Nội san

CHỮ LA TINH TRONG DẠY HỌC THIẾT KẾ LOGO TẠI TRƯỜNG CAO ĐẲNG THỰC HÀNH FPT

25 Tháng Năm 2022

Lưu Thị Hiền

Học viên K8 LL và PP dạy học bộ môn Mĩ thuật

 Chữ la tinh mang đặc điểm văn hóa, thẩm mỹ và kỹ thuật công nghệ nhằm mục đích truyền thông nâng cao chất lượng dân trí. Đã từ lâu, việc lấy các ký tự chữ (hoặc các chữ) được các nhà thiết kế sáng tạo, cách điệu và đưa vào thiết kế đồ họa rất nhiều. Các tổ chức, cơ quan, ngành nghề, doanh nghiệp khi xây dựng thương hiệu đã lấy chữ là chủ thể chính cấu thành thiết kế sản phẩm đồ họa của mình. Trong quá trình nghiên cứu và sáng tạo, việc khai thác các yếu tố tạo hình của chữ la tinh trong thiết kế logo là hết sức quan trọng đối với những họa sĩ thiết kế và sinh viên đang học thiết kế đồ họa. Hiểu rõ bản chất và đặc trưng cơ bản về ngôn ngữ biểu đạt của chữ la tinh cũng như phân tích những đặc điểm của tư duy sáng tạo và phương pháp thiết kế, hình thành nhận thức những vấn đề cơ bản trong sáng tạo logo khi dùng chữ cái la tinh. Xác định vị trí và vai trò quan trọng trong chương trình đào tạo, với phương châm đào tạo trong thời kỳ hội nhập mới.

1. Khái quát chung về chữ cái Latinh

1.1.  Nguồn gốc của chữ viết

Ngay từ buổi đầu cuộc sống xã hội, lời nói là công cụ giao tiếp quan trọng nhất của loài người. Phải đến thiên niên kỷ IV (thời kỳ đồ Đồng) trước Công nguyên (Tr.CN), chữ viết mới xuất hiện. Lưỡng Hà là nơi có chữ viết sớm nhất, đó là chữ viết dạng hình nêm của người Xu-me (Sumer). Ban đầu chỉ có những ký hiệu ghi hình, chữ viết hình nêm bắt đầu thể hiện âm tiết ở nhóm ngôn ngữ Xu-me vùng Lưỡng Hà. Cuối cùng, chữ viết hình nêm trở thành hệ thống chữ viết phổ biến ghi lại ký hiệu ghi hình, âm tiết và con số. Nhờ có chữ viết mà loài người đã tiến vào một nền văn minh với một tốc độ phi thường như ngày nay.

Hình 1- Sử thi Gilgamesh

1.2. Quá trình hình thành chữ Latinh

Chữ cái Latinh có nguồn gốc xa xôi từ hệ chữ cái của các dân tộc Xê-mít-tơ-xưa. Nhóm dân tộc này gồm người Át-xy-ri, Ba-bi-lô-nơ, Ê-bơ-rơ, Phê-ni-xi, A-ra-mê-en, cùng một thổ ngữ ở phương Bắc của xứ Ca-na-an, (hiện nay là nước Pa-lét-xti-nơ). Chữ cái nét trơn của người Phê-ni-xi được phổ biến qua Hy lạp. Dấu tích ở trên các bản khắc, các đồng tiền vào khoảng 700- 800 năm Tr.CN và trên các di tích lịch sử khác vào các thế kỷ VI,V, IV,III Tr.CN, có khi khắc chìm, có khi đắp nổi. Chữ cái Hy Lạp khi đã hình thành lại xâm nhập sang Ý.

Hình 2- Giải mã bảng chữ cái của người Maya.

Cùng với sự bành trướng của Đế quốc La Mã, bảng chữ cái la tinh phổ biến khắp Tây, BắcTrung Âu, chỉ có ĐôngNam Âu vẫn tiếp tục sử dụng bảng chữ cái Cyril. Ở giai đoạn sau, cùng với quá trình thực dân hóa của các quốc gia châu Âu, bảng chữ cái la tinh bắt đầu xuất hiện trên khắp thế giới, từ châu Mỹ, châu Đại Dương, châu Phi và một phần châu Á và nhiều từ trong các ngôn ngữ hiện đại ngày nay như tiếng Anh đều dựa trên La tinh.

1.3. Đặc điểm chữ Latinh

Chữ là một biểu hiện bằng đồ họa của tư tưởng nên cấu trúc chữ, nghệ thuật sáng tạo và việc sử dụng chữ đều chịu ảnh hưởng của phong cách nghệ thuật đang thịnh hành thuộc giai đoạn lịch sử tư tưởng đó. Nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật tạo dáng chữ thường có sự tương đồng với nhau về mặt hình thức. Ví dụ hình thức cột trụ, dáng nhà, khung cửa, mặt nhà, cách sắp xếp trang trí… Mỗi thời kỳ lịch sử có hình thức kiến trúc riêng, cũng có kiểu chữ riêng mang tinh thần cốt cách của khuynh hướng nghệ thuật lúc đó.

2. Chữ La tinh trong dạy học thiết kế logo tại trường Cao đẳng Thực hành FPT

2.1. Hình thành ý tưởng sáng tạo logo bằng chữ Latinh

Tất cả những hình thức truyền thông đó đều góp phần tạo dựng ấn tượng riêng cho một thương. Thực tế cũng giống như giọng nói của con người, mỗi một kiểu dáng chữ đều thể hiện một “âm điệu” riêng và có thể chuyển tải một tính cách nhất định. Nếu giọng điệu thay đổi liên tục thì khó có thể thể hiện được sự chân thành

Các bước sáng tạo chữ la tinh trong logo, giai đoạn tìm tòi là thời điểm tâm lý đầy hưng phấn, nảy sinh ra nhiều suy tưởng phong phú. Rèn luyện “Văn hóa thị giác” là ý thức luôn thường trực, cần tránh những kí hiệu hoặc hình ảnh phản cảm gây tác dụng xấu về các mặt tâm lý, thị hiếu, phong tục, tập quán xã hội

Thành công của thiết kế là đã chọn được kiểu chữ thích hợp, tính đồng điệu để tạo hiệu ứng cộng hưởng là một điển hình cho tính dễ nhớ của tạo hình. Tính chắt lọc, tạo hình tinh giản và màu sắc phù hợp. Logo có thể trở thành tài sản vô giá đối với bất kỳ công ty hay một biểu tượng quốc gia. Cấu trúc của các nét, mảng cùng các hình tượng sắp xếp phải tinh tế, cẩn thận, biểu đạt chuẩn xác, sinh động. Phong phú, không rườm rà, nội dung thiết thực nhưng vẫn tạo sự khác biệt hình ảnh để không bị nhầm lẫn với đối thủ cạnh tranh.

2.2. Vận dụng chữ La tinh trong bài dạy sáng tác logo bằng cấu trúc nét, mảng

 Sự kết hợp giữa mảng và nét tạo lên không gian đa chiều khác nhau, gợi lên các trạng thái cảm giác uyển chuyển, gấp khúc, rời rạc hay chặt chẽ. Cân bằng thị giác được tạo ra nhờ việc sắp xếp các hình thể mà mắt thường nhìn thấy được trên bề mặt của diện tích bố cục một cách hài hòa, hợp lý và ổn định; phải khái quát được diện tích đó, dù to hay nhỏ, như một tổng thể. Cũng vì thế, sự cân bằng thị giác còn được nhìn nhận như là sự cân bằng về trọng lượng.

Sau khi đã đạt được sự cân bằng về thị giác thì sức căng của bố cục cũng là vấn đề cần phải chú ý. Số lượng và chất lượng của hình và nền, với tỷ lệ to nhỏ, tương quan sáng tối, có ảnh hưởng rất lớn với vùng trống xung quanh và tạo sức căng cho toàn bộ kích thước logo. Sắp đặt hình thể trong logo sao cho bản thân chúng có mối tương quan mật thiết và hài hòa từ trung tâm đến các khu vực xung quanh. Đặc biệt lưu ý đến độ nhấn và khoảng trống đó là đối trọng. Giữa đầy và vơi, có ý nghĩa quyết định của một bố cục.

Việc sắp xếp, tổ chức các mảng, hình, khối, độ đậm nhạt, đường nét… có một ý nghĩa vô cùng quan trọng để nhấn mạnh trọng tâm và ý đồ thể hiện của tác giả với nội dung logo cần truyền đạt. Sắp xếp các mảng chính phụ hài hòa là việc làm đầu tiên của nhà thiết kế.

Trước khi sắp xếp, tổ chức các mảng lên mặt phẳng logo, thông thường nhà thiết kế phải xác định mình vẽ trên khung hình loại gì, hình chữ nhật đứng hay nằm ngang, hình vuông hay hình tròn… Bên cạnh đó, nhà thiết kế cũng cần phải xác định mình sẽ vẽ logo theo thể loại thấu thị gì để có phương án bố cục mảng cho hợp lý. Khi tổ chức sắp xếp mảng, rất cần chú ý đến các yếu tố sau: là yếu tố cân đối, yếu tố tương phản, nói cách khác là sự đối lập.

Sự liên tục trong tranh là cần thiết, đây là cầu nối cho các mảng, các độ đậm nhạt, về đường nét, điểm trong logo tạo nên sự liên kết vững chắc cho cấu trúc của mảng, tạo nên nhịp điệu của các mảng, sự vận động của khí trong thiết kế.

 Sự thay đổi về tỷ lệ giữa các mảng, về hướng, về nét cứng, mềm, về tính chất tĩnh, động của các mảng sẽ tạo nên nhịp điệu. Sự phân bố về đậm nhạt, về tổ chức sắp xếp đường nét, điểm trong các mảng một cách hợp lý sẽ tạo nên cấu trúc mảng vững chắc và có những nhịp điệu trong hệ thống các mảng trong mặt phẳng logo. Cho nên việc sắp xếp, tổ chức các mảng nhỏ trong mảng chính cùng với bố trí đậm nhạt trong mảng chính và các mảng phụ cùng khoảng trống sẽ tạo nên tính nhịp điệu cho logo.

Trong bố cục, yếu tố chính phụ luôn song hành với nhau. Trong sáng tạo logo, những khoảng trống và cấu trúc của khoảng trống hết sức đa dạng. Cấu trúc của các mảng cùng các hình tượng được đưa vào trong logo cần đơn giản và tinh luyện.

2.3. Vận dụng chữ Latinh trong bài dạy sáng tác logo cấu trúc bằng chữ cái

Cấu trúc bằng một chữ cái để sáng tạo logo chỉ ra các thành phần được sắp xếp như thế nào trong logo; nói cách khác, dùng một chữ cái la tinh để tìm bố cục xảy ra theo các nguyên lý thẩm mỹ như là sự cân xứng, tỷ lệ, tính đồng nhất, cân bằng, và nhịp điệu. Nhà thiết kế có thể chọn để bố cục một logo trừu tượng phẳng hoặc có thể tạo nên không gian 3 chiều. Bố cục xác định cách nhà thiết kế muốn người xem “đọc” logo như thế nào. Có đôi lúc bố cục nhấn mạnh những yếu tố quan trọng nhất bằng cách đặt chữ cái lên trước và chính giữa hoặc lên một tỷ lệ lớn hơn.

Vì chỉ có một chữ cái thay thế cho một từ nên dạng thiết kế biểu trưng này mang tính tinh khiết, tính ký hiệu cao, song nó đòi hỏi chữ cái phải mang tính khái quát nổi trội cao, phân biệt rõ ràng với các chữ cùng loại. Nếu không được như vậy logo sẽ chỉ là một chữ tầm thường, không có sức hấp dẫn của riêng mình.

 

       

Hình 3: Logo với cấu trúc chữ cái

Logo của công ty sản xuất linh kiện cơ khí chính xác Merich, ngắt một đoạn chân của chữ M ra và làm thành một hình tròn, để nói lên tính bộ phận linh kiện trong một chỉnh thể, nhờ vậy mà gây cho người xem một cảm nhận rất ý vị.

Logo của công ty sản xuất đồ gỗ Jordan biến hình đuôi chữ J thành chiếc đĩa cưa - Một công ty phổ biến trong sản xuất đồ mộc - khiến cho mọi người nhận ra ngay đặc điểm của chủng loại thiết bị. Tổng công ty xăng dầu Petrolimex sử dụng chữ P cách điệu, như chiếc thùng phuy và giọt dầu để tượng trưng cho đơn vị mình.

Các hãng sản xuất thiết bị điện tử và quang học thường sử dụng kỹ thuật biến dạng các nguyên tố tạo hình, như biến dạng các điểm, các đường, các diện để có được hiệu quả ảo rung, từ đó gợi lên được nhận thức về dao động điện từ, về bức xạ ánh sáng… Logo của hãng Minota là một trong những ví dụ đẹp về loại này. Logo của công ty phát triển môi trường là những mảng hình học được sắp đặt ngang dọc theo một trật tự chặt chẽ, tạo cảm nhận về sự bố trí cảnh quan không gian. Logo của một tập đoàn công ty quốc tế khai thác tiềm năng về năng lượng là một hình tròn xoắn ốc, bao quanh những điểm xung động, vừa như nước cuốn, vừa như dầu mỏ đang tràn, vừa như những ánh lửa đang lan tỏa…, không miêu tả cụ thể nhưng gợi nhiều cảm xúc, ý niệm về sự tiềm ẩn lớn lao của các nguồn năng lượng trên trái đất.

 

Hình 4: Bài vận dụng chữ la tinh trong sáng tác logo bằng chữ cái của sinh viên

 

2.4. Vận dụng chữ La tinh trong bài dạy sáng tác logo cấu trúc bằng chữ cái kết hợp hình tượng

Vận dụng chữ la tinh để sáng tạo logo có kết hợp chữ cái với các hình tượng tự nhiên. Đứng trước đối tượng chủ đề logo cần sáng tạo, chữ cái la tinh với hình tượng (vật hoặc người) có mối tương quan về hình khối, đường nét, đậm nhạt, xa gần, màu sắc, chất cảm rất phức tạp, dễ làm cho người xem rối mắt, lúng túng. Vậy làm sao nhận dạng, phát hiện, nắm bắt một cách thuận lợi, nhanh nhạy, yếu tố trên theo quy luật thẩm mỹ, để rồi thể hiện chúng lên mặt giấy?

Nghiên cứu và sáng tạo logo là công việc chuyển thể hình vẽ, hình ảnh tồn tại trong không gian, ở dạng khối, nghĩa là nghiên cứu, khám phá khối nổi nhưng lại được biểu hiện nó trên mặt phẳng của vật liệu giấy. Do vậy yếu tố “nhịp điệu” phải được nhận thức, quan tâm khai thác có được sự đồng điệu để nắm bắt, khai thác tối đa yếu tố “nhịp điệu” được biểu hiện toàn diện ở phạm vi logo.

 

Hình 3: Bài vận dụng chữ la tinh trong cấu trúc chữ cái kết hợp hình tượng của sinh viên

KẾT LUẬN

Nghệ thuật chữ la tinh trong thiết kế logo là một trong nhiều nội dung căn bản của bộ môn Thiết kế Đồ họa, Trường Cao đẳng FPT nhằm đổi mới, hoàn thiện cách tiếp cận cho sinh viên tự nghiên cứu trong quá trình học tập và sáng tác. Trong bối cảnh toàn cầu hoá hôm nay nói chung và xu thế đổi mới một cách toàn diện trong giáo dục đại học nói riêng, việc xây dựng chương trình giáo dục nghệ thuật chữ cho khoa học, phù hợp với những yêu cầu của xã hội là một vấn đề lớn mà mỗi đơn vị giáo dục, mỗi giảng viên của FPT cần phải làm. Đứng trước nhiều cơ hội và nhiều thách thức, việc xác định chính xác mục tiêu và phương pháp đào tạo là điều mà tất cả các cơ sở đào tạo nói chung và đào tạo đại học nói riêng cần phải đặt ra nếu muốn tồn tại. Xu thế chung trong bối cảnh kinh tế phát triển và hội nhập, dạy cái gì và dạy như thế nào để đáp ứng nhu cầu xã hội. Đó cũng chính là những yêu cầu, đòi hỏi các đơn vị giáo dục phải xây dựng cho mình một hướng đào tạo lấy người học làm trung tâm để đổi mới các hoạt động dạy - học trong nhà trường hôm nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Tuấn Anh (2003), Đồ họa ứng dụng, Nxb ĐHQG TP. Hồ Chí Minh.
  2. Gia Bảo (2011), Thiết kế tạo hình, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.
  3. Nguyễn Viết Châu (1970), Chữ nét trơn, Nxb Mỹ thuật - Âm nhạc.
  4.  Nguyễn Viết Châu (1974), Chữ có nét chân, Nxb Văn hóa Hà Nội.
  5. Minh Hoàng, Châu Ngọc (2006), Đồ họa máy tính, Nxb Ngọc Trâm, Hà Nội.
  6. Huỳnh Văn Mười - Uyên Huy (2009), Màu sắc và phương pháp sử dụng, Nxb Lao động - Xã hội.
  7.  Huỳnh Văn Mười - Uyên Huy (2018), Nghệ thuật thị giác những vấn đề cơ bản, Nxb Mỹ thuật.
  8.  Phan Trọng Ngọ (2005), Dạy học và phương pháp dạy học trong nhà trường, Nxb Đại học Sư phạm.
  9. Nguyễn Quân (2004), Ngôn ngữ của hình và màu sắc, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
  10. Bùi Quang Tiến (2008), Tín hiệu hình ảnh trong lĩnh vực thiết kế chữ -Mỹ thuật Thời nay - nxb Mỹ thuật TP HCM