Nghiên cứu lý luận

YẾU TỐ TRANG TRÍ TRÊN KHĂN PIÊU ỨNG DỤNG GIẢNG DẠY HỌC PHẦN TRANG TRÍ CƠ BẢN 2 NGÀNH THIẾT KẾ THỜI TRANG

30 Tháng Mười Một 2022

 

Lê Mai Trinh

 Khoa Thiết kế thời trang và Công nghệ may

 

     Bài viết tìm hiểu vẻ đẹp của sự kết hợp giữa hoa văn, màu sắc và bố cục trên khăn Piêu, đồng thời tìm hiểu giá trị nghệ thuật và quan niệm thẩm mỹ tạo nên những sắc thái và màu sắc riêng, nghiên cứu bố cục, phần được trang trí trên chiếc khăn thêu. Qua đó, phân tích và tìm hiểu những yếu tố nào tạo nên vẻ đẹp riêng của chiếc khăn Piêu, góp phần tăng nhận thức thẩm mỹ của người học nhằm nâng cao chất lượng dạy học và giúp quá trình tự học có hiệu quả hơn nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học Mỹ thuật.

Qua thực tiễn giảng dạy, Sinh viên cũng đã sử dụng, học tập và kết hợp giữa các họa tiết của khăn Piêu trong bài tập của mình. Đó là những gợi ý quan trọng khiến người hướng dẫn thấy việc cần thiết phải nghiên cứu kỹ hơn về vẻ đẹp, giá trị của nghệ thuật trang trí khăn Piêu. Việc nghiên cứu này, dưới góc độ Mỹ thuật và thời trang để thấy được sự phong phú đa dạng về cách kết hợp các họa tiết dân tộc mang bản sắc vùng miền. Đó là sự kết hợp của màu sắc, của ý tưởng và sự độc đáo về họa tiết. Việc khai thác các yếu tố hoa văn họa tiết các dân tộc thiểu số được coi là những mảng màu đặc sắc trong bức tranh khai thác bản sắc dân tộc. Khăn Piêu trong các tác phẩm thi ca và trong quan niệm đời sống tinh thần của dân tộc Thái nói chung và người Thái Đen nói riêng.

Khăn Piêu là thứ khăn đội đầu của phụ nữ dân tộc Thái, nó do chính tay người con gái từ khi biết thêu thùa đã bắt đầu công việc thêu thùa nhưng chiếc khăn như một món quà, một tài sản để ra mắt mang về nhà chồng tặng gia đình nhà chồng. Dệt khăn, trang trí khăn có những quy tắc và những luật lệ quy ước riêng dành cho từng lứa tuổi. Tựu chung lại nó tạo nên một sự kết hợp rất phong phú và đa dạng tạo nên vẻ đẹp mộc mạc mang sắc thái quan niệm của văn hóa dân tộc nhưng rất tài tình.

Chiếc khăn Piêu là một trong những loại thổ cẩm nổi tiếng của người Thái và là một biểu hiện độc đáo của văn hóa Thái. Piêu trong tiếng Thái có nghĩa là khăn đội đầu, nhưng người Việt từ lâu vẫn quen gọi là khăn Piêu. Người Thái ở nước ta có hai loại khăn Piêu: loại khăn Piêu được trang trí hoa văn và loại khăn thường, màu đen hay màu trắng

Khăn Piêu là biểu tượng văn hóa cho dân tộc Thái, luôn là nguồn cảm hứng cho các tác phẩm văn học nghệ thuật từ trước tới nay. Điều này tạo nên động lực khiến một lần nữa thấy việc nghiên cứu vẻ đẹp của chiếc khăn Piêu trở nên cần thiết và đáng quan tâm.

Khăn piêu là một sải vải nguyên khổ, làm từ bông cỏ. Vải được làm khăn piêu là từ tấm vải sợi nhỏ, phần lớn khuôn khổ dài 150 cm hoặc 160 cm, khổ ngang từ 30 cm đến 40 cm. Sử dụng chỉ tơ tằm thêu xéo vải, màu chỉ nhuộm từ màu thực vật.

Khăn piêu ở vùng Yên Châu khác khăn piêu ở vùng Sơn Mai, Sơn la hay Mai châu. Sự khác biệt giữa các tổ hợp cấu trúc của họa tiết thêu trên hai đầu khăn tạo nên hoặc do những mô típ họa tiết tạo nên hình thức khác nhau.

Cút piêu là chi tiết trang trí ở đầu khăn làm bằng khuy bọc vải ngũ sắc, xếp theo chùm lẻ gồm 3 hoặc 5 hình tại những đầu mép góc khăn và đội khăn, nó sẽ vào vị trí giữa đỉnh trán hoặc 2 bên tóc mai. Thông thường các em gái chỉ có 2 hoặc 3 cút piêu.

Cóp piêu là dải vải trang trí thường màu đỏ, góc vuông ở hai đầu khăn piêu, mang tính trang trí, tôn màu của khăn. Phần giải vải cóp piêu chừa lại để tết thành tai piêu. Tai piêu trông tựa như một bông hoa ba cánh tròn xòe ra từ các đỉnh góc vuông ở mỗi đầu khăn. Có một số người còn thích đính thêm những túm chỉ mầu vào tai piêu làm tua thêm sặc sỡ.

Trong đời sống văn hóa Thái, Piêu không chỉ giữ một vị trí quan trọng trong trang phục dân tộc Thái đen mà còn đóng vai trò tích cực với đời sống của họ. Piêu làm nên nét duyên dáng cho người phụ nữ thái và không biết từ bao giờ đã gắn bó với họ mọi nơi mọi chỗ, mọi lúc. Piêu có thể địu trẻ, làm khăn quàng cổ, hoặc là đạo cụ khi múa, nhưng chủ yếu vẫn là để đội đầu. Tùy vùng từng địa phương mà Piêu có sắc thái khác nhau, có loại thêu bằng chỉ màu sắc sặc sỡ hoa văn trang trí nhiều, mật độ dày đặc ở hai đầu khăn, có loại khăn Piêu chỉ là những loại khăn vải bông nhuộm màu. Khăn có tác dụng giữ ấm khi trời trở lạnh những ngày mùa đông, bớt nắng gắt những ngày mùa hè. Piêu là vật trang trí quan trọng của các cô gái Thái vào những dịp hội xuân, lúc đi chơi, dự đám cưới và ngay cả trong sinh hoạt hàng ngày, piêu còn là vật làm tin (vật đính ước) trong tình yêu đôi lứa của cô gái tặng cho chàng trai khi họ đem lòng yêu quý nhau. Bên cạnh đó phản ánh giá trị nghệ thuật, tài năng khéo léo và cách thể hiện tình cảm của người con gái Thái dành cho người con trai và gia đình của người yêu.

Đề tài sau khi được nghiệm thu Làm tài liệu giảng dạy, tham khảo trong học tập và giảng dạy môn Trang trí của sinh viên khoa Thiết kế thời trang- Góp phần nâng cao chất lương đào tạo của Nhà trường.

Học phần trang trí cơ bản 2 là học phần trang trí thứ 2 được học tiếp theo học phần trang trí cơ bản1. Học phần gồm 3 học trình và bài thi học phần kiểm tra chất lượng hết học phần. Cách xây dựng bố cục, kết hợp họa tiết liên kết theo yêu cầu bài cách xử lý màu, sử dụng gam màu, kết hợp màu phù hợp với đối tượng sinh viên nghành học thời trang.

             Sinh viên nắm được các nguyên tắc trang trí cơ bản ứng dụng trong việc trang trí bài tập trang trí hình cơ bản. Hiểu thêm về sự kết hợp nhóm họa tiết đa dạng trong bố cục hình cơ bản.

           Kỹ năng: Sử dụng tài liệu, ghi chép và vận dụng linh hoạt các nguyên tắc trang trí cơ bản để thực hiện 1 bài trang trí cơ bản đúng phương pháp. Vận dụng một cách linh hoạt trong khả năng biến đổi cấu trúc họa tiết. Nâng cao khả năng cảm thụ thẩm mỹ.

          Học phần cung cấp kiến thức cơ bản về trang trí cơ bản có tính ứng dụng trong các hình cơ bản: nội dung sử dụng các nguyên tắc trang trí cơ bản và cách điệu họa tiết và xây dựng, trang trí nhưng hình cơ bản làm rõ tính chất của hình đó cụ thể như hình vuông, hình chữ nhật hay hình tròn. Bài trang trí đường diềm sẽ ứng dụng những kiến thức đã thực hiện ở bài trên để phát triển, Việc kết hợp giữa nhiều họa tiết, xen kẽ hoặc nhắc lại. Nó xuất phát từ đường diềm là những dải họa tiết, nó có thể là nhiều hình vuông hay hình chữ nhật được trang trí. Do vậy có thể nói bước nối tiếp trong các nội dung bài tập. Bài trang trí nền hoa có thể giải quyết bằng nhiều dải đường diềm được trang trí. Nó là sự kết hợp của nhiều họa tiết được nhắc lại trên một bề mặt hay một diện tích.

Đối với bài đường diềm: Hiểu tính chất đặc điểm của thể loại trang trí đường diềm Kỹ năng: SV thực hiện 1 bài đường diềm theo đúng yêu cầu. Vận dụng họa tiết cổ 1 cách linh hoạt phù hợp với từng tính chất của đường diềm. nhận thức thẩm mỹ, quan sát những biến thể của trang trí (hình vuông)

          Đối với bài vải hoa sinh viên thấy được vẻ đẹp của vải hoa trong việc trang trí ứng dụng vào đời sống. Kỹ năng: Sử dụng tài liệu, ghi chép và vận dụng linh hoạt các nguyên tắc trang trí cơ bản để thực hiện 1 bài nền vải hoa theo đúng phương pháp. Hiểu thêm về sự kết hợp đa dạng trong bố cục của nền vải hoa, khả năng biến đổi cấu trúc. Đặc điểm và những yêu cầu cơ bản trong trang trí nền: Trang trí nền hoa là một hình thức trang trí mở. Trang trí nền hoa, các họa tiết được sắp xếp theo quy luật thống nhất. Trang trí nền hoa mang tính ứng dụng cao. Sử dụng các nguyên tắc trang trí cơ bản để xây dựng họa tiết Những ứng dụng cơ bản của trang trí nền: Nền trong đồ họa ấn phẩm. Nền trong trang trí nội ngoại thất. Nền vải hoa trong trang phục. Mối quan hệ giữa trang trí cơ bản, nghiên cứu và sáng tạo họa tiết hoa lá, đông vật với trang trí nền hoa. Mối quan hệ giữa nghiên cứu và sáng tạo họa tiết hoa lá, động vật với trang trí nền hoa. Mối quan hệ giữa trang trí cơ bản với trang trí nền hoa. Nội dung rõ ràng của chương trình thấy được việc cần thiết thử nghiệm một số họa tiết trong đó có việc nghiên cứu họa tiết và nghệ thuật trang trí trên khăn Piêu để có tài liệu ứng dụng vào những bài học trên.

Yếu tố chủ đạo của phong cách trang trí hoa văn là đối xứng. Bố cục đặc biệt từ những đoạn thẳng cặp 3 chạy song song (cứ 3 đoạn thẳng cách đều nhau tạo thành 1 tuyến, chia diện tích ở đầu piêu thành những bộ phận đều hoặc đối xứng qua trục dọc của toàn bộ khối khăn) Bốn cặp đường thẳng chạy từ mép khăn theo chiều ngang với độ dài một phần ba mép khăn. Hai cặp ba còn lại chạy từ đầu mép khăn theo chiều dọc của trục khăn vào giữa. Ở mỗi đoạn thẳng song song trong các bộ cặp ba đó có hai sợi chỉ màu chạy sát hai bên. Hai góc phía cuối đầu khăn piêu thêu hai hình hoa văn chữ thập.

Hoa văn trang trí trên khăn piêu có các loại thông dụng và phổ biến nhất là loại móc câu, dùng để trang trí trong các khoang ô vuông đồng tâm; hoa văn hình răng cưa được ghép bằng cách nối hai góc của nhiều tam giác nối tiếp nhau, dùng để trang trí đường diềm vành ô vuông ngoài cùng. Hoa văn hình tam giác nối tiếp nhau: hai tam giác đối đỉnh với nhau tạo thành hoa văn rau cỏ bợ (phắc ven), hai hình tam giác đối cạnh nhau tạo thành hoa văn hình quả trám (mask cườm)...

Vẻ đẹp của những bố cục hoa văn thường tập trung ở 2 đầu khăn. Khăn thường trơn ở giữa và trang trí ở 2 đầu khăn để khi vấn khăn họa tiết sẽ tập trung ở phía trên đầu gồm cả cút trang trí.

Hoa văn móc câu thường được sử dụng ở lớp ngoài cùng, với nhiệm vụ làm tăng nhiều khoảng cách hoặc tăng nhiều chỗ thoáng so với hình trung tâm hoặc hình có mật đô đan xen dày đặc.

Hoa văn sử dụng nhiều hình quả trám, các hình hoa được cách điệu theo bố cục đơn vị quả trám hay góc cạnh tam giác. Những tam giác xếp cạnh nhau, lặp lại tạo nên những đường răng cưa. Răng cưa lớn nhỏ tạo nên nhịp điệu uốn lượn. Từ những đơn vị tam giác được xếp theo từng công thức khác nhau thì xoay chiều thành quả trám, nếu 2 đỉnh đối chiều thì thành lá cây, nếu kết hợp thêm 1 lớp tam giác nữa có thể thành núi hay nhà....

Ngoài ra còn có những hoa văn đặc biệt khác như chim, hoa văn sao 6 cánh hoặc 8 cánh như hoa văn hoa bí, hay hoa văn hình sao được thêu chỉ trắng.

Hoa văn trạc cây, thân cây ở giữa, các cặp cành cây đối xứng 2 bên, phần trên cùng là ngọn cây là hoa hoặc quả được cấu tạo từ hình quả trám hay ô vuông. Hoa văn trạc cây cũng được sử dụng trang trí nhiều ở khăn piêu. Hình họa của hoa văn này bao gồm một thân cây ở giữa, các cặp cành cây. Việc thêu và tính sợi đã tạo ra những cấu trúc họa tiết khác nhau ví dụ việc phân bổ đường nét trong một đơn vị họa tiết như họa tiết hình thoi cách điệu lá mướp được mô tả gồm hình thoi tại lõi, tới họa tiết chính.

Diềm móc câu ở ngoài, tiếp đến là trục dọc các hình thoi xếp đưng liền nhau, giữa hình thoi là dấu cộng, nhìn kỹ thì trong hình thoi sáng ở 2 góc đầu trục hình thoi trở thành độ đậm bởi các nét song song.

Họa tiết hình Ket May back- Vỏ kết Mây là hình thoi nằm ngang gồm 3 nẹp chỉ song song ngoài mép, nhân là hình thoi. Hình ký hiệu gồm 3 nét cứ 2 nét song song mép với hình thoi nhân. Nhìn kỹ tạo hình tập trung độ đậm ở nhân và trục dọc.

Bó má hót: hoa một loại cây họ lá mướp, lá mướp xanh, hoa trắng có cánh chính với sợi tua tạo hình theo cánh hoa. Nó trở thành đối tượng cách điệu thành những hoa có hình như dấu thăng, đơn giản nhưng lại riêng biệt. Một vẻ đẹp thiên nhiên gợi cảm hứng sáng tạo trong nghệ thuật cho phụ nữ Thái Bản Cá, Mường La, 1990.

Từ những nghiên cứu cấu trúc họa tiết trên, góp phần xây dựng nguồn tài liệu và vốn họa tiết ứng dụng vào phần bài giảng trong học phần trang trí cơ bản 2.

Bài Hình cơ bản có bố cục tương tự với đầu khăn có trang trí họa tiết, nên việc áp dụng họa tiết, phân bố màu đễ dàng hơn. Việc kết hợp đơn giản hơn nhưng vẫn cần lưu ý sinh viên sử dụng họa tiết trên khăn piêu và đôi khi kết hợp với nhiều họa tiết khác tạo sự phong phú về khả năng hình thức tránh sự lặp lại không thay đổi hoặc thiếu sự kết hợp linh hoạt. Hình tròn trong hình cơ bản cũng có đặc điểm khác biệt hơn, có bố cục hướng tâm, cần chú ý họa tiết kết hợp ở đường diềm xung quanh hình tròn và họa tiết đặt ở tâm với bố cục thông thường.

Bên cạnh đó trong chương trình còn có nội dung bài trang trí đường diềm. Bài thực hành trang trí đường diềm, vận dụng kiến thức của bài trang trí cơ bản đã học trên, nhân hình, hay nói cách khác là nhắc lại họa tiết trong bố cục dải theo yêu cầu trang trí đường diềm. Trên khăn piêu là sự kết hợp của rất nhiều đường diềm khác nhau, việc thống nhất của các bố cục đường diềm là sự tính toán trên diện tích bố cục chung. Nghiên cứu và có thể kết hợp nhiều hoặc 1 trong tập hợp những đường diềm đó. Phát triển mở rộng cấu trúc có kết hợp với nhiều họa tiết khác làm thay đổi hình thức bố cục chung của đường diềm hay bố cục diềm trong họa tiết hoa trên khăn Piêu.

Bài trang trí nền hoa. Tương tự như đường diềm, bố cục nền hoa là một bề mặt hoa văn được sắp xếp theo công thức, có khả năng thay đổi hiệu quả rất linh hoạt cũng với một đơn vị họa tiết vậy việc chọn lọc chọn 1 chi tiết trong bố cục khăn piêu hay mượn nguyên bố cục, thay đổi linh hoạt có thể tạo nên rất nhiều cấu trúc mới của vải hoa. Nghiên cứu tỷ lệ của cụm hoa văn hay gọi là mảng họa tiết chính có tỷ lệ phù hợp với diện tích và công thức nhắc lại nhịp của mẫu hoa văn, tạo một diện tích hoa văn họa tiết theo đúng yêu cầu bài tập.

          Yếu tố trang trí trên khăn piêu là sự thay đổi phong phú và đa dạng về việc sắp xếp bố cục của tổ hợp họa tiết hay sự thay đổi linh hoạt của việc kết hợp màu sắc tạo nên những khả năng thay đổi lớn về hình thức chi tiết của khăn piêu mà vẫn đảm bảo được đặc điểm và tính chất của khăn piêu.

          Khả năng kết hợp phong phú được đánh giá cao và trở thành gợi ý cho việc xử lý bài tập. Việc kết hợp họa tiết hoặc xây dựng họa tiết trên nguồn họa tiết của khăn piêu mở ra nhiều khả năng kết hợp linh hoạt giữa các họa tiết khăn piêu và các họa tiết khác làm thay đổi hình thức bố cục trong những bài tập nghiên cứu cơ bản.

          Hoặc việc xử lý gam màu kết hợp theo tinh thần của khăn piêu, màu đơn giản nhưng đan xen dẫn dắt, màu tự nhiên tươi thắm vẫn có thể xử lý phù hợp, hòa quyện ăn nhập với màu nền. Hoặc chọn lọc những màu để xây dựng những gam màu có sự thay đổi thành phần màu. Tạo nên những gam màu độc đáo.

          Như vậy sinh viên sau khi được hướng dẫn gợi ý có hướng thực hiện bài tập dựa trên những ưu điểm tiện lợi, những hiệu quả khi nghiên cứu yếu tố trang trí trên khăn piêu và vận dụng trong bài tập thực hành. Trong những trường hợp cụ thể, có bài thực hiện thành công và hiệu quả cho thấy những gam màu khác biệt và việc xử lý bố cục có nghiên cứu nên sẽ hợp lý hơn. Hy vọng, với tính linh hoạt và khả năng biến đổi, khả năng kết hợp với nhiều họa tiết khác tạo nhiều hiệu quả bất ngờ, góp phần mở rộng ý tưởng cũng như sử dụng họa tiết trong các bài tập trang trí học phần trang trí cơ bản 2.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Phan Ngọc Khuê (2004) Mỹ thuật dân tộc Thái ở Việt Nam, NXB Mỹ Thuật.

2. HBĐT tổng hợp, Hoa văn trang trí của người Thái, Báo Hòa Bình Điện tử.

3. Lê Phú, Khăn Piêu độc đáo của phụ nữ Thái đen, Báo Tin tức - Thông tấn xã Việt Nam.

4. Dương Đình Minh Sơn (2013) Chiếc khăn piêu của người Thái, Văn hóa nghệ thuật, tháng 2, Số 344 tr 33- 36- 40

5. Ngô Đức Thịnh (2000) Trang phục cổ truyền các dân tộc Việt Nam, NXB Văn hóa dân tộc.