Nội san

VẬN DỤNG HỌA TIẾT TRANG TRÍ TẠI NHÀ THỜ ĐÁ PHÁT DIỆM VÀO VIỆC GIẢNG DẠY MÔN MỸ THUẬT TẠI TRƯỜNG THCS PHÚ LỘC – NHO QUAN NINH BÌNH

29 Tháng Chín 2022

VẬN DỤNG HỌA TIẾT TRANG TRÍ TẠI NHÀ THỜ ĐÁ PHÁT DIỆM VÀO VIỆC GIẢNG DẠY MÔN MỸ THUẬT TẠI TRƯỜNG THCS PHÚ LỘC – NHO QUAN NINH BÌNH

                                                                    Đinh Thị Thu Anh

                                   Học viên Cao Học K6- LL&PP dạy học bộ môn Mĩ thuật

 

Nhà thờ Phát Diệm là quần thể kiến trúc đã được Bộ văn hóa xếp hạng là di tích Lịch sử - Văn Hóa cấp quốc gia vào năm 1988. Kiến trúc nhà thờ là sự kết hợp của kiến trúc mang phong cách gothic của châu Âu và sự kết hơp giữa phong cách đình chùa của phương Đông tạo nên nét độc đáo trong kiến trúc tôn giáo. Đây là công trình có nhiều giá trị về kiến trúc, hoa văn họa tiết, phù hợp với ứng dụng trong dạy học trang trí mĩ thuật.

Việt Namlà một quốc gia đa tôn giáo, tín ngưỡng. Người dân Việt Nam có truyền thống sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng từ lâu đời. Các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đều có những tín ngưỡng riêng gắn liền với đời sống kinh tế và tâm linh của mình. Nói đến tôn giáo không chỉ nói về truyền giáo mà bên cạnh đó có các công trình tôn giáo được xây dựng từ thời xa xưa để lại đến bây giờ mang đậm giá trị văn hóa nghệ thuật thờ tự tín ngưỡng như: Nhà thờ lớn Hà Nội, nhà thờ Đức Bà Sài Gòn... đặc biệt là nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình.

1. Đặc điểm nghệ thuật kiến trúc và chạm khắc của nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình.

Đầu thế kỷ XIX, cả vùng đất Kim Sơn ngày nay vẫn là vùng đất bồi chỉ bùn lầy và cỏ sậy. Đến năm 1828, ông Nguyễn Công Trứ được triều đình Huế phái ra Bắc khai phá những vùng đất mới và đã lập ra huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình và huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Từ bên ngoài bước vào đi qua 54 cột gỗ, có chạm khắc hoa sen, con hổ, tùng, cúc, trúc, mai, hình âm dương,chim phương hoàng, và những hình ảnh của những phiên xét sử chúa, những thiên thần, có rất Nhiều họa tiết liên quan đến phật giáo và đạo kito giáo được chạm khắc trong và ngoài nhà thờ.

Kiến trúc nhà thờ Phát Diệm được chia làm 1 nhà thờ lớn và 5 nhà thờ nhỏ trong đó có 1 nhà thờ được xây dựng toàn bộ bằng đá xanh nguyên khối. Bên cạnh  quy mô rộng nhà thờ Phát Diệm còn xây dựng thêm 1 phương đình là tòa tháp chuông và áo hồ và 3 hang đá nhân tạo. 5 nhà thờ nhỏ có tên là Nhà thờ trái tim Chúa Giesu, nhà thờ Thánh Roce,nhà thờThánh Giuse, nhà thờ Thánh Pero và 3 ngọn núi có tên là núi Sinh Nhật, núi Lộ Đức, núi Sọ. Kiến trúc nhà thờ là sự giao thoa kết hợp giữ hai tôn giáo.

Phương Đình hoàn thành năm 1899, có kiến trúc khá giống với đình làng của Việt Nam mái rộng và hình dạng vuông nên tòa Phương Đình có cái tên khác là “Nhà Vuông” có 3 tầng. Đi qua Phương đình là đến Nhà thờ lớn  xây dựng vào năm 1891, xây dựng công trình này mất 3 tháng nhưng khâu chuẩn bị nguyên liệu xây dựng và làm nền móng kéo dài tới mười năm, vật liệu xây dựng được chọn tỉ mỉ, gỗ thì lấy từ Nghệ An, Thanh Hoá và Sơn Tây, đá lấy ở núi Thiện Dưỡng cách Phát Diệm 30km, đá quý hơn lấy ở núi Nhồi gần tỉnh lỵ Thanh Hóa, cách 60km. Những cây cột gỗ nặng tới 7 tấn, phiến đá nặng đến 20 tấn đã được vận chuyển bằng những phương tiện thô sơ và sức người. Chân móng nhà thờ Phát Diệm là vùng biển đã được đất phù sa bồi lên, nên khi xây dựng đã phải cho đóng xuống hàng triệu cọc tre và đổ xuống rất nhiều đất đá mới đặt được nền móng Nhà Thờ vững chắc cho đến nay.

Phần mặt tiền Nhà Thờ Lớn, ở phía dưới có năm lối vào bằng đá và ở phía trên là ba tháp vuông bằng gạch có mái cong. Ở trên đỉnh tháp giữa có  điêu khắc hai Thiên Thần cầm Thánh Giá, ở hai bên là hai Thiên Thần khác thổi loa, ở dưới là bốn  khắc chữ Hán “ Thẩm Phán Tiền Triệu” có tên là (“Điềm báo trước ngày Phán xét”). Đá của năm lối vào phía dưới được chạm khắc rất tinh vi, đặc biệt  nhất là trên lối chính giữa là một phiến đá dài 4,20m  được chạm một bụi hoa Mân Côi (tức hoa hồng) từ giữa tỏa ra, ở trên các ngành có 17 vị Thiên Thần. Nhìn sang phải có thể thấy diễn biến câu chuyện Thiên Sứ Truyền tin, Đức Bà đi viếng, Đức Bà sinh Chúa Giêsu, Đức Bà dâng Con, Đức Bà tìm thấy Con Chúa Giêsu hấp hối trong vườn, Chúa chịu đánh đòn, Chúa đội mão gai, Chúa vác Thánh Giá, Chúa chịu đóng đinh  Chúa sống lại, Chúa lên trời, Chúa Thánh Thần hiện xuống, Đức Bà lên Trời, Đức Bà đội triều thiên có thể thấy đây là vòng tuần hoàn từ lúc sinh và tới lúc mất đi của Chúa Giêsu và Đức Bà. Giữa Cung Thánh là một bàn thờ bằng một phiến đá đặt trên hai cột đá được chạm khắc hình cây trúc. Nhà thờ Trái Tim Đức Mẹ là Nhà thờ đầu tiên được Cụ Sáu xây dựng vào năm 1883. Nhà thờ này có chiều dài 15,30m, rộng 8,50m, cao 6m; nền, cột, xà, tường, chấn song, tháp, bàn thờ tất cả đều bằng đá nguyên khối,vì vậy nhà thờ Trái Tim Đức Mẹ được người dân Phát Diệm quen gọi là Nhà thờ Đá. Nhà thờ được làm bằng đá cẩm thạch nhẵn bóng, hai bên vách là những chấn song đá, ở gần vách có những bức đá chạm thông phong hình cây tùng, cúc, mai và trúc. Ba bàn thờ bằng đá chạm khắc Trái tim Đức Mẹ với lưỡi gươm đâm thâu, bên trái tạc một cái giếng (“Giếng niêm phong”),  phía bên phải tạc một khu vườn rào kín: chỉ sự trong sáng của  Đức Mẹ trinh khiết. Trên bàn thờ chính  được sơn son thiếp vàng và tòa Đức Mẹ bằng đá.

Trong quần thể nhà thờ Phát Diệm là nhà thờ đá, tên nguyên thủy là "nhà nguyện trái tim vô nhiễm nguyên tội Đức Mẹ”. Ngọn tháp ở giữa được chạm trổ rất đẹp, trọng tâm là bức phù điêu với hình trái tim bị đâm xuyên qua chính là biểu tượng cho trái tim vô nhiễm nguyên tội của Đức Mẹ. Khi Đức Mẹ phải chứng kiến Chúa Jesu chết, Đức Mẹ đã không khóc bởi vì trái tim mẹ ôm chọn tình thương yêu. Bức phù điêu trên đá chạm hình bẩy bông sen, nằm ở mặt bên của bàn thờ chính trong ngôi Nhà Nguyện. Hình ảnh  sen vây quanh trái tim rỏ máu là hình tượng nghệ thuật chưa từng thấy trong nghệ thuật Thiên Chúa giáo phương Tây, cánh hoa sen mềm mại, mịn màng, tương phản với những vòng gai nhọn đâm nát trái tim đức Chúa. Cụm sen với các chi tiết diễn tả vòng đời của cây sen từ là nụ đến lúc nở hoa và thành đài sen và dần lụi tàn. Đường nét trong bức chạm tinh tế mềm mại, uyển chuyển. Ta vẫn biết theo truyền thống người Việt hoa sen vốn là biểu tượng của sự trong sạch, thanh khiết “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

 Một loài hoa khác cũng được gắn liền với Thánh tâm là hoa anh túc. Hoa anh túc thường được chạm khắc trên các chiếc ghế nguyện. Khi trình độ y học thời trước, thuốc phiện rất được thông dụng trong việc gây mê, giảm đau, trong ngữ cảnh đó, tôn giáo (Thiên Chúa giáo) được coi làm xoa dịu nỗi đau nhân thế. Thánh tâm ở nhà thờ đá Phát Diệm có hoa sen mà không có có hoa hồng, hoa sen ở đây đã thay chỗ cho hoa hồng. Dường như ý đồ của tác giả đã loại bỏ loài hoa có gai làm tử thương Adonis trong câu chuyện trên.

Nhà thờ đá Phát Diệm là một công trình có giá trị kiến trúc, về thiết kế trang trí, giá trị về kĩ xảo tinh tế qua tay nghề của thợ thủ công. Đặc biệt là sự dày công nghiên cứu tỉ mỉ lên kế hoạch từ tổng thể đến chi tiết, từ nền móng cho đến hoàn thiện nhà thờ cho thấy trí tuệ tài ba của cụ Sáu, ông không chỉ là giám mục – người có vai trò quan trọng quản lí điều hành các hoạt động nhà thờ Phát Diệm, bản thân  ông còn là người thiết kế, người kiến trúc sư, nhà điêu khắc có thể coi ông  là một nghệ nhân toàn tài. Ông đã để lại cho thế hệ sau một di sản văn hóa, một công trình nghệ thuật có tầm cỡ.

Hiện tại, tỉnh Ninh Bình và các nhà nghiên cứu Nhật Bản đang hoàn thiện hồ sơ để kiến trúc nhà thờ Phát Diệm được UNESCO công nhận nhà thờ Phát Diệm là di sản văn hóa thế giới. Nhà thờ Phát Diệm được các trang báo đánh giá là một trong những nhà thờ đẹp nhất Việt Nam và được ví như "kinh đô Công giáo Việt Nam".

Hàng năm mỗi dịp lễ Noen khách thập phương hội tụ về nhà thờ Phát Diệm trong ngày lễ lớn của công giáo, ngày lễ tại nơi đây không chỉ thu hút người công giáo mà cả những ngoài công giáo cũng nô nức đến tham gia. Ngoài ra nơi đây còn là điểm sinh hoạt văn hóa của người công giáo. Mang lại giá trị về mặt tinh thần gắn liền với đời sống sinh hoạt hàng ngày. 

2. Biện pháp ứng dụng các họa tiết trang trí trên các mảng chạm khắc ở nhà thờ Phát Diệm vào dạy học phân môn vẽ trang trí

Thứ nhất, giáo viên cho học sinh phân loại nhóm họa tiết

Để đưa nghệ thuật trang trí chạm khắc ở nhà thờ Phát Diệm vào chương trình giảng dạy bài học trang trí cho HS thì việc đầu tiên đặc biệt quan trọng là giáo viên (GV) phải trang bị kiến thức vững vàng về nghệ thuật trang trí chạm khắc của nhà thờ Phát Diệm cũng như các hình tượng con vật, hoa văn trang trí trong nhà thờ. Ngoài ra, GV cần xây dựng cho mình về kế hoạch dạy học sao cho phù hợp với chương trình của sách học mỹ thuật do Bộ GD & ĐT ban hành và phải phù hợp với trình độ của HS cũng như điều kiện của nhà trường. GV muốn thực hiện được nội dung trên cần tham khảo ý kiến và thống nhất với GV khác trong tổ bộ môn mỹ thuật trong trường và xin ý kiến của ban giám hiệu nhà trường để có thể đưa nghệ thuật chạm khắc trên nhà thờ Phát Diệm vào dạy học bộ môn mỹ thuật trong trường. GV phải xác định rõ các phương pháp dạy học sẽ được sử dụng trong bài dạy của mình sao cho đạt hiệu quả nhất.

Thứ hai,  ứng dụng trong bố cục cơ bản

Trang trí cơ bản nhằm giúp học sinh (HS) có thể làm quen với các thể loại trang trí nằm trong khuôn khổ nhất định như: hình tròn, hình vuông, hình tam giác, hình chữ nhật và đường diềm với những nguyên tắc. HS cần biết áp dụng các nguyên tắc linh hoạt và sáng tạo. Giáo viên hướng dẫn học sinh ứng dụng trang trí chạm khắc gỗ ở nhà thờ Phát Diệm vào dạy học phân môn vẽ trang trí:

+ Ứng dụng bố cục: Bố cục hình chữ nhật, bố cục tam giác, bố cục hình vuông, bố cục tròn.

+ Ứng dụng họa tiết: Họa tiết hoa lá, con vật, sóng nước, cây cối, dáng người, chân dung...

+ Ứng dụng đường nét: Nét thanh mảnh, uyển chuyển mềm mại, nét khỏe khoắn cứng cáp...

+ Ứng dụng cách sắp xếp họa tiết: Họa tiết đối xứng qua trục, họa tiết nối tiếp, họa tiết xen kẽ, họa tiết đăng đối...

+ Ứng dụng mảng: mảng lớn, mảng nhỏ, mảng xen kẽ...

+ Ứng dụng đậm nhạt từ điêu khắc trên khối một màu.

HS cần nắm vững và biết cách phân bố các mảng họa tiết lớn, nhỏ để ghép  thành một tổng thể tương quan hài hòa, cân đối và đẹp mắt, bố cục có trọng tâm, phân bố màu hợp lý hài hòa, biết tạo một gam màu chung có sự kết hợp trong nòng có lạnh và trong lạnh có nóng  một cách có chủ định. Thể hiện được kỹ năng trong cách trình bố cục của một bài trang trí với hình thức sạch đẹp, khéo léo, chuẩn xác về hình và màu. Nắm bắt tương quan tốt và biết vận dụng các họa tiết trang trí đẹp, phù hợp với nội dung, sáng tạo được những mẫu họa tiết vừa mang tính dân tộc vừa mang tính hiện đại.

Kết luận

Thông qua vận dụng bài học vận dụng vào chạm khắc nhà thờ Phát Diệm, học sinh được trải nghiệm kí họa lại tác phẩm chạm khắc độc đáo trên gỗ, trên đá. buổi học trải nghiệm đem lại hiệu quả tích cực, đổi mới phương pháp dạy học cho giáo viên và học sinh. Đối với học sinh các em hào hứng, có những sản phẩm ghi chép đạt yêu cầu về phat triển năng lực của người học. Những ghi chép đã được vận dụng vào bài học trang trí. Kết thúc tiết học  đã có nhiều sản phẩm độc đáo. Như vậy việc vận dụng môn mĩ thuật tại trường THCS Phú Lộc, Nho Quan, Ninh Bình là một phương pháp dạy học tích cực, vừa gìn giữ giá trị văn hóa, vừa áp dụng vào trong thực tiễn của môn học theo sách giáo khoa mới.

              

H.1 Quần thể nhà thờ đá Phát Diệm,

nguồn: Internet, truy cập 21/9/2022.

 

H.2 Trái tim Đức mẹ, nhà thờ đá Phát Diệm, nguồn: Internet, truy cập 21/9/2022.

 

 

    Tranh của học sinh:

  

        

Tranh của học sinh: Nguyễn Kiều Trang, HS lớp 7A, trường THCS Phú Lộc

                                   Nguồn: Học viên Đinh Thu Anh

   

Tranh của học sinh: Trần Văn Tuấn, HS lớp 7C, trường THCS Phú Lộc

Nguồn: Học viên Đinh Thu Anh

Tài liệu tham khảo

  1. Đoàn Thị Mỹ Hương - Đinh Gia Lê (Tổng chủ biên), Phạm Thị chỉnh  phạm Minh phong (đồng chủ biên) Phạm Duy Anh - Vũ Thị Thanh Hương, Nguyễn Thị May- Đoàn Dung 9, SGK Mỹ Thuật 6, xuất bản năm 2020, NXB Giáo dục Việt Nam.
  2. Nguyễn Thị Nhung (tổng chủ biên), Nguyễn Tuấn Cường – Nguyễn Hồng Ngọc (đồng chủ biên), Nguyễn Đức Giang – Võ Thị Nguyên – Đàm Thị Hải Uyên – Trần Thị Vân, SGK mỹ thuật 7, xuất bản năm 2022, NXB Giáo dục Việt Nam.
  3. Nguyễn Thị Nhung (tổng chủ biên), Nguyễn Tuấn Cường – Lê Thúy Quỳnh– Đàm Thị Hải Uyên – Trần Thị Vân, SGK mỹ thuật 8, xuất bản năm 2018, NXB Giáo dục Việt Nam.
  4. Nguyễn Thị Nhung (tổng chủ biên), Nguyễn Tuấn Cường – Lê Thúy Quỳnh – Đàm Thị Hải Uyên – Trần Thị Vân, SGK mỹ thuật 9, Xuất bản năm 2018, NXB Giáo dục Việt Nam.
  5. Nguyễn Công Oánh, Nhà thờ lớn Phát Diệm, xuất bản năm 2009, NXB Tôn Giáo.

Nguyễn Thị Đông (2016), Tập bài giảng Phương pháp dạy học Mỹ thuật 1 – Phần LL&PP dạy học Mỹ thuật, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW, Hà Nội.