý: Câu hỏi nêu vấn đề phải từ thấp đến cao, từ cơ bản đến gợi mở sự sáng tạo, khám phá của học sinh; Nêu vấn đề từ biết - hiểu - vận dụng, có trọng tâm, gắn với nội dung, ngắn gọn, xúc tích khơi gợi kiến thức, kỹ năng; Giải quyết vấn đề cần có những vấn đề đối nghịch, để so sánh, phân tích. nêu những quan điểm khác nhau; nhận xét các vấn đề mang tính tổng kết bài học, nêu ý kiến tán thành hoặc không tán thành.

Sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học hát dân ca mang lại hiệu quả cao. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm và các trang thiết bị điện tử trong dạy học hát dân ca giúp học sinh huy động sự tham gia của nhiều giác quan, tạo điều kiện tốt nhất nhằm phát triển năng lực trí tuệ, năng lực quan sát, chú ý sáng tạo.

Dạy học hát dân ca do đặc thù nên sử dụng rất đa dạng các phương pháp và phương tiện dạy học, nhằm điều khiển hoạt động nhận thức của học sinh, giúp học sinh lĩnh hội được tri thức, kỹ năng. Quá trình dạy học hát dân ca diễn ra hào hứng, sinh động, linh hoạt.

Những biện pháp nêu trên chúng tôi đã ứng dụng dạy thực nghiệm cho học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Lê Văn Tám, thành phố Thanh Hóa, bước đầu thái độ học sinh rất vui vẻ, phấn khởi, tiếp thu nhanh hơn những giờ học trước. Qua thực nghiệm sư phạm đã cho thấy biện pháp dạy học hát dân ca chúng tôi đề xuất có tính khả thi.

 

                             TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1.  Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017), Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Bộ GD & ĐT, Hà Nội.
  2.  Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Hội nghị TW 8, khóa XI, Đảng Cộng sản Việt Nam.
  3.  Phạm Lê Hòa (Chủ nhiệm, 2009), Đề án Hỗ trợ đưa dân ca vào trường Trung học cơ sở. Dự án Giáo dục Trung học cơ sở II, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
  4.  Lê Văn Hồng, Lê Ngọc Lan, Nguyễn Văn Thắng (2012) Tâm  lí học lứa tuổi và tâm lí học sư phạm, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội.
  5.  Đặng Thành Hưng (2002), Dạy học hiện đại – lý luận – biện pháp – kỹ thuật, Nxb Đại học Quốc gia,
  6.  Hoàng Long - Hoàng Lân (2005), Phương pháp dạy học môn âm nhạc, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội.
  7. Phạm Phúc Minh (1994), Tìm hiểu dân ca Việt Nam, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
  8. Phạm Viết Vượng (2005), Lí luận giáo dục, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.