Nghiên cứu lý luận

Thực trạng dạy học hát ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn cho học sinh giọng nữ trung tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội

06 Tháng Tám 2022

THỰC TRẠNG DẠY HỌC HÁT CA KHÚC CỦA NHẠC SĨ NGUYỄN ĐỨC TOÀN

CHO HỌC SINH GIỌNG NỮ TRUNG TẠI TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỆ THUẬT HÀ NỘI

Nguyễn Thu Hà

Học viên K13 – LL&PPDH Âm nhạc

Trường Cao đẳng Nghệ thuật (CĐNT) Hà Nội là một trong những đơn vị đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp có chất lượng cao của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn luôn được sử dụng trong chương trình dạy học thanh nhạc. Tuy nhiên, một số học sinh (HS) giọng nữ trung, hệ Trung cấp Thanh nhạc còn bộc lộ nhiều hạn chế về phát âm, nhả chữ, thể hiện tác phẩm… Giảng viên (GV) vẫn nặng về truyền thụ kiến thức, kĩ năng một chiều chưa phát huy được năng lực của học sinh. Trước tình hình trên, bài viết đi sâu nghiên cứu đánh giá thực trạng để từ đó đưa ra những ưu điểm và hạn chế trong dạy học hát ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn cho HS giọng nữ trung, hệ Trung cấp Thanh nhạc tại Trường CĐNT Hà Nội.

1. Thực trạng dạy của giảng viên

Luyện tập ca khúc Việt Nam, trong đó có ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn là một trong những nội dung chính và là yêu cầu trong chương trình đào tạo Thanh nhạc chuyên nghiệp tại Trường CĐNT Hà Nội.

Trong cuốn Phương pháp sư phạm thanh nhạc tác giả Trung Kiên nhận định:

Cũng như aria và romance, tập hát ca khúc có tác dụng phát triển những thói quen biểu diễn cho người ca sĩ. Ca khúc đòi hỏi kỹ thuật đơn giản hơn. Tuy vậy, ca khúc lại là thể loại mà học sinh sau khi tốt nghiệp ra trường thường xuyên biểu diễn, vì vậy việc tập hát ca khúc được đưa vào giáo trình cần quan tâm tới tính chất âm nhạc, tới nội dung, tránh những loại ca khúc tầm thường ủy mị, thiếu thẩm mỹ. Cần phải cho học sinh hát những ca khúc cách mạng, đó là một phần không thể thiếu được trong giáo trình thanh nhạc ở các bậc học [4, tr.30].

Mục tiêu đào tạo cho hệ Trung cấp có nội dung về lý thuyết gồm các vấn đề như: Cấu tạo và sinh lý hoạt động của cơ quan phát thanh; Tư thế luyện thanh và ca hát; Hơi thở trong ca hát… Mỗi GV có các hình thức dạy khác nhau. Có GV xen kẽ trong 01 tiết, vừa dạy lý thuyết vừa dạy thực hành. Có GV tổ chức cho HS học nội dung lý thuyết theo tiết riêng. Có GV kết hợp dạy gộp nhiều HS, thời gian dạy HS này thì HS khác quan sát và có thời gian nghỉ trong từng tiến trình dạy học. Trong khảo sát thực tế 01 tiết dạy thanh nhạc của GV Trần Phương Hoa cho 01 HS giọng nữ trung, với các bước tiến hành trong thời lượng 45 phút cho 01 HS giọng nữ trung ở học kỳ I, năm thứ nhất, khóa học 2019-2020, có các bước sau:

Bước 1. GV yêu cầu HS mở sách học hát có bài Quê em của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn. Thời gian khoảng 2 phút.

Bước 2. Luyện thanh.

GV yêu cầu HS đứng đúng tư thế, người thẳng, lưng thẳng, hai tay buông thoải mái, hai chân ngang bằng vai và sau đó vừa đánh đàn, vừa hát các mẫu luyệng thanh:

Sau luyện thanh, GV dùng lời giảng cho HS về sự liên quan giũa hơi thở, khẩu hình... đến âm thanh khi ca hát. Cùng với thuyết trình, GV dùng phương pháp sử dụng phương tiện dạy học là máy tính trình chiếu hình ảnh về cấu tạo bộ máy phát âm trong tài liệu dạy học thanh nhạc để minh họa cho sự liên quan này. Về cơ bản, HS hình dung được cấu tạo của cơ quan phát âm của cơ thể người trong ca hát. GV và HS có sự tương tác,HS hiểu và thực hành đạt yêu cầu của GV. Mẫu luyện thanh đạt yêu cầu mục đích giữ hơi, lấy hơi, phát triển tầm cữ giọng. Thời gian tiến hành luyện thanh khoảng 8 phút.

Bước 3. Hát mẫu

GV vừa đánh đàn vừa sử dụng phương pháp trình bày tác phẩm hát mẫu bài Quê em. Thời gian thị phạm hát mẫu khoảng 5 phút.

Bước 4. Thực hành dạy hát từng câu trong bài.

GV thị phạm từng câu trong bài, HS hát theo. GV sửa cao độ, nhịp độ, lấy hơi, cách phát âm, nhả chữ trong từng câu, từng đoạn trong ca khúc. GV sử dụng phương pháp dùng lời để giảng cho HS về cách vận dụng hơi thở dài, hơi thở ngắn, lấy hơi nhanh.... để hát từng câu trong bài. GV hướng dẫn HS xử lý sắc thái, tình cảm như to, nhỏ, tính chất nhẹ nhàng hay rộn ràng, sôi nổi theo nội dung lời ca và giai điệu ca khúc. Thời gian tiến hành là 20 phút.

Bước 5. Hát toàn bài.

GV vừa đánh đàn piano đệm cho SV hát, vừa nhắc SV xử lý sắc thái to nhỏ, tình cảm nhẹ nhàng hay rộn ràng, sôi nổi theo nội dung lời ca, giai điệu bài. Thời gian khoảng 7 phút.

Bước 6. Nhận xét, đánh giá tiết học.

GV nhận xét về việc tiếp thu và những ưu điểm, tiến bộ và nhược điểm trong tiết học của HS, đồng thời dặn dò, yêu cầu HS về luyện tập khắc phục nhược điểm. GV hướng dẫn HS sử dụng phương pháp tự học ngoài giờ lên lớp. Thời gian khoảng 3 phút.

Tổng thời gian 01 tiết học là 45 phút.

Qua mô tả 01 tiết dạy học hát ở trên, chúng tôi nhận thấy các bước tiến hành về cơ bản là phù hợp. Hầu hết GV thanh nhạc đều thực hiện dạy thực hành hát theo 6 bước. Đây là phương pháp truyền thống đặc thù trong dạy thanh nhạc.

2. Thực trạng học của học sinh

Qua khảo sát về thời gian luyện thanh hàng ngày của HS cho thấy thực trạng như sau:

Bảng 1. Kết quả khảo sát thời gian luyện thanh của HS giọng nữ trung

Có 31/53 HS, tỉ lệ 68,2% HS Thường xuyên luyện thanh, có 21/53 HS, tỉ lệ 31,8% Thỉnh thoảng luyện thanh. Như vậy vẫn có khá nhiều HS chưa duy trì thói quen tự học, tự rèn luyện.

Dựa theo quy chế đánh giá và xếp loại HS của BGD & ĐT và Nhà trường, Khoa Thanh nhạc đưa ra những tiêu chí đánh giá, chấm điểm chuyên ngành Thanh nhạc xét trên cả hai phương diện: ý thức học tập và năng lực học tập.

- Ý thức học tập trung bình + năng lực học tập trung bình - khá: thang điểm 5 - 7,5. 

- Ý thức học tập tốt + học năng lực học tập khá: thang điểm 7,5 – 8,5.

- Ý thức học tập tốt + năng lực học tập giỏi: thang điểm 8,5 - 9,5.

Bên cạnh đó, trong mỗi học kỳ nếu HS nghỉ học quá 3 buổi không xin phép sẽ không đủ điều kiện thi; điểm trung bình tất cả các môn học dưới 3,5 sẽ bị cho thôi học. Vì tiêu chí đánh giá ý thức và năng lực học tập rất rõ ràng, nên hàng năm có khá nhiều HS bỏ học do không theo được chương trình học, hoặc bị nhà trường cho thôi học do vi phạm kỷ luật. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều khóa học đầu vào khoảng 100 HS, nhưng đến khi tốt nghiệp chỉ còn lại 22 HS như trường hợp của Khóa 2017 - 2020.

Qua điều tra khảo sát đối với HS giọng nữ trung và yêu cầu các em tự đánh giá giọng của mình. Kết quả có 3/52 tỉ lệ 5,8% HS tự nhận mức Giỏi, 44/52 tỉ lệ 84,6% HS tự nhận mức Khá, 3/52 tỉ lệ 5,8 % HS tự nhận mức Trung bình. Đây là kết quả tương đối khớp với đánh giá của chúng tôi trong quá trình khảo sát thực tế qua dự giờ tại các tiết học.

Bảng 2. Kết quả khảo sát đánh giá kết quả học tập của HS giọng nữ trung

Đánh giá chung chất lượng hát ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn của HS giọng nữ trung hệ Trung cấp Thanh nhạc, Trường CĐNT Hà Nội, có thể chia thành các nhóm như sau:

- Nhóm HS giỏi có chất giọng tốt và khả năng tiếp thu tốt. Hát rõ lời, đúng giai điệu, nhịp điệu. Kỹ thuật giọng ổn định, đạt chuẩn về vị trí hơi thở, điểm tựa, cộng minh, khẩu hình tốt. Làm chủ được các kỹ xảo âm thanh, vì vậy âm thanh vang, sáng, tròn, đầy đặn, có nhạc cảm. Phong cách hát tự tin, thể hiện đúng phong cách thể loại của tác phẩm.

- Nhóm HS khá có chất giọng và khả năng tiếp thu khá. Hát đúng nhịp điệu, giai điệu, còn có sai sót về phát âm. Kỹ thuật giọng tương đối chuẩn xác về vị trí hơi thở, điểm tựa, cộng minh, khẩu hình. Các kỹ xảo âm thanh chưa thật sự chủ động. Phong cách hát tự tin, thể hiện tương đối phù hợp phong cách thể loại của tác phẩm.

- Nhóm HS trung bình có giọng hát hạn chế, nhưng chưa chịu khó luyện tập. Hát chưa chính xác về nhịp điệu, giai điệu, còn có sai sót về phát âm. Thực hiện chưa chuẩn xác các kỹ xảo âm thanh, vị trí hơi thở, điểm tựa cộng minh, khẩu hình bấp bênh không chắc chắn. Phong cách thiếu tự tin, thể hiện không phù hợp với phong cách thể loại của tác phẩm.

3. Nhận xét về thực trạng dạy học

3.1. Những ưu điểm

Thanh nhạc là bộ môn đòi hỏi phải luyện tập và thực hành hàng ngày. Thời gian trên lớp với GV chỉ 2 buổi/1 tuần vì vậy HS phải tự ôn ngoài giờ học. Tuy nhiên, qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy GV chưa quan tâm tới vấn đề nắm bắt tâm lý của HS nhằm đưa ra những phương pháp giảng dạy phù hợp cả trong và ngoài giờ, đồng thời có những điều chỉnh kịp thời khi thấy HS có những biểu hiện lơ là trong học tập.

GV đã trang bị đầy đủ cho HS những kiến thức cơ bản về giáo dục nhằm xây dựng ý thức trách nhiệm, hành vi, đạo đức của HS; kiến thức cơ bản về nghệ thuật thanh nhạc, kỹ năng biểu diễn và biết vận dụng có hiệu quả các kiến thức được đào tạo trong thực hành. HS có khả năng tự học tập, tự nghiên cứu những vấn đề liên quan tới thanh nhạc và hoạt động biểu diễn.

Các bước tiến hành và phương pháp thực hành thị phạm, sửa lỗi thực hành trực tiếp giúp cho HS nắm bắt tương đối cụ thể những vấn đề cơ bản trong nội dung học hát ca khúc. GV đều vận dụng hiệu quả cả hai hình thức tiến hành dạy học theo nguyên tắc: trong dạy thực hành kết hợp dạy lý thuyết, trong dạy lý thuyết kết hợp với dạy thực hành.

3.2. Một số hạn chế

Qua khảo sát thực tế dạy học thanh nhạc, GV không yêu cầu HS tự rèn luyện, tự sửa sai những nhược điểm khi hát như: hơi thở không khống chế được khi lên cao, ngân dài, cằm cứng, phát âm chưa rõ lời.... Cằm cứng là mở khẩu hình chưa đúng, đây là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng tới âm thanh và đặc biệt là thực hiện các kỹ thuật hát legato, non legato… Vì thế việc vận dụng các kỹ thuật hát staccato, legato... ở các em giọng nữ trung còn yếu.

Tư thế đứng hát của HS chưa được chú trọng. Khi xuống âm khu thấp thì cúi đầu quá thấp khiến bị so vai rụt cổ, khi lên vị trí những âm thanh ở âm khu cao lại ngửa ra phía sau. Thế đứng ép ngực nên gặp vấn đề khó kiểm soát hơi thở khi hát.

Rèn luyện cách lấy hơi chưa đúng, khi lấy hơi bị so vai, rụt cổ, hơi bị nông, do chỉ lấy hơi theo kiểu tự nhiên. Chưa biết cách khống chế hơi thở (giữ hơi) nên lượng hơi không đủ để ngân dài, không đủ để tạo thành cột hơi mạnh hát những nốt cao.

Các bài luyện thanh với giọng nữ trung là cực kỳ quan trọng, nó giúp xử lý nốt chuyển giọng và thống nhất âm sắc giọng hát của các âm khu giọng. Tuy nhiên GV chưa chú ý đến việc thực hiện những bài luyện thanh nhằm phát triển giọng hát, phát triển các kỹ thuật hát, nhằm phát triển kỹ thuật, đặc biệt là vấn đề mở rộng âm vực cho giọng nữ trung

Vấn đề khó khăn nhất với giọng nữ trung là mở rộng âm vực. Tuy nhiên, HS chưa thấy vai trò và tầm quan trọng của vấn đề này, chưa kiên trì trong rèn luyện, khi thấy mình chưa chuyển được giọng thì có tâm lý buông xuôi, chưa phát huy được năng lực của bản thân.

Trong xử lý tình cảm, sắc thái, HS chỉ tập trung chú ý để hát đúng cao độ và tiết tấu, mà chưa để ý tới vấn đề xử lý tình cảm, sắc thái to nhỏ. Điều này dẫn tới việc các em hát từ đầu tới cuối ca khúc với âm lượng đều đều, không cảm xúc, chỉ cố gắng hát đúng, chưa thể hiện được tình cảm, cắc thái bài.

Về việc tìm hiểu, nghiên cứu tác phẩm, GV chưa chú ý phân tích nội dung lời ca, cấu trúc, giai điệu, tiết tấu... bài hát giúp HS hiểu rõ nội dung, tình cảm, ý nghĩa và đặc điểm của bài. HS học theo cảm tính, chưa đầu tư tìm hiểu nội dung, ý nghĩa và phân tích đặc điểm âm nhạc của tác phẩm. Vì vậy, HS chưa thể hiện đúng tính chất và phong cách tác phẩm.

Bảng 3.  Kết quả khảo sát vai trò của nghiên cứu tác phẩm

Kết quả khảo sát như sau: Có 44/52 tỉ lệ 90,5 % HS cho rằng nghiên cứu tác phẩm là Cần thiết, trong đó có 7/52 tỉ lệ 9,5 % HS đánh giá ở mức Bình thường, không có 0/52 HS nào đánh giá ở mức Không cần thiết.

Về kỹ năng biểu diễn. HS được học môn Kỹ năng biểu diễn, tuy nhiên đây là môn học chung, vì vậy các bài tập là tập thể. Các ca khúc có nhiều những đặc điểm riêng của từng bài, không tìm hiểu kỹ năng phù hợp áp dụng sẽ không phù hợp. Đặc biệt, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid, công tác dạy học phải chuyển qua học trực tuyến, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng tiếp thu của HS đối với những môn học vận động.

HS giọng nữ trung hệ trung cấp hiện nay chưa có phương pháp tự học phù hợp, chưa biết áp dụng giữa học và hành. Những nội dung học tập chưa gắn với thực tiễn nghề nghiệp. Một vấn đề cũng rất quan trọng, tác động không nhỏ tới thực trạng học thanh nhạc của HS đó là chưa xác định được mục tiêu, động cơ và tinh thần học tập.

Về việc ứng dụng công nghệ thông tin, GV chưa chú ý khai thác để góp phần nâng cao chất lượng dạy học. Nếu sử dụng công nghệ thông tin tốt sẽ giúp HS trao đổi với nhau về cách hát, cách biểu diễn các ca khúc, để rút ra bài học tham khảo cho HS. 

Vấn đề giao bài tập về nhà cho HS đôi lúc chưa được duy trì đều đặn, đôi khi GV giao cho HS nhiều bài tập khác nhau trong thời gian ngắn khiến HS cảm thấy bị áp lực, đôi khi lại không giao khiến HS lơ là, mất tập trung.

Trên đây là nguyên nhân hạn chế trong thực trạng dạy hát ca khúc nói chung, dạy học hát ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn nói riêng tại Trường CĐNT Hà Nội.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Lã Minh Hằng (2004) Những tác phẩm tiêu biểu của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, Luận văn thạc sĩ chuyên ngành Nghệ thuật học, Nhạc viện Hà Nội, Hà Nội.
  2. Nguyễn Thị Hương (2017), Dạy học Thanh nhạc cho giọng nữ trung hệ Đại học Sư phạm Âm nhạc, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Luận văn thạc sĩ Lý luận và phương pháp dạy học Âm nhạc, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, Hà Nội.
  3. Nguyễn Trung Kiên (1982), Phương pháp học hát, Nxb Văn hóa, Hà Nội.
  4.  Nguyễn Trung Kiên (2001), Phương pháp sư phạm thanh nhạc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
  5. Hồ Mộ La (2008), Phương pháp dạy thanh nhạc, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội.