Nội san

RÈN LUYỆN KỸ NĂNG ĐỌC GAM TRONG DẠY HỌC XƯỚNG ÂM

17 Tháng Mười Một 2022

Phạm Xuân Cảnh

K15 - LL&PPDHAN

 

Ký xướng âm là môn học cơ bản bắt buộc đối với người học âm nhạc, đây là một trong những môn học ở bước đi ban đầu của nghệ thuật âm nhạc chuyên nghiệp. Trong tất cả các chương trình đào tạo âm nhạc từ sơ trung cho đến đại học đều đề cao vai trò của ký xướng âm. Để có khả năng xướng âm, ngoài năng khiếu và những hiểu biết nhất định về lý thuyết âm nhạc, còn đòi hỏi người học phải luyện tập để hình thành các kỹ năng đọc nhạc như: cảm giác cao độ ổn định; đọc các quan hệ cao độ; đọc các quan hệ trường độ; thể hiện các sắc thái, biểu cảm nhạc…. Trong đó đọc các quan hệ cao độ được coi là kỹ năng quan trọng, bao trùm, xuyên suốt trong quá trình học Ký xướng âm.

Mỗi kỹ năng đọc cao độ có những tác dụng khác nhau trong dạy học xướng âm. Tùy theo từng trường hợp cụ thể mà người đọc sẽ vận dụng những kỹ năng đọc cao độ cụ thể. Vận dụng hợp lý các kỹ năng đọc cao độ sẽ giúp việc khám phá bài học được nhanh chóng và hoàn thiện bài được tốt hơn.

Mục tiêu của việc rèn luyện cao độ nên theo các bậc từ dễ đến khó. Trước hết, căn cứ vào yêu cầu của từng kỳ, từng phần trong năm học để xác định mục tiêu phù hợp. Bên cạnh các mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn, cần thường xuyên rèn luyện kỹ năng đọc gam cơ bản, tránh nhầm lẫn giọng trưởng và giọng thứ. Đọc tốt gam giúp sinh viên dễ dàng hơn trong việc hình thành giai điệu của bài xướng âm. Với những người đọc gam chưa tốt, không có sự ổn định về cao độ của các nốt trong gam thường bị lệch cao độ của toàn bộ giai điệu hoặc lệch hẳn về điệu thức.

Trong dạy học xướng âm, đọc gam là bước đầu tiên để rèn luyện ghi nhớ cao độ. Yêu cầu đặt ra khi đọc gam là người đọc phải ghi nhớ được vị trí (tên các bậc) và tương quan cao độ (1/2 cung, 1 cung) của các bậc trong gam, đồng thời phải ghi nhớ được màu sắc tính chất của điệu thức. Nói cách khác, mục đích của việc đọc gam là để ghi nhớ các “chi tiết” (vị trí, mối tương quan cao độ của các bậc) và “tổng thể” (màu sắc, tính chất) của giọng điệu.

Khi đọc gam, cần chú ý lắng nghe âm thanh phát ra, tự điểu chỉnh sao cho âm thanh đầy, rõ ràng và ổn định cao độ. Trong quá trình đọc gam luôn ý thức ghi nhớ vị trí, âm hưởng của các bậc và màu sắc, tính chất (trưởng, thứ) của điệu thức, tránh “miệng đọc” mà “đầu không đọc”. Điều này đặc biệt quan trọng bởi đây là bước đầu tiên để người học hình thành thói quen ghi nhớ âm thanh (tương quan cao độ), phát triển trí nhớ âm nhạc một cách khoa học. Giai đoạn đầu để củng cố vững chắc cho cảm giác chủ âm, cần nhắc lại âm chủ khi đọc gam đi xuống.

Ví dụ số 1:

Đọc gam Đô trưởng liền bậc đi lên và đi xuống theo trường độ hai phách

Ở những buổi học đầu tiên, cần đọc chậm từng âm để có thể cảm nhận được cao độ của âm thanh phát ra. Sau khi đọc gam đã tương đối thuần thục, để nâng cao khả năng định hình cảm giác về giọng điệu và thích ứng với các yêu cầu về tiết tấu trong các bài xướng âm, cần đọc gam với tốc độ nhanh hơn và không nhắc lại âm chủ khi đọc gam đi xuống.

Ghi nhớ vị trí, âm hưởng của các bậc và màu sắc, tính chất (trưởng, thứ) của điệu thức cũng như hình thành thói quen ghi nhớ âm thanh một cách có ý thức đặc biệt quan trọng trong rèn luyện cao độ của môn xướng âm. Để tránh “miệng đọc” mà “đầu không đọc”, ngay trong quá trình luyện đọc gam cần thường xuyên hình thành thói quen “đọc có tư duy”cho người học bằng những cách thức đọc gam khác nhau như: đọc gam (hoặc từng nhóm 4 âm của gam) từ các số chỉ bậc bằng âm “la; đọc gam trưởng từ các tên âm chủ khác nhau khác nhau… Cách đọc này có tác dụng giữ vững được cao độ của từng bậc trong gam mà không bị ảnh hưởng bởi tên nốt trong gam, tránh cảm giác cao độ gắn liền với thang âm tự nhiên khi đọc sang các giọng khác ngoài Đô trưởng và La thứ.

Đối với những giọng điệu có âm khu không thuận lợi với giọng người như Pha trưởng (F dur), Son trưởng (G dur) trong học phần II chương trình môn xướng âm năm thứ nhất, khi đọc gam không nhất thiết phải dịch giọng mà có thể chia thành 2 nhóm 4 âm (4 âm dưới - 4 âm trên) và đọc chuyển quãng 8. Đọc gam bằng cách chuyển quãng 8 vừa giúp sinh viên thuần thục hơn kỹ năng đọc gam, vừa tạo cảm giác tốt về độ cao tuyệt đối, thuận lợi cho việc ghi âm.

Ví dụ số 2: Đọc gam Pha trưởng  theo mẫu

Đọc gam theo lối mô tiến từng nhóm âm giúp trí nhớ cảm giác (màu sắc, tương quan cao độ) của giọng điệu được củng cố, bởi vừa phải kết hợp đọc liền bậc với nhảy quãng.

Ví dụ 3: Đọc gam Đô trưởng mở rộng ngoài quãng 8 theo lối mô tiến

Đọc gam liền bậc theo lối mô tiến mở rộng phạm vi của gam, như vậy giúp sinh viên ghi nhớ tốt hơn vị trí và tương quan các bậc của gam khi gam có thêm tích chất của giai điệu, giọng điệu. Đồng thời, còn như một sự “khởi động” tích cực cho việc đọc các bài tập ứng dụng của giọng điệu được thuận lợi.

*Đọc gam kết hợp với tiết tấu

Trong dạy học xướng âm, đọc gam kết hợp với tiết tấu làm cho việc đọc gam trở nên sinh động, khi gam có thêm tính chất của giai điệu, tạo thêm sự tập trung cần thết trong trong quá trình ghi nhớ âm thanh (tương quan cao độ) khi đọc gam. Đọc gam kết hợp với tiết tấu còn giúp sinh viên cùng cố các kỹ năng đọc các quan hệ trường độ, nâng cao kỹ năng đọc xướng âm khi phải kết hợp đồng thời 2 kỹ năng quan trọng nhất của môn xướng âm là đọc tương quan cao độ và đọc tương quan trường độ cùng một lúc.

Đọc gam kết hợp với tiết tấu cần được sử dụng thường xuyên trong quá trình đọc gam. Ngay từ những bài học đầu tiên, khi sinh viên đã học những trường độ cơ bản ban đầu như nốt đen, nốt trắng cũng có thể hướng dẫn sinh viên đọc gam kết hợp với tiết tấu.

Khi đọc gam kết hợp với tiết tấu cần chú ý đến trọng âm (nhấn) của nhịp, của phách.

Ví dụ số 4: Đọc gam Đô trưởng theo tiết tấu

Đọc gam kết hợp với tiết tấu còn được sử dụng với đọc gam theo lối mô tiến từng nhóm âm liền bậc hoặc cách bậc (xem ví dụ số 2)

Khi học các giọng thứ, ngoài hình thức gam thứ tự nhiên, sinh viên còn phải tập đọc gam thứ hòa thanh và gam thứ giai điệu. Khi bắt đầu dạy học gam thứ, không chỉ là các cách đọc gam thứ hòa thanh hay giai điệu cần được lưu ý, mà các cách đọc gam thứ (gam thứ tự nhiên) khi bắt đầu luyện tập cũng cần được đặc biệt coi trọng.

Tính chất tự nhiên của giai điệu được thể hiện rõ trong sự thay đổi cấu trúc nhóm 4 âm trên của điệu trưởng hòa thanh, điệu trưởng giai điệu và điệu thứ hòa thanh, điệu thứ giai điệu. Sự thay đổi nhóm 4 âm trên của điệu trưởng, điệu thứ hòa thanh và giai điệu về bản chất là sự tăng cường hoặc pha trộn màu sắc của 2 điệu thức trướng - thứ cho nhau.

Mục đích của việc tăng cường hoặc pha trộn màu sắc của 2 điệu thức trướng - thứ cho nhau là để điệu thức trưởng hoặc điệu thức thứ có thêm sự đa dạng trong sắc thái, làm phong phú cho các phương tiện biểu hiện của ngôn ngữ âm nhạc. Điệu trưởng và điệu thứ trở lên “hài hòa” và gần với nhau hơn khi được pha trộn cấu trúc của 2 điệu thức.

Do đó, không phải vô cớ mà điệu trưởng hòa thanh hạ thấp bậc VI nửa cung chromatic (đi xuống) để làm cho điệu trưởng có thêm màu sắc của điệu thứ (hình thành quãng 6t từ bậc I với bậc VI và quãng 2t từ bậc V với bậc VI là tương quan của điệu thứ tự nhiên).Và ngược lại, điệu thứ hòa thanh nâng cao bậc VII nửa cung chromatic (đi lên) để làm cho điệu thứ có thêm màu sắc của điệu trưởng ( hình thành quãng 7T từ bậc I với bậc VII và quãng 2t từ bậc VI với bậc VII là tương quan của điệu trưởng tự nhiên).

Ví dụ số 5:

Đối với gam thứ giai điệu, khi đọc nhóm 4 âm trên đi lên của gam thứ giai điệu không nên tư duy “đo” cao độ từng quãng riêng lẻ (2T - 2T - 2t) mà đọc theo âm hưởng cả nhóm 4 âm trên đi lên của điệu trưởng tự nhiên. Tức là dùng cái đã biết, đã nhớ, đã thuộc, cái “khuôn” có sẵn lắp vào chỗ mới (nhóm 4 âm trên của điệu thứ giai điệu). Tương tự như vậy, nếu đọc gam trưởng giai điệu (gặp ở một số bài đọc trong các học phần sau) đọc theo âm hưởng của nhóm 4 âm trên đi xuống của gam thứ tự nhiên.

Ví dụ số 6:

Đọc gam La thứ hòa thanh (đọc thầm 2 âm ổn định - bậc I và bậc V)

Vì sự thay đổi của gam thứ hòa thanh và gam thứ giai điệu (hoặc gam trưởng hòa thanh và gam trưởng giai điệu) chỉ diễn ra ở nhóm 4 âm trên của gam, nên để đọc các giam thứ hòa thanh và giai điệu (hoặc trưởng hòa thanh và giai điệu) được thuận lợi - khi mới luyện tập, cần chia tách rõ nhóm 4 âm trên và nhóm 4 âm dưới của gam bằng trường độ ngân dài hơn giữa 2 nhóm 4 âm.

Ví dụ số 7: Đọc gam La thứ hòa thanh, giai điệu thành 2 nhóm 4 âm

Hoặc chia tách 2 nhóm 4 âm bằng cách đọc chuyển quãng 8

Ví dụ số 8: Đọc gam La thứ hòa thanh, giai điệu theo mẫu

Ghi nhớ “tổng thể” màu sắc, tích chất của giọng điệu đặc biệt quan trọng trong quá trình luyện đọc cao độ. Để củng cố trí nhớ, sau khi sinh viên đã đọc toàn bộ các gam thứ tự nhiên, hòa thanh, giai điệu cần đọc riêng cấu trúc nhóm 4 âm trên của từng loại để tiện so sánh, phân biệt.

Khi đọc riêng từng nhóm 4 âm trên của điệu thứ tự nhiên, hòa thanh và giai điệu, có thể sử dụng các cách khác nhau như đọc lần lượt từng dạng cấu trúc nhóm 4 âm trên của gam theo thứ tự: gam tự nhiên - gam hòa thanh - gam giai điệu. Đọc thay đổi thứ tự theo ý đồ của GV. Đọc các nhóm 4 âm trên của các gam thứ tự nhiên, hòa thanh, giai điệu bằng âm la.

Ví dụ số 9: Đọc 4 âm trên của gam La thứ tự nhiên, hòa thanh, giai điệu bằng âm “la”

Những lưu ý khi luyện tập đọc gam:

Khi đọc gam, đặc biệt với gam liền bậc luôn ý thức ghi nhớ vị trí tương quan cao độ của các bậc trong gam, đồng thời ghi nhớ màu sắc, tính chất của giọng điệu.

Đọc gam từ dưới lên (từ thấp lên cao) với cả gam trưởng và gam thứ.

Đọc gam luôn phải biến đổi với các cách thức phong phú và đa dạng như: mở rộng phạm vi của gam, mô tiến từng nhóm, kết hợp với tiết tấu…

Có thể nói, những kỹ năng đọc gam cần được chú ý và rèn luyện thường xuyên sẽ giúp cho người học xướng âm vững vàng trong các giai điệu và xử lý các biến âm dễ dàng hơn. Đọc gam là điều cần thiết trước khi bắt đầu đọc bào xướng âm. Nắm vững cấu tạo và âm hưởng của từng loại gam giúp người học nâng cao năng lực cảm thụ cả trong xướng âm, ghi âm và một số môn học khác.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đoàn Phi Liệt (1989), Xướng âm năm thứ tư hệ trung cấp 11 năm, Nhạc viện Hà Nội.
  2. Doãn Mẫn (1980), Phương pháp xướng âm, Nxb Văn hóa, Hà Nội.
  3. Nhiều tác giả (2000), Giáo trình ký xướng âm trình đ 1, 2, 3, 4, 5, 6 Nhạc viện Hà Nội.
  4. Đắc Quỳnh (2003), Xướng âm I, Trường CĐSP Nhạc - Họa TW, Hà Nội.