Nội san

Rèn kỹ thuật diễn tấu đàn bầu cho sinh viên trường Đại học FPT

15 Tháng Sáu 2022

Rèn kỹ thuật diễn tấu đàn bầu cho sinh viên trường Đại học FPT

Trần Thị Bích Hồng

Học viên Lớp K14- Lý luận và PPDH Âm nhạc

Đàn bầu được biết đến là nhạc cụ độc đáo của người Việt. Tuy chỉ một dây, cấu trúc cây đàn khá đơn giản nhưng lại có thể tạo ra những âm thanh độc đáo, ngọt ngào, trong trẻo gần với giọng người và có sức quyến rũ kỳ lạ, được con người Việt Nam và nhiều bạn bè quốc tế yêu thích. Với khả năng diễn tấu linh hoạt, đàn bầu trở thành phương tiện để người nghệ sĩ thăng hoa, đưa âm sắc độc đáo đến với khán giả yêu nhạc và góp phần trong sự phát triển của các loại hình sân khấu truyền thống nước nhà.

Trường Đại học FPT không phải một trường chuyên nghiệp về âm nhạc, nhưng môn đàn bầu được đưa vào giảng dạy tại trường đã mang lại ý nghĩa rất lớn trong việc giáo dục cho sinh viên những nét đẹp, vốn cổ quý báu của nhạc cụ dân tộc, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của nhạc cụ truyền thống dân tộc. Tuy nhiên, với đặc thù riêng của Nhà trường, hầu hết sinh viên theo học đàn bầu tại Đại học FPT đều bước đầu tiếp cận với cây đàn. Do vậy, việc làm quen với đàn, lắng nghe giảng viên hướng dẫn tư thế ngồi, cách cầm đàn, các kỹ thuật của cây đàn,… rất quan trọng, nhằm giúp các em nắm bắt được lý thuyết và chuẩn bị cho các bài tập thực hành tiếp theo. Để việc học của sinh viên đạt được hiệu quả, việc dạy các kiến thức về kỹ thuật diễn tấu đàn bầu cho sinh viên là việc làm rất cần thiết và cần được tiến hành bài bản, chuyên nghiệp để các em nắm vững kiến thức lý thuyết và kỹ năng thực hành.

1. Về lý thuyết

1.1 Xác định âm chuẩn của cây đàn

Đàn bầu là nhạc cụ không có phím định âm. Âm thanh cây đàn được tạo ra do tiến hành song song các kỹ năng của tay phải gảy lên dây và tay trái tác động lên cần đàn. Vì vậy, để tạo được âm thanh chuẩn xác, trước khi chơi, người chơi phải xác định đúng âm chuẩn của cây đàn.

Tùy từng đàn mà âm chuẩn ở vị trí khác nhau, vì vậy sinh viên phải được giảng viên hướng dẫn tìm và đánh dấu vị trí các âm chuẩn trên đàn. Sau thời gian luyện tập và biểu diễn thực tế, cữ tay của người chơi đàn sẽ quen dần với việc xác định vị trí các âm chuẩn theo ước lệ mà không cần phải đánh dấu nữa.

1.2 Cách sử dụng que gảy đàn

Để thực hiện tốt cách sử dụng que gảy đàn, sinh viên cầm que gảy bằng tay phải, đặt que gảy trong lòng bàn tay hơi chếch một góc 350 so với chiều ngang cây đàn. Lưu ý phải cầm que bằng 3 ngón (ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa), tay khum tròn để tạo sự chắc chắn, lại đảm bảo được tính linh hoạt.

Hình.1. Tư thế cầm que gảy

1.3 Tư thế diễn tấu

Khi chơi đàn bầu, người chơi có thể ngồi hoặc đứng tuỳ theo điều kiện thực tế yêu cầu. Ở tư thế ngồi, không sử dụng giá đàn, đàn bầu được đặt ngay xuống chiếu, nền gạch, đất,… người chơi ngồi khoanh chân hoặc hai chân tỳ lên nhau, đầu gối có thể tỳ vào cạnh mặt đàn để giữ cho đàn không xê dịch.

Hình 2. Tư thế ngồi xếp chân diễn tấu

Hình 2. Tư thế ngồi xếp chân diễn tấu

Tư thế ngồi trên ghế, đàn được đặt trên giá. Hiện nay, tư thế này thường được sử dụng nhiều trong trong trình diễn bởi việc đặt đàn trên giá mang lại nét đẹp trong thẩm mĩ cũng như sự chắc chắn cho người chơi đàn.

Hình 3. Tư thế ngồi trên ghế diễn tấu

Ở tư thế đứng, đàn vẫn được đặt trên giá đàn nhưng ở vị trí cao hơn.  Khi đó, người chơi đàn điều chỉnh độ cao thấp của giá đàn dựa vào các chốt định vị có độ cao tương ứng với vị trí ngồi của nghệ sĩ. Tư thế đứng khi chơi đàn cũng thường được sử dụng nhiều trong diễn tấu, mang lại nét độc đáo, phóng khoáng trong cách biểu diễn của người nghệ sĩ.

Hình 4. Tư thế đứng diễn tấu

1.4 Kỹ thuật tay phải, tay trái

Tay phải của đàn bầu chủ yếu sử dụng kỹ thuật gảy. Khi chơi, các chuyển động tay phải từ điểm này tới điểm kia trên đàn phải tuyệt đối chính xác để tạo ra âm thanh tròn chĩnh, đầy đặn, tránh làm nhòe tiếng đàn. Tuy chức năng của tay phải đơn giản vậy, nhưng để tạo ra tiếng đàn hay thì không dễ, đòi hỏi tập đi tập lại nhiều lần theo thời gian, mỗi lần lại lắng nghe rút kinh nghiệm, cảm nhận độ mềm, sâu và gọn gàng của tiếng đàn.

Tay trái đóng vai trò quan trọng tạo nên sự thành công trong việc diễn tấu của bài bản. Khi sử dụng kỹ thuật tay trái, tay phải mềm mại, chuyển động linh hoạt trong diễn tấu. Kỹ thuật tay trái phong phú với: ngón luyến, ngón vỗ, ngón rung, ngón láy, ngón vuốt,… Trong chương trình giảng dạy bộ môn đàn bầu tại Đại học FPT, định hướng phổ cập giúp sinh viên tiếp cận để tìm hiểu cái đẹp của văn hoá truyền thống. Bên cạnh đó là vì giới hạn về thời lượng của môn học cũng như độ khó của kỹ thuật,… chúng tôi chỉ giới thiệu và giúp sinh viên thực hành về ngón rung, ngón luyến và ngón vỗ. Cụ thể như sau:

Ngón rung: Đối với sinh viên tại Đại học FPT, kỹ thuật rung thường được vận dụng ở tư thế dây buông, tức là chỉ sử dụng kỹ thuật rung mà không kết hợp kỹ thuật nhấn. Kỹ thuật rung giúp tiếng đàn trở nên mềm mại, góp phần thể hiện phong cách của tác phẩm.

Trong các bài dân ca, ca khúc chuyển soạn cho đàn bầu, kỹ thuật ngón rung được sử dụng nhiều.

Ngón luyến: Đây là kỹ thuật được sử dụng nhiều trong diễn tấu đàn bầu. Ngón luyến tạo nên sự mềm mại và duyên dáng trong đường nét giai điệu. Cũng giống như ngón rung, các sinh viên tại Đại học FPT vận dụng ngón luyến không sử dụng kỹ thuật gảy ở tay phải, mà âm thanh tạo ra do việc điều chỉnh cần đàn tăng hay giảm tới âm mong muốn.

Ngón vỗ: Kỹ thuật được sử dụng trong diễn tấu đàn bầu, đặc biệt ở các bài dân ca, ca khúc cách mạng, các làn điệu cổ. Khi sử dụng ngón vỗ, người chơi dùng ngón cái bật vào cần đàn nhanh hoặc chậm, ít hay nhiều tùy theo tính chất của từng tác phẩm. Ngón vỗ thường được sử dụng để diễn tả tình cảm đau khổ, uất ức, nghẹn ngào.

2. Luyện tập bài kỹ thuật

Sau khi giới thiệu các kiến thức trên phương diện lý thuyết, giảng viên hướng dẫn sinh viên luyện tập các bài tập kỹ thuật. Đây là một trong những cơ sở giúp các em ứng dụng thực tế, do vậy các bài tập kỹ thuật luôn được giảng viên chú trọng và hướng dẫn tỉ mỉ. 

Để hướng dẫn các bài tập kỹ thuật của đàn bầu, chúng tôi vận dụng, lựa chọn một số bài tập phù hợp trong cuốn sách Những bài tập kỹ thuật cho đàn bầu (bậc sơ cấp), của tác giả Thanh Tâm (2002) trong giảng dạy.

2.1 Bài tập gảy dây buông

Sau khi xác định và đánh dấu các điểm trên đàn, sinh viên bắt đầu học gảy 6 nốt dây buông. Đây là bài tập cơ bản đầu tiên và cũng là bài tập quan trọng nhất đối với người học đàn bầu nói chung và sinh viên theo học bộ môn đàn bầu tại Đại học FPT. Bởi nếu không chơi được các nốt dây buông, sinh viên không thể tiếp tục các bài luyện tập kỹ thuật tiếp theo.

Ví dụ 1: Luyện tập 6 nốt dây buông

Khi bắt đầu bài tập gảy dây buông, giảng viên hướng dẫn sinh viên theo cách: khum tròn tay, cầm que bằng 3 ngón (ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa), chặn tay vào dây đàn. Sau đó cùng lúc thực hành động tác gảy và nhấc điểm chặn dây ở tay. Ở bài tập này, yêu cầu tay phải của sinh viên bật khỏe, đúng điểm để tạo tiếng đàn vang, chặn dây đúng phương pháp để tạo ra âm thanh của các nốt dây buông và nhớ vị trí các nốt ở các thế tay; tay trái cầm cần đàn không làm phô, chênh, biến đổi độ cao của các nốt dây buông.

Sinh viên tập các bài tập gảy nốt dây buông theo thế tay, đúng yêu cầu của bài tập gảy nốt dây buông. Sau đây là một số ví dụ về bài tập gảy dây buông thông dụng.

Ví dụ 2: Bài tập gảy dây buông (thế tay I, II, III)

Ví dụ 3: Bài tập gảy dây buông (thế tay I, II, III, IV)

Ví dụ 4: Bài tập gảy dây buông (thế tay I, II, III, IV, V, VI)

Với những dạng bài tập như trên, sinh viên luyện tập đến khi tiếng đàn chuẩn, kỹ năng gảy các nốt dây buông thành thục. Sau đó, áp dụng trên bài luyện tập với trường độ khác nhau và chuyển động nốt linh hoạt hơn.

2.2 Bài tập nhấn quãng 2 trưởng

Ở đàn bầu, người chơi có thể nhấn quãng 2 trưởng khi căng dây lên hoặc chùng dây xuống. Để thực hiện bài tập nhấn quãng 2 trưởng, tay trái cầm vào khoảng giữa cần đàn. Tay phải khum tròn, cầm que gảy lên dây, tiến hành song song động tác gảy ở tay phải và nhấn cần ở tay trái.

- Nhấn quãng 2 trưởng khi căng dây: Khi thực hành bài tập căng dây lên quãng 2 trưởng, giảng viên hướng dẫn sinh viên tay phải gảy mạnh, đúng điểm đàn cho tiếng đàn vang và không có tạp âm. Trong khi đó, tay trái dùng đốt tay thứ nhất của ngón cái tỳ vào cần đàn, đồng thời dùng một lực vừa phải kéo căng cần đàn theo hướng một đường thẳng từ phải sang trái. Lưu ý là tay trái cần tiến hành cùng lúc với động tác gảy ở tay phải. Phương pháp gảy và căng dây lên cùng lúc rất quan trọng, bởi kỹ thuật phải chính xác mới tránh được tạp âm và các âm thừa.

Ví dụ 5: Bài tập nhấn quãng 2T khi căng dây

Nhấn quãng 2 trưởng khi chùng dây: Tay phải bật ngón khỏe, gảy đúng điểm trên đàn cho thanh vang khỏe và chắc chắn. Tay trái đặt vào cần đàn đúng phương pháp, sau đó dồn lực vào ngón tay trỏ và dùng ngón trỏ nhấn cần đàn xuống một lực vừa phải cùng lúc với tay phải gảy đúng điểm để tạo nên âm thanh chuẩn, tránh tạp âm. Khi chơi, giảng viên hướng dẫn và cùng sinh viên lắng nghe âm thanh để âm nhấn xuống được chuẩn xác.

Ví dụ 6:  Bài tập nhấn quãng khi chùng dây

Đối với những sinh viên có năng khiếu và kỹ năng tốt, bên cạnh các bài tập gảy dây buông và nhấn quãng 2 trưởng, giảng viên hướng dẫn các em luyện tập ngón luyến và ngón rung. Các ngón luyến, ngón rung giúp tác phẩm khi diễn tấu trở nên duyên dáng, mềm mại hơn.

2.3. Ngón rung

Tại trường Đại học FPT, sinh viên cần được thực hành kỹ thuật rung ở các nốt dây buông và nốt có trường nốt ngân dài, chẳng hạn như: nốt tròn, nốt trắng, nốt đen chấm dôi. Có nhiều kiểu rung nhanh hoặc chậm khác nhau như: rung nốt nhấn, rung khi căng dây đàn lên, rung khi chùng dây đàn xuống. Tuy nhiên, kiểu nào thì cũng phải luyện tập độ nhạy cảm của tay trái sao cho tiếng đàn khi rung có được sự mềm mại và truyền cảm.

Ví dụ 7:  Kỹ thuật rung

Ở ngón rung, giảng viên hướng dẫn sinh viên đặt tay và cổ tay vào cần đàn theo tư thế thẳng hàng với nhau. Khi rung, những ngón tay và cổ tay không nhất thiết phải bám chắc vào cần đàn. Do không kết hợp với nhấn nên người chơi gần như không sử dụng lực để bám vào cần đàn mà nhẹ nhàng đưa cổ tay khi rung, như vậy hiệu quả âm thanh là tốt nhất. Động tác rung sẽ giúp tiếng đàn trở nên mềm mại, diễn tả nét giai điệu tình cảm, trữ tình.

Ví dụ 8:

Sau khi luyện tập riêng các nốt rung, sinh viên luyện tập các nốt rung kết hợp chơi giai điệu với kỹ thuật gảy nốt.

Ví dụ 9:

Cần lưu ý khi rung, tay phải gảy các nốt đúng điểm, tiếng đàn vang và khỏe. Tay trái dùng ngón cái và ngón trỏ lay cần đàn ở tốc độ chậm đều với một lực vừa phải của cánh tay truyền qua cổ tay xuống các ngón tay.

2.4. Ngón luyến

 Kỹ thuật ngón luyến ở đàn bầu rất phù hợp với những giai điệu mềm mại và duyên dáng. Khi luyến, người chơi không cần gảy nhiều nốt ở tay phải, âm thanh tạo ra khi tay trái nhấn cần giúp đi hết nét giai điệu. Ở ngón luyến, 2 tay (tay trái, tay phải) phải kết hợp linh hoạt với nhau.

Có những giai điệu sử dụng luyến nhiều nốt, khi đó tay phải không cần “gảy” nhiều nốt mà chỉ cần “gảy” một nốt ban đầu, sau đó tay trái sẽ thực hiện kỹ thuật luyến cho đến khi đi hết nét giai điệu. Cần lưu ý là tay trái cần kết hợp với tay phải hết sức linh hoạt.

Đối với kỹ thuật luyến xuống, nốt gẩy là nốt dây buông và nốt luyến là nốt nhấn xuống.

Ví dụ 10: Kỹ thuật luyến xuống

Ngược lại, ở kỹ thuật luyến lên, nốt gẩy là nốt dây buông và nốt luyến là nốt nhấn lên.

Ví dụ 11:  Kỹ thuật luyến lên

Trong tác phẩm, có thể áp dụng kết hợp kỹ thuật luyến lên và luyến xuống. Khi đó nốt gẩy là nốt dây buông, có khi nốt gẩy là nốt nhấn.

Ví dụ 12:  Kỹ thuật ngón luyến kết hợp

Khi sử dụng kỹ thuật luyến cần lưu ý: Những nốt luyến phải đúng cao độ, từ nốt bắt đầu tới nốt kết thức cần có sự liền mạch. Luyện tập trước những nốt luyến chú ý không để ngắt quãng giữa các nốt, sau khi thành thạo rồi mới áp dụng vào bài học.

Những nội dung trình bày ở trên mặc dù chỉ là một số kỹ thuật chính yếu nhất của đàn bầu trong yêu cầu cần nắm vững đối với sinh viên trường Đại học FPT, nhưng cũng đủ để sinh viên có đủ kiến thức và kỹ năng thể hiện được âm chất của đàn bầu. Mặc dù vậy, để ra được tiếng đàn hay, có chất, người học cần phải có sự luyện tập, thực hành rất nhiều, bên cạnh đó cần có năng lực cảm nhận chiều sâu của tiếng đàn qua các kỹ thuật đó thì mới có thể diễn tấu tốt được nhạc cụ này, bởi đàn bầu mặc dù là nhạc cụ rất hay nhưng lại rất khó về mặt kỹ thuật thực hành.

Tài liệu tham khảo

1. Trần Quốc Lộc (2002), Đàn bầu thực hành, Nxb Thanh niên, Hà Nội.

2. Thanh Tâm (2002), Những bài tập kỹ thuật cho đàn bầu (bậc sơ cấp), Nhạc viện Hà Nội.