Nội san

Soạn đệm ca khúc thành phố hoa Phượng đỏ trên đàn Piano

26 Tháng Năm 2022

SOẠN ĐỆM CA KHÚC THÀNH PHỐ HOA PHƯỢNG ĐỎ

TRÊN ĐÀN PIANO

LÊ ĐỨC HÙNG

Học viên K14, ngành: Lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc

Số điện thoại: 0904132866

 

Chương trình đào tạo học sinh trung cấp piano tại Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Hải Phòng thực hiện trong hai năm. Các em chủ yếu học các kỹ thuật và thực hành, biểu diễn các tác phẩm piano nổi tiếng của một số nhạc sĩ nước ngoài. Trong chương trình không có nội dung soạn đệm ca khúc, trong khi nhu cầu của đời sống âm nhạc ở Hải Phòng rất cần những tay đàn có thể đệm được các ca khúc trong các buổi liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng. Trước nhu cầu đó, chúng tôi có đề xuất đưa nội dung hướng dẫn soạn đệm ca khúc vào chương trình để dạy cho học sinh trung cấp piano tại Trường. Ở nội dung của bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập tới các bước soạn đệm trên đàn piano cho một ca khúc cụ thể là Thành phố hoa phượng đỏ (Nhạc: Lương Vĩnh; Thơ: Hải Như) để làm ví dụ.

1. Các bước soạn đệm ca khúc Thành phố hoa phượng đỏ trên đàn piano

1.1. Phân tích ca khúc

Phân tích ca khúc là khâu đầu tiên, không thể thiếu trong công việc soạn đệm. Công việc này giúp học sinh nắm được các thủ pháp sáng tác cũng như tính chất âm nhạc của ca khúc, để đưa ra những cách giải quyết cho phù hợp. Đầu tiên cho học sinh quan sát, tìm hiểu kỹ những ký hiệu ghi trên bản nhạc, sau đó hướng dẫn các em thực hiện các thao tác để phân tích. Tuy nhiên cần chú ý, việc cho học sinh phân tích tác phẩm chỉ mang tính tổng thể, khái quát, không nên sa đà vào những chi tiết vụn vặt mà quên đi nhiệm vụ chính của công việc soạn đệm.

Ví dụ 1:

THÀNH PHỐ HOA PHƯỢNG ĐỎ

[Trích 1, tr.68]

                                                                         Nhạc: LƯƠNG VĨNH

                                                                 Thơ: HẢI NHƯ

Nhìn vào bản phổ của ca khúc thì thấy, trên hóa biểu có hai dấu hóa là pha thăng (fis) và đô thăng (cis). Kết bài ở nốt rê âm chủ (bậc I), do đó có thể nhận định: ca khúc viết ở giọng rê trưởng (D dur), nhịp 4/4, giai điệu âm nhạc ngân nga, hào sảng, nhịp điệu chậm vừa. Trên cơ sở phân tích như vậy, bước đầu gợi cho các em chọn tiết điệu và tốc độ sao cho hợp lý. Ở đây có lẽ  nên lựa chọn tiết điệu Ballad, tempo = 60 là phù hợp. Sau đó tiếp tục phân tích về hình thức, cấu trúc của ca khúc để có những nhận định sơ bộ về hòa thanh ở những chỗ kết câu, kết đoạn làm cơ sở cho bước đặt hòa thanh, soạn nhạc mở đầu, nhạc giữa, nhạc kết.

Ca khúc được viết ở hình thức hai đoạn đơn không có tái hiện. Đoạn 1 gồm 2 câu: Câu 1 (x) 9 ô nhịp, kết ở bậc II, có thể  sử dụng hợp âm Em chuyển sang hợp âm A1 . Hướng chuyển động giai điệu theo kiểu lượn sóng, tạo ra một cảm giác mềm mại, trữ tình. Âm điệu nhấn mạnh vào các quãng 3, 4, 5. Trong câu 1, tác giả có sử dụng âm hưởng điệu thức ngũ cung, đó là La Bắc: A - B2 - D - E - F# (từ ô nhịp 1 đến ô nhịp thứ 5); và điệu Mi Bắc: E - F# - A - B - C#  (ô nhịp 6 đến ô nhịp thứ 9). Câu 2 (y) có 14 ô nhịp, hướng chuyển động giai điệu và âm điệu của câu 2 giống như câu 1. Về âm hưởng là sự kết hợp (đan điệu) giữa điệu thức Thứ (Rê Thứ, ô nhịp 10 đến ô nhịp 11) và điệu Bắc (Mi Bắc: E - F# - A - B - C#, ô nhịp 12 đến ô nhịp 15).

Đoạn 2 gồm 2 câu: Câu 1 (z) 7 ô nhịp, từ ô thứ 23 đến ô nhip 30, kết ở bậc I, nên sử dụng hợp âm D là hợp lý. Giai điệu chuyển động theo hình lượn sóng. Âm điệu tập trung vào các quãng 3, 4, 5, 6. Âm hưởng của câu khai thác điệu Ngũ cung, cụ thể là Pha thăng Ai: F# - A - B - C# - E (ô nhịp thứ 19 đến ô nhịp 21); và Mi Ai: E - G - H - D (ô nhịp 22 đến ô nhịp 23). Câu 2 (j) gồm 8 ô nhip còn lại, kết câu ở bậc I, do vậy dùng hợp âm chủ D để kết trọn ca khúc. Hướng chuyển động giai điệu của câu theo kiểu zic zăc, kết hợp lượn sóng. Âm điệu chủ yếu nhấn mạnh vào các quãng 4, 5, 6. Lối tiến hành giai điệu nổi bật là với bước nhảy, tuy nhiên ngay sau đó là sự điền đầy (sau bước nhảy, giai điệu tiếp theo sẽ đi liền bậc phản hồi). Âm hưởng của câu 2 cơ bản giống với câu 1, nhạc sĩ đã khai thác âm hưởng của điệu Ai, cụ thể là Pha thăng Ai và Mi Ai.

1.2. Lựa chọn đặt hợp âm và tiết điệu

1.2.1. Lựa chọn đặt hợp âm

Đây là bước thứ hai khá quan trọng trong quá trình soạn đệm. Việc lựa chọn đặt hợp âm còn tùy thuộc vào cách tiến hành giai điệu, sự dừng ngắt của tiết/câu/đoạn ở các bậc. Do đó, sử dụng công năng hòa thanh hoặc vòng công năng hòa thanh để soạn đệm ca khúc, thì yêu cầu học sinh nắm vững lối tiến hành giai điệu. Với ca khúc Thành phố hoa phượng đỏ, nếu đặt theo vòng hòa thanh công năng, đó là một sự gượng ép và làm mất đi vẻ đẹp của hình tượng âm nhạc. Từ việc phân tích ở trên, cho thấy ca khúc Thành phố hoa phượng đỏ trong giai điệu có âm hưởng ngũ cung, do đó có thể hướng dẫn học sinh đặt hòa thanh theo kiểu cấu trúc hợp âm là hợp lý. Có thể cho học sinh đặt những hợp âm như sus2 (âm 2 thay thế âm 3), sus4 (âm 4 thay thế âm 3); add2 (thêm âm 2), add4  (thêm âm 4) để làm cho phần hòa thanh của phần đệm thêm màu sắc. Tuy nhiên, khi thay thế hoặc thêm các hợp âm màu sắc, cần nhớ là không được phá vỡ nguyên tắc của hòa thanh.


[1] Trong soạn đệm, chúng tôi sử dụng ký hiệu theo lối cấu trúc hợp âm.

[2] Ở đây, chúng tôi sử dụng ký hiệu theo hệ thống Anh - Mỹ: B là xi

 

Ví dụ 2:

THÀNH PHỐ HOA PHƯỢNG ĐỎ

[Trích 1, tr.68]

                                                                         Nhạc: LƯƠNG VĨNH

                                                                 Thơ: HẢI NHƯ

 

1.2.2. Chọn tiết điệu, âm hình đệm và tốc độ (tempo)

 Chọn được tiết điệu phải căn cứ vào giai điệu, âm hình tiết tấu, tốc độ, loại nhịp và tính chất của ca khúc. Khi nhận biết được tiết điệu, sẽ tìm được âm hình đệm phù hợp, từ đó sẽ biết phải thực hiện tốc độ nào thì sẽ đem lại hiệu quả. Trên thực tế, do mức độ cảm nhận về âm nhạc của mỗi người khác nhau, nên ca khúc có thể soạn với các tiết điệu và âm hình đệm khác nhau. Việc chọn tiết điệu và âm hình, tốc độ là vô cùng quan trọng, nếu chọn sai sẽ làm hỏng ca khúc. Với ca khúc Thành phố hoa phượng đỏ

Ví dụ 3:

THÀNH PHỐ HOA PHƯỢNG ĐỎ

                                                                         Nhạc: LƯƠNG VĨNH

                                                                 Thơ: HẢI NHƯ

1.3. Soạn nhạc dạo đầu, nhạc nối và nhạc kết

1.3.1. Nhạc dạo đầu

 Nhạc dạo đầu vị trí ở ngay đầu của ca khúc, với ý nghĩa giới thiệu và có chức năng lấy giọng, định hình nhịp điệu, dẫn dắt cho người hát vào đúng tông, đúng nhịp. Có nhiều cách soạn nhạc dạo đầu, mức độ đơn giản là dạo bằng hợp âm chủ hoặc các hợp âm ba chính; cao hơn là lấy một câu, đoạn nhạc, hay dựa vào chất liệu, âm hình chủ đạo của ca khúc để sáng tạo ra câu dạo mới. Dù ở cấp độ nào, thì cơ bản vẫn phải theo nguyên tắc là khi kết câu/ đoạn, âm cuối sẽ kết ở bậc I hoặc bậc V của điệu thức. Với học sinh trung cấp piano, vì có tay đàn tốt, nên chúng tôi động viên các em tích cực sáng tạo tìm ra hướng đi mới.

Ví dụ 4: Nhạc dạo

Phần dạo nhạc đầu ở trên, chúng tôi hướng dẫn học sinh lấy từ motip phần điệp khúc để làm chất liệu và dùng thủ pháp mô tiến giai điệu, sử dụng hòa thanh vòng luân chuyển bậc I - III - VI - IV - II - V - I, để tạo ra âm hưởng quen thuộc và sự ổn định về điệu tính cho người hát. Tiết tấu giữ nguyên móc đơn, giai điệu phần điệp khúc, vòng hòa thanh được lặp lại ở câu 2.

1.3.2. Nhạc nối

 Là đoạn nhạc/ câu nhạc vị trí ở cuối các câu/ đoạn hoặc cuối bài. Đây là những chỗ mà học sinh cần chú ý, viết sao có phong cách riêng, vừa tạo điều kiện để nhạc công có đất thể hiện kỹ thuật, vừa tạo cơ hội cho người hát được nghỉ ngơi tạm thời trước khi vào hát câu/ đoạn hay lần thứ hai của ca khúc. Để đảm bảo về phương diện cấu trúc, tính chất của ca khúc, chúng tôi hướng dẫn học sinh chủ yếu soạn nhạc nối ở vị trí cuối của ca khúc. Các thủ pháp thường gặp là khái quát và nhắc lại chất liệu âm nhạc, hoặc từ chất liệu âm nhạc của câu cuối rồi phát triển mở rộng, làm cho cấu trúc của ca khúc thêm hoàn hảo... Ca khúc Thành phố hoa phượng đỏ, do tính chất âm nhạc có tính thính phòng, nên có thể viết những motip, hoặc câu nhạc chen vào những chỗ mà âm nhạc cần đòi hỏi sự phát triền, chẳng hạn ở ô nhịp 14 - 18, ô nhịp 22. Sau khi hát hết lần một, có thể dùng đoạn nhạc nối dưới đây để dẫn người hát vào lần hai.

Ví dụ 5: Nhạc nối

Mặc dù khi giai điệu kết thúc ở bậc I, nhưng người nghe vẫn cần thêm một sự hoàn hảo về hình tượng âm nhạc, do đó hướng dẫn cho học sinh mở rộng không gian âm nhạc bằng cách: tay trái chủ yếu chạy hợp âm rải theo hòa thanh, tay phải chơi giai điệu và tăng cường độ mạnh thông qua việc chồng nốt quãng tám ở phách mạnh và mạnh vừa.

1.3.3. Nhạc kết

Nhạc kết có vị trí ở cuối của ca khúc, với vai trò tổng kết lại toàn bộ hình tượng nghệ thuật và mở ra một không gian mới cho người thưởng thức. Vì vậy nhắc nhở học sinh, khi soạn cần có sự chọn lọc để tạo được ấn tượng nhất định. Có nhiều cách soạn cho nhạc kết: nhắc lại một câu nhạc, hay nhắc lại nhạc dạo đầu, hoặc sáng tạo ra một nét nhạc mới... Ca khúc Thành phố hoa phượng đỏ, nhạc kết có thể dùng vòng hòa thanh D - Bm - G - G7 - D, thông qua: tay phải chơi hợp âm với âm hình chùm 3 nốt đen, tay trái thực hiện đồng âm chồng quãng tám, tạo thêm sự căng thẳng và để kết bài cho ổn định. Nhạc kết ở trường hợp này, vẫn đảm bảo được hình tượng âm nhạc và phù hợp với tâm lý của người nghe.

Ví dụ 6: Nhạc kết

2. KẾT LUẬN

Soạn đệm ca khúc trên đàn piano là nội dung khá quan trọng, vừa đáp ứng được nhu cầu cho học sinh, vừa đáp ứng được nhu cầu của đời sống âm nhac tại Hải Phòng, vì vậy có thể đưa vào chương trình để dạy cho học sinh trung cấp piano là hợp lý. Soan đệm ca khúc trên đàn piano - cụ thể lấy ca khúc Thành phố hoa phượng đỏ làm ví dụ - phải thông qua ca bước: nhạc soạn đầu, nhạc nối và nhạc kết. Trong quá trình soạn đệm, tùy theo năng lực của từng học sinh mà mỗi phần nhạc trong các bước có thể khác nhau về chất lượng âm nhạc. Tuy nhiên, một nguyên tắc mà học sinh cần hiểu là: dẫu sử dụng các thủ pháp nào trong soạn đệm, thì vẫn phải tạo ra những nét nhạc ấn tượng, có màu sắc, hỗ trợ tốt cho người hát và làm cho ca khúc hay, hoàn thiện hơn về hình tượng nghệ thuật.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nhiều tác giả (1976), Tiếng hát Việt Nam - tập 1, Nxb Văn hóa, Hà Nội.

2. Phạm Lê Hòa (2013), Giáo trình phân tích tác phẩm âm nhạc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

3. Phạm Minh Khang  (2005), Giáo trình hòa thanh - Bậc Đại học, Trung tâm thông tin - Nhạc viện Hà Nội, Hà Nội.

4. I. Đubốpxki, X. Épxêép, I. Xpaxôbin, V. Xôcôlốp, Sách giáo khoa Hòa âm - tập I (1963), tập II (1966), Lý Trọng Hưng dịch, Nxb Văn hóa - Nghệ thuật, Hà Nội.