Hoạt động nghiên cứu

Hội thảo “Giáo dục Nghệ thuật thế kỷ 21”

25 Tháng Năm 2015

 

                                                                                                                             BBT

 

Hoà trong không khí tưng bừng, sôi nổi hướng tới kỷ niệm 45 năm sự nghiệp đào tạo giáo viên nghệ thuật và 09 năm ngày Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, chiều ngày 22.5, tại phòng họp 3 của Trường đã diễn ra buổi Hội thảo “Giáo dục Nghệ thuật thế kỷ 21”.

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu giáo dục nghệ thuật. Về phía khách mời có: PGS.TS. Nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, Tổng Thư kí Hội khảo cổ học Việt Nam; đồng chí Vũ Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, TS. Ngô Thị Nam - nguyên Phó hiệu trưởng Trường CĐSP Nhạc Họa TW... cùng các cơ quan thông tấn báo chí. Về phía Trường ĐHSP Nghệ thuật TW có GS.TSKH. Phạm Lê Hòa - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng cùng Ban giám hiệu, lãnh đạo các đơn vị, cán bộ, giảng viên tham dự.

 

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

 

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS.TSKH.Phạm Lê Hòa, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh: giáo dục nghệ thuật giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong thời đại hiện nay - thời đại toàn cầu hóa. Các loại hình nghệ thuật bao giờ cũng mang trong nó những đặc thù riêng về phương diện biểu hiện. Điều đó cũng có nghĩa: để hiểu, để thưởng thức một loại hình nghệ thuật cần có những tri thức cơ bản, kiến thức nhất định về loại hình nghệ thuật ấy. Để làm được việc đó thì vai trò của công tác giáo dục nghệ thuật là đặc biệt quan trọng. Giáo dục nghệ thuật là lĩnh vực sẽ mang đến cho đối tượng thưởng thức những tri thức cơ bản để có thể tiếp cận với một loại hình nghệ thuật nào đó. Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục nghệ thuật, Hội thảo khoa học Giáo dục Nghệ thuật thế kỷ XXI nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của Giáo dục nghệ thuật trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước nhà, từ đó đưa ra định hướng đổi mới dạy học các môn nghệ thuật nhằm phát triển năng lực cho học sinh.

 

 

PGS.TS Nguyễn Thị Tố Mai trình bày tham luận tại Hội thảo

 

Trong khuôn khổ chương trình Hội thảo, đại diện báo cáo viên là những nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà giáo đã trình bày 02 trên tổng số 06 tham luận. Tham luận “Giáo dục âm nhạc thành tựu và đổi mới” của PGS.TS Phạm Trọng Toàn đưa ra các đề xuất đổi mới nội dung chương trình và phương pháp dạy học môn Âm nhạc bậc Trung học cơ sở, với phương châm dạy cảm thụ, nhận thức thẩm mỹ âm nhạc và sáng tạo âm nhạc. Tham luận đã chỉ ra những yêu cầu cụ thể trong đổi mới dạy học phân môn Học hát; dạy Nhạc cụ và Thường thức Âm nhạc nhằm phát triển năng lực cho học sinh. Cùng với đổi mới căn bản, toàn diện chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục âm nhạc ở thế kỷ XXI sẽ hòa nhập trong xu hướng toàn cầu hóa, đồng thời phải gắn bó chặt chẽ với lịch sử văn hóa dân tộc, bản sắc văn hóa dân tộc. Tham luận “Âm nhạc dành cho lớp trẻ và nhiệm vụ của giáo dục nghệ thuật” của PGS.TS Nguyễn Thị Tố Mai đã chỉ ra thực trạng các ca khúc dành cho giới trẻ hiện nay. Chủ đề tình yêu chiếm vị trí lớn trong các sáng tác, chứng tỏ cái “tôi”, cảm xúc đời thường của con người được đề cao. Thế nhưng, có không ít những ca khúc hời hợt, nhạt nhẽo, lời ca có phần xô bồ, dễ dãi,... Trên cơ sở thực trạng, tham luận đã nêu một số đề xuất về nhiệm vụ giáo dục âm nhạc cho thế hệ trẻ học đường trong thế kỷ XXI. Theo tác giả, việc giáo dục âm nhạc không chỉ được thực hiện trong phạm vi nhà trường mà cần có sự góp sức của nhiều lĩnh vực như: sáng tác, biểu diễn, phê bình, truyền thông. Giáo dục nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng trong thế kỷ XXI cần phải đổi mới đồng bộ, phát huy sự sáng tạo, đề cao cái mới nhưng luôn gắn với những giá trị truyền thống của dân tộc, đem lại những giá trị nhân bản, hướng con người tới cái đẹp và làm theo cái đẹp. Bước chuyển mạnh mẽ này đòi hỏi những trường đào tạo sư phạm nghệ thuật trong đó có Trường ĐHSP Nghệ thuật TW cần đổi mới để có đội ngũ giáo viên nghệ thuật xứng đáng với thời đại của thế kỷ XXI: thực tiễn, năng động, sáng tạo.

 

PGS.TS Nguyễn Hữu Thức đóng góp ý kiến tại Hội thảo

 

Hội thảo khoa học Giáo dục Nghệ thuật thế kỷ XXI diễn ra trên tinh thần trách nhiệm và sự sẻ chia chân thành những nhận thức về giáo dục nghệ thuật. Hội thảo đã lắng nghe ý kiến bàn luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà giáo dục về vấn đề giáo dục nghệ thuật hiện nay. Với nội dung phong phú của các ý kiến thảo luận, Hội thảo chắc chắn sẽ đem lại những định hướng đúng đắn, những hiệu quả tích cực cho công tác giảng dạy nghệ thuật nhằm đáp ứng năng lực người học theo tinh thần đổi mới giáo dục.