Sự kiện

VẬN DỤNG NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH TRONG TRANH CỦA GUSTAV KLIMT VÀO DẠY HỌC MĨ THUẬT TRONG TRƯỜNG TIỂU HỌC

29 Tháng Tư 2022

Tóm tắt:

Trong bối cảnh giáo dục thời kỳ mới việc giáo dục mĩ thuật rất cần đưa những tác phẩm mĩ thuật thế giới vào nhà trường phổ thông.Học sinh sẽ được tiếp cận, học hỏi những phong cách nghệ thuật phong phú đặc sắc từ các danh họa bậc thầy trên thế giới từ đó sẽ bồi đắp dần cho các em kiến thức đa dạng, phong phú về môn Mĩ thuật. Ngoài ra, các em còn phát huy được tinh thần học tập sáng tạo phù hợp với sự phát triển của xã hội cũng như tự hào về quê hương đất nước Việt Nam. Bài viết đặt vấn đề vận dụng nghệ thuật tạo hình trong tranh của Gustav Klimt vào dạy học Mĩ thuật trong trường tiểu học nhằm giúp học sinh được tìm hiểu một số tác phẩm cũng như phong cách nghệ thuật của họa sĩ Gustav Klimt. Từ đó, học sinh có thêm cái nhìn mới về nghệ thuật tạo hình cũng như tiếp cận với thành tựu Mĩ thuật trên thế giới thông qua các tác phẩm mĩ thuật nổi tiếng.

 

Họa sĩ Gustav Klimtđã để lại những giá trị nghệ thuật đặc sắc bởi cách tạo hình các nhân vật, cách thể hiện phong phú, bởi màu sắc đặc biệt bắt mắt, nghệ thuật tạo hình của ông khá phù hợp để ứng dụng vào giảng dạy Mĩ thuật tiểu học. Việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương pháp dạy học tích cực của giáo viên là yếu tố vô cùng quan trọng để đạt hiệu quả cao trong các tiết học.  Trên cơ sở đó các em có thể ứng dụng một cách tích cực và sáng tạo vào trong thực hành để tạo nên những tác phẩm mang âm hưởng riêng của mình.

Trong chương trình mĩ thuật tiểu học có nhiều đề tài phong phú và đa dạng như: Vẽ tranh phong cảnh, vẽ chân dung, vẽ trang trí, vẽ tranh theo đề tài... Tùy vào đặc điểm học sinh cũng như đặc điểm của từng vùng để giáo viên có thể vận dụng nghệ thuật tạo hình trong các tác phẩm phong cảnh của họa sĩ Gustav Klimtvào các bài vẽ trong chương trình Mĩ thuật tiểu học sao cho phù hợp. Theo nghiên cứu của tôi, tôi sẽ đưa ra một số hướng vận dụng vào các chủ đề cụ thể như sau:

-Vận dụng nghệ thuật tạo hình trong những tác phẩm phong cảnh của họa sĩ Gustav Klimtvào các bài vẽ phong cảnh trong chương trình Mĩ thuật tiểu học.Tranh thiên nhiên của họa sĩ GustavKlimt, đối tượng chính là cây cối, hoa lá với màu sắc tươi sáng, ngoài ra còn có một số tranh vẽ cảnh bên hồ Attersee rất thơ mộng. Nhắc đến các tác phẩm phong cảnh của ông ta không thể không nhắc tới những tác phẩm:Roses-under-the-trees-c-1905, Bauerngarten-1907, Farm Garden With Sunflowers-1913,... Để vận dụng hiệu quả nghệ thuật tạo hình trong các tác phẩm tranh của ông vào bài học cụ thể cho học sinh thì giáo viên cần đưa ra kế hoạch học tập khoa học, hợp lí, cần kết hợp linh hoạt, sáng tạo các phương pháp dạy học vào từng đối tượng học sinh. Có thể sử dụng phương pháp trò chơi tạo sự gần gũi cũng như cách tiếp cận bài vui tươi, sôi động tạo hứng thú cho học sinh, phương pháp trực quan – quan sát giúp học sinh tích lũy thêm vốn hình ảnh, phương pháp hưỡng dẫn thực hành…Với bài này giáo viên phải đua ra phân tích 2 lối thể hiện tranh của họa sĩ GustavKlimt đó là vẽ thiên nhiên phóng thoáng tự nhiên theo cách chấm, vảy màu, màu sắc trong tranh tươi sáng, bắt mắt. Với các tranh vẽ theo lối trang trí thì lại độc đáo khi vẽ cây uốn những hình xoắn ốc, hình tròn đặc trưng ở tác phẩm “cây đời” hay lối vẽ hoa đơn giản chỉ là những hình tròn to nhỏ khác nhau. Sau bài học giáo viên sẽ đánh giá tổng kết được sự tiếp thu, cách thể hiện bài, hiệu quả của vấn đề vận dụng vào bài học của học sinhđể rút kinh nghiệm điều chỉnh ở các tiết học sau.

 

Một số hoạt động và bài vẽ của học sinh

Trường tiểu học Hoàng Diệu- Gia Lộc-Hải Dương

-Vận dụng nghệ thuật tạo hình trong tranh chân dung của họa sĩ họa sĩ Gustav Klimtvào bàivẽ tranh: Đề tài tranh chân dung. Các phương pháp dạy học tích cực luôn được các giáo viên tìm tòi và áp dụng trong các tiết học mĩ thuật để học sinh nắm rõ và phát huy tính tích cực cả về lý thuyết và thực hành. Hình ảnh người phụ nữ trong các bức tranh của hoạ sĩ Gustav Klimt, có bức tranh mẹ ôm con thể hiện tình cảm của người mẹ đối với con, có những bức tranh vẽ người phụ nữ với vẻ đẹp kiêu sa, lại có những bức tranh được tạo hình bình dị. Có thể thấy đặc điểm chung trong các tác phẩm chân dung của ông chính là hình ảnh chân dung phụ nữ được bao quanh bởi rất nhiều họa tiết trang trí độc đáo với nhiều mảng họa tiết hoa văn cách điệu để thể hiện tính cách nhân vật. Các nhân vật được đặt trong tư thế và biểu cảm nét mặt khúc triết rõ ràng, biểu đạt được tình cảm của nhân vật. Phương pháp trực quan - quan sát trong bài vẽ chân dung giúp các em cảm thụ cái đẹp bằng mắt và có thói quen quan sát để làm giàu vốn biểu tượng kinh nghiệm sống thêm được phong phú và đa dạng. Với những vấn đề về hình ảnh người phụ nữ đơn giản và sát thực, các em nhận ra được sự giống và khác nhau về hình ảnh người phụ nữ nước ngoài và Việt Nam trên mọi lĩnh vực như tính cách, trang phục, hình dáng, kiểu tóc…. Từ đó giúp cho các em dễ dàng hơn trong việc thể hiện tác phẩm của mình. Qua bài học các em thên yêu quý người thân của mình và ý thức được là mình phải làm, nên làm những gì để người thân được hạnh phúc.

Nguyễn Thị Thúy Hạnh – Lớp 3B

Trường tiểu học Hoàng Diệu

 Gia Lộc-Hải Dương

Vũ Thị Diệu Linh – Lớp 3B

Trường tiểu học Hoàng Diệu

 Gia Lộc-Hải Dương

-Vận dụng nghệ thuật vẽ trang trí trong những tác phẩm của họa sĩ Gustav Klimtvào bài “Sáng tạo họa tiết, tạo dáng và trang trí”. Theo chương trình giáo dục phổ thông mới đối với môn mĩ thuật chú trọng đổi mới phương pháp, vận dụng đa dạng hình thức, không gian học tập, các chât liệu, vật liệu sưu tập, tái sử dụng trong thực hành sáng tạo. Bài học với mục tiêu giúp học sinh hiểu về họa tiết trang trí nói chung và họa tiết trang trí theo phong cách hội họa của Gustav Klimtnói riêng, vẽ được họa tiết theo ý thích, tạo dáng được đồ vật và sử dụng họa tiết để trang trí, phát huy trí tưởng tượng để phát triển sản phẩm,giới thiệu, nhận xét và nêu được cảm nhận về sản phẩm của mình, nhóm mình, nhóm bạn.Những họa tiết trang trí trong tranh của họa sĩ Gustav Klimtlà những họa tiết được lấy cảm hứng từ tự nhiên như cỏ, cây, hoa, lá... và nó còn chịu ảnh hưởng của nghệ thuật trang trí của: Nghệ thuật Ai Cập cổ đại, mỹ thuật cổ Trung Quốc, tranh khắc gỗ Nhật Bản... Cũng chính vì vậy mà hình ảnh trang trí trong tranh của ông mang tính biểu tượng và đặc sắc. Đồ vật xung quanh  chúng ta rất phong phú về kiểu dáng, họa tiết trang trí và màu sắc. Họa tiết và màu sắc sẽ làm tôn lên vẻ đẹp của đồ vật được trang trí.Khi tạo dáng đồ vật, cần lưu ý tới đặc điểm của đồ vật, họa tiết trang trí, màu sắc và tính năng sử dụng của đồ vật đó. Các sản phẩm không chỉ mang tính ứng dụng cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường vì vậy đây là một bài học hay và có nhiều ý nghĩa. Các em học sinh cũng có những cách tạo hình và áp dụng họa tiết trong trí trong các tác phẩm của họa sĩ Gustav Klimtmột cách khéo léo và hợp lý. Sau buổi học các em cũng tạo ra được những chiếc cốc giấy xinh xắn có thể để cắm bút hay chậu cây độc đáo có thể trang trí ở góc học tập,...

 

Một số hoạt động và bài vẽ của học sinh

Trường tiểu học Hoàng Diệu- Gia Lộc-Hải Dương

 

Kết luận

Việc vận dụng đưa những giá trị tạo hình và đánh giá những giá trị nghệ thuật, mà họa sĩ nổi tiếng thế giới đã để lại vào trong môi trường giảng dạy ngay từ cấp học tiểu học là rất bổ ích và thú vị. Họa sĩ Gustav Kilmt đã để lại những giá trị nghệ thuật đặc sắc bởi cách tạo hình các nhân vật, bởi phong cách thể hiện phong phú, bởi màu sắc đặc biệt bắt mắt. Nhìn vào tranh của ông tương đối cầu kì bởi các họa tiết trang trí, bởi lối vẽ điểm màu độc đáo. Đối với học sinh tiểu học, lứa tuổi này rất dễ thích nghi cũng như hứng thú với những cái mới lạ, thích tò mò, khám phá cái mới. Vì vậy khi đưa phong cách tạo hình của họa sĩ nước ngoài đan xen vào chương trình dạy học giúp học sinh hứng khởi, yêu thích môn học. Xem tranh họa sĩ Gustav Klimt giúp học sinh liên tưởng đến những đường nét, sắc màu rực rỡ trong sáng phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi. Qua đó các em chủ động sáng tạo kết nối kiến thức bồi đắp phẩm chất và năng lực mĩ thuật gắn bó tình yêu quê hương đất nước Việt Nam với bạn bè trên thế giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Thị Đông, Vương Trọng Đức, Nguyễn Minh Quang (2019), Tài liệu tìm hiểu chương trình môn mĩ thuật Trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Trường đại học sư phạm, Hà Nội.

2. Nguyễn Quốc Toản, Triệu Khắc Lễ, Nguyễn Lăng Bình (1998), Mỹ thuật và phương pháp dạy học mỹ thuật, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

3. Thái Duy Tuyên (2008), Phương pháp dạy học truyền thống và đổi mới, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

4. Lê Huy Văn, Trần Văn Bình, Lê Quốc Vũ (2019),  Lịch sử Design, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.

5. Eva di Stefano (2008), Gustav Klimt: Art Nouveau Visionary (Gustav Klimt: Tầm nhìn theo trường phái Tân nghệ thuật).

Nguyễn Hoàng Thu

K9 LL&PPDH bộ môn Mỹ thuật