Nội san

Rèn luyện kỹ thuật thể hiện ca khúc viết về Sơn La cho giọng nữ cao

06 Tháng Tám 2022

RÈN LUYỆN KỸ THUẬT THỂ HIỆN CA KHÚC VIẾT VỀ SƠN LA

CHO GIỌNG NỮ CAO

BÙI THỊ MINH HUYỀN

Học viên K13, ngành: Lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc

 

Day học ca khúc viết về Sơn La cho học sinh (HS) thanh nhạc giọng nữ cao tại Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật & Du lịch Sơn La là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc trong thời đại ngày nay. Để hát cho ra chất các ca khúc viết về Sơn La, thì trong quá trình học tập, giáo viên (GV) không thể bỏ qua việc rèn luyện cho HS các kỹ thuật cơ bản và cách phát âm nhả chữ theo chuẩn tiếng Viết phổ thông.

1. Rèn luyện kỹ thuật cơ bản

1.1. Hát liền tiếng

Hát liền tiếng là hát liền giọng (legato), yêu cầu âm thanh phát ra phải: “chuyển tiếp liên tục, đều đặn từ âm nọ sang âm kia, tạo nên những câu hát liên kết không ngắt quãng” [1, tr.104]. “Hát liền tiếng đòi hỏi âm thanh phải ngân vang. Từ âm này sang âm khác phải có sự liên kết với nhau, không bị ngắt quãng. Âm thanh phải tròn, gọn, sáng, thanh thoát, mềm mại” [2, tr.63].

Kỹ thuật hát liền tiếng áp dụng vào để thể hiện các ca khúc trữ tình, Do đó, trong quá trình giảng dạy, chúng tôi luôn yêu cầu HS phải xử lý sao cho giai điệu ca khúc không bị gấp gẫy, vụn mà phải chuyển động uyển chuyển, liên tục tạo ra cảm giác như dòng nước chảy. GV phải cho HS nắm vững cách phát âm và xử lý hơi thở phù hợp với âm thanh được phát ra, nhắc nhở HS chú ý đến việc phối kết hợp khéo léo giữa các cơ quan, bộ phận phát âm: miệng, vành môi, lỡi, xoang cộng minh, thanh quản, thanh đới... cũng như tư thế hát... Do vậy, việc lựa chọn các bài tập rèn luyện kỹ thuật phải phù hợp, chẳng hạn như hai ví dụ dưới đây.

Ví dụ 1: Mẫu luyện kỹ thuật hát liền tiếng

Mẫu này bắt đầu từ nốt Sol, bằng hình tiết tấu chùm ba, giai điệu chuyển động mô tiến quãng 2 đi xuống, do đó không gây khó khăn cho HS về phương diện cao độ và tầm âm. Khi phát âm chú ý: âm Mi thì khẩu hình phải mở một cách tự nhiên, không đưa hàm về phía trước. Âm thanh phát ra, phải nhẹ nhàng và nông ở gần đầu môi. Với âm Ma, vị trí âm thanh được giữ giống như âm mi, tuy nhiên vẫn có điểm khác là: khẩu hình hơi mở dọc. Cần chú ý phải khống chế và điều tiết tốt hơi thở cho tốt. Nắm chắc được kỹ thuật này, có thể áp dụng vào ca khúc: Ngôi sao Khun Lù - Nàng Ủa, Bác về, Tình em (Cầm Bích)...

Ví dụ 2: Mẫu rèn luyện kỹ thuật hát liền tiếng kết hợp với phát triển hơi thở

Mẫu luyện tập này, bắt đầu từ nốt c2 giai điệu mô tiến theo quãng 2 đi xuống đến nốt c1, nhưng khác với mẫu 1, phải thực hiện nhiều nốt nhạc trong một phách, nếu không chuẩn bị hơi tốt sẽ khó thực hiện được yêu cầu mà câu nhạc đặt ra. Vì thế, trong quá trình luyên tập, trước khi vào thực hiện mẫu câu luyện tập này, GV nhắc nhở HS phải chuẩn bị tâm thế để thực hiện một số thao tác như: đứng thẳng, hai tay chống ngang hông, thả lỏng thân thể, hít hơi thật sâu xuống bụng dưới. Sau đó giữ hơi trong vài giây để tĩnh tâm, tiếp tục nhấc cao khẩu hình và hát âm thật tự nhiên, nhẹ nhàng. Sang âm Na, vị trí âm thanh cần phải được giữ nguyên như vậy, khẩu hình vẫn nhấc cao nhưng mở ngang, âm thanh có cảm giác như bám vào chân răng và miệng như hơi cười. Luyện mẫu có thể áp dụng được vào ca khúc như: Người Châu Yên em bắn máy bay (Trọng Loan), Cầu mưa (Mè Hoàng Thanh), Phố núi tình em (Triệu Phương)...

1.2. Hát ngân dài

Trong số ca khúc viết về Sơ La đưa vào dạy học cho HS trung cấp thanh nhạc giọng nữ cao, nhiều bài ở cuối tiết, cuối câu, cuối đoạn thường có những nốt kéo dài về trường độ, chẳng hạn: Em gái Chiềng Ly (Vương Khon), Tây Bắc năm xưa đón Bác về (Cầm Bích), Về Thuận Châu quê em (Khắc Bạo)... Do đó, việc luyện tập kỹ thuật hát ngân dài vào để dạy cho HS là điều hợp lý và cần thiết. Tất nhiên, trong quá trình xây dựng mẫu luyện kỹ thuật hát, vì dạy cho giọng nữ cao, nên chúng tôi kết hợp với việc mở rộng âm vực giọng hát về phía âm khu cao.

Ví dụ 2.22: Mẫu rèn luyện kỹ thuật hát ngân dài kết hợp với rộng âm vực giọng hát về phía âm khu cao

Mẫu 2.22a:

Mẫu này được lấy từ ô nhịp thứ 2, 3 (có thay đổi nốt Đô bằng nốt La) trong ca khúc Tây Bắc năm xưa đón Bác về. Khi luyện tập, yêu cầu HS lấy hơi sâu qua miệng và mũi, lấy hơi nhanh gọn, không tạo ra tiếng rít, sau đó đưa nhanh luồng hơi xuống vùng bụng, kìm hơi vài giây rồi bật âm . Yêu cầu miệng mở tự nhiên, bật môi, âm thanh không phát ra ngoài hay ở trong sâu trong vòm miệng, mà đẩy và đặt đúng vị trí âm thanh, có cảm giác vang ở đỉnh mũi. Sang âm Na, vị trí âm thanh vẫn giữ nguyên, bật môi, miệng mở về phía trên nhưng không rộng quá. Phải động viên HS, đừng nhìn thấy nốt cao mà nản, mà tạo cho các em một tinh thần, tâm thế bình thản, sẵn sàng chấp nhận khó khăn. Luyện tập thành công mẫu này, HS sẽ hát có hiệu quả khi gặp những nốt ngân dài ở âm khu cao như trong ca khúc: Tây Bắc năm xưa đón Bác về, Ngôi sao Khun Lu - Nàng Ủa, Tình sơn nữ Sông Đà (Xuân Dũng)...

1.3. Hát luyến, láy

Hát luyến là cách hát hai đến nhiều nốt nhạc để biểu hiện một từ. Bản chất của hát luyến cũng giống như hát liền tiếng, nghĩa là các nốt nhạc để biểu hiện một từ phải được hát liền mạch. Hát láy là cách hát nhanh qua một, hai, ba nốt... (hoa mỹ/âm tô điểm) để vào trường độ của nốt nhạc chính có một từ của lời ca. Trong các ca khúc viết về Sơn La có lẽ do giai điệu chủ yếu mang âm hưởng dân ca của các tộc người, nên nhiều ca khúc thường có âm tô điểm và âm luyến, xuất hiện với mật độ dày như Cầu mưa (Mè Hoàng Thanh), Tình em (Cầm Bích)…

Trong quá trình dạy học, nhiều HS chưa thể hiện đúng kỹ thuật hát luyến, hát láy. Do đó, cần cho các em thực hiện luyện các mẫu dưới đây:

Ví dụ 4 Mẫu luyện kỹ thuật hát luyến

Khi vào luyện tập, yêu cầu HS thở đều, tư thế đứng tự nhiên, lấy một hơi thật sâu và nén lại một lúc, sau đó thực hiện hát âm Nô, Na cho đúng cao độ, đúng vi trí âm thanh, mẫu này chỉ thực hiện trong một hơi thở.

Mẫu 5: Mẫu luyện kỹ thuật hát láy

Mẫu hát láy này, được lấy toàn bộ câu 1 đoạn a trong ca khúc Người Châu Yên em bắn máy bay của nhạc sĩ Trọng Loan, tuy nhiên ở ô nhịp đầu đã được bớt nốt. Chú ý ở kỹ thuật này chỉ hát lướt qua thật nhanh (láy), trọng âm và trường độ phải dồn vào nốt sau nó. Nốt hoa mỹ ở đây ngoài tác dụng làm mềm giai điệu của âm nhạc, còn làm cho lời ca thêm rõ nghĩa.

1.4. Hát nhanh nhiều nốt (passeage)

Đối với một số HS trung cấp thanh nhạc Trường Trung cấp VHNT&DL tỉnh Sơn La, nói tiếng Việt phổ thông còn chưa được rành mạch, khi gặp ca khúc mà giai điệu yêu cầu hát nhanh, đây là việc không dễ với các em. Có nhiều mẫu luyện, nhưng ở đây dựa trên giai điệu của ca khúc Người Châu Yên em bắn máy bay chúng tôi soạn ra một mẫu, để tạo ra sự thân quen cho học sinh.

Ví dụ 5: Mẫu luyện kỹ thuật hát nhanh nhiều nốt

Khi luyện kỹ thuật, GV nhắc nhắc nhở HS đứng tự nhiên, lấy hơi thở qua cả đường mũi và miệng. Lấy hơi thở phải nhanh, sâu, không được tạo ra tiếng động, bụng không được thả lỏng, phải có cảm giác giống như nín thở, sau đó thực hiện đẩy hơi và bật âm thanh theo tên của nốt nhạc một cách nhẹ nhàng. Kỹ thuật này áp dụng cho ca khúc Người Châu Yên em bắn máy bay (Trọng Loan).  

1.5. Kỹ thuật nhấn tiếng

Kỹ thuật nhấn tiếng (marccato), thường được ký hiệu bằng dấu V (có thể nằm ngang) ở trên nốt nhạc. Kỹ thuật hát nhấn tiếng, không giống như hát liền tiếng, mà phải nhấn mạnh vào những nốt nhạc. Trước khi vào luyện tập ca khúc, cần cho HS rèn luyện kỹ thuật hát nhấn tiếng mẫu dưới đây.

Ví dụ7: Mẫu luyện kỹ thuật hát nhấn tiếng

Khi luyện mẫu này, nhắc nhở HS phải giữ chắc hơi, bật âm thanh nhẹ ra đầu môi một cách dứt khoát và nhấn vào nốt nhạc. Rèn luyện kỹ thuật hát nhânts tiếng có thể áp dụng vào ca khúc Người Châu Yên em bắn máy bay (Trọng Loan), Cho bản em mùa xuân (Lò Thanh Yến).

1.6. Kỹ thuật hát nảy tiếng

Kỹ thuật hát nảy tiếng (staccato), ký hiệu bằng dấu chấm ở trên hoặc dưới nốt nhạc. Hát nảy tiếng: “âm thanh phải gọn, sáng trong, nảy nghe thánh thót như tiếng sáo, tiếng chim hót” [1, tr.71]. Do vậy nên cho HS luyện tập mẫu dưới đây:

Ví dụ 8: Mẫu luyện hát nảy tiếng

Với mẫu trên, nhắc nhở HS đứng thẳng, không cần lấy hơi sâu, khẩu hình không cần mở to quá, hát nhẹ nhành, gọn tiếng “âm thanh bắt buộc phải có vị trí nông và cao” [2, tr.109]. Sau khi đã cảm nhận được vị trí âm thanh cũng như sự linh hoạt của thanh đới, tiếp tục cho các em luyện với tốc độ nhanh hơn. Kỹ thuật này áp dụng vào ca khúc Người Châu Yên em bắn máy bay (Trọng Loan).

2. Phát âm nhả chữ hát ca khúc viết về Sơn La

2.1. Sửa cách phát âm các từ thiếu âm tiết cuối

HS thanh nhạc Trường Trung cấp VHNT& DL Sơn La, khi phát âm một số từ  thường thiếu âm tiết cuối và gây ra hiện tượng chuyển nghĩa của từ. Những từ có âm tiết cuối là ng, HS thường đọc là n, ví dụ Chiềng Ly thành Chiền Ly, bóng cờ thành bón cờ, núi rừng thành núi rừn... Với những trường hợp như trên, khi dạy hát từng câu, GV phải cho HS đọc trước lời ca. Đặc biệt phải chú ý phân tích và làm mẫu tỷ mỷ những từ thiếu âm tiết cuối cho các em nghe, để hiểu và làm theo. Chẳng hạn mốn phát âm thành từ Chiềng mà không phải từ Chiền, thì lưỡi hơi cong không được để sát chân răng, khi phát âm phải dứt khoát, vị trí âm thanh từ trong miệng phát ra đồng thời lúc đó khẩu hình hơi mở ngang. Với các từ khác cũng phải làm như vậy, cho HS thực hiện nhiều lần, chưa đạt yêu cầu thì làm lại.

2.2. Sửa cách phát âm mà một âm tiết của từ được thay thế bằng âm tiết khác

Trường hợp này thường gặp là âm e được thay thế bằng âm a: reo vui thành rao vui, nghèo khổ, theo người thành ngào khổ, thao người... Gặp sự chuyển đổi âm tiết như vừa nêu, khi dạy hát từng câu, GV cho HS đọc vần eo, đọc nhiều lần. Cách đọc như sau: trước tiên đọc âm e, miệng có xu hướng mở ngang như đang cười, đầu lưỡi chạm nhẹ vào hàm răng dưới, dùng hơi đẩy nhẹ và âm thanh được phát ra đúng âm e; Tiếp theo, vẫn giữ vị trí âm thanh, khẩu hình mở theo chiều dọc, kết hợp đẩy hơi nhẹ để tạo thành âm o; Bước cuối cùng là kết hợp thật nhanh của hai bước trước, thông qua sự linh hoạt của khẩu hình, lưỡi, hơi thở sẽ được âm eo như ý muốn. Khi HS thực hiện tương đối thuần thục, việc cuối cùng là ghép âm tiết đầu vào là ổn. 

2.3. Sửa thanh sắc về thanh ngã đảm bảo đúng nghĩa của từ

HS thuộc tộc thiểu số thường phát âm: thanh ngã thành thanh sắc: Mỹ, vững, những thành Mý, vứng, nhứng... Trường hợp này, trong quá trình dạy học cũng cho HS đọc lời trước. Gặp những từ bị lẫn thanh, thì sửa cho HS một cách thật tỷ mỷ. Có cách sửa như sau: cho HS đánh vần: ư + ng + dấu ngã thành vần ững, phải đọc chậm, nhấn vào mỗi âm tiết, sau đó mới đọc nhanh để thành vần ững. Cuối cùng ghép nh với ững sẽ thành từ những.

Với từ: rẫy, mỹ, dữ... khi luyện cho HS đọc cũng phải thực hiện thông qua các thao tác như vậy. Phần tích các âm tiết, thanh trong từ, HS sẽ cảm nhận từng bước, rồi cho đọc từ chậm đến nhanh, khi không bị nhầm lẫn nữa thì lúc vào tập hát, sẽ không làm cho từ bị biến nghĩa. Tất nhiên, ở âm khu cao muốn hát được các từ cho đúng nghĩa còn phụ thuộc vào sự kết hợp nhuần nhuyễn của các kỹ thuật thanh nhạc khác. 

Kết luận

Để HS thể hiện tốt các ca khúc viết về Sơn La, trong quá trình dạy học ở trên lớp, chúng tôi chú ý cho các em thực hiện một số kỹ thuật thanh nhạc như hát liền tiếng, hát ngân dài, hát luyến, láy, hát nhanh nhiều nốt, hát nhấn tiếng, hát nẩy tiếng. Bên cạnh, chú ý đến việc rèn luyện cho các em biết phát âm nhả chữ cho chuẩn tiếng Việt thông qua việc sửa cách phát âm các từ thiếu âm tiết cuối; sửa cách phát âm mà một âm tiết của từ được thay thế bằng âm tiết khác và sửa thanh sắc về thanh ngã đảm bảo đúng nghĩa của từ. Với cách rèn luyện như vậy, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cho HS thanh nhạc nói chung và HS giọng nữ cao nói riêng trong việc thể hiện thành công ca khúc viết về Sơn La.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trung Kiên (2001), Phương pháp sư phạm thanh nhạc, Viện Âm nhạc xb, Hà Nội.

2. Ngô Nam (2007), Hát 2, Nxb, Đại học Sư phạm, Hà Nội.