Sự kiện

Trường ĐHSP Nghệ thuật TW – 9 năm một chặng đường

21 Tháng Bảy 2015

 

                                                                                                    PV

 

Vừa tròn 9 năm kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Trường ĐHSP Nghệ thuật TW( 26/5/2006 – 26/5/2015). 9 năm ghi dấu một chặng đường với những tiến bộ vượt bậc của Trường: từ một trường Cao đẳng sư phạm trở thành một trường Đại học hàng đầu của cả nước về đạo tạo nghệ thuật và sư phạm nghệ thuật. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với GS.TSKH Phạm Lê Hòa – Hiệu trưởng Nhà trường - người đã luôn gắn bó cùng trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương vượt qua những khó khăn, thách thức để khẳng định vị thế một cơ sở đào tạo hàng đầu trong cả nước về lĩnh vực giáo dục nghệ thuật.  

PV: Thưa GS.TSKH. Phạm Lê Hòa, là một người lãnh đạo đã gắn bó với Trường ĐHSP Nghệ thuật TW từ khi trường mới được thành lập trên cơ sở trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc Họa Trung ương cho tới nay, ông có thể cho biết những nét đổi mới trong hoạt động của trường trong giai đoạn vừa qua?

Nói về hoạt động của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, những cái mới trong giai đoạn vừa qua tương đối nhiều, chúng tôi tự hào về điều đó.

Thứ nhất, để mọi hoạt động của Nhà trường được thực hiện một cách tốt nhất phải kể đến đội ngũ cán bộ, giảng viên. Đối với bất cứ một cơ sở đào tạo nào thì đây cũng là yếu tố tiên quyết. Chúng tôi luôn quan niệm rằng: thầy có tốt thì trò mới tốt. Trong giai đoạn vừa qua, nhất là thời gian gần đây, chưa bao giờ trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW lại có đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ cao như hiện nay. Số tiến sĩ  tại trường, cách đây 9 năm là con số 0 thì đến nay đã là 2 chữ số, cũng trước đây 9 năm chỉ có lác đác một số thạc sĩ thì giờ đây trường chúng tôi gần như phổ cập thạc sĩ, 100% cán bộ giảng viên ở trình độ thạc sĩ hoặc đang học thạc sĩ.

Đặc biệt riêng trong năm 2014, nhà trường có 6 cán bộ, giảng viên được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước phong các chức danh khoa học, trong đó có: 01 Giáo sư và 05 Phó giáo sư. Tôi cho đây là điều hết sức đáng mừng về trình độ giảng viên và đó cũng là cơ sở để chúng ta có thể nghĩ đến về chất lượng hoạt động của Nhà trường.

Công tác quản lý học sinh, sinh viên cũng là một bước rất mới. Chúng tôi đã tạo điều kiện làm sao để sinh viên thực sự là đối tượng, mục tiêu, mục đích của toàn bộ công tác đào tạo của nhà trường và sinh viên được ủng hộ từ phía nhà trường. Chính vì thế, năm vừa qua chúng tôi coi là năm hết sức thành công của sinh viên,sinh viên trường đã đạt được rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, tại các cuộc thi như cuộc thi Văn hóa Nghệ thuật toàn quốc, như cuộc thi Sinh viên tài năng trẻ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Đà Nẵng, Hội thi Tiếng hát sinh viên Toàn quốc; Hội thi Liên hoan Hợp xướng quốc tế lần thứ I tại Hội An và lần thứ II tại Huế, Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm Văn nghệ Thể dục thể thao Toàn quốc năm 2014....

Một vấn đề quan trọng đó là công tác biên soạn giáo trình, tài liệu học tập. Ở trường ĐHSP Nghệ thuật TW, các môn học đều phải có bài giảng; giảng viên phải có sự chuẩn bị kỹ tài liệu trước giờ lên lớp.

Vấn đề tiếp theo là cơ sở vật chất của trường trong giai đoạn vừa rồi cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chủ quản cũng đã chú ý và tạo điều kiện thuận lợi nâng cao chất lượng cơ sở vật chất. Trong thời gian qua, nhà trường đã hoàn thành và đưa vào sử dụng những công trình quan trọng như: Nhà ăn CLB sinh viên, Nhà đa chức năng…giúp cho hoạt động giảng dạy, học tập, sinh hoạt của cán bộ, giảng viên và sinh viên nhà trường được thuận lợi, đầy đủ hơn. Góp phần làm cho cảnh quan của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW dần trở nên khang trang, hiện đại, xứng tầm của một trường đại học.

Một điều nữa chúng tôi phải ghi nhận là công tác thi đua khen thưởng của trường, đây là một mặt mạnh. Tôi và Đảng ủy, Ban giám hiệu Nhà trường luôn xác định rằng  thi đua để đoàn kết, thi đua để phấn đấu vì sự phát triển của Nhà trường, chính vì vậy công tác thi đua khen thưởng trong thời gian qua không hề xảy ra tình trạng mất đoàn kết nào. Đảng ủy Ban giám hiệu đặc biệt chú trọng công tác tư tưởng, chúng tôi là một tập thể đoàn kết, chính sự đoàn kết ấy tạo cho tất cả mọi người có khí thế mới trong lao động, dạy học và học tập - như lời Bác Hồ nói “thi đua là yêu nước”.

PV. Theo xu hướng phát triển của nền giáo dục hiện đại, các cơ sở giáo dục đại học trong nước đã từng bước chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ. Vậy trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã thực hiện công tác này ra sao?

            Về công tác đào tạo theo học chế tín chỉ, trường chúng tôi đã có sự chuẩn bị trong nhiều năm với một lộ trình cụ thể chi tiết, đặt ra mục tiêu cho từng giai đoạn. Trường đã thử nghiệm phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ ở một số môn học, tổ chức nhiều đợt tập huấn, các đoàn cán bộ đi tham quan khảo sát những đơn vị có kinh nghiệm về lĩnh vực này. Từ đó, chúng tôi đã vận dụng cho phù hợp với đặc thù của đơn vị mình.

Giáo dục nghệ thuật là một loại hình đặc thù. Chính vì vậy, đào tạo tín chỉ cũng là một đặc thù và nhà trường luôn ý thức được điều đó và có sự điều chỉnh những điểm bất hợp lý sao cho phù hợp. Và cho đến thời điểm này, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã hoàn thành việc chuyển đổi từ học chế niên chế sang học chế tín chỉ, đây có thể coi là một thành công với một cơ sở đào tạo thuộc khối văn hóa nghệ thuật.

PV: Trong những năm qua trường đã mở thêm nhiều mã ngành như Quản lý Văn hóa, Thiết kế thời trang, Thiết kế đồ họa thu hút được nhiều sinh viên học tập. Được biết gần đây Nhà trường đã mở thêm mã ngành Thanh nhạc. Đây là một ngành không chỉ đòi hỏi sự vất vả khổ luyện trong nhiều năm của người học và ngay cả đối với cơ sở đào tạo, quá trình đó cũng không hề đơn giản. Vậy cơ sở nào để Nhà trường quyết định mở mã ngành này?

Ngoài ngành mang tính chất “truyền thống” làm nên thương hiệu của của trường trong nhiều năm qua đó là đào tạo giáo viên Âm nhạc, Nhà trường muốn hướng tới việc đào tạo đỉnh cao. Với việc mở mã ngành Thanh nhạc, chúng tôi đã thể hiện dự định này và tin tưởng sẽ thực hiện được.

Sinh viên, học viên của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW vốn có năng khiếu về nghệ thuật trong đó có thanh nhạc. Điều này đã được các em bộc lộ từ ngay trong quá trình học tập tại trường. Tất cả cuộc thi giọng hát hay của Hà Nội và của toàn quốc vốn quen thuộc với công chúng như giải Sao Mai của Đài Truyền hình Việt Nam chúng tôi đều có sinh viên, giảng viên tham dự. Chẳng hạn năm 2014, hai sinh viên của trường cũng đã lọt vào top 10 của cuộc thi Sao Mai. Tháng 6 vừa qua, một sinh viên của trường cũng đã lọt vào vòng Chung kết Sao Mai khu vực phía Bắc. Cùng với sự chung sức của nhiều thế hệ giảng viên tâm huyết, những nghệ sĩ tài danh nổi tiếng của nền âm nhạc Việt Nam như: NSND Trung Kiên, NSND Quang Thọ… chúng tôi hoàn toàn có thể tự tin có thể đào tạo ra nhiều tài năng về âm nhạc cho đất nước.

Bên cạnh đó, Trường cũng có nhiều giảng viên đã trưởng thành từ những cuộc thi lớn mang tầm quốc gia như: Giảng viên Nguyễn Tuấn Anh đạt giải Nhất trong cuộc thi Thính phòng Nhạc kịch toàn quốc năm 2008. Giảng viên Đoàn Thúy Trang cũng đạt Nhất của Sao Mai năm 2011. Đây cũng là một sự hỗ trợ quan trọng đối với chất lượng đào tạo ngành Thanh nhạc.

PV: Cho đến thời điểm này, được biết Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã đào tạo được 2 khóa cao học ra trường, Giáo sư có thể chia sẻ đôi nét về công tác đào tạo sau đại học của Trường?

Hiện chúng tôi đang tiến hành đào tạo cao học với 2 mã ngành: Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc, Quản lý văn hóa. Đồng thời đã hoàn tất thủ tục mở mã ngành Mỹ thuật. Tính đến thời điểm hiện nay Trường đã có 2 khóa cao học chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc tốt nghiệp ra trường với chất lượng tốt. Những học viên này trở thành những hạt nhân quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo ngành sư phạm âm nhạc cho các địa phương.

Đầu năm 2015 này cũng đánh dấu sự kiện đặc biệt quan trọng, đó là việc lần đầu tiên tên tuổi trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương được ghi vào hệ thống các trường có đào tạo Tiến sĩ, đó là niềm mơ ước của chúng tôi từ rất lâu. Một trường mới lên Đại học chưa đầy 9 năm đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo trình độ Tiến sĩ, tôi cho rằng điều đó không đơn giản, nhất là đối với một trường thuộc khối các trường đào tạo ngành Văn hóa nghệ thuật.

PV: Xin hỏi Giáo sư, ngoài việc xây dựng kiện toàn hoạt động của Trường, điều gì đã góp phần quan trọng tạo dựng nên uy tín của Trường đối với xã hội?

Tôi cho rằng ngoài việc đẩy mạnh, nâng cao chất lượng đào tạo, để xây dựng hình ảnh tốt đẹp đối với xã hội, Nhà trường phải thực sự  tham gia nhiều họat động đóng góp tích cực vào định hướng xã hội trong việc nhận thức nghệ thuật. Thời gian qua/Trường ĐHSPNTTW rất chú ý công tác xã hội, tất cả các hoạt động xã hội chúng tôi đều chú ý tham gia. Trong những năm gần đây nhất, về mảng Sư phạm Mỹ thuật, tất cả những chiến dịch truyền thông Bảo vệ môi trường thế giới trường chúng tôi đều tham gia. Phát huy những thế mạnh chuyên môn của giảng viên và sinh viên/Trường cũng đã tổ chứcTriển lãm về bảo vệ môi trường với số lượng tranh tham gia đáng ngạc nhiên, gần 600 tranh trong cuộc phát động rất ngắn. Rõ ràng cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường đều ý thức rất tốt về những hoạt động chung vì cộng đồng xã hội.

Nhà trường đã và đang cộng tác với Đài truyền hình Việt Nam thực hiện một loạt số về chuyên đề Giáo dục nghệ thuật, chúng tôi quan niệm như sau: Nghệ thuật cũng như nhiều loại hình văn hóa khác để mà hiểu được thì cần có trí thức, cần có kiến thức về mảng nghệ thuật đó, giả sử như âm nhạc, một người không cần biết gì cả cứ vào nghe mà hiểu được tác phẩm âm nhạc, chúng tôi cho đó là điều không thể. Chính vì vậy chúng tôi xác định rằng, một trong những vấn đề không chỉ những người làm trong giới Văn hóa nghệ thuật mà tất cả đông đảo các nhà trí thức Việt Nam đều nói về việc giáo dục nghệ thuật Việt Nam hiện nay còn rất kém, làm sao để thanh niên thực sự biết, hiểu và cống hiến cho việc bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể chúng ta, đấy là điều chúng tôi cho rằng không thể làm ngày một ngày hai, mà là cả một quá trình. Chúng tôi đã mời nhiều nhạc sĩ, họa sĩ, các nhà nghiên cứu nghệ thuật nối tiếng như GS. Tô Ngọc Thanh, nhạc sĩ Phạm Tuyên,  PGS. TS Lê Toàn, Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng và nhiều văn nghệ sĩ khác… cùng tham gia với chúng tôi gióng một hồi chuông báo động về tình trạng cảm thụ nghệ thuật hiện nay của xã hội, nhất là đối tượng thanh thiếu niên.

PV: Nhân đây, khi Giáo sư đề cập tới đối tượng thanh thiếu niên, vậy ngoài lĩnh vực đào tạo mà đối tượng chính là sinh viên, Nhà trường muốn tác động điều gì đến giới trẻ trong xã hội?

Nhận biết đâu là những giá trị chân chính của nghệ thuật, tôi cho đấy là cả vấn đề không đơn giản. Và chúng tôi muốn hướng tới mục tiêu này trong việc giáo dục nhận thức cho thanh thiếu niên. Nếu chúng ta không có những định hướng luôn thì chúng tôi sợ rằng thế hệ tương lai của đất nước sẽ có những cái nhìn khác về nghệ thuật của cha ông, về giá trị thực sự của nghệ thuật, không chỉ của dân tộc Việt Nam mà còn là tinh hoa của âm nhạc thế giới, của nghệ thuật thế giới, mà có khi người ta lại đi theo giá trị khác, giá trị thời thượng hôm nay có thể còn, ngày mai sẽ mất, tôi cho rằng chuyện này cũng đã xảy ra trong lịch sử nghệ thuật thế giới từ lâu rồi.

Trong mỗi thời đại có những giá trị thực sự tiềm ẩn, nhưng có những giá trị chỉ nổi ngay tại thời điểm ấy, nhiệm vụ chúng tôi – những người làm công tác giáo dục nghệ thuật là làm sao để mang đến cho công chúng, đặc biệt là giới trẻ sự hiểu biết có thể là ban đầu, có thể chỉ là ý thức, ý thức phấn đấu làm sao để hiểu những kiến thức cơ bản đó.

Xin cảm ơn ông và chúc cho Trường ĐHSP Nghệ thuật TW ngày một vững mạnh, phát triển và đạt được nhiều thành tích hơn nữa trong hoạt động đào tạo, thực hiện mục tiêu quan trọng trong sự nghiệp giáo dục nghệ thuật.