Nội san

BIỆN PHÁP DẠY HỌC HÁT CHO TRẺ TĂNG ĐỘNG TẠI TRUNG TÂM ĐÀO TẠO VÀ PHÁT TRIỂN NGHỆ THUẬT ĐỨC HƯNG, QUẬN HÀ ĐÔNG – HÀ NỘI

26 Tháng Mười 2022

BIỆN PHÁP DẠY HỌC HÁT CHO TRẺ TĂNG ĐỘNG TẠI TRUNG TÂM ĐÀO TẠO VÀ PHÁT TRIỂN NGHỆ THUẬT ĐỨC HƯNG, QUẬN HÀ ĐÔNG – HÀ NỘI

Phạm Thị Quỳnh

Học viên K14 – LL&PP dạy học Âm nhạc

Trong xã hội ngày nay, trẻ em mắc căn bệnh tăng động giảm chú ý (ADHD) đang được gia đình và xã hội rất quan tâm. Đây là căn bệnh làm trẻ gia tăng hoạt động một cách khác thường, hay có những biểu hiện và hành động quá khích, dễ bồn chồn, không yên, không tập trung được lâu khi phải làm một việc gì đó. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình học tập và sinh hoạt của các em, làm cho quá trình hình thành và phát triển của trẻ trở nên khó khăn. Một trong những liệu pháp hỗ trợ ngoài thuốc để giảm thiểu bệnh tật cho trẻ mắc ADHD là tham gia vào hoạt động âm nhạc, ca hát. Đối với trẻ em nói chung, trẻ mắc ADHD nói riêng, âm nhạc là bộ môn có thể giúp các em thư giãn sau những tiết học văn hóa căng thẳng, cho các em có khoảng thời gian vừa học vừa chơi, phát triển năng khiếu của bản thân, phát triển thẩm mỹ nghệ thuật và cảm xúc phong phú, giúp các em giảm thiểu bệnh tật. Trung tâm Đào tạo và phát triển nghệ thuật Đức Hưng nằm trên địa bàn quận Hà Đông – Hà Nội được thành lập với mục đích chính là nâng cao, bồi dưỡng và phát triển tài năng nghệ thuật cho mọi lứa tuổi, trong đó có trẻ ADHD.

1. Lựa chọn ca khúc dạy học hát phù hợp đối với trẻ ADHD

Một số tiêu chí lựa chọn ca khúc dạy học hát cho trẻ ADHD:

- Đảm bảo nội dung phù hợp và có tính giáo dục:

Cần lựa chọn các ca khúc có nội dung gần gũi với đời sống của trẻ, phản ánh thiên nhiên, các con vật đáng yêu, về gia đình, bạn bè, quê hương, đất nước… Trẻ mắc bệnh ADHD có trí nhớ không được như trẻ bình thường nên lời ca cần giản dị, càng dễ hiểu, dễ nhớ bao nhiêu càng tốt.

Nội dung của bài hát có ý nghĩa giáo dục, dù trẻ mắc bệnh nhưng việc giáo dục cho trẻ về cuộc sống có tính nhân văn rất cần thiết, trẻ có thể chậm hơn trẻ bình thường nhưng những bài hát có ý nghĩa giáo dục làm cho trẻ biết yêu bố mẹ, ông bà, yêu thiên nhiên, cảnh vật, yêu bạn bè, từ đó trẻ có những hành xử đúng đắn, biết làm việc tốt, biết yêu quê hương đất nước.

- Đảm bảo tính nghệ thuật, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của trẻ:

Các bài hát được tuyển chọn cần đảm bảo tiêu chí nghệ thuật, có giai điệu hay, tính chất vui tươi, trong sáng, trữ tình, giai điệu đơn giản, dễ nhớ, dễ thuộc, có chu kỳ tiết tấu roc ràng, nội dung lời ca dễ hiểu, dễ nhớ…

- Phù hợp với đặc điểm về bệnh lý ADHD:

Trẻ mắc bệnh ADHD tăng động hơn, không chú ý được lâu như các trẻ bình thường nhưng về năng khiếu ca hát nhìn chung các em không bị ảnh hưởng do bệnh tật, có những em có năng khiếu tốt (hát đúng, hát hay) và có một số ít em năng khiếu hạn chế (hát không thật chuẩn giai điệu, giọng hát không hay), trẻ ADHD bị hạn chế trong khi học hát, không tập trung chú ý lâu, các em vẫn đáp ứng được học giai điệu âm nhạc của bài hát như trẻ bình thường nhưng lời ca không nhiều và dài.

2. Sửa ngọng cho học sinh

Đối với trẻ em ADHD, mặc dù đã ở lứa 9-10 tuổi nhưng do phát triển không bình thường nên một số ít em gặp khó khăn về ngôn ngữ nói, có em phát âm chưa rõ, tốc độ nói nhanh, gấp gáp, không rõ lời, sai chính tả.

Để sửa ngọng cho học sinh, đầu tiên giáo viên cần hướng dẫn các em tập động tác khởi động cơ miệng. Ở trẻ em tuổi mẫu giáo, việc cơ hàm yếu là một trong nguyên nhân gây nói ngọng, còn đến lứa 9-10, với trẻ phát triển bình thường thì phát âm đã khá chuẩn, rõ ràng nhưng ở trẻ ADHD nhìn chung là không bình thường nên sự linh hoạt cơ hàm của một số em có thể chưa tốt.

Muốn HS phát âm đúng và nhớ lâu, trước hết giáo viên cần chỉ ra và giảng giải để HS nhận thức được những chữ phát âm đó là sai, yêu cầu các em phát âm đi phát âm lại nhiều lần và uốn nắn từng chút một. Trước khi yêu cầu HS đọc một câu, một đoạn nào đó, cần tạo cho các em sự thoải mái, không căng thẳng, thả lỏng cơ thể và bình tĩnh trước khi nói.

Ngoài việc sửa ngọng, cần hướng dẫn HS phát âm sao cho tròn vành rõ chữ. Có thể cho các em luyện một số mẫu âm với ô, a, e, i… trước khi học hát. Chẳng hạn như: 

            VD số 1:

Khi hát các âm có nguyên âm a ở cuối, hướng dẫn các em chú ý không hát bẹt tiếng, miệng mở rộng tự nhiên. Khi phát âm các từ có chữ ô cần tròn miệng.

3. Dạy học hát kết hợp vận động

Hát kết hợp vận động theo nhạc giúp trẻ phát triển cảm giác, nhịp điệu, sự khéo léo, khả năng phản ứng nhanh và đúng với những hình dung, tưởng tượng qua tư duy khi nghe được những cảm xúc trong âm nhạc. Ngoài ra, vận động theo nhạc còn đáp ứng nhu cầu tình cảm của trẻ, trẻ được bộc lộ cảm xúc, giao tiếp với bạn bè. Hiện nay, có 2 dạng thức vận động chủ yếu cho HS kết hợp khi hát, đó là vận động cơ thể (body percusion) và vận động minh họa đơn giản.

*Vận động cơ thể (body percussion)

Vận động cơ thể hay nhịp điệu cơ thể dịch sát nghĩa là bộ gõ cơ thể (tiếng Anh: body percussion) là cách sử dụng cơ thể như một loại nhạc cụ chơi tiết tấu. Body percussion là cách vận động sử dụng búng tay, dậm chân, vỗ tay, vỗ đùi, vỗ vai… tạo ra âm thanh đệm theo giai điệu của bài hát.

Chẳng hạn, với bài Chú voi con ở bản Đôn, có thể cho HS nghe hát vận động theo hoặc vừa hát vừa vận động theo như sau:

VD số 36:    

Hoặc với bài hát Bài ca đi học, có thể cho vận động với các động tác sau:

VD số 37:

Để các em có thể thực hiện được, cần hướng dẫn riêng từng động tác, tập lặp đi lặp lại đến khi các em thành thạo mới cho ghép vào 1-2 câu hát. Khi làm tốt, cho các em nghe đĩa hát vận động theo. Cuối cùng, khi các em làm tốt, mới cho vừa hát vừa vận động với những bài dễ. Bài Chú voi con ở bản ĐônBài ca đi học là dạng dễ thực hiện nên có thể vừa cho hát kết hợp vận động cơ thể.

*Vận động minh họa

Vận động minh họa với các động tác đơn giản phù hợp với tính chất âm nhạc hoặc hình tượng lời ca là cách làm phổ biến của các GV dạy âm nhạc ở trường phổ thông. Giáo viên dạy cho trẻ những động tác vận động kết hợp với âm nhạc, cho trẻ nhìn và làm theo giúp trẻ phát triển nhịp điệu, tiết tấu và làm cho giờ học thêm sinh động. Với HS tiểu học, HS mắc ADHD thích hoạt động thì vận động minh họa được các em hưởng ứng nhiệt tình. Tuy nhiên, hoạt động này đòi hỏi GV phải biết sáng tạo sao cho phù hợp, tránh sáng tạo các động tác quá rườm rà, khó nhớ.

4. Dạy học hát kết hợp với trò chơi

Không chỉ trẻ ADHD mà ngay cả dạy hát cho trẻ bình thường, vận dụng trò chơi vào tổ chức dạy học là một phương pháp mang lại hiệu quả cao nhằm tăng hứng thú học tập cho các em. Với trẻ ADHD, việc giải trí làm các em thấy thoải mái tinh thần là rất quan trọng. Vì thế, biện pháp hữu hiệu là dạy thông qua trò chơi.

*Trò chơi Ai nhanh hơn

Mục tiêu: Nâng cao sự tập trung chú ý, phát triển trí nhớ, trẻ hứng thú khi tham gia hoạt động này.

Chuẩn bị: GV chuẩn bị sẵn một số trích đoạn bài hát mà HS đã được học (đĩa CD).

Thời gian và cách chơi: Trò chơi diễn ra 5-7 phút trong giờ học.  GV hát (hoặc mở đĩa) 1 câu của bài hát, HS trả lời câu hát đó nằm trong bài hát nào? Ví dụ: Câu hát “Bầy chim xinh xinh hót vang lùm cây xanh xanh”. Đáp án: Bài hát “Bài ca đi học” của nhạc sĩ Phan Trần Bảng.

Hướng dẫn tổ chức chơi: Giáo viên lấy tinh thần xung phong, mời một học sinh đứng quay lưng lại phía lớp. Sau khi nghe câu hát, học sinh trên bục giảng phải đoán được câu hát vừa nghe nằm trong bài hát nào. (Nếu học sinh chưa trả lời được thì giáo viên sẽ có từng gợi ý giúp học sinh nhớ lại các thông tin và trả lời). Trò chơi được tiếp tục với một số học sinh khác và một số câu hát khác trong chương trình đã học. Giáo viên cử các tổ trưởng làm thư ký ghi chép kết quả của học sinh sau mỗi phần chơi. Kết thúc trò chơi những học sinh có kết quả thấp nhất sẽ làm ca sĩ biểu diễn trước lớp.

*Trò chơi Vũ điệu hóa đá

Mục tiêu: Giúp cho học sinh có tai nghe nhạy bén hơn, tập trung cao độ,và gia tăng hoạt động chân tay để giải phóng cơ thể.

Chuẩn bị: Một số video âm thanh những bài hát sôi động.

Luật chơi: Học sinh đứng thành 1 hàng ngang, khi âm nhạc vang lên thì các em sẽ nhún nhảy và làm những động tác tự do mà các em tự nghĩ ra, khi âm nhạc dừng lại thì các em sẽ phải dừng hình ngay lập tức dù đang thực hiện động tác ở bất kỳ tư thế nào.

*Trò chơi Tai ai tinh hơn

Mục tiêu: Rèn luyện tai nghe, khả năng quan sát, nhận biết âm thanh và hình ảnh các nhạc cụ khác nhau, nâng cao độ tập trung chú ý cho học sinh.

Chuẩn bị: Chuẩn bị những hình ảnh và âm thanh tương ứng của các loại nhạc cụ như: xắc xô, trống cơm, phách tre, violon, piano….

Luật chơi: GV chiếu toàn bộ hình ảnh các nhạc cụ cho học sinh quan sát, sau đó mở âm thanh của bất kỳ 1 loại nhạc cụ có trong những hình ảnh trên, yêu cầu học sinh phát hiện ra đó là âm thanh của loại nhạc cụ nào ứng với hình ảnh nào. 

Trung tâm Đào tạo và phát triển nghệ thuật Đức Hưng đã và đang cải hoàn thiện từng ngày về cả môi trường vật chất dạy và chất lượng giáo viên để mang đến cho người học những chất lượng tốt chất. Việc nghiên cứu và đưa ra các phương pháp giảng dạy Âm nhạc hiệu quả giúp trẻ ADHD giảm thiểu bệnh lý và nâng cao khả năng ca hát là một việc làm mang ý nghĩa vô cùng thiết thực và có tính nhân đạo, nhân văn cao cả. Có thể thấy việc sử dụng tăng cường các phương pháp dạy học tích cực đem lại những kết quả học tập tốt hơn, khả quan hơn, ngoài việc lĩnh hội kiến thức, các em còn được thoải mái thể hiện bản thân, cải thiện giao tiếp và phát triển toàn diện.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Thị Thanh Vân (2010), Đặc điểm tâm lý lâm sàng của học sinh tiểu học có rối loạn tăng động giảm chú ý, Luận án tiến sĩ Tâm lí học, Viện Tâm lí học, Hà Nội.

2. Nguyễn Trung Kiên (2001), Phương pháp sư phạm thanh nhạc, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

3. Trần Ngọc Lan (2011), Phương pháp hát tốt Tiếng Việt trong nghệ thuật ca hát, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

4. Hoàng Long, Hoàng Lân (2005), Phương pháp dạy học âm nhạc, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

5. Thái Duy Tuyên (2008), Phương pháp dạy học truyền thống và đổi mới, Nxb Giáo dục, Hà Nội.