Hoạt động nghiên cứu

Hội thảo khoa học “Giáo dục nghệ thuật cho các trường phổ thông - chuyên ngành Âm nhạc”

18 Tháng Mười 2015

                                                                                                                        BBT

 

Hưởng ứng công cuộc cải cách giáo dục toàn diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời xác định Giáo dục nghệ thuật có vai trò đặc biệt quan trọng trong xã hội hiện nay, sáng ngày 16/10/2015, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đã tổ chức buổi Hội thảo “Giáo dục nghệ thuật cho các trường phổ thông - chuyên ngành Âm nhạc” dưới sự chủ trì của GS.TSKH. Phạm Lê Hòa – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường.

 

Toàn cảnh buổi Hội thảo

 

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu giáo dục nghệ thuật. Về phía khách mời có ông Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT, bà Lê Thị Thu Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; về phía Hội nhạc sĩ Việt Nam và hội Âm nhạc Hà Nội có nhạc sĩ Văn Dung - Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, nhạc sĩ Phạm Tuyên - Chủ tịch danh dự Hội Âm nhạc Hà Nội, nhạc sĩ Hoàng Lân - Trưởng ban Sáng tác thiếu nhi, Hội Âm nhạc Hà Nội, cùng đại diện các Trường Đại học, Cao đẳng đào tạo khối Văn hóa nghệ thuật, các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục phổ thông và các cơ quan thông tấn báo chí khác. Về phía Trường ĐHSP Nghệ thuật TW có GS.TSKH. Phạm Lê Hòa - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà Trường cùng Ban giám hiệu, lãnh đạo các đơn vị, các cán bộ, giảng viên và nghiên cứu sinh tham dự.

 

PGS.TS. Trịnh Hoài Thu – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW trình bày Báo cáo đề dẫn

 

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Trịnh Hoài Thu - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW khẳng định: Nền giáo dục nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa một số loại hình nghệ thuật vào Nhà trường để tác động đến sự hình thành nhân cách và trí tuệ của thế hệ trẻ, tuy vậy, ở nước ta, việc Giáo dục nghệ thuật trong các trường phổ thông bị xem nhẹ vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Phải đến năm 2002, các môn nghệ thuật, trong đó có môn Âm nhạc và Mỹ thuật mới được coi là môn học chính thức trong hệ thống giáo dục phổ thông nhưng chỉ dừng ở cấp Tiểu học và Trung học cơ sở, còn hai cấp Mầm non và Trung học phổ thông còn bị bỏ ngỏ. Với mục tiêu xác định tầm quan trọng của giáo dục nghệ thuật trong các trường phổ thông, Hội thảo tiến hành rà soát nội dung, chương trình, phương pháp, tài liệu, giáo trình dạy học và đội ngũ giáo viên/giảng viên, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp đổi mới căn bản và toàn diện Giáo dục nghệ thuật.

            Trong khuôn khổ chương trình Hội thảo, đại diện báo cáo viên đã trình bày 04 trên tổng số 06 tham luận. Tham luận Âm nhạc trong giáo dục phổ thông của Nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam đã chỉ ra một số bất cập trong việc dạy nhạc và học nhạc tại các trường phố thông như phương pháp dạy học thụ động, mô phạm, thiếu nội dung linh hoạt, sáng tạo để trẻ phát triển khả năng âm nhạc, nội dung giáo trình âm nhạc “đóng khung” không còn phù hợp, chất lượng giáo viên chưa cao… Qua đó, người nghe thấy được vai trò của âm nhạc trong đời sống xã hội cũng như ghi nhận tầm quan trọng của các Trường đào tạo Sư phạm nghệ thuật, trong đó có Trường ĐHSP Nghệ thuật TW. Trong tham luận Vài ý kiến về nội dung sách giáo khoa âm nhạc cho nhà trường phố thông của PGS.TS. Nhạc sĩ Lân Cường - Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội đã đưa ra những so sánh chi tiết về sách giáo khoa âm nhạc trong nhà trường phổ thông. Theo Nhạc sĩ, bên cạnh việc đánh giá sách giáo khoa âm nhạc từ lớp 1 đến lớp 9 đã đạt được kết quả bước đầu về nội dung, hình thức và cấu trúc thì tập sách này vẫn tồn tại các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung. Về hình thức, không nên để ảnh người lớn chơi nhạc cụ hay hát ở trang bìa mà để ảnh các em vì đây là sách giáo khoa cho các em học sinh; ảnh chân dung nhạc sĩ thống nhất là ảnh đen trắng; chỉnh sửa lỗi chính tả, hình vẽ chồng màu… Về nội dung, một số chi tiết trong bài giảng chưa chính xác hoặc thiếu, trình bày các phần nội dung chưa nhất quán, tỉ lệ chưa thỏa đáng giữa các bài hát nước ngoài và dân ca Việt Nam, nên tăng cường mục “Bài hát do địa phương tự chọn” để phát triển làn điệu vùng, miền…

 

PGS.TS. Nhạc sĩ Lân Cường - Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội trình bày tham luận tại Hội thảo

 

            Tiếp theo chương trình Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Tố Mai đã trình bày tham luận Bạo lực học đường và giáo dục nghệ thuật hiện nay. Bản tham luận nhấn mạnh, nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng cần được tham gia tích cực hơn, sâu sắc hơn trong Nhà trường dưới dạng các hoạt động ngoại khóa âm nhạc, múa hát, biểu diễn tập thể, sinh hoạt văn hóa văn nghệ… giúp các em học sinh sống đúng lứa tuổi, giảm thiểu áp lực học kiến thức đồng thời thay đổi nhận thức và giáo dục đạo đức cho học sinh cũng chính là góp phần thay đổi nguyên nhân gốc rễ của bạo lực học đường trong nhà trường phổ thông hiện nay. Tham luận Đổi mới công tác đào tạo giáo viên nghệ thuật cho nhà trường phổ thồng của TS. Đỗ Thị Minh Chính - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm TW đề cập đến việc đầu tư nâng cao trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đưc, năng lực nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên giảng dạy các môn nghệ thuât – nhân tố quan trọng, có vai trò trực tiếp đến chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục nghệ thuật ở các bậc học phổ thông. Trước hết cần đổi mới công tác quản lý trong các Khoa và Nhà trường đào tạo giáo viên nghệ thuật; kết hợp nghiên cứu với đổi mới các mục tiêu, nội dung, phương pháp hình thức dạy học, quy trình, biện pháp đánh giá sinh viên; phát triển cơ sở vật chất, tăng cường bồi dưỡng đội ngũ giảng viên cơ sở.

 

PGS.TS. Nguyễn Thị Tố Mai trình bày tham luận tại Hội thảo

 

            Sau khi lắng nghe 04 bản tham luận của các báo cáo viên, Hội thảo nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp xây dựng của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà giáo dục nghệ thuật như nhạc sĩ Phạm Tuyên, TS. Phạm Ngọc Định, NSƯT - Đạo diễn, nhạc sĩ Trần Ngọc, nhạc sĩ Hoàng Long, nhạc sĩ Hoàng Lân, nhạc sĩ Lê Mây, nhạc sĩ Hoàng Giai, nhạc sĩ Vũ Trọng Tường…

 

NSƯT - Đạo diễn, nhạc sĩ Trần Ngọc đóng góp ý kiến thảo luận

 

Kết thúc phần thảo luận, Hội thảo đã cơ bản giải quyết được những mục tiêu đặt ra, ban đầu có được những đánh giá thực  trạng chính xác, đưa ra những giải pháp, kiến nghị góp phần giúp Bộ GD&ĐT thi hành quyết sách, định hướng đúng đắn trong việc phát triển GDNT trong các trường phổ thông, các cơ sở đào tạo Sư phạm nghệ thuật và GDNT phổ thông  đạt chất lượng cao hơn, đáp ứng yêu cầu xã hội, thực hiện tốt việc cải cách giáo dục toàn diện của nước nhà.