Nội san

VAI TRÒ CỦA ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THỰC TẾ ẢO VIRTUAL REALITY (VR) TRONG SỰ PHÁT TRIỂN NGÀNH DU LỊCH

09 Tháng Năm 2022

Nguyễn Tuấn Hải

 Khoa Văn hóa Nghệ thuật, 

Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

 

Đối với sinh viên ngành Du lịch, việc ứng dụng học tập thực tế, thực hành là rất cần thiết. Các phương pháp học tập truyền thống hiện hành còn tồn tại nhiều thiếu sót đó chính là sự nhàm chán trong việc giảng dạy và lơ là trong cách tiếp thu của sinh viên do kiến thức quá khô khan. Phấn trắng,bảng đen từ lâu đã là những vật dụng quen thuộc trong dụng cụ học tập truyền thốngPhương pháp học tập truyền thống đó vẫn mang lại hiệu quả nhưng với lượng kiến thức ngày càng phức tạp về công nghệ kỹ thuật, thực hành thực tế đòi hỏi sự dịch chuyển xê dịch về không gian cũng cần phát triển phương pháp học tập vốn có của họ để bắt kịp với thời đại và đó chính là phương pháp học tậpbằng công nghệ thực tế ảo Virtual Reality.

Ứng dụng công nghệ thực tế ảo vào hoạt động du lịch đang dần trở thành xu hướng với tên gọi “Du lịch không xê dịch” trong cả học tập lẫn phát triển du lịch nói chung. Du lịch 4.0 - một dịch vụ cần thiết đối với ngành du lịch để hòa nhập với xu hướng chung của xã hội. Ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong du lịch là hướng đi tất yếu để bắt kịp sự phát triển của ngành này trong khu vực và trên thế giới. Để hoàn thiện bước tiến phát triển công nghệ theo xu hướng chung của sự phát triển cần có bước đệm hình thành phát triển từ cốt lõi trong đào tạo giáo dục ngay từ khi trên ghế nhà trường khi đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho thị trường.

Đối với việc học tập du lịch, việc số hóa không gian, địa điểm học tập thực tế của sinh viên du lịch giúp tiết kiệm chi phí, sức khỏe, thời gian,… đầu tư và trau dồi kiến thức cũng như nhiệt huyết truyền cảm hứng cho sinh viên thu hút học tập, tiếp cận ngành nghề qua mô phỏng một cách rõ ràng nhất. Đây cũng là một trong những lựa chọn sinh viên thúc đẩy tiếp cận và định hình ngành nghề ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.

Những phát triển kỹ thuật VR đã được ghi nhận từ những năm 1830, nhưng phải mãi đến khi ông Ivan Sutherland bắt đầu đưa ra mô tả về VR vào giữa năm 1960 thì những ý tưởng sớm nhất của nó mới được hình thành (Sutherland I. E., 1965). Trong suốt nhiều thập kỷ, đã có rất nhiều câu trả lời cho câu hỏi về định nghĩa của thực tế ảo; chẳng hạn, theo Funchs và Bishop (1992), VR là “đồ họa tương tác thời gian thực với các mô hình 3D, kết hợp với công nghệ hiển thị mang đến cho người dùng sự đắm chìm trong thế giới mô hình và thao tác trực tiếp”. Cruz-Neira cũng đưa ra một định nghĩa khác mô tả VR như một sản phẩm 3D của máy tính và công nghệ có thể tạo ra trải nghiệm chân thực liên quan đến các giác quan sinh lý khác nhau kết hợp với sự tương tác cho những người tham gia (1993). Không có bất kỳ nghi ngờ nào, chúng ta có thể thấy rằng Thực tế ảo là sự kết hợp giữa ảo và thực mà trước đây đề cập đến gần giống như thật. Từ thời điểm này, VR sẽ được coi là một phương tiện được tạo thành từ các thiết bị máy tính và điện tử, cung cấp một môi trường gần giống như thực tế để người dùng có thể cảm nhận bằng đầy đủ các giác quan (Michelle, 2020). Mặc dù có một số điểm khác biệt trong các định nghĩa này, nhưng có ba đặc điểm nổi bật nhất trong thiết kế VR: đắm chìm, tương tác và trí tưởng tượng, còn được gọi là “The three I’s” (Burdea & Coiffet, 2003). 

Khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) diễn ra, quá trình này đã bổ sung cho nhân loại nhiều công nghệ mới tân tiến, tác động tích cực đến các khía cạnh của kinh tế, xã hội. Riêng đối với ngành Du lịch, những xu hướng mới như du lịch thực tế ảo, du lịch thông minh cũng được biết đến với sự đóng góp chủ chốt của công nghệ. Các quốc gia phát triển mạnh mẽ về du lịch trong khu vực như Thái Lan, Singapore cũng đã ban hành nhiều chính sách trong việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào việc phát triển du lịch. Thực tế đã chứng minh được tính hiệu quả mà nó mang lại cho các dự án, các địa phương. Thu hút du khách tới các địa điểm du lịch, di tích thắng cảnh của các địa phương (Srifar, 2018). 

Công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality) – tương lai của ngành công nghiệp không khói là du lịch nhờ vào công nghệ VR, một khái niệm hoàn toàn mới đã được định hình đó là “Du lịch thực tế ảo”. Du lịch thực tế ảo ra đời dựa trên nền tảng công nghệ không gian 3D số hóa hiện đại, là một kết quả tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách trên khắp thế giới. Bước đầu của du lịch thực tế ảo đó chính là công việc số hóa không gian thực, thông qua những thiết bị chuyên dụng, chúng ta có thể scan tất cả các không gian từ khu du lịch, bảo tàng, khách sạn, resort, điểm vui chơi giải trí, … Với độ chính xác của tất cả các vật thể, môi trường thu thập được lên đến 100% so với không gian thực tế (sai số có thể là 1%).  

Sau khi thực hiện bước số hóa, dữ liệu thu thập sẽ được xử lý và đưa lên môi trường 3D thực tế ảo. Người du lịch từ khắp nơi trên thế giới từ đây có thể trải nghiệm không gian được số hóa, dữ liệu thu thập sẽ được xử lý và đưa lên môi trường 3D thực tế ảo. Người du lịch từ khắp nơi trên thế giới từ đây có thể trải nghiệm không gian được số hóa bằng thiết bị 3D sống động như kính VR, hoặc màn hình hiện thị 2D thông thường như trên điện thoại, máy tính, ipad… Thực tế ảo là cho phép trải nghiệm chìm đắm, thậm chí có thể đi lại, tương tác trực tiếp vào không gian đó sẽ phát huy tối đa sự hứng thú, tạo nên sự ấn tượng, thèm khát đến một địa điểm nào đó mà họ chưa có điều kiện đến hoặc đang trong quá trình tham khảo (Disztinger et al., 2017). 

Sự xuất hiện của dịch bệnh COVID – 19 đã thay đổi toàn bộ hành vi của phần lớn mọi người. Các ngành kinh doanh đang phải đối mặt với các nguy cơ suy thoái dòng vốn, không ít những công ty có thâm niên lâu đồi buộc phải chia tay thị trường kinh doanh bởi vì dịch bệnh này. Mọi người được khuyến cáo không nên đi du lịch và hạn chế tập trung nơi đông người, dẫn đến ngàng kinh doanh chiếm tỷ trọng đóng góp GDP cao là dịch vụ du lịch đang gặp vấn đề lớn. Lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam du lịch tăng lên hàng năm thì bỗng tụt dốc vì dãn cách xã hội do dịch bệnh gây ra trong năm 2020 (La et al., 2020). Vì lý do đó, đây là lúc mà khách hàng nước ngoài có thể sử dụng và trải nghiệm các địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam thông qua công nghệ thực tế ảo (Thuy, Nhan, et al., 2021). 

Mới đây, lần đầu tiên tour du lịch ảo khám phá Mộc Châu tại Tây Bắc đã được thực hiện, mang đến cho du khách những trải nghiệm như thật với những địa danh đã số hóa trong môi trường 3D như thác Dải Yếm, rừng thôn bản Áng… Hay tour thực tế ảo tham quan hang Sơn Đòong (Quảng Ninh) đưa du khách đi xuyên qua những hang động với hình ảnh 360 độ sắc nét và hệ thống âm thanh gắn liền với các cảnh quan. Sản phẩm này đã được trang báo nổi tiếng The Guardian (Anh) đánh giá nằm trong top 10 tour thực tế ảo đáng tham quan nhất thế giới qua màn ảnh (Nguyen, 2020). 

Vậy giữa du lịch thực tế và du lịch thực tế ảo có những điểm chung và điểm khác nhau nào? Liệu rằng du lịch thực tế ảo có thực sự thay thế được cho du lịch thực tế không? Thực tế cho thấy rằng, Du lịch thực tế ảo (Virtuak Tours) chính là “bản sao” hoàn hảo nhất cho du lịch thực tế (Travel Tours). Cả hai loại hình này đều đưa khách hàng đến không gian mà họ mong muốn một cách chân thực và sống động nhất, kích thích đầy đủ các giác quan của người tiêu dùng nhằm tối ưu hóa cảm xúc mà người sử dụng dịch vụ mong muốn nhận được. Bên cạnh đó, Du lịch ảo và du lịch còn đều là những dịch vụ nhằm mang đến sự giải trí cho khách hang (Thuy, Hoang, et al., 2021). Sau những ngày làm việc mệt mỏi, bận rộn với công việc, mỗi người có thể lựa chọn cho mình một phương thức khác nhau để giải tỏa những căng thẳng của cuộc sống (Linh, 2021). 

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích giống nhau mà nó mang lại thì còn một số khác biệt về thời gian, chi phí, …giữa du lịch thực tế và du lịch thực tế ảo. Trước tiên về mặt thời gian, nếu như du lịch thực tế khách hàng thường phải tiêu tốn thời gian để sắp xếp lịch trình một cách tỉ mỉ, lên lịch tham quan, tạm gác lại những công việc của bản thân trong một thời gian để tận hưởng được những khoảnh khắc thư giãn tại các địa điểm du lịch mà họ đến. Điều đó phần nào làm cản trở tâm lí của người tiêu dùng muốn đi du lịch vì nó tốn quá nhiều thời gian. Còn đối với du lịch thực tế ảo, người dùng có thể tận dụng những khoảng thời gian rảnh ngắn ngủi trong lịch trình làm việc của mình để tranh thủ thư giãn, giảm tối thiểu stress ở không gian sống động, chân thực mà khách hàng mong muốn (Anh, 2021). 

Thứ hai, là sự khác biệt về chi phí cho mỗi loại hình du lịch thực tế và thực tế ảo. Để tận hưởng một chuyến du lịch, khách hàng phải bỏ ra số tiền lên dến hàng triệu đồng thậm chí hàng trăm triệu đồng cho một địa điểm ưa thích. Nhưng với “tấm visa” công nhệ VR, người dùng có thể đặt chăn đến bất cứ nơi đâu họ muốn. Đặc biệt là không tốn quá nhiều chi phí cho mỗi lần trải nghiệm như vậy vì họ có thể ngồi tại căn phòng của gia đình mình để tận hưởng nó. 

Cuối cùng phải kể đến sự khác biệt về công sức mà khách hàng phải bỏ ra. Đối với du lịch thực tế, người tham gia phải bỏ ra nhiều công sức để tính toán các vấn đề xoay quanh chuyến du lịch như: Bị bệnh tim thì có thể leo núi không? Mức độ dịch bệnh ở nơi họ đang đến như nào… Thay vào đó với du lịch thực tế ảo không đòi hỏi quá nhiều công sức mà người tiêu dùng bỏ ra. Người dùng có thể ngồi tại nhà và sử dụng các thiết bị nền tảng VR là có thể tham quan bất kì nơi đâu mà không cần quan tâm đến các yếu tố bên ngoài như mưa, nắng, dịch bệnh… (Toandung, 2021). 

Điều mà làm nên sự thành công cũng như độ nổi của mô hình du lịch mới mẻ này chính là những ưu biệt của nó mang lại. Thứ nhất sử dụng công nghệ thực tế ảo trong ngành du lịch giúp tiết kiệm khá nhiều chi phí. Công nghệ thực tế ảo trong ngành du lịch là việc sử dụng thực tế ảo (Virtual Reality) để mô tả không gian giống hệt bên ngoài. Thực tế ảo vừa tác động nên thị giác thậm chí còn có thể tác động nên các giác quan như thính giác, xúc tác khiến trải nghiệm như thật mà không mất các khoản chi phí di chuyển. Số tiền giảm được có khi lên tới 90% so với chi phí thông thường.

Thứ hai là du lịch thực tế ảo mang lại trải nghiệm an toàn. Tất cả những lo lắng về sức khỏe, rủi ro, … đều có thể được giải quyết khi bạn sử dụng công nghệ thực tế ảo. Người dùng sẽ ở trong một không gian an toàn, ngắm nhìn cảnh vật nhờ công nghệ thực tế ảo (VR) mà không cần lo đến những rủi ro xảy ra. Nếu như bạn muốn đến tận nơi để có được những trải nghiệm du lịch cá nhân bạn cũng có thể chọn thực tế ảo để thử trải nghiệm trước khi đích thân tới đó. Sử dụng công nghệ thực tế ảo trong ngành du lịch bạn có thể chủ động quan sát mọi khung cảnh với kích thước và hình dáng, màu sắc thật 100% sẽ không có chuyện bạn phải thất vọng với nơi mình đến hay cảm thấy bị các chiêu trò pr lừa gạt (BBT, 2021). 

Chúng ta không thể phủ nhận rằng công nghệ hiện đại là một phát triển vượt bậc của xã hội mang lại những điều tốt đẹp cho con người. Tuy nhiên không phải lúc nào công nghệ hiện đại cũng tốt, du lịch thực tế ảo chỉ là biện pháp tạm thời nó không thể thay thế hoàn toàn được cho du lịch truyền thống, nếu con người chú trọng lựa chọn việc du lịch thực tế ảo thì những doanh nghiệp du lịch và những khu lưu trú du lịch sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, làm giảm doanh thu lẫn số lượng khách tham quan. 

Ngoài ra, việc sử dụng công nghệ thực tế ảo để đi du lịch trong một khoảng thời gian liên tục tác động không tốt đến sức khỏe con người, gây ra các chứng như: đau đầu, mắt mờ, buồn nôn, … Tuy nhiên, tác động đến sức khỏe con người của VR vẫn chưa thực sự được làm rõ, có những tác dụng phụ được cho là tạm thời nhưng tác động lâu dài thì chưa có nhiều nghiên cứu và hầu hết còn rất khan hiếm. Các công ty nghiên cứu và sản xuất thiết bị thực tế ảo cũng rất lưu tâm đến vấn đề này, họ thường đưa ra các cảnh báo cho người dùng để hạn chế gặp phải những rắc rối về tâm lý (CHITK, 2021). Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng về du lịch rất lớn. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID – 19 đã dập tắt mọi kì vọng về ngành. 

Việt Nam được biết đến là một đất nước có tiềm năng về du lịch là rất lớn. Tuy nhiên, mọi kỳ vọng về một ngành du lịch tăng trưởng vượt bậc của Việt Nam đã bị dập tắt bởi đại dịch COVID – 19 (La et al., 2020; Thuy, Nhan, et al., 2021). Vậy chúng ta cần làm gì để có thể duy trì phát triển tốt tiềm năng đó, khôi phục những thiệt hại khó khăn do đại dịch này gây ra? Ngành du lịch cần tăng cường quảng bá điểm đến du lịch an toàn, giới thiệu chương trình du lịch giá rẻ, thu hút khách nội địa và phát huy vai trò của chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Vì vây, việc ứng dụng công nghệ chuyên nghiệp như VR (Virtual Reality) được xem là vô cùng cấp thiết với ngành du lịch. Trong cuộc cạch mạng công nghệ 4.0 như hiện này, đặc biệt hơn là còn ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc đua phát triển mô hình du lịch thực tế ảo, cần dành sự nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ cho nó (Thuy, Nhan, et al., 2021). 

 Ngoài ra, du lịch Việt Nam cần việc phát triển song song du lịch thực tế ảo với du lịch thực tế bởi khả năng mở rộng phân khúc khách hàng. Tăng cường phát động các chương trình, hội thảo nhằm giới thiệu những nổi bật về mô hình du lịch thực tế ảo này mang lại trong mùa đại dịch dịch này đến được với các du khách nhiều hơn. Các doanh nghiệp du lịch cũng cần nỗ lực thay đổi hết mình, hợp tác với các công ty phát triển công nghệ hiện đại trong và nước ngoài để đi đầu ứng dụng, tạo lợi thế cạnh tranh trong cuộc đua công nghệ VR.  

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng, quản lý nhà nước về du lịch cần giữ vai trò là đầu tàu kết nối để tạo điều kiện, khuyến khích các đơn vị nhanh chóng số hóa dữ liệu các điểm đến, từ đó đồng bộ hóa để tìm hướng khai thác hiệu quả nguồn dữ liệu khổng lồ này với công nghệ VR. Thêm vào đó điều quan trọng là vai trò quảng bá văn hóa dân tộc (Q.-H. Vuong, 2021; Q.-H. Vuong et al., 2019; Q. H. Vuong et al., 2018), văn hóa môi trường (Khuc, 2021; Q. Vuong, 2020; Q. H. Vuong, 2021; Q. H. Vuong et al., 2021) cho người dân của hình thức du lịch này cần đặc biệt quan tâm và đẩy mạnh. Ðiều này đòi hỏi sự đầu tư về cả thời gian, nhân lực và vật lực, nhưng hứa hẹn sẽ tạo ra những cú huých mạnh mẽ để du lịch Việt Nam tăng tốc, bứt phá (Anh, 2021).

Những năm trở lại đây, ngành du lịch dần trở thành một trong những ngành kinh tế trọng điểm của Việt Nam. Đặc biệt, ngày 16/01/2017, lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW, xác định rõ “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác”. Đồng thời, Nghị quyết số 08-NQ/TW quán triệt rõ quan điểm “Phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch”. Du lịch Việt Nam đang bước sang một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên số. Việc chuyển mình thay đổi để hướng tới những mục tiêu mới trong tương lai là vô cùng cần thiết. Ứng dụng công nghệ số hay cụ thể hơn là ứng dụng công nghệ thực ảo vào trong công cuộc phát triển du lịch là vô cùng cần thiết. Công nghệ thực tế ảo có lẽ không còn quá xa lạ trên thế giới nhưng tại Việt Nam cụm từ này vẫn chưa được biết đến rộng rãi. Công nghệ thực tế ảo ngày nay được ứng dụng trong rất nhiều ngành nghề khác nhau nhưng tiềm năng của nó đem lại là vô cùng hứa hẹn đối với ngành du lịch và giáo dục. 

Năng động, nhiệt huyết, ham học hỏi và thích trải nghiệm những điều mới mẻ là những đặc điểm chung của hầu hết những sinh viên đang theo học ngành du lịch. Sinh viên ngành du lịch luôn luôn tràn đầy năng lượng, tích cực tham gia các hoạt động của trường lớp, xã hội, đam mê những chuyến đi, thích khám phá những vùng đất mới. Sinh viên ngành du lịch là nguồn nhân lực chất lượng chất lượng cao trong tương lai, song việc đào tạo và phát triển năng lực của sinh viên còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Một trong những vấn đề còn tồn đọng ảnh hưởng trực tiếp tới tốc độ đào tạo nguồn nhân lực đó là thực hành thực tế. Vì còn đang ngồi trên ghế nhà trường nên việc tiếp cận được với những chuyến đi trải nghiệm thực tế là vô cùng khó khăn. Có vô vàn những lý do để những sinh viên ngành du lịch khó có thể đi thực tế như: thiếu kinh phí, không có thời gian, không có đủ hành trang kiến thức, không có phương tiện… Vì vậy ứng dụng công nghệ thực tế ảo vào trong hoạt động học tập của sinh viên ngành du lịch là vô cùng thiết yếu, đặc biệt là trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp. Công nghệ thực tế ảo mang một vai trò quan trọng đối với sinh viên ngành du lịch, giúp sinh viên có thể trải nghiệm những chuyến đi thực tế một cách chân thực nhất ngay tại nhà, trường lớp. Giảm thiểu những chi phí đắt đỏ của một chuyến đi thực tế, giúp sinh viên có cái nhìn tổng quan hơn về những địa điểm du lịch và quan trọng nhất công nghệ thực tế ảo dễ dàng tiếp cận được với nhiều đối tượng sinh viên. 

Công nghệ thì luôn luôn thu hút giới trẻ, việc đem một công cụ có sức hút vào trong môi trường sư phạm sẽ khiến cho sinh viên có động lực và niềm yêu thích hơn trong học tập. Công nghệ thực tế ảo là chìa khóa giúp du lịch Việt Nam đi nhanh và xa hơn nữa, công nghệ thực tế ảo cũng là “cứu tinh” của sinh viên ngành du lịch trên cả nước trong thời kỳ đại dịch và cả sau này. Sự phát triển của thế giới và công nghệ luôn đi song hành nhau, đến khi đó công nghệ thực tế ảo đối với sinh viên ngành du lịch sẽ trở thành một điều tất yếu và vai trò của công nghệ thực tế ảo đối với sự phát triển của du lịch Việt Nam là không thể bàn cãi.

Hiện nay, nhà trường đã tuyển sinh và đào tạo được 2 khóa hệ đại học chính quy ngành Du lịch. Trên những đặc điểm chung đặc thù của sinh viên, các em đều được xét tuyển vào trường từ học sinh phổ thông từ nhiều vùng miền khác nhau: thành phố, nông thôn, vùng sâu, vùng xa... Đa số khi đến với Du lịch tại Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, sinh viên có hai yếu tố đặc điểm chính: đam mê du lịch và có thiên hướng nghệ thuật. Bởi vậy, đặc điểm sinh viên theo học ngành bộc lộ những năng khiếu nghệ thuật rõ rệt như: đàn ca, hát múa, sân khấu, điện ảnh... những kỹ năng này bổ trợ trong phát triển ngành nghề tương lai như hoạt náo trong du lịch, MC tổ chức sự kiện du lịch, quản lý du lịch... Sinh viên theo học ngành Du lịch là những bạn trẻ năng động, đam mê “dịch chuyển” nên việc học tập cần có sự thực hành, thực tế cao kết hợp với đặc điểm tâm lý du lịch của SV. Bởi vậy, TLDH cần thiết kế và phù hợp.

Tuy nhiên, trước tình hình khả năng kinh tế, thời gian học hạn hẹp, không gian học tập phục vụ cho đặc thù của sinh viên Du lịch mang tính “dịch chuyển” rất khó đáp ứng. Bởi vậy, sinh viên ngành Du lịch học thực tế, thực hành tìm hiểu về Du lịch thế giới và Việt Nam cần lựa chọn giải pháp học tập phù hợp. Kéo dài suốt 2 năm, tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp càng làm cho, thực tế, thực hành đối với sinh viên Du lịch càng gặp trở ngại, khó khăn nhất định.

Ứng dụng trong một số học phần: Địa lý du lịch, Tổ chức hướng dẫn du lịch 1,2... là một trong những học phần tương đối đặc thù với sinh viên ngành Du lịch, học phần mang tính áp dụng thực tế cao cho hoạt động ngành nghề sau này. Vì vậy khi tổ chức thực nghiệm giảng dạy, sinh viên có sự quan tâm, hào hứng và tư duy, phản biện tích cực, mạnh dạn tìm tòi các vấn đề văn hóa, du lịch, hướng dẫn du lịch... trên thế giới và Việt Nam. Sinh viên thực hành, thực tế trong học phần, có chuyến đi thực tế khám phá văn hóa, du lịch các vùng miền để hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa, du lịch địa điểm đối với sự phát triển du lịch. Đồng thời, sinh viên ứng dụng công nghệ số vào việc học tập học phần qua các dạng bài tập ví dụ như thiết kế, sử dụng hình ảnh tư liệu sáng tạo video clip trong nội dung học phần.

Công nghệ thực tế ảo là một phương pháp giáo dục đào tạo tiềm năng đã và đang được ứng dụng ở nhiều nơi với nhiều ngành học cụ thể, đặc biệt trong du lịch. Việc áp dụng công nghệ thực tế ảo vào học tập sẽ mở ra một thời đại mới của công nghệ và phát triển du lịch.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Grigore B., Coiffet, P., (1993). La réalité virtuelle, NXB HERMES Science Publications.
  2. Grigore B., Coiffet, P., (1994). Virtual reality technology, NXB John Wiley & Sons.
  3. Vince, L., (1995). Virtual Reality Systems, NXB First Printing.
  4. Kalawsky, R. S., (1993). The science of virtual reality and virtual environments, NXB Addison- Wesley.Minh Hạnh (2018). Công nghệ thực tế ảo và xu hướng phát triển tại Việt Nam, https://laodong.vn/so-tay-kinh-te/cong-nghe-thuc-te-ao-va-xu-huong-phat-trien-tai-viet- nam-586167.ldo, truy cập ngày 9/5/2020.
  5. Minh Tâm (2018). Tìm hiểu về thực tế ảo và những ứng dụng tuyệt vời trong cuộc sống, https://duhocinec.com/tim-hieu-ve-thuc-te-ao-va-nhung-ung-dung-tuyet-voi-trong-cuoc- song, ngày truy cập 9/5/2020.
  6. Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn (2019). SIU đưa công nghệ thực tế ảo, in 3D vào giảng đường, http://www.siu.edu.vn/vi-VN/tin-tuc-su-kien/siu-dua-cong-nghe-thuc-te-ao-in-3d- vao-giang-duong/325/16980 , ngày truy cập 9/5/2020.
  7. Trọng Đạt (2020). Trải nghiệm học online bằng công nghệ thực tế ảo https://vietnamnet.vn/vn/cong-nghe/ung-dung/trai-nghiem-hoc-online-bang-cong-nghe- thuc-te-ao-633736.html , ngày truy cập 9/5/2020.
  8. Nguyễn Duy Chiến (2019). Merge Cube - Ứng dụng công nghệ tương tác thực tế ảo AR trong giáo dục, https://toanhocbactrungnam.vn/cong-nghe-day-hoc/merge-cube-ung-dung- cong-nghe-tuong-tac-thuc-te-ao-ar-trong-giao-duc-269.html, truy cập 11/5/2020.
  9. Toan Dung (2018). Ứng dụng thực tế ảo, thực tế tăng cường VR, AR trong giáo dục http://toandungmedia.vn/ung-dung-thuc-te-ao-thuc-te-tang-cuong-vr-ar-trong-giao-duc/, ngày truy cập 12/5/2020.
  10. Kanzaki Nguyen (2015). “Tổng Quan Về Thực Tại Ảo - Virtual Reality”,

https://www.stdio.vn/articles/tong-quan-ve-thuc-tai-ao-virtual-reality-236