Nội san

THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ HÁT LƯỢN NÀNG ỚI CỦA NGƯỜI NÙNG HUYỆN HÀ QUẢNG,TỈNH CAO BẰNG

07 Tháng Mười Một 2022

Học viên Nông Thị Nga

Học viên K13 Quản lý văn hóa

 

Trong kho tàng dân ca Việt Nam, dân ca các dân tộc tỉnh Cao Bằng góp phần quan trọng làm giàu kho báu văn hóa dân gian (VHDG) Việt Nam nói chung, của tỉnh Cao Bằng nói riêng. Lượn Nàng ới là làn điệu dân ca độc đáo, đặc sắc của dân tộc Nùng tỉnh Cao Bằng nói chung, huyện Hà Quảng nói riêng. … Mỗi làn điệu đều có cách thể hiện thế giới tâm hồn riêng, có những khả năng chuyển tải và gợi cảm. Hát lượn Nàng ới dao duyên là đề tài được thể hiện sâu sắc, hấp dẫn nhất của Sli, Lượn - phản ánh tập quán và tâm tư tình cảm của tuổi trẻ dân tộc Nùng. Tuy nhiên trước tác động của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với sự bùng nổ của cuộc cách mạng thông tin toàn cầu, đã và đang từng bước làm xói mòn văn hóa truyền thống, nguy cơ mai một vốn dân ca các dân tộc là không thể tránh khỏi. Bài viết dưới đây tìm hiểu về thực trạng hoạt động phát huy giá trị văn hoá phi vật thể hát lượn nàng ới của người Nùng huyện Hà Quảng , tỉnh Cao Bằng.

1. Hoạt động phát huy giá trị di sản văn hóa hát lượn Nàng ới của nhà nước.

Đối với tỉnh Cao Bằng, để chỉ đạo, quản lý, tổ chức tốt việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của hát lượn Nàng ới, Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Chỉ thị số 36-CT/TU ngày 01/4/2020 của Tỉnh ủy Cao Bằng về bảo tồn và phát huy dân ca các dân tộc tỉnh cao Bằng; Quyết định số 06/2020/QĐ-UBND ngày 27/03/2020 của UBND tỉnh Cao Bằng về Ban hành quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Chương trình hành động số 30-CTr/HU ngày 27/10/2014 của Huyện ủy Hà Quảng về thực hiện Nghị quyết số 33- NQ/TW ngày 09/6/2014 lần thứ IX Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bề vững của đất nước.

Nhà nước hoạch định chính sách, chỉ đạo định hướng công tác bảo vệ phát huy giá trị DSVHPVT.

Được sự chỉ đạo, quán triệt của các cấp lãnh đạo tỉnh, đơn vị chủ quản là Sở Văn hóa và Thể thao và Du lịch đã thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về văn hóa là một trong những chức năng quan trọng nhất của ngành. Trong đó đòi hỏi ngành phải đặc biệt quan tâm tới công tác bảo tồn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, trên tinh thần đó kế thừa phát huy những giá trị tốt đẹp, làm cho văn hóa truyền thống trường tồn cùng nhân dân.

Xây dựng chương trình, kế hoạch hàng năm tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giao lưu dân ca trong và ngoài tỉnh. Chỉ đạo Đoàn Nghệ thuật chủ động khai thác, phát triển vốn văn hóa truyền thống, dân ca các dân tộc để xây dựng chương trình biểu diễn và giao lưu văn hóa. Tạo ra các sản phẩm văn hóa như các loại băng đĩa dân ca để quảng bá văn hóa truyền thống, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, làm quà cho khách.

Quan tâm xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao. Đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống… Luôn quan tâm tới công tác đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ kết hợp với tự rèn luyện tu dưỡng của cá nhân.

Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hà Quảng cũng đã tích cực triển khai thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo đúng kế hoạch. Hằng năm tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai, tổ chức kịp thời các phong trào hoạt động văn hóa, văn nghệ trong quần chúng nhân dân, đồng thời, khôi phục lại một số lễ hội truyền thống, khôi phục lại một số trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc, làn điệu dân ca địa phương… Và tổng hợp kết quả thực hiện các nội dung đã triển khai báo cáo UBND huyện và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Cùng quá trình thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy dân ca các dân tộc tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2020 – 2025. UBND huyện Hà Quảng, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hà Quảng đã đưa ra định hướng đến năm 2030 nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật trình diễn dân gian hát lượn Nàng ới, góp phần hạn chế tình trạng mai một, mất bản sắc văn hóa riêng của nghệ thuật hát lượn Nàng ới trên địa bàn huyện Hà Quảng, gắn kết với phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” tại địa phương. Đề án này còn nhằm tăng cường sự đầu tư của nhà nước, đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa nhằm bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian hát lượn Nàng ới; huy động mọi nguồn lực xây dựng, củng cố và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ, phù hợp, hướng tới nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tại các vùng nông thôn, giúp phát triển loại hình nghệ thuật dân gian này.

Đứng trước chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Văn hóa thể thao và Du lịch cùng các đơn vị quản lý về văn hóa huyện Hà Quảng đã định hướng cụ thể các công tác nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của hát lượn Nàng ới trong thời gian tới như: Việc tổ chức, chỉ đạo của chính quyền các cấp đã tác động tới sự thay đổi trong nhận thức của người dân về loại hình nghệ thuật dân gian này; Thường xuyên tổ chức luyện tập, đưa các buổi biểu diễn hát lượn Nàng ới vào các chương trình liên hoan của tỉnh nhà và các lễ hội địa phương nhằm quảng bá tới công chúng; Bên cạnh việc luyện tập, biểu diễn, phải tổ chức các buổi giao lưu các nghệ nhân huyện nhà với các huyện bạn có cùng loại hình nghệ thuật này; Đưa ra được những định hướng cụ thể cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị hát lượn Nàng ới trên địa bàn huyện, các đơn vị chức năng, nhà quản lý sẽ có những hướng đi hợp lý cho việc này.

Hoạt động quảng bá di sản

Bởi công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có dân ca, dân vũ, dân nhạc gắn với phát triển du lịch cộng đồng không chỉ mang ý nghĩa sâu sắc trong việc giáo dục truyền thống, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần quảng bá văn hóa, du lịch, xây dựng thành các sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương nâng cao thu nhập cho nhân dân mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Sử dụng di sản trong phát triển du lịch

Huyện Hà Quảng là nơi sinh sống chủ yếu của dân tộc Tày, Nùng, vùng đất Hà Quảng còn được biết đến với các làn điệu dân ca đặc trưng như: Hát then - đàn tính, lượn then, lượn Nàng ới, Phong slư, Pựt lằn, Xà xá, Dá Hai, Hà Lều, Sli Giang... Với xu thế hội nhập ngày nay, các làn điệu dân ca đã trở thành giá trị tinh thần vô giá không chỉ phục vụ đời sống cộng đồng mà còn điều kiện thuận lợi để huyện Hà Quảng phát triển du lịch.

Nhận thức được vai trò của dân ca các dân tộc, từ nhiều năm qua, chính quyền các địa phương trong huyện đã tích cực bảo tồn, phát huy dân ca các dân tộc qua nhiều chương trình, kế hoạch bảo tồn; truyền dạy, giáo dục cho thế hệ trẻ các làn điệu dân ca cổ truyền... Năm 2015, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thông Nông (cũ) nay là huyện Hà Quảng thành lập Chi hội Bảo tồn dân ca các dân tộc huyện Thông Nông, sau khi sáp nhập huyện Thông Nông với huyện Hà Quảng và kiện toàn lại Chi hội bảo tồn dân ca huyện gồm 234 hội viên với 21 phân chi hội. Hằng năm, huyện Hà Quảng còn tổ chức các cuộc thi hát dân ca, qua đó, phát hiện những hạt nhân văn nghệ; thành lập các mô hình gìn giữ dân ca; mở các lớp truyền dạy dân ca cho các đối tượng, nhất là các bạn trẻ; gắn bảo tồn với phát triển loại hình du lịch cộng đồng...

Thông qua các chương trình, hội thi, phong trào hát dân ca ở Hà Quảng ngày càng được gìn giữ, phát triển, đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, dân ca các dân tộc góp phần phát triển du lịch tại địa phương. Khách đến tham quan, du lịch để thưởng ngoạn danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa, tìm hiểu phong tục, tập quán đồng bào các dân tộc, các loại hình di sản văn hóa tâm linh vật thể, phi vật thể... Các nghệ nhân, nghệ sĩ cùng với các làn điệu dân ca đã phát huy vai trò chuyển tải giá trị văn hóa dân tộc đến với du khách, các cuộc thi hát dân ca trong các lễ hội đầu xuân đã tạo nên không gian văn hóa đặc trưng, thu hút du khách đến với Hà Quảng.

Có thể thấy, du lịch là môi trường dung dưỡng và bảo tồn, phát huy giá trị dân ca các dân tộc. Với những chính sách khuyến khích phát triển du lịch của tỉnh Cao Bằng, số lượng khách đến Hà Quảng ngày càng tăng cao, những năm qua UBND huyện Hà Quảng đang nỗ lực tạo mối gắn kết hơn nữa giữa du lịch với các hoạt động dân ca, văn hóa truyền thống để giữ chân du khách lâu hơn, tạo thiện cảm với du khách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương và bảo tồn vốn văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc.

Sử dụng di sản trong giáo dục thế hệ trẻ

Với bề dày lịch sử, văn hóa cùng sự đa dạng về cộng đồng các dân tộc, quan tâm giáo dục ý thức bảo vệ di sản văn hóa, nâng cao hiểu biết cho thế hệ trẻ về kho tàng di sản văn hóa dân tộc trở thành vấn đề cấp thiết đối với ngành văn hóa, du lịch tỉnh Cao Bằng. Nâng cao ý thức bảo vệ di sản văn hóa cho thế hệ trẻ mà đối tượng trung tâm là học sinh, ngành văn hóa tỉnh Cao Bằng phối hợp với ngành giáo dục đưa các nội dung giáo dục bảo vệ di sản văn hóa vào trường học; tận dụng nguồn học liệu tại chỗ là những di sản văn hóa xung quanh gần gũi, dễ hiểu với học sinh, tổ chức tham quan, giáo dục ngoại khóa. Ngoài ra đẩy mạnh giáo dục, truyền thông, giới thiệu di sản văn hóa đến nhân dân và khách tham quan với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, qua đó góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ niềm tự hào về quê hương, dân tộc.

2. Hoạt động phát huy giá trị di sản văn hóa hát lượn Nàng ới của cộng đồng

Tham gia quảng bá giá trị của di sản

Việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Di sản văn hóa đã được triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội. Nhận thức của người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành về tầm quan trọng của việc quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa được nâng lên.

Năm 2020. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng đã xây dựng kế hoạch công tác đối ngoại trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Đây cũng là dịp để tỉnh tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, làm phong phú và sâu sắc thêm những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng nền văn hóa con người Cao Bằng phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, thu hút các nguồn lực hỗ trợ cho phát triển văn hóa, thể thao, du lịch, góp phần thực hiện chính sách xã hội hóa.

Thực hành di sản trong đời sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần

Hát dân ca là một bộ phận quan trọng của văn hóa dân gian, là loại hình diễn xướng văn hóa văn nghệ do nhân dân lao động sáng tạo ra, tự diễn xướng để phục vụ tinh thần của mình. Với người Nùng cũng vậy, hát dân ca Nùng trong đó có hát Lượn Nàng ới là một trong những thể loại diễn ra nhiều nhất trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, hội hè, đám cưới, mừng thọ, mừng nhà mới…

Hát dân ca Nùng, nhất là hát đối giao duyên ngoài các bài hát có sẵn (được lưu truyền trong dân gian, còn lại phần đa việc hát luôn phải ứng tác - ứng khẩu - sáng tạo lời hát (ca từ), hát tức khắc một cách nhuần nhuyễn sao cho khớp với lối giai điệu, nhịp điệu có sẵn để đối đáp ngay tại chỗ. Có một số nghệ nhân hiện nay thể hát liên tục mà không cạn lời, không cạn khả năng sáng tạo lời hát. Trong việc đặt lời hát, quan trọng nhất là việc đặt lời và gieo vần câu trên xuống câu dưới sao cho hợp lý, có thế lời hát mới nhuần nhuyễn, không lạc điệu, không bị ngắt quãng, thuyết phục người nghe.

Lượn Nàng ới cuốn hút người nghe tại chỗ như các dịp lễ tết, hội xuân, đám cưới… Được phát ra từ các công cụ truyền thông như: Tivi, điện thoại thông minh, radio… Không chỉ vậy, do sống xen kẽ giữa dân tộc Tày nên có sự giao thoa về phong tục tập quán, kinh nghiệm sản xuất, sự đan xen giữa văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại, văn hóa mới trong đời sống kinh tế - xã hội ngày nay với nhiều loại hình đa dạng phong phú… Các phương thức giao thoa đó không mất đi bản sắc đặc trưng riêng của dân tộc mà được tiếp nhận bồi bổ thêm tinh hoa văn hóa, làm giàu cho văn hóa truyền thống dân ca.

Tóm lại, phân tích thực trạng hoạt động phát huy giá trị di sản văn hóa hát lượn Nàng ới từ phía nhà nước, cộng đồng để mọi người hiểu được những giá trị được chứa đựng trong di sản văn hóa và cũng góp phần tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, có điều kiện vật chất và kỹ thuật để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tốt hơn nhằm gìn giữ cho muôn đời sau.

 Hình ảnh một buổi hướng dẫn học dân ca của Trung tâm Văn hóa tỉnh

Nguồn: Trung tâm Văn hóa tỉnh Cao Bằng

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Địa chí các xã tỉnh Cao Bằng (2008), Nxb chính trị Quốc gia Hà Nội, năm 2008.

2. Triệu Thị Mai (2010), Lượn Nàng ới, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2010.

3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Báo cáo số 3621/BC-SVHTTDL ngày 8/12/2021 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

4. Uỷ ban nhân dân huyện Hà Quảng: Báo cáo Số 3933/BC-UBND ngày 21/12/2021 của UBND huyện Hà Quảng.