Nội san

THỰC HIỆN TIẾN TRÌNH BÀI DẠY HÁT DÂN CA CHO HỌC SINH TRUNG HỌC CƠ SỞ THEO CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG 2018

07 Tháng Chín 2022

THỰC HIỆN TIẾN TRÌNH BÀI DẠY HÁT DÂN CA

CHO HỌC SINH TRUNG HỌC CƠ SỞ

THEO CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG 2018

Nguyễn Thị Thanh Nga

Học viên K11 – LL & PPDH Âm nhạc

 

Trong nhiều năm qua, giáo dục âm nhạc nói chung và dạy học hát dân ca nói riêng ở bậc THCS đã đạt được những thành tích khả quan. Nhiều HS yêu thích môn âm nhạc, nhất là mạch nội dung Hát.  Các bài dân ca trong chương trình chính khóa, cơ bản đã được GV truyền đạt đầy đủ những thông tin cần thiết, hướng dẫn được HS hát được bài dân ca. Tuy nhiên, việc dạy học hát dân ca cho HS vẫn chưa đạt hiệu quả cao, mức độ tiếp nhận dân ca HS có phần hạn chế. Trong bài viết này, tác giả xin được nêu một số vấn đề về Tiến trình dạy hát một bài dân ca theo quy định mới của chương trình phổ thông 2018, là một biện pháp áp dụng cho dạy học hát dân ca học sinh THCS. 

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, và có một kho tàng dân ca phong phú. Dân ca là sự biểu hiện tình cảm của con người trước cuộc sống, ca ngợi cái đẹp của thiên nhiên, cái đẹp trong lao động, cái đẹp giữa con người với con người; là những câu hát giao duyên để trai gái yêu nhau, là lời ru của mẹ của bà đưa em bé vào giấc ngủ êm đềm...

Ngày nay, bước vào thời kỳ hội nhập 4.0, khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ làm cho đời sống xã hội có nhiều chuyển biến về mọi mặt, con người có xu hướng học hỏi và hội nhập toàn cầu thì những giá trị văn hóa mà cha ông để lại, trong đó có dân ca dường như có nguy cơ bị thế hệ trẻ dần rời xa. Ngay với lứa tuổi HS phổ thông, các em ít có sự đam mê dân ca, thay vào đó, các em yêu thích những bản nhạc Pop sôi sộng, thích những bản nhạc nước ngoài nhiều hơn các làn điệu dân ca Việt Nam. Vì vậy, dạy học dân ca cho học sinh phổ thông, giáo dục các em tình yêu và trân trọng dân ca Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng và cần thiết.  

Theo Chương trình môn Âm nhạc phổ thông 2018, tiến trình bài dạy cho HSPT có sự thay đổi khác trước đây, được quy định mỗi bài soạn có 4 phần: Mở đầu, Hình thành kiến thức mới, Luyện tập và Vận dụng. Do đặc thù môn học Âm nhạc, các phần này có thể được đặt tên như sau: Khởi động, Tìm hiểu – Khám phá, Luyện tập và Vận dụng; chúng tôi lựa chọn cách đặt này trong các bài dạy âm nhạc nói chung và dân ca nói riêng. Để minh chứng cho tiến trình bài dạy, chúng tôi dẫn chứng bài dân ca Đi cắt lúa – dân ca H’rê, để thấy cách thực hiện tiến trình bài dạy, cũng là một biện pháp cần chú ý trong dạy học hát.    

1. Khởi động

Là phần nhằm mục đích để HS được khởi động, tạo không khí sôi nổi, hấp dẫn, làm cơ sở để GV dẫn dắt giới thiệu bài mới hoặc để giao nhiệm vụ cho HS chuẩn bị cho bài mới.

Với bài Đi cắt lúa, nhiệm vụ chính yếu là GV phải tạo ra được các hoạt động nào đó để HS trải nghiệm kiến thức đã có như đặt những câu hỏi cho HS trả lời về sự hiểu biết dân ca, đã từng hát dân ca, nhớ tên bài dân ca… Từ đó, dẫn dắt vào bài mới là học hát bài dân ca Đi cắt lúa. GV nên sử dụng trò chơi âm nhạc để tạo không khí hứng khởi trong trải nghiệm kiến thức. Cụ thể như sau:

Tổ chức trò chơi theo nhóm: Kể tên một số bài dân ca mà em biết

Trong trò chơi này, HS vận dụng kiến thức đã biết, đã trải nghiệm để kể tên một vài bài dân ca được học ở Tiểu học như Lý cây xanh, Lý cây bông, Inh lả ơi, Gà gáy,… hoặc những bài đã từng nghe, từng hát… Với cách tổ chức cho HS tham gia trò chơi theo nhóm, kể được nhiều tên bài dân ca sẽ tạo không khí sôi nổi, khích lệ tinh thần ham học, đồng thời củng cố lại các kiến thức đã học cho các em.

Nhiệm vụ thứ 2 của phần Khởi động trong dạy học hát là GV phải tạo ra không khí hứng khởi cho HS bằng các hoạt động thực hành âm nhạc như cho HS hát, nghe nhạc, vận động… Với bài dạy hát Đi cắt lúa, sau khi HS nêu được tên một số bài dân ca, GV có thể mời một HS hát một bài dân ca cho các bạn nghe. Cuối trò chơi, cho cả lớp hát 1 bài dân ca, chẳng hạn như bài Inh Lả ơi mà HS đã thuộc ở Tiểu học và GV làm mẫu vận động cơ thể để HS vừa hát vừa vận động theo.

Cần tránh trường hợp cho HS khởi động hát hoặc vận động không liên quan gì đến nội dung dạy, ví dụ dạy bài dân ca Đi cắt lúa nhưng lại cho HS hát bài Bài ca đi học – Phan Trần Bảng hoặc vận động theo một bài hát nước ngoài.

Thông qua trò chơi âm nhạc của phần Khởi động, GV khẳng định nước ta có một nền dân ca đa dạng, phong phú, rất đáng tự hào của các dân tộc Việt Nam. Từ đó, dẫn dắt vào bài mới là dạy hát bài Đi cắt lúa - dân ca của dân tộc Hrê.

Phần khởi động có nhiều cách, GV có thể thực hiện hoàn toàn khác nhau, chỉ thống nhất là cách khởi động nào cũng để đạt mục đích dẫn dắt vào bài, HS biết nhiệm vụ của bài học, thấy hứng khởi trước khi vào bài mới.

2. Tìm hiểu – Khám phá

Gồm những hoạt động để HS nắm được nội dung của kiến thức mới trong bài dạy. Thông thường phần này có 2 hoạt động chính là: 1. Nghe và tìm hiểu bài dân ca; 2. Tìm hiểu bản nhạc

2.1. Nghe và tìm hiểu nội dung bài dân ca

Ở phần này, mục tiêu là để HS nhận diện được giai điệu của bài, nêu được cảm nhận về tính chất âm nhạc và nội dung của bài dân ca.

GV cho HS nghe bài dân ca để HS nhận diện giai điệu, nắm bắt ban đầu về tính chất âm nhạc. Với bài Đi cắt lúa, GV cho HS nghe bằng cách GV hát mẫu hoặc nghe qua đĩa nhạc, video... Khi HS nghe, GV nên hướng dẫn các em thể hiện cảm xúc bằng cách lắc lư theo hoặc bộc lộ bằng nét mặt, ánh mắt. Sau đó, cho HS nêu cảm nhận bài hát vui tươi hay trữ tình…

Sau khi cho HS nghe bài dân ca, GV giới thiệu và cần phân tích sơ qua về bài dân ca đó, điều này có ý nghĩa rất lớn, nó không chỉ giúp các em HS hiểu rõ hơn về nội dung bài hát, hiểu được rõ tính chất của bài từ đó thể hiện được đúng yêu cầu của bài dân ca mà còn giúp các em có thêm hứng thú đối với bài học. Hơn nữa, cần tích hợp về di sản văn hóa, mở rộng kiến thức để HS được tìm hiểu về vị trí địa lý, phong tục tập quán và những nét văn hóa đặc trưng của từng vùng miền.

Tìm hiểu nội dung ý nghĩa của bài Đi cắt lúa, cần cho HS quan sát bản nhạc, đọc lời ca, đọc các phần giới thiệu trong SGK để biết thông tin và từ đó nêu được ý nghĩa nội dung của bài Đi cắt lúa là dân ca của người H’rê, có giai điệu vui tươi, lạc quan, trong sáng, nói lên niềm vui khi đi cắt lúa, sự phấn khởi mừng mùa màng bội thu.

Phần mở rộng kiến thức cho bài Đi cắt lúa, tích hợp các nội dung về di sản văn hóa Tây Nguyên như giới thiệu thêm về vùng đất Tây Nguyên, một vài hình ảnh sinh hoạt văn hóa của các dân tộc ở Tây Nguyên: lễ hội, hòa tấu cồng chiêng… Có thể giới thiệu ngắn gọn về không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được thế giới công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đưa một số hình ảnh trực quan về buôn làng Tây Nguyên để tạo sự hấp dẫn cho HS.

2.2. Tìm hiểu bản nhạc

Phần này có mục tiêu là HS nhận biết được một số ký hiệu âm nhạc cần thiết trong bài liên quan đến học hát. GV cho HS quan sát bản nhạc trong SGK và nêu được các kiến thức đã được học. Ở bài Đi cắt lúa, HS cần nêu được các kiến thức như:

+ Bài hát được viết ở nhịp 2/4, các cao độ và trường độ có trong bài.

+ Bài hát được viết ở hình thức 1 đoạn.

GV cần giới thiệu thêm những ký hiệu mới liên quan đến học hát là các chỗ có dấu luyến, dấu nối trong bài; cho HS biết bài hát được viết ở hình thức 1 đoạn và được chia thành 4 câu hát, chỉ cho HS thấy trên bản nhạc các chỗ chia câu hát và đánh dấu lấy hơi của bài.

3. Luyện tập

Mục tiêu của phần này là hình thành kỹ năng ca hát, HS hát đúng giai điệu, lời ca và thể hiện được tính chất âm nhạc của bài hát. Cụ thể với bài Đi cắt lúa, HS hát đúng giai điệu, thể hiện tính chất vui tươi, phấn khởi. Phần luyện tập thường có 2 nội dung: Khởi động giọng và dạy bài hát.

3.1. Khởi động giọng

Trước khi học hát từng câu, cần cho HS khởi động giọng để giọng hát được thông thoáng và cũng là cơ hội để HS được biết một số kỹ năng cần thực hiện trong phát triển giọng. Có thể cho HS khởi động giọng bằng một câu hát đã thuộc hoặc bằng mẫu âm. Nên dành cho HS khởi động giọng trong thời gian khoảng 3 phút, không nên khởi động một cách qua loa; thực hiện tập thể lớp cùng hát, GV sửa cho HS một số kỹ thuật cần thiết. Nếu GV sửa cho HS khi khởi động giọng về kỹ thuật hát, các em sẽ phát triển giọng tốt hơn, khi hát các âm cao không bị gào to mà biết cách hát nhẹ nhàng.

Với dạy bài hát Đi cắt lúa, có thể cho HS khởi động giọng bằng mẫu âm sau:

Khi khởi động giọng, HS cần thực hiện ở tư thế đứng hát, không nên ngồi hát như khi hát từng câu. GV nên sửa cho HS về tư thế, về khẩu hình, về hơi thở, cách hát nhẹ nhàng khi lên các âm cao… Với mẫu âm trên cần hát mềm mại, liền tiếng, phát âm các âm “mi” và “ma” không bị bẹt tiếng.

3.2. Dạy bài hát

Mục tiêu của phần này là HS hát đúng bài hát, biết cách thể hiện tính chất âm nhạc. Có hai bước: Hát từng câu và hoàn thiện cả bài.

a. Tập hát từng câu

Hướng dẫn HS bằng nhiều cách. GV cần lưu ý chọn cách thức nào thì phụ thuộc vào khả năng của HS và bài hát được học.

Cách thứ nhất: GV hát mẫu từng câu hát ngắn, HS lắng nghe ghi nhớ rồi nhắc lại. Cách này phù hợp với HS chưa được tiếp xúc nhiều với âm nhạc hoặc còn hạn chế về tai nghe và những bài hát khó, mới đối với HS. Cách thứ hai: GV có thể mở đài đĩa CD cho HS nghe nhiều lần sau đó tự thuộc bài hát. Kiểu dạy này phù hợp với bài hát ngắn.

Cách dạy ở phổ biến phổ thông là theo cách thứ nhất, tức là theo lối móc xích từng câu ngắn cho đến hết bài. GV có thể đàn 2 - 3 lần từng câu hát, học sinh lắng nghe, nhìn lời bài hát và tự hát lời ca. Khi HS hát chưa thật chuẩn GV có thể hát mẫu thật rõ cho HS sửa. Cách dạy học hát này đòi hỏi GV phải sử dụng nhạc cụ thành thạo. Qua cách dạy này giúp HS phát huy được tính tích cực, phát huy được khả năng nghe, ghi nhớ giai điệu; mặt khác, giúp các em tập trung hơn trong học tập.

Tuy nhiên, như chúng tôi đã nêu là GV đôi khi làm dụng đàn, ít hát mẫu, nhất là với dân ca, chỉ đàn không hát mẫu thì HS khó hình dung ra giai điệu, thậm chí các em còn hát sai vì dân ca có luyến láy. Cho nên cần kết hợp với sử dụng đàn và hát mẫu.

           Với bài Đi cắt lúa, GV đàn từng câu và hướng dẫn HS hát. GV hát mẫu câu đầu tiên, hát mẫu những câu khó và những chỗ khó, sửa các chỗ HS hát sai. Lưu ý nhắc HS luyến nhẹ nhàng ở chữ “hát”, “mới” chú ý tiết tấu móc giật ở đầu câu hát “đàn em”, chỗ có đảo phách “vang lừng”:

        b. Hát cả bài

Sau khi dạy HS hát xong từng câu, cho HS ghép toàn bài Đi cắt lúa với nhịp độ vừa phải, hướng dẫn các em hát hay hơn và có cảm xúc hơn, thể hiện tính chất vui tươi, phấn khởi của bài hát.  Chú ý HS về lấy hơi đúng chỗ, hát vang, sáng và luyến mềm mại.

4. Vận dụng

          Mục tiêu của phần này là để HS biết vận dụng những kiến thức đã học để áp dụng vào một nhiệm vụ nào đó. Chẳng hạn như biết hát với các hình thức khác nhau, biết gõ đệm hoặc vận động theo bài hát, biết rút ra bài học giáo dục.

          Phần Vận dụng thường có 2 mục tiêu cần đạt tới: 1. Vận dụng kiến thức chuyên môn để HS mở rộng thêm với một hoạt động nào đó. 2. Bài học tổng kết rút ra sau giờ học và giáo dục phẩm chất. Sau đây, xin dẫn ra cách thức hoạt động để đạt 2 mục tiêu với bài Đi cắt lúa

4.1. Vận dụng kiến thức chuyên môn

Với bài Đi cắt lúa có thể cho HS hát với nhiều hình thức khác nhau: đơn ca, nhóm, hát có lĩnh xướng… để củng cố kiến thức về hát hoặc khi dạy sang tiết sau là tiết ôn bài hát, có thể cho HS vận dụng hát kết hợp vận động theo động tác mô phỏng múa Tây Nguyên để nâng cao hơn năng lực hoạt động âm nhạc, có thể thực hiện với một số dạng sau:

a. Vận động theo động tác múa Xoang vùng Tây Nguyên:

Cho HS xem video về động tác múa Xoang, HS bắt chước làm theo. HS thực hiện động tác múa Xoang đơn giản: nam mô phỏng đánh cồng nên khá mạnh mẽ, nữ thực hiện động tác đưa 2 tay lên và xuống một cách nhẹ nhàng hơn. HS thực hiện động tác của tay đồng thời người nhún nhảy theo. Khi thực hiện được động tác múa Xoang, HS vừa hát vừa vận động phụ họa theo. 

b. Hát trì tục (ostinato) theo bài hát:

Với lớp có năng khiếu và nếu có thời gian, ở tiết ôn tập bài hát, có thể tổ chức hát bè trì tục cho bài Đi cắt lúa. Chọn 1 số HS hát bè thứ 2 là bè trì tục, luyện riêng câu hát đó thật thành thạo.

Sau khi nhóm bè 2 (bè trì tục) thực hiện tốt, cho cả lớp ghép 2 bè, bè trì tục chỉ hát đi hát lại 1 câu được tập cho đến hết bài.

4.2. Bài học tổng kết rút ra sau giờ học và giáo dục phẩm chất

Cuối bài dạy hát, GV cần tổng kết lại và cho HS rút ra bài học giáo dục phẩm chất bằng cách ra bài tập hoặc đặt câu hỏi để HS nêu được cảm nghĩ của cá nhân, về ý nghĩa giáo dục sau khi học hát: Có ý thức trân trọng dân ca, tích cực tham gia các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị của âm nhạc dân tộc.

Câu hỏi tổng kết bài và rút ra bài học giáo dục bằng trò chơi:

- Bài hát Đi cắt lúa của dân tộc nào, vùng nào?

- Tính chất âm nhạc của bài?

- Ai đã đặt lời cho bài hát   ?

- Sau khi học xong bài Đi cắt lúa, em cần làm gì để trân trọng và gìn giữ những giá trị âm nhạc dân tộc?

Tóm lại, tiến trình bài dạy theo chương trình phổ thông 2018 phát huy tính tícch cực của HS, các phần các bước có mục đích và nội dung rõ ràng, GV dễ dàng các PPDH tích cực.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Lăng Bình (chủ biên) - Đỗ Hương Trà (2018), Dạy và học tích cực - một số phương pháp và kỹ thuật dạy học, in lần thứ ba, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội.

2. Nguyễn Văn Cường, Bren Meier (2016), Lý luận phương pháp dạy học hiện đại, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội.

3. Nguyễn Thụy Loan (2005), Âm nhạc cổ truyền Việt Nam, Giáo trình Cao đẳng Sư phạm, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

4. Nguyễn Thị Tố Mai (2021), Tài liệu môn Phương pháp dạy học âm nhạc, lưu hành nội bộ giảng dạy môn Phương pháp dạy học cho sinh viên ĐHSP Âm nhạc Khoa Sư phạm Âm nhạc Trường ĐHSP Nghệ thuật TW.

5. Ngô Thị Nam (2001), Phương pháp dạy học âm nhạc tập 1 - Giáo trình đào tạo giáo viên THCS hệ Cao đẳng sư phạm, Nxb Giáo dục, Bộ GD&ĐT.