Nội san

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY HỌC MÔN PIANO PHỔ CẬP CHO HỌC VIÊN TRUNG CẤP THANH NHẠC, TRƯỜNG ĐHVH NGHỆ THUẬT QUÂN ĐỘI

24 Tháng Ba 2022

Nguyn Hà Thanh 

Hc viên K14 LL&PPDH Âm nhc

 

Môn piano tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội là một môn học bắt buộc đối với học viên chuyên ngành Thanh nhạc. Thông qua việc học piano, học viên có thể nắm rõ và phân tích được các bè trong các tác phẩm thanh nhạc, tự đệm hát các ca khúc một cách sơ giản. Tuy nhiên nhìn chung chất lượng đào tạo môn Piano phổ cập chưa hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu do chương trình piano phổ cập chưa phù hợp với đối tượng và mục tiêu đào tạo, chưa đảm bảo được tính khoa học, phương pháp giảng dạy còn khá cứng nhắc, không gắn liền với thực tế và đối tượng giảng dạy cụ thể. Vì vậy, để môn học đạt kết cả cao, cần có sự đổi mới mạnh mẽ về cả chất và lượng. Trong đó, việc nghiên cứu, cải tiến, đổi mới chương trình và phương pháp dạy học cho học viên chuyên ngành thanh nhạc là việc làm cần thiết không thể thiếu.

1. Vài nét về dạy học piano phổ cập cho học viên trung cấp thanh nhạc

Qua tìm hiểu tình hình thực tế về việc dạy học piano cho học viên trung cấp thanh nhạc tại trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, tác giả nhận thấy còn nhiều hạn chế, bất cập trong chương trình cũng như phương pháp giảng dạy.

Trước hết, nội dung chương trình học chưa hợp lý, tài liệu chưa phong phú, còn nặng về tính bài bản kĩ thuật chuyên nghiệp. Về phương pháp giảng dạy, hầu hết giảng viên piano của nhà trường đều được đào tạo theo ngành piano chuyên nghiệp, được học tập và nghiên cứu chuyên sâu về chuyên môn nhưng lại không được đào tạo các kĩ năng về sư phạm, do đó bị hạn chế về khả năng giảng dạy. Bên cạnh đó, do học piano xuyên suốt cả quá trình rất dài nên ít nhiều các giảng viên bị ảnh hưởng bởi lối dạy của các giảng viên của mình trước đó, có thể nói là lối dạy vô cùng khắt khe và bài bản, nên khi dạy piano phổ cập, một số giảng viên vẫn chỉ áp dụng một vài phương pháp nhất định, vẫn đi theo lối mòn.

Về phía học viên, khi thi đầu vào không đặt nặng vấn đề lý thuyết nên nhiều em bị rỗng kiến thức nền, đặc biệt là kĩ thuật đặt ngón tay và các kĩ thuật khác liên quan đến việc piano, điều này gây ra khó khăn nhất định cho các học viên khi tiếp cận môn piano, với chương trình học được cho là khá khó. Bên cạnh đó, tâm lý các em học viên chỉ coi piano là một môn phụ, nên xảy ra tình trạng đi học không đều, không chú tâm đến môn học.

2. Những biện pháp nâng cao chất lượng dạy học piano phổ cập

Với đối tượng cụ thể là học viên trung cấp ngành thanh nhạc, cần xác định  rõ ràng mục tiêu của môn học. Trước hết, dạy học môn piano phổ cập nhằm trang bị cho học viên những kiến thức âm nhạc cơ bản, kỹ thuật cơ bản khi chơi đàn piano. Để đạt được mục tiêu đề ra ở trên, cần có những biện pháp phù hợp. Cụ thể, tôi nhận thấy cần có các biện pháp sau.

2.1.Bổ sung và thay thế một số bài tập vào chương trình

2.1.1. Bài luyện hợp âm bậc I, IV, V theo các tiết nhịp

Việc học các hợp âm cơ bản hỗ trợ người học rất nhiều trong việc đặt hợp âm cho ca khúc và đệm hát một cách cơ bản nhất. Trong chương trình dạy piano phổ cập cho học viên thanh nhạc tôi nhận thấy việc học về các hợp âm cơ bản là rất thiết thực, nên sẽ bổ sung thêm các bài tập luyện hợp âm bậc I, IV, V theo tiết nhịp để giúp học viên được tiếp xúc và luyện tập nhiều hơn. Có thể dùng các bài tập trong cuốn “Học đệm piano cơ bản”, Song Minh, Nhà xuất bản Âm nhạc.

2.1.2. Bài tập đặt hợp âm cơ bản cho ca khúc

Đối với người học thanh nhạc, đặt hợp âm cơ bản cho ca khúc là một kỹ năng rất cần thiết, gắn liền với thực tiễn. Bởi vì không phải ca khúc nào cũng có phần hợp âm ghi sẵn, hoặc là có phần hợp âm ghi sẵn nhưng nếu người hát muốn hát ở giọng khác, lúc đó các em sẽ phải tự đặt phần hợp âm. Tuy nhiên do thời gian dạy học không nhiều nên chỉ giới thiệu khái quát những hợp âm cơ bản, hướng dẫn các thao tác cơ bản khi đặt hợp âm cho ca khúc và thực hành đệm cho những ca khúc thiếu nhi ngắn gọn, quen thuộc, sau đó sẽ áp dụng với một số bài chuyên ngành thanh nhạc thường dùng.

2.1.3. Bài tập etude

Đối với năm học thứ nhất, chỉ nên dùng các bài etude đơn giản, chỉ viết trên khóa Sol cho cả hai tay. Có thể dùng các bài etude C.Zerny op.599 số 13, 14, 18, 19…Sang năm học thứ 2, khi học viên đã được làm quen với khóa Fa, thì mới cho các em tập các bài etude viết ở cả khóa Sol cả khóa Fa. Có thể sử dụng các bài etude C.Zerny op.599 số 33, 34, 39, 61.Ngoài ra đối với những em có tay đàn tốt, có thể cho các em tập các bài etude có yêu cầu về mặt kĩ thuật cao hơn.

2.1.4. Bài tập phức điệu

Phức điệu có vai trò vô cùng quan trọng đối với nghệ thuật âm nhạc nói chung và đối với thanh nhạc nói riêng, giúp người học rèn luyện tính kiên trì, tỉ mỉ khi vỡ bài, bên cạnh đó giúp rèn luyện tai nghe và trí nhớ, tư duy âm nhạc về cả chiều ngang lẫn chiều dọc, qua đó thể hiện tác phẩm một cách tốt nhất. Tuy nhiên do học viên trung cấp thanh nhạc còn bị hạn chế về mặt kĩ thuật và thời lượng học nên tôi có đề xuất bổ sung phức điệu vào chương trình giảng dạy piano phổ cập nhưng chủ yếu mang tính giới thiệu nhiều hơn. Ở năm thứ nhất, chỉ yêu cầu học viên tập luyện các bài phức điệu chỉ viết trên khóa Sol, sang năm học thứ hai các bài tập sẽ được nâng cao. Thông qua đó các em sẽ có cơ hội hình thành tư duy phức điệu sớm, lấy đó là cơ sở để sau này có thể học nâng cao lên.

2.1.5. Bài tập thị tấu

Thị tấu là một kĩ năng rất quan trọng, giúp học viên có phản xạ nhanh khi đọc bản nhạc. Đối với đối tượng học viên trung cấp thanh nhạc, cũng sẽ có các bài tập thị tấu về nốt trên khóa Sol và khóa Fa, tuy nhiên ở mức độ cơ bản nhất, với các âm hình tiết tấu đơn giản như âm hình nốt đen, nốt trắng, trắng chấm dôi và móc đơn, móc kép. Ngoài ra để phục vụ tốt cho chuyên ngành thanh nhạc, cần bổ sung các bài tập thị tấu hợp âm. Việc làm này giúp ích rất nhiều trong việc tự đệm hát của các em sau này. 

2.1.6. Bài tập Hanon

Các bài tập Hanon giúp cho người học đạt được sự đồng đều, độc lập và cân bằng giữa các ngón tay khi chơi piano. Các kĩ thuật thường thấy trong bộ sách Hanon như luyện hợp âm rải, điệp nốt, các âm luyến láy, hoa mỹ. Mỗi bài tập có từng âm hình tiết tấu khác nhau, giúp học viên vừa đạt được hiệu quả về mặt kĩ thuật, vừa đạt được hiệu quả về mặt lý thuyết. Với đối tượng là học viên trung cấp thanh nhạc, chỉ dùng một số bài tập trong phần một, luyện tập trên các tiết tấu cơ bản như móc đơn, móc kép, móc giật, chùm ba theo kĩ thuật legato, staccato, rèn kỹ năng linh hoạt mềm dẻo cho ngón tay trong quá trình rải ngón, dãn ngón. 

2.2.Một số biện pháp dạy học tích cực

2.2.1. Phương pháp dạy học lấy học viên làm trung tâm

Mặc dù nắm vững chuyên môn, nhưng giảng viên cần có sự chọn lọc, không nên áp đặt. Quá trình dạy học phải đảm bảo thuận lợi và thống nhất giữa cách truyền đạt của người dạy và khả năng tiếp thu của học viên. Ngoài ra, giảng viên cần có những câu hỏi gợi mở, đưa ra các tình huống có vấn đề một cách khéo léo nhằm khơi gợi và phát huy tính sáng tạo ở người học, tạo ra sự tương tác cao trong việc dạy và học của cả thầy và trò, từ đó thu được thông tin ngược chiều từ phía học viên để điều chỉnh và hoàn thiện hơn công tác dạy và học.

2.2.2. Phương pháp trực quan sinh động

Trong quá trình dạy học, giảng viên phải có những phương pháp nhằm tạo hứng thú cho người học. Để thực hiện được điều đó, trước tiên giảng viên cần có sự liên hệ giữa dạy học với thực tiễn cuộc sống, với kinh nghiệm sống của học viên. Giảng viên có thể thông qua việc cho các em nghe băng đĩa hoặc xem qua máy tính  các chương trình liên quan đến môn học đó. Hoặc là tổ chức đi nghe hòa nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhà hát lớn Hà Nội…

2.2.3. Phương pháp dạy học theo nhóm

Với phương pháp này, từng cá nhân sẽ được liên kết với nhau thành một nhóm nhỏ, từ 3 - 5 học viên. Các thành viên trong nhóm sẽ cùng thực hiện một nội dung học tập trong khoảng thời gian giới hạn, mỗi nhóm tựhoàn thành các nhiệm vụ học tập trên cơ sở phân công và hợp tác làm việc. Đối với đối tượng là học viên trung cấp thanh nhạc, tôi nhận thấy cần chia nhóm theo tiêu chí là cứ mỗi nhóm sẽ có cả học viên có tay đàn tốt, có học viên nắm lý thuyết tốt, học viên đệm hát tốt, mỗi người giữ một nhiệm vụ. Như thế các em sẽ cùng nhautrao đổi thảo luận để đưa ra hiệu quả tốt nhất.

2.2.4. Phương pháp kiểm tra đánh giá

Kiểm tra, đánh giálà một phần không thể thiếu trong giáo dục và đào tạo.Để việc đánh giá hiệu quả, cần có những hình thức kiểm tra phù hợp và việc kiểm tra phải diễn ra thường xuyên hơn, thay vì chỉ kiểm tra cuối kì. Việc kiểm tra thường xuyên giúp kịp thời điều chỉnh hoạt động dạy học của giảng viên và học viên. Bên cạnh đó việc kiểm tra đánh giá thường xuyên cũng giúp học viên cố gắng tích cực làm việc một cách có hệ thống, tránh tình trạng đốt cháy giai đoạn, bị rỗng kiến thức.

3. Kết luận

Có thể nói rằng piano là một môn học có vai trò vô cùng quan trọng đối với ngành thanh nhạc, điều này đã được chứng minh và công nhận trong rất nhiều công trình nghiên cứu và học tập ở cả trong nước cũng như ở nước ngoài. Qua tìm hiểu tại trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, tôi đã quan sát, tìm hiểu và có sự nhìn nhận thực tế về thực trạng dạy và học môn piano phổ cập tại nhà trường, có những đánh giá thẳng thắn, khách quan. Từ đó đưa ra những giải pháp đảm bảo tính khoa học và đáp ứng được mục tiêu dạy và học đối với đối tượng học viên trung cấp thanh nhạc. Cụ thể:

Ban lãnh đạo Nhà trường cùng với lãnh đạo khoa Âm nhạc cần có sự thảo luận và đi đến thống nhất về tài liệu cũng như nội dung chương trình giảng dạy, đáp ứng mục tiêu của môn học rõ ràng. 

Giảng viên cần nghiên cứu kĩ về từng đối tượng học viên để nắm được tâm tư cũng như những thiếu sót của học viên, từ đó có sự bổ sung và sửa đổi kịp thời. Bên cạnh đó cần có sự đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, tăng cường quá trình kiểm tra đánh giá nhằm nâng cao chất lượng dạy học.

Học viên cần xác định rõ mục tiêu và nhiệm vụ trong học tập, có thái độ học tập nghiêm túc, rèn luyện tư cách phẩm chất tốt, cần có tinh thần ham học hỏi, mạnh dạn trao đổi những khó khăn trong quá trình học tập với giảng viên để tìm ra hướng giải quyết.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2001), Phương pháp dạy học Âm nhạc, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

2. Hà Mai Hương (2008), Nghiên cứu việc giảng dạy Piano phổ thông trong các trường Âm nhạc chuyên nghiệp, Luận văn Thạc sĩ Nghệ thuật, Nhạc viện Hà Nội, tp Hà Nội.

3. Hà Mai Hương (2016), Vai trò của piano trong nâng cao mặt bằng kiến thức chung của các cơ sở đào tạo Âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Âm nhạc học, Trung tâm thông tin và thư viện, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

4. Nguyễn Kỳ (1996), Mô hình dạy học tích cực - lấy người học làm trung tâm, Trường cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo, Hà Nội.

5. Song Minh (2020), Học đệm piano cơ bản phần 1,2,3, Nxb Dân Trí.

6. Nguyễn Bích Vân (2010), Rèn luyện bản lĩnh biểu diễn cho học sinh, sinh viên nhạc cụ cổ điển phương Tây, Luận án Tiến sĩ Nghệ thuật học, Học viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam.

7. Lê Nguyễn Trúc Vy (2019), Giảng dạy các tác phẩm phức điệu trong đào tạo piano tại trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân Đội, Luận văn thạc sĩ, Nhạc viện Hà Nội.