Nội san

NHỮNG GIÁ TRỊ CỦA VĂN HÓA QUAN HỌ TIÊN DU

04 Tháng Tư 2022

NUAE - Dân ca Quan họ Bắc Ninh - Lối hát giao duyên đặc sắc của trai gái vùng Kinh Bắc, một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian được hợp thành bởi nhiều yếu tố văn hóa và nghệ thuật. Ngày 30 tháng 9 năm 2009, Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là “Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Dân ca Quan họ là “đặc sản” tinh thần của người dân Bắc Ninh nói chung và người dân Tiên Du nói riêng. Từ đời này sang đời khác, từ thế hệ trước tới thế hệ sau, người Tiên Du luôn gắn kết với nhau trong tình làng nghĩa xóm, trong lao động cần cù, trong khát vọng yêu thương, vượt lên gian khó, thương người như thể thương thân, tứ hải giao tình, bốn biển một nhà như lời ca Quan họ. Dân ca Quan họ đã làm phong phú đời sống tinh thần, khắc sâu tình yêu thương giữa con người với con người, tình yêu quê hương đất nước, cổ vũ tinh thần lao động cũng như thể hiện mong muốn về cuộc sống hạnh phúc, ấm no. Do đó, nó là tài sản vô giá của người dân Tiên Du nói riêng và người Bắc Ninh nói chung, vì thế nó cần được gìn giữ và lưu truyền.

1. Khái quát về văn hóa Quan họ Tiên Du

Tiên Du là huyện nằm ở phía Tây Nam tỉnh Bắc Ninh, cách trung tâm tỉnh 5km về phía nam, cách thủ đô Hà Nội 25 km về phía Bắc. Đây là địa bàn cư trú lâu đời của cộng đồng người Việt, là huyện có bản sắc văn hóa đa dạng, với nhiều lễ hội văn hóa khác nhau, nhiều danh lam cổ tự.

Tỉnh Bắc Ninh có 44 làng Quan họ gốc thì Tiên Du chiếm 09 làng theo địa lý hành chính mới (trước đây có 12 làng) đó là: Duệ Đông, Lũng Giang, Lũng Sơn thuộc thị trấn Lim; Ngang Nội, Vân Khám thuộc xã Hiên vân; Bái Uyên (Bưởi), Hoài Thị (Bựu Sim), Hoài Trung (Bựu Giữa) thuộc xã Liên Bão; Hạ Giang thuộc xã Phú Lâm.

Đặc biệt huyện Tiên Du có một lễ hội rất nổi tiếng đó là Hội Lim. Đây là lễ hội lớn nhất Bắc Ninh được tổ chức quy mô hàng tổng. Vớihàng chục bọn Quan họ từ khắp vùng Kinh Bắc về hội tụ, tiếng hát Quan họ từ trong đình ra đến sân chùa, từ trên bến xuống dưới thuyền, từ trên đồi cho đến dưới cánh đồng, đâu đâu cũng vang vọng những câu ca Quan họ. Điều này đã làm nên một nét đặc sắc riêng của Hội Lim - hội Quan họ, một niềm tự hào của nhiều thế hệ người dân Việt Nam nói chung và người dân Tiên Du - Bắc Ninh nói riêng.

2. Những giá trị văn hóa Quan họ Tiên Du

Dân ca Quan họ mang đậm tính triết lý và giàu tính nhân văn. Dân ca Quan họ mang trong mình tính giáo dục con người về tình yêu quê hương đất nước, yêu thương con người, tình nghĩa thủy chung son sắt, lối sống trọn nghĩa vẹn tình, sự bình đẳng trong xã hội. Nghiên cứu dân ca Quan họ là góp phần tìm hiểu kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam, làm rõ nét đặc sắc, triết lý và ý nghĩa nhân văn của loại hình nghệ thuật truyền thống. Từ đó, góp phần vào công cuộc bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa, đạo đức của dân tộc Việt Nam.

2.1. Giá trị nhân văn

Người Kinh Bắc hát dân ca Quan họ, chơi Quan họ không những trong dịp lễ hội mà cả khi lao động, trong các đám cưới, mừng thọ, giỗ chạp... Mỗi khi lễ hội mùa xuân, các làn điệu dân ca Quan họ với những câu hát trữ tình làm say đắm lòng người Quan họ và khách thập phương. Quá trình hình thành lời ca, làn điệu dân ca Quan họ gắn liền với quá trình phát triển của đời sống xã hội nhằm nâng cao và tôn vinh các mối quan hệ cộng đồng trong giao lưu văn hóa. Cũng vì lẽ đó, sinh hoạt văn hóa thường gắn liền với sinh hoạt hội hè; gắn với đời sống tình cảm, tinh thần của người lao động biết hướng tới cái đẹp nhân văn.

Văn hóa Quan họ là một hình thái sinh hoạt văn hóa dân gian chứa đựng giá trị nhân văn, nhân ái sâu sắc. Những người Quan họ đến với nhau đều dựa trên cơ sở kết bạn với nhau, họ coi nhau như anh em trong một nhà. Họ thường xuyên quan tâm, chăm lo cho nhau trong cuộc sống, kể cả đời sống vật chất lẫn tinh thần, thăm viếng nhau mỗi khi bản thân hoặc gia đình mỗi thành viên bọn Quan họ có việc vui, việc buồn, thậm chí còn giúp đỡ nhau trong lao động, sản xuất, buôn bán. Vì thế mà người Quan họ rất coi trọng tình nghĩa. Từ đó hình thành nên đặc điểm văn hóa của người Bắc Ninh nói chung và người Tiên Du nói riêng.

Văn hóa Quan họ là “đặc sản” tinh thần của người Kinh Bắc. Một hình thái sinh hoạt văn hóa dân gian chứa đựng triết lý nhân văn sâu sắc, nhân ái cao cả. Từ đời này sang đời khác, từ thế hệ trước tới thế hệ sau, người Quan họ luôn gắn kết với nhau: trong họ ngoài làng, tắt lửa tối đèn có nhau, sống ở làng sang ở nước, thương người như thể thương thân, tứ hải giao tình, bốn biển một nhà như lời ca Quan họ. Văn hóa Quan họ đã làm phong phú đời sống tinh thần, khắc sâu tình yêu thương giữa con người với con người, tình nghĩa thủy chung son sắt, lối sống trọn nghĩa vẹn tình, cổ vũ tinh thần lao động cũng như thể hiện khát vọng về cuộc sống hạnh phúc, ấm no. Nó góp phần làm nên vẻ đẹp trong tâm hồn, trong lối sống, trong đời sống tinh thần của người dân Tiên Du nói riêng và người Bắc Ninh nói chung. Văn hóa Quan họ còn mang đậm triết lý của con người về cuộc sống, là tâm tư tình cảm, là ước mơ khát vọng, là lý tưởng sống của con người, là triết lý sống, triết lý về tình yêu... Văn hóa Quan họ còn mang tính nhân văn con người về tình yêu quê hương đất nước, yêu thương con người, thương yêu đồng loại, đồng bào, lối sống trọn nghĩa vẹn tình, sự bình đẳng trong xã hội.

Văn hóa Quan họ mạng đậm triết lý thể hiện quan niệm nhân sinh vị tha, nhân ái, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, đoàn kết, gắn bó bền chặt của con người Tiên Du. Sinh hoạt văn hóa Quan họ còn thể hiện phẩm chất, tính cách, đạo lý sống của con người Tiên Du: cần kiệm, tháo vát, năng động, sáng tạo và tài khéo trong làm ăn kinh tế, giao lưu buôn bán, sản xuất các mặt hàng thủ công, gia dụng và mỹ nghệ, làm các món ăn đặc sản có giá trị văn hóa và kinh tế cao, anh hùng quả cảm trong đấu tranh chống thiên tai địch họa, yêu mến, say mê và tài hoa trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Vì vậy, văn hóa Quan họ đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng trong văn hóa Tiên Du.

Người Quan họ vốn coi tính nhân văn trong chữ “Nghĩa” và chữ “Tình”. Mối liên kết này không chỉ thể hiện ở mối quan hệ chung thủy, khăng khít giữa những người trong cùng cộng đồng làng xã mà còn là quan hệ giữa các cộng đồng với nhau, dựa trên cơ sở tình yêu, tình gắn bó máu thịt với quê hương đất nước. Mối liên kết vừa bền chặt, vừa mở rộng tạo cho cộng đồng có sức mạnh đoàn kết to lớn, đồng thời thể hiện ý thức trách nhiệm cao của con người trước cộng đồng, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn.

2.2. Giá trị thẩm mỹ

Văn hóa Quan họ là một loại sinh hoạt văn hóa độc đáo riêng chỉ có ở người Tiên Du nói riêng và Bắc Ninh nói chung, nó đã đạt tới đỉnh cao của văn hóa, nghệ thuật:

“Cổ truyền Quan họ Bắc Ninh

Ai chơi Quan họ có tinh mới tường”

Quan họ có rất nhiều các hình thức hát, song quy tụ lại thì có bốn hình thức hát chủ yếu là: hát chúc - hát mừng, hát thờ, hát hội và hát canh. Cách hát truyền thống tùy hình thức có thể hát cả bọn song chủ yếu là hát đôi và hát không có nhạc đệm, tính thẩm mĩ cao trong ca hát chính là ở chỗ người hát không cần đến nhạc đệm vẫn hát hay và truyền cảm.

Mĩ học thể hiện trong văn hóa Quan họ thể hiện ở lời ăn tiếng nói và ngôn từ thể hiện mượt mà cho đến nét đẹp của những bộ trang phục, cùng với 54 dân tộc anh em nước ta mỗi dân tộc đều có trang phục của mình nhưng có lẽ độc đáo và nền nã nhất là trang phục của các liền anh, liền chị: các liền chị Quan họ trong trang phục áo mớ ba mớ bảy, tay cầm nón thúng quai thao, đầu chít khăn mỏ quạ tạo thành hình khuôn mặt búp sen, thắt lưng hoa lý hoa đào tung bay phấp phới; còn liền anh là áo dài năm thân với quần trắng ống rộng tay cầm ô lục soạn. Nét đẹp trong trang phục của người Quan họ thể hiện con mắt thẩm mĩ nhìn nhận về cái đẹp thật dịu dàng, nhẹ nhàng như bản tính thuần hậu của người Quan họ Bắc Ninh, mang chất nông dân với vẻ đẹp tượng trưng của người con đất Việt điển hình vùng Đồng bằng Bắc bộ.

2.3. Giá trị giáo dục

Qua sinh hoạt văn hóa và qua những làn điệu Quan họ ta thấy nói lên truyền thống đoàn kết (tục kết chạ) của nhân dân và đó chính là giá trị giáo dục dân tộc. Qua những làn điệu dân ca mượt mà, trong sáng về quê hương sẽ truyền được sức mạnh tinh thần, năng lực trí tuệ của nhân dân thành sức mạnh vật chất, để phát huy tối đa sức mạnh nội sinh của quê hương.

          Các làn điệu dân ca Quan họ đã thấm vào máu thịt từng con người Tiên Du, thông qua việc giáo dục đó, để mọi người nhận thức sâu sắc về giữ gìn truyền thống đoàn kết đó không phải chỉ một tổ chức hay cá nhân là được mà nó cần có sự góp sức của toàn xã hội. Giá trị giáo dục trong Quan họ không phải tự nhiên có mà đã là một quá trình rèn luyện lâu dài có hệ thống và chủ yếu nhất là phải thông qua hoạt động lao động của con người. Nếu không dựa trên lao động thì không thể phân biệt được rạch ròi các tiêu chuẩn về cái đẹp, cái xấu, cái hay cái dở, nhờ sự chọn lọc qua giáo dục thực tế lao động mà mỗi làn điệu dân ca thêm mượt mà, đi sâu vào lòng mỗi con người, nhờ nó mà tư tưởng tình cảm của con người ngày thêm phong phú và có cơ sở để xác định những gì là giá trị hay phản giá trị nhất trong văn hóa.

          Giá trị giáo dục của dân ca Quan họ là những bài ca được chắt lọc từ trong cuộc sống thực tiễn hàng ngày, được thêu dệt từ những ngôn từ đẹp đẽ nhất, nên có tác dụng giáo dục cho con người lòng nhân ái, lối sống trong sáng, phù hợp với hoàn cảnh của bản thân, của quê hương đất nước, từ đó cũng giáo dục trách nhiệm từng cá nhân với cộng đồng để trên cơ sở đó mỗi người dân trên quê hương Tiên Du đều có năng lực thẩm thấu những giá trị văn hóa của quê hương, và tự bảo vệ chống lại ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai.

2.4. Giá trị lịch sử

Hệ thống làn điệu Quan họ Bắc Ninh được hun đúc từ nghìn đời cùng với quá trình đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc chứa đựng nhiều giá trị lịch sử. Các làn điệu dân ca phong phú còn lưu truyền đến ngày nay là một kho báu cho học giới và xã hội nghiên cứu, thể hiện được tầm vóc lịch sử của di sản Quan họ Bắc Ninh trong đời sống văn hóa của người Tiên Du.

          Thứ nhất, những làn điệu Quan họ Bắc Ninh còn lưu giữ tại Tiên Du là minh chứng ghi lại quá trình lịch sử văn hóa của không chỉ người dân Tiên Du mà còn đại diện cho tầng lớp lao động Việt Nam. Nội dung, hình thức của từng làn điệu dân ca mang những giá trị lịch sử văn hóa to lớn, góp phần lưu giữ hình ảnh lịch sử của quê hương đất nước qua lời ca đằm thắm dịu dàng mà vẫn kiên cường bất khuất.

          Thứ hai, các thông tin, điểm văn hóa trong nội dung của các làn điệu Quan họ có giá trị thiết thực trong nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển văn hóa vùng Tiên Du nói riêng, Kinh Bắc nói chung. Qua những làn điệu dân ca thấy hiện hữu rõ nét những sinh hoạt văn hóa tinh thần, lao động của nhân dân vùng đồng bằng Bắc bộ xưa, những nét văn hóa đậm đà màu sắc lao động với tinh thần lạc quan luôn được thể hiện rõ trong từng lời hát.

3. Kết luận

          Trải qua những thăng trầm, tuy không gian văn hóa Quan họ không còn được như trước, nhưng giá trị lịch sử của văn hóa Quan họ vẫn luôn tồn tại trong dân gian bởi sự đóng góp của các nghệ nhân Quan họ cao tuổi, các nghệ sĩ trẻ tuổi đã tiếp bước cha ông bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Quan họ. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử trong văn hóa Quan họ là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Là một trong những cái nôi của Quan họ, mảnh đất Tiên Du lưu giữ nhiều đặc điểm và giá trị lịch sử của văn hóa Quan họ. Việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của văn hóa Quan họ cũng chính là bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa di sản của dân tộc. Từ xa xưa, người dân Tiên Du đã và đang chung tay gìn giữ loại hình nghệ thuật này. Trong xu hướng của thời đại và địa phương, Tiên Du ưu tiên phát triển du lịch và gắn liền với khai thác di sản văn hóa vùng miền. Khách du lịch tìm đến đây không chỉ tìm hiểu về địa lý, về thắng cảnh mà còn hiểu hơn về giá trị lịch sử văn hóa, con người nơi đây.

Tài liệu tham khảo:

  1.  Lê Danh Khiêm (chủ biên) Lê Thị Chung - Hoắc Công Huynh (2011),  Không gian Văn hóa Quan họ, do Trung tâm Văn hóa Bắc Ninh.
  2. Đăng Văn Lung, Hồng Thao, Trần Linh Quý (1978), Quan họ - nguồn gốc và quá trình phát triển, NXB Khoa học xã hội.
  3.  Trần Linh Quý, Hồng Thao (1997), Tìm hiểu dân ca Quan họ, NXB Văn hóa dân tộc.
  4. Trần Đình Luyện (chủ biên) (2003), Lễ hội Bắc Ninh. Sở Văn hóa – Thông tin Bắc Ninh.
  5. Văn hiến Kinh Bắc (1997), Sở Văn hóa - Thông tin Bắc Ninh.

    Học viên: Nguyễn Hữu Duy 

    Lớp: K11 Quản lý văn hóa