Sự kiện

THỔ CẨM DÂN TỘC THÁI Ở THANH HÓA CHỞ NÉT ĐẸP TINH TÚY VƯỢT THỜI GIAN.

15 Tháng Ba 2022

Học viên: Nguyễn Thị Kiều Thủy

Lớp:K8, Lý luận và PPDH bộ môn Mỹ thuật

Đất nước Việt Nam tươi đẹp, hình hài uốn khúc mềm mại, lại có dung mạo như một con rồng đạp mây nước bay lên. Từ rất lâu đời thổ cẩm là loại vải thủ công được các đồng bảo dân tộc thiểu số sản xuất và sử dụng. Mỗi loại thổ cẩm, mỗi loại hoa văn trang trí trên thổ cẩm lại chở những nét văn hóa đặc trưng đối với mỗi tộc người. Một trong những sản phẩm văn hóa đó thổ cẩm và hoa văn trang trí của đồng bào dân Thái ở Thanh Hóa.

  Người Thái tên tự gọi là Côn Tay, Cân Tay (Tãy/ Tay/ Tày/ Thay) tùy thuộc vào cách phát âm địa phương. Các nhóm, ngành lớn của người Thái tại Việt Nam bao gồm: Tay Khao / Tay Đón (Thái Trắng), Tay Đăm (Thái Đen), Tay Đèng (Thái Đỏ), Tay Mười, Tay Thanh (Man Thanh, Tay Nhại), Tay Dọ - (Hàng Tổng, Tày Mường)... Họ đã có mặt ở miền Tây Bắc Việt Nam trên 1200 năm, là hậu duệ những người Thái từ vùng đất thuộc tỉnh Vân Nam - Trung Quốc ( ngày nay) di cư xuống dọc dãy núi Himalaya, làm nên cộng đồng dân tộc Thái ở Tây Bắc, sau đó vào sâu tận miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An... và miền Nam như Gia lai, Đak lak... Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Thái ở Việt Nam có dân số 1.550.423 người, là dân tộc có dân số đứng thứ 3 tại Việt Nam, có mặt trên tất cả 63 tỉnh, thành phố. Tỉnh Thanh Hóa thuộc Bắc Trung Bộ và là một vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng của cả nước với nguồn tài nguyên phong phú từ rừng tới biển và đồng bằng. Con người sống trên mảnh đất xứ Thanh từ thời kỳ hồng hoang mở cõi đã quen với sóng gió và thú dữ, tồn tại cùng cuộc sống khắc nghiệt với thiên tai bão lũ quanh năm. Tô rèn thêm đức tính " Ăn sóng nói gió", khí chất thẳng thắng anh hùng và lòng khát khao hòa bình, phát triển. Nằm ở cực Bắc miền Trung Việt Nam với vĩ tuyến 19 độ 18' Bắc đến 20 độ 40' Bắc, kinh tuyến 104 độ 22' Đông đến 106 độ 05' Đông, tỉnh Thanh Hóa được thiên nhiên ưu đãi có bốn mùa rõ rệt trong năm. Có chủ yếu 7 đồng bào dân tộc sinh sống là dân tộc Kinh, Mường, Thái, Dao, Thổ, Khơ mú, H’Mông. Người Thái thường chọn các địa lí vùng cao, khí hậu ôn hòa để sinh sống.

Sản phẩm nổi tiếng của người Thái là vải thổ cẩm, với những hoa văn đặc sắc, màu sắc tươi thắm hài hoà, bền đẹp. Mấy chục năm gần đây, nam giới người Thái mặc Âu phục khá phổ biến, nhưng phụ nữ Thái vẫn gắn bó với bộ áo, váy, khăn cùng trang sức theo truyền thống dân tộc. Cũng như dân tộc Thái trên khắp miền đất nước nói chung, người Thái xứ Thanh quan niệm về thế giới theo nhãn quan của mình: Thế giới sự sống và thế giới cõi hư vô. Đồng thời người Thái quan niệm rằng: mọi vật hữu linh nên muôn vật, muôn loài đều có linh hồn (Mí khoăn), đều có chủ cai quản (Mí chảu). Tất cả đặt dưới sự cai quản chung của đấng tối cao là Then Luông (đấng siêu nhiên cao nhất ở Mường Trời). Sau Then là các thứ bậc của ma (Phi). Từ quan niệm như vậy, người Thái xứ Thanh luôn có những cuộc sinh hoạt tín ngưỡng với những hình thức và tập tục theo cách riêng của mình. Ở cộng đồng dân tộc Thái, ông Mo Thái là người đứng ra tổ chức các lễ nghi, lễ hội trong bản mường. đặc biệt các lễ hội Hết Chá (Lễ tạ ơn), lễ Kin Chiêng Boọc Mạy (Nhảy múa dưới hoa)… được ông Mo và con cháu tổ chức rất linh đình, nhằm tăng sự đoàn kết giữa các thôn bản anh em trong bộ tộc. Người Thái sống có lòng biết ơn sâu sắc, do vậy cách hành xử của họ luôn rất trịnh trọng và mến khách. Từ lâu người Thái đã có văn tự và chữ viết riêng. Thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, truyện thơ, ca dao… là những vốn quý báu của văn học cổ truyền người Thái. Những tác phẩm thơ ca nổi tiếng của đồng bào Thái Thanh Hóa có thể kể đến như “Xống chụ xôn xao” (khúc hát " Tiễn dặn người yêu"), “Khun Lú, Nàng Ủa" (Chàng Lú, nàng Ủa), truyền thuyết" Cây chu đá, Lá chu đồng", "Bông lau, Quả thiếc”... Đồng bào Thái có nghề trồng dâu nuôi tằm, trồng lanh và bông để phụ nữ dệt vải may trang phục, làm đồ gia dụng cho các thành viên trong gia đình. Cũng bởi công việc cần thiết này mà người Thái lấy đó là một tiêu chí đánh giá phẩm chất của một cô gái. Phụ nữ Thái từ 9 – 10 tuổi đã biết may vá thêu thùa thuần thục, lớn hơn chút nữa thì làm công việc dệt vải, học cách tạo hoa văn trên những tấm thổ cẩm khi dệt, làm nên giá trị nghệ thuật cho mỗi sản phẩm.

Thổ cẩm của người Thái là loại vải được dệt thủ công bằng chỉ sợi se từ sợi cây bông, cây lanh và gai có nhuộm màu, chủ yếu là do bàn tay người phụ nữ trong mỗi gia đình làm ra. Trên mỗi tấm vải thổ cẩm được tạo rất nhiều hoa văn trang trí nổi độc đáo bằng phương pháp dệt từ khung cửi. Là những tác phẩm nghệ thuật phản ánh thiên nhiên, đời sống văn hóa vật chất của con người, sự trường tồn của thiên nhiên, vũ trụ. Nếu như thổ cẩm người H’Mông bề mặt được dệt các kiểu hoa văn có hình chữ thập, chữ công và chữ đinh một cách liên tục và được chuyển biến linh động thì thổ cẩm của người Thái lại được dệt với nhiều sọc màu sắc khác nhau như đỏ, đen, tím, trắng, xanh lá cây, vàng... kèm theo các dãy hoạ tiết được bố trí đối xứng nhau. Ngoài ra, hoa văn trên vải thổ cẩm của người Thái còn thể hiện sự quan sát tinh tế các hiện tượng tự nhiên của vũ trụ như họa tiết mặt trời, mặt trăng. Truyền tải các câu truyện truyền thuyết, các giai sử đánh giặc ngoại sâm và cả những bài học kinh nghiệm về đời sống ví dụ như họa tiết hoa văn Tô chạng (người cưỡi voi) mô phỏng hình ảnh Hai Bà Trưng đánh quân Nam Hán, họa tiết Tô pẹt (con vịt, con vịt cõng con gà), họa tiết Tô ngược hung (con rồng, con rồng cụt đuôi, con rồng hai đầu) tượng trưng cho lòng biết ơn, đức tính hiếu thảo và cũng là biểu tượng của hạnh phúc... Có thể nói thổ cẩm là loại vải đứng đầu trong việc kết hợp đa màu sắc để tạo nên đặc trưng riêng cho vải. Bên cạnh nguồn gốc sợi vải tự sản tự tiêu từ sợi của cây bông, cây gai, lanh và dâu tằm thì những màu sắc dùng để nhuộm các sợi vải này cũng được đồng bào dân tộc Thái chế tác từ thiên nhiên. Kinh nghiệm dân gian truyền lại rằng: Để tạo ra được những gam màu tự nhiên, tươi tắn, bền đẹp cho từng sản phẩm thổ cẩm, người phụ nữ Thái phải tìm hái lá cà phê, cây cỏ mực, vỏ cây pháng đỏ, rễ xẹt, nghệ, lá mục vôi, lá hom, lá mượt, lá bàng, cắm phộng, gỗ mít, vỏ ốc suối nung vôi, bùn non ngâm lá cây... để làm màu nhuộm. Sau khi rửa sạch, các loại lá, rễ cây được cắt nhỏ cho vào nồi đun sôi vừa đủ thời gian để các loại lá, rễ cây ra màu. Tùy vào từng mẫu hoa văn, người nghệ nhân có từng cách thức pha chế, với tỷ lệ khác nhau để cho ra các màu sắc như đỏ tím, xanh rêu, màu vàng cam, xanh nõn chuối, xanh lá cây,... Tất cả các màu nhuộm đều bằng nguồn nguyên liệu tự nhiên có trong rừng như màu vàng da cam được chiết ra từ rễ xẹt, lá nhãn vôi ra màu xanh nõn chuối, màu nâu từ lá cà phê, màu đỏ từ cánh kiến, có nơi để tạo ra màu đen, người ta ngâm bùn non với lá chùm bầu trong thời gian vài ngày... Còn các màu khác phải pha trộn nhiều loại màu với nhau. Đây là bí quyết pha màu của mỗi nghệ nhân dân gian để có màu tự nhiên như ý. Màu có thể được nhuộm lên các loại chất liệu vải bông, lụa,... để tạo màu cho một tấm vải hoàn chỉnh, nhưng chủ yếu là nhuộm màu cho sợi. Người Thái quan sát thế giới thiên nhiên có màu sắc gì đẹp họ cố gắng tái hiện trong thổ cẩm màu ấy. Bên cạnh đó sự gắn bó với thiên nhiên trong đời sống khiến con người liên tưởng màu sắc với các sự vật hiện tượng của đất trời, tựa như cái nhìn phong thủy và có triết lý như màu xanh dương tượng trưng cho trời, màu đen cho đất, màu xanh lá cho cây, màu đỏ cho mặt trời và màu vàng cho mặt trăng... Cách đặt màu trên các dãy hoa văn thổ cẩm hoặc các đoạn dệt rất tươi thắm, hài hòa và theo một trật tự khoa học, nhịp nhàng. Nếu có lỗi sai người thợ sẽ tháo ra toàn bộ đoạn vải và dệt lại. Đồng thời những màu, những họa tiết đặt cạnh nhau cũng được con người tính toán và dệt thành bộ tổng thể rất công phu, tỉ mỉ. Nó liên quan đến việc đưa các con chỉ, nhớ số con chỉ và lượt chỉ màu để tạo hình một cách chính xác. Sở dĩ tấm thổ cẩm có sự bắt mắt và thu hút ngay đối với người xem là bởi những mảng màu của dãy họa tiết nổi bật nhờ các màu bổ túc rất tươi thắm, tất cả các màu sắc phong phú có khi đều được dệt trên tấm vải nhưng vẫn tạo được sự hài hòa, đôi khi có sử dụng màu tương phản bắt mắt, thu hút mọi ánh nhìn. Bên cạnh năng khiếu cảm thụ thẩm mĩ rất bẩm sinh thể hiện trên tác phẩm một cách điêu luyện, người dệt còn phải đảm bảo sự đều đẹp, chắc tay cho ra tấm vải có độ bền đẹp ổn định. Sau khi phơi khô để "bắt màu" là công đoạn se sợi. Bởi được nhuộm màu tự nhiên nên sợi sau khi se có màu sắc tươi tắn, không bị phai màu và điều quan trọng hơn đó là không ảnh hưởng sức khỏe, rất thân thiện với môi trường. Ngày nay, do sự phát triển và thông thương mạnh mẽ, người dệt đã biết kết hợp sợi chỉ màu, len màu công nghiệp để dệt thổ cẩm. Màu tự chế dần được thay thế bởi phẩm màu hóa học. Tuy vậy vẫn không làm mất đi vẻ đẹp và sự hấp dẫn vốn có bởi chính cách tạo hình hoa văn độc đáo của nghệ nhân dân gian trên từng tấm dệt và các thành phẩm khác.

          Văn hóa Tày – Thái là một trong nhiều nền văn hóa có lịch sử lâu đời ở khu vực Đông Nam Á. Trong những năm gần đây, việc nghiên cứu, phục hồi văn hóa truyền thống các dân tộc trong đó điển hình dân tộc Thái không chỉ là vấn đề đặt ra cho mỗi quốc gia, mà nó còn trở thành đề tài được nhiều lĩnh vực quan tâm. Một trong những giá trị văn hóa mang đặc trưng tộc người của cộng đồng Thái được quan tâm nghiên cứu đó chính là trang phục và hoa văn trang trí. Người Thái thường đưa hệ thống hoa văn phong phú vào việc dệt thổ cẩm, đan lát, may mặc hoặc trang trí kiến trúc, thông qua đó họ lưu truyền những câu chuyện lịch sử, truyền thuyết, dân gian và những bài học đạo đức, những kinh nghiệm sống để truyền đạt răn dạy con cháu. Qua kho tàng hoa văn sinh động được bồi tạo từ bao thế hệ của người Thái, một dân tộc chiếm vị trí đông thứ ba trong biểu đồ dân cư của nước ta nói lên một trình độ thẩm mĩ tốt, kỹ thuật lao động thủ công cao, đời sống tâm hồn phong phú, hài hòa cùng với thiên nhiên vạn vật, vừa mang tính khoa học vừa mang nét thẩm mĩ đặc sắc. Cuốn theo sự hối hả của vòng xoáy công nghệ, con người dần mai một và đánh mất đi những công việc thủ công, vô hình làm lu mờ đi một kho tàng giá trị truyền thống được cha ông bồi đắp từ lâu đời. Một trong những cách làm sống dậy nét đẹp truyền thống đó chính là việc nhân rộng tình yêu nghệ thuật cổ truyền, mở lối cho các thế hệ trẻ tìm hiểu và vận dụng nghệ thuật ấy một cách bài bản ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường bậc phổ thông. Chúng ta đều biết tầm quan trọng của trang trí đối với đời sống con người, trang trí có mặt ở tất cả các lĩnh vực như trong các ngành công nghiệp, kiến trúc, văn hóa, mĩ nghệ, thời trang... tác dụng và ảnh hưởng của trang trí rất lớn bởi sự đóng góp của nó trong việc tạo nên giá trị đời sống con người. Chúng ta biết, trong văn hóa nhân loại thì nghệ thuật là một bộ phận cấu thành. Ở mỗi quốc gia, nghệ thuật đều luôn đóng vai trò như vậy. Trong nghệ thuật có sự hiển hiện của Mĩ thuật, và hoa văn dân tộc chính là "một chiếc xương sống" cấu thành nên nghệ thuật truyền thống. Việc đưa hoa văn trang trí truyền thống của các dân tộc vào dạy học vẽ trang trí là một cách xây dựng trực quan dạy học hữu hiệu. Góp phần làm tăng hứng thú, động cơ học tập cho học sinh, nhất là được tìm hiểu về chính nguồn cội gần gũi là dân tộc thiểu số của các em lại càng tăng thêm ý nghĩa hơn nữa. Để từ hoạt động học đó, giáo viên bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, lòng tự tin tự hào về những nét đẹp tinh hoa văn hóa của dân tộc và ý thức trách nhiệm bảo tồn văn hóa của mỗi học sinh đối với sự xây dựng của cha ông.

Với chất liệu tự sản tự tiêu, thân thiện với môi trường cùng phương pháp dệt thủ công, phong cách làm việc công phu tận tụy, người phụ nữ Thái đã luôn khẳng định và minh chứng đức tính khéo léo cùng sự dịu dàng trong trẻo của mình. Hơn thế nữa, họ cũng như những tấm thổ cẩm độc đáo, âm thầm chở nét đẹp truyền thống của tộc người, gìn giữ và bền bỉ truyền tải nét văn hóa khoa học đó qua bao biến động thời gian… Không ngừng giao thoa, không ngừng cải tiến để phù hợp hơn với cuộc sống mà vẫn không làm mất đi vẻ đẹp truyền thống vốn có của hoa văn – điều đó làm nên “ nét đẹp tinh túy vượt thời gian” cho văn hóa dân tộc Thái.

 

Công việc yêu thích của các thế hệ phụ nữ dân tộc Thái

Dệt thổ cẩm là công việc yêu thích lúc rảnh của chị em phụ nữ

( Ảnh: Nguyễn Thủy )

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Vương Anh ( 2001) Tiếp cận hoa văn dân tộc Thái Thanh Hóa. NXB Văn hóa thông tin.

2. Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch ( 2019): Quyết định số 209/QĐ-  BVHTTDL,  ngày 23/2/2019 về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, Hà Nội.

3. Nguyễn Mạnh Cường (1998), Sổ tay về các dân tộc ở Việt Nam, Viện Dân tộc học, Nxb Văn học, Hà Nội

4. Đỗ Thị Hòa (2012), Trang phục các dân tộc người Thiểu số, nhóm ngôn ngữ Việt - Mường - Tày - Thái, Ka-đai 1,2, Nxb Dân tộc, Hà Nội