Nội san

Vận dụng phương pháp trò chơi trong dạy học mĩ thuật tại trường trung học cơ sở Thanh Thùy, Thanh Oai, Hà Nội

25 Tháng Năm 2022

Vận dụng phương pháp trò chơi trong dạy học mĩ thuật tại trường trung học cơ sở Thanh Thùy, Thanh Oai, Hà Nội

Nguyễn  Đức Cương

Học viên K8 LL và PP dạy học bộ môn Mĩ thuật

Hiện nay ngành giáo dục vẫn đang tiếp tục tiến hành cải cách, đổi mới v căn bản, toàn diện các mặt giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu của đất nước trong thời kỳ hội nhập toàn cầu. Đổi mới phương pháp dạy học Mĩ thuật, đổi mới cách thức dạy học hiện nay là một yêu cầu cấp thiết, khiến đội ngũ giáo viên phải có sự tiếp cận vận dụng các phương pháp dạy học tích cực nhằm đáp ứng chất lượng dạy và học.

Tại các trường THCS tại Hà Nội, việc sử dụng trò chơi trong dạy học môn Mĩ thuật không những là một cách thức triển khai hiệu quả kiến thức của bài học mà còn đem lại cho lớp học không khí vui tươi toải mái, tạo cho học sinh có nhiều cảm xúc học tập tích cực. Trường Trung học cơ sở Thanh Thủy, Thanh oai, Hà Nội đã vận dụng một số trò chơi trong dạy học mĩ thuật.

1. Trò chơi: Ai là Ai

            Để thực hiện trò chơi này, GV yêu cầu học sinh đứng xếp thành từng cặp, sau đó giáo viên sẽ phát cho mỗi cặp một tờ giấy note (màu tùy thích). Học sinh viết lên tờ giấy note một từ, một sô hoặc một nhân vật hay sự kiện có liên quan đến bài học. Tờ giấy note được dán lên trán của người đối diện. Học sinh đó phải đoán xem nhân vật hoặc sự kiện đó là gì?

            Trò chơi này phù hợp với phần củng cố nội dung các bài học trong phân môn Thường thức Mĩ thuật.

Ví dụ: Mĩ Thuật Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XIX đến năm 1954 (củng cố phần tìm hiểu về tác giả)

Các cặp có thể chọn các nội dung sau: 1892 – 1984; 1906 – 1954; 1912 – 1977; 1919 – 2002

Lý giải về các cặp số như sau:

1892 – 1984: Năm sinh năm mất của hoạ sĩ Nguyễn Phan Chánh.

1906 – 1954: Năm sinh năm mất của hoạ sĩ Tô Ngọc Vân.

1912 – 1977: Năm sinh năm mất của hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung.

1919 – 2002: Năm sinh năm mất của hoạ sĩ Diệp Minh Châu.

2. Trò chơi: Điền vào sơ đồ trống

            Đây là trò chơi mà giáo viên cần chuẩn bị trước những ô trống để học sinh tự phát hiện nội dung, với trò chơi này GV có thể dễ dàng áp dụng với nhiều bài học liên quan đến các loại hình nghệ thuật đặc biệt có nhiều ở phân môn Thường thức Mĩ thuật.

Ví dụ: Điền vào sơ đồ trống về các loại hình Mĩ thuật thời Lê? (Bài 5 lớp 8) Phần 1: Tìm hiểu Chùa Keo.

(1) … là một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam được (2) … hầu như còn nguyên vẹn kiến trúc (3) … năm tuổi. Tổng diện tích kiến trúc chùa Keo rộng khoảng (4) …, gồm nhiều ngôi nhà làm thành những cụm (5) khác nhau. Hiện nay, toàn bộ kiến trúc chùa còn lại (6) … công trình, gồm (7) … gian xây dựng. (8) … chùa Keo là một kiến trúc đẹp, cao (9) …, có (10) … tầng mái. Bộ khung gác chuông làm bằng (11) … liên kết với nhau bằng mộng, nâng (12) mái ngói nhẹ nhàng.

Đáp án: 1- Chùa Keo; 2 - bảo tồn; 3 - 400; 4 - 58.000m2; 5 - kiến trúc; 6 - 17; 7 - 128; 8 - Gác chuông; 9 - 11,04m; 10 - 3; 11 - gỗ; 12 – 12

3. Trò chơi: Ai nhớ tên các hoạ sỹ, các tác phẩm nhiều nhất

            Đối với trò chơi này GV sử dụng nhiều nhất trong phân môn thường thức Mĩ thuật nhằm củng cố kiến thức, đồng thời giúp học sinh vừa học vừa chơi, ghi nhớ kiến thức đã học và đặc biệt tạo cảm giác thật thoải mái cho học sinh.

* Chuẩn bị:   

- Đối với giáo viên:

Hệ thống các câu hỏi, đáp án, đồng thời có đồng hồ đếm ngược.

- Học sinh:

Bảng ghi (hoặc tập giấy nháp trắng), phấn hoặc bút ghi…

* Tổ chức:

     Giáo viên giới thiệu trò chơi, thông báo cách thức, quy định, thể lệ và phổ biến luật chơi.

Trò chơi có ít nhất 10 câu hỏi (hoặc nhiều hơn, tuỳ thuộc vào thời gian tổ chức) mức độ khó từ thấp đến cao.

Học sinh ngồi độc lập và không nhìn đáp án của nhau

Cử học sinh giám sát về các bạn chơi và tính thời gian

Học sinh nào trả lời đúng thì có quyền chơi tiếp, ai trả lời sai bị loại khỏi cuộc chơi, cứ như vậy cho đến lúc HS trả lời câu hỏi cuối cùng (hoặc câu thứ 10) thì đó sẽ là người chiến thắng (nếu được giáo viên nên có thưởng để động viên khích lệ HS)

* Tiến hành

GV là người tổ chức trò chơi, sau khi đọc câu hỏi xong, học sinh có thời gian nhất định để viết vào giấy (hoặc bảng), đến khi có tín hiệu hết giờ thì tất cả các em đưa bảng lên, nếu em nào đưa chậm cũng đồng nghĩa với việc trả lời sai. Cứ như vậy cho đến người còn lại sau cùng thì sẽ chiến thắng

4. Trò chơi: Tìm ô chữ bí mật

            Với trò chơi: tìm ô chữ bí mật, giáo viên cần chuẩn bị hệ thống kiên thức theo chủ đề của mỗi bài học và chia theo ô trống. Học sinh tìm các từ đúng theo gợi ý.

            Đối với trò chơi này có thể áp dụng vào phần khởi động hoặc củng cố bài học và mang lại hiệu quả cao.

Trò chơi này có 2 dạng khác nhau:

* Dạng 1: Tìm chìa khoá

* Dạng 2: Ô chữ có nhiều hàng dọc và có từ chìa khoá bí mật (mô phỏng trò chơi đường lên đỉnh Olimpia)

Trò chơi này áp dụng cho phần củng cố bài học. Giúp học sinh nắm bắt được một số công trình kiến trúc tiêu biểu của thời Nguyễn và một số sự kiện lịch sử.

Giáo viên có 2 cách thực hiện trò chơi này, một là ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình dạy học, hai là chuẩn bị ô chữ có điền sẵn 9 ô vẽ trên tờ A0) như sơ đồ minh hoạ ở phần đáp án, sử dụng giấy che từng ô chữ lại.

HS: Nắm vững kiến thức bài học và trả lời.

            Tiến hành:

            GV phổ biến luật chơi và chia đội chơi (mỗi dãy 1 đội). Các đội chơi đặt tên cho đội của mình, cử đội trưởng của mình. Hai đội trưởng oẳn tù tì xem ai được lựa chọn lượt chơi trước. Nếu thắng sẽ được quyền chọn ưu tiên.

            Sau khi GV đọc câu hỏi, 2 đội sẽ đưa tay giành quyền trả lời, đội nào đưa tay trước sẽ được ưu tiên nói trước, nếu đúng được 1 điểm. Nếu sai đội còn lại sẽ trả lời. Nếu đúng được 1 điểm, nếu trả lời sai sẽ sang câu hỏi tiếp theo.

            5. Trò chơi “Khéo tay hay làm” – “Ai nhanh hơn”

Trò chơi này áp dụng cho phần thực hành của bài học, giúp HS rèn luyện một số kỹ năng về thủ công và mĩ thuật, đồng thời tạo không khí để các em vui chơi, tự do sáng tạo trong giờ học và tạo điều kiện để các em thể hiện tình cảm của mình đối vói Thầy Cô giáo.

Gv chuẩn bị vật liệu làm khung tranh và hướng dẫn các em cách làm một khung tranh hoàn chỉnh để trang trí thêm cho tác phẩm của mình.

HS chuẩn bị đồ dùng học tập theo yêu cầu của GV.

* Tiến hành

GV giới thiệu trò chơi, chia nhóm

Gv quy định và phổ biến luật chơi: Gồm có 3 phần

Phần 1: Vẽ tranh theo đề tài đã cho trước

Phần 2: Làm khung tranh (hoàn chỉnh, phù hợp với tranh vẽ)

Phần 3: Cho tranh vào khung (cân đối, ngay ngắn)

GV làm trọng tài để đảm bảo tính khách quan

Hết thời gian, đội nào có nhiều tác phẩm hoàn thiện sẽ là đội chiến thắng.

Trong phân môn vẽ trang trí, phương pháp tổ chức trò chơi có thể được tổ chức trong các hoạt động như quan sát, xem xét, sắp xếp các mảng, hình khối, màu sắc trong bài trang trí. Tìm và phân biệt sự khác nhau giữa các vật trong cuộc sống và trong trang trí khác nhau như thế nào?

Qua những hoạ tiết trang trí, nét đẹp trong phân môn này sẽ giúp các em thêm yêu quý những đồ vật được trang trí ứng dụng trong cuộc sống và từ đó biết sáng tạo ra những hoạ tiết, sản phẩm mang yếu tố trang trí cao. Ví dụ như bài 15- Lớp 8: “Tạo dáng và trang trí mặt nạ”. Với mục tiêu là giúp cho các em hiểu cách tạo dáng và trang trí những chiếc mặt nạ ở nhiều chất liệu như: vải, giấy, đất…qua đó các em có thể tự trang trí được những chiếc mặt nạ theo ý thích của mình. Từ chỗ sáng tác các em sẽ thêm trân trọng những vẻ đẹp truyền thống, có ý thức hơn trong việc tìm tòi, sáng tạo hơn trong việc trang trí những chiếc mặt nạ để phục vụ cho vui chơi và giải trí trong những ngày hội….

Trong hoạt động 3 của bài học, GV có thể tổ chức trò chơi “Ai nhanh, ai khéo”. Với những vật dụng đã được chuẩn bị từ trước như giấy bìa cứng, bút lông, băng dính, màu sáp hay màu nước… Giáo viên có thể cho cả lớp 3 phút để vẽ phác ý tưởng của mình ra giấy A4, sau đó có thể lấy tinh thần xung phong hay giáo viên có thể chọn ngẫu hứng các em học sinh lên tham gia trò chơi “Ai nhanh, ai khéo”. Các thành viên sẽ tự thống nhất xem nên thể hiện ý tưởng nào. Trong 5 phút, các đội hãy thể hiện những chiếc mặt nạ theo sở thích và sáng tạo riêng của mình. Yêu cầu trình bày vì sao lại chọn ý tưởng này và chiếc mặt nạ đó sẽ dùng vào dịp nào? Đội nào được nhiều bạn yêu thích nhất, trình bày lưu loát, đúng ý và có nghĩa sẽ là đội chiến thắng. Cuối cùng giáo viên nhận xét cuộc thi, kết luận về trò chơi học tập mang lại kiến thức gì các em cần nắm. Và như vậy, trò chơi trong học tập sẽ giúp các em vừa nắm được kiến thức của bài học, xây dựng tinh thần đồng đội, đoàn kết (thông qua việc các thành viên thống nhất cùng thể hiện chung một ý tưởng), lại mang lại tâm lý thoải mái, vui vẻ cho các em học sinh…

6. Trò chơi: Vẽ tiếp sức

Áp dụng cho phân môn vẽ tranh, vẽ trang trí    

Ví dụ: Trò chơi “Tiếp sức hoàn thiện bức tranh”.

Giáo viên Chuẩn bị: Giấy A4 (tương ứng với số đội chơi),các đội chuẩn bị nội dung tranh vẽ.

      Cách thực hiện: Giáo viên dán số tờ giấy A4 lên bảng, chia lớp thành các đội chơi, ghi tên các đội. Các đội thảo luận trong khoảng 5-7 phút để tìm nội dung vẽ. Mỗi thành viên của đội lần lượt vẽ một mảng hình hoặc một chi tiết của bức tranh để hoàn thiện tranh vẽ của đội mình (mỗi thành viên chỉ vẽ một lần) Đội nào hoàn thiện tranh sớm, đạt yêu cầu về nội dung, bố cục, hình mảng, màu sắc, đậm nhạt… thì thắng cuộc.                        

Kết luận

Dạy học mĩ thuật theo phương pháp tổ chức trò chơi là một xu thế trong giáo dục hiện đại, có ý nghĩa quan trọng đối với học sinh và nhà trường trong bối cảnh xã hội phát triển như hiện nay. Hiện nay, dạy học chưa được nhiều giáo viên hiểu đúng bản chất và tại Trường Trung học cơ sở Thanh Thủy, Thanh Oai, Hà Nội cũng chưa chính thức đưa hoạt động dạy học theo phương pháp tổ chức trò chơi nhằm phát huy tính tích cực học tập của học sinh. Việc đưa hoạt động dạy học môn Mĩ Thuật theo phương pháp tổ chức trò chơi vào dạy học là một yêu cầu cần thiết. Để thực hiện có hiệu quả, để đinh hướng việc hoc tập cần hoàn thiện cơ sở lý luận với vấn đề cơ bản môn Mĩ thuật về nội dung, phương pháp. Việc khai thác giá trị vận dụng phương pháp trò chơi là điều rất cần thiết để truyền lại cho thế hệ trẻ những tinh hoa của dân tộc, trong đó có những giá trị nhân văn đẹp đẽ, khơi gợi những ý tưởng mới mẻ cho các em trong sáng tạo nghệ thuật.

                                                                                                                     

                                       Tài liệu tham khảo

  1. Dự án Việt – Bỉ (2007), Dạy và học tích cực, một số phương pháp và kỹ thuật dạy học, Nxb Đại học sư phạm.
  2. Nguyễn Lăng Bình (chủ biên), Đỗ Hương Trà, Nguyễn Phương Hồng, Cao Thị Thăng (2010) Dạy và học tích cực – một số phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực, Nxb Đại học Sư Phạm, Hà Nội.
  3. Đàm Luyện – Bạch Ngọc Diệp – Nguyễn Quốc Toản (2005), Một số vấn đề đổi mới phương pháp dạy học môn Mỹ thuật Trung học cơ sở, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  4. Nguyễn Quốc Toản (chủ biên) – Hoàng Kim Tiến (2007), Phương pháp dạy – học Mỹ thuật, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
  5. Nguyễn Quốc Toản, Nguyễn Lăng Bình (2002), Một số đề tài về đổi mới phương pháp dạy học Mỹ thuật ở trường THCS, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  6. Thái Duy Tuyên (2008), Phương pháp dạy học truyền thống và đổi mới, Nxb Giáo dục, Hà Nội.