Sự kiện

Nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo: “Người bị giời đày đã bay về giời”

09 Tháng Mười Hai 2015

Đang ăn sáng ở Sài Gòn, bỗng nghe nhạc sĩ Giáng Son gọi từ Hà Nội vào: “Anh đã biết tin ông Nguyễn Thiên Đạo mất ở Paris chưa?”. Tôi trả lời là tôi không tin.


Nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo chỉ huy dàn nhạc - Ảnh: Nguyễn Đình Toán


Nghe đọc báo tin bài này

Cách đây mấy tháng, sau khi giúp ông in cuốn truyện Sống lửa, ông chia tay tôi để trở về Paris và hẹn sau tết gặp lại, vẫn nụ cười tươi, dáng điệu nhỏ thó nhanh nhẹn hơn cái tuổi 76 mà ông đang sống. Tôi nắm chặt bàn tay nóng ấm. Bởi thế, tôi làm sao tin nổi sự thật này.

Một dòng tin ứa lệ

Nhưng sự thật vẫn là sự thật, nhạc sĩ Bùi Đức Thịnh gọi ngay cho người thân ở Paris và nhắn tin cho tôi: “Nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo đã từ trần hồi 23g ngày 20-11-2015 (giờ Pháp) tại Paris. Theo giờ Việt Nam là 4g sáng 21-11-2015”. Có cảm giác dòng tin đang ứa lệ. Vậy là “người bị giời đày đã bay về giời” thật rồi.

Nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo có một tiểu sử khá riêng biệt. Cha ông thời chống Pháp là một tình báo quân đội được cài vào hoạt động địch hậu tại Hà Nội. Bởi vậy, tuy quê ở Thanh Oai (khi ấy thuộc Hà Đông), ông được đưa ra Hà Nội học từ ấu thơ.

Năm ông 13 tuổi (1953), linh cảm được chiến thắng sắp tới và nhiệm vụ sẽ được tiếp tục tại Sài Gòn, cha ông đã gửi ông sang Paris để tiếp tục học tập. Mê âm nhạc từ nhỏ nên khi học hết phổ thông, Nguyễn Thiên Đạo thi vào Nhạc viện Paris và may mắn được học thầy Olivier Messiaen - chủ soái của trường phái “Tiên phong” (Avant-garde).

Tác phẩm tốt nghiệp của Nguyễn Thiên Đạo là Thành đồng Tổ quốc đoạt giải thưởng của một festival âm nhạc quốc tế năm 1968. Từ đó ông bắt đầu sự nghiệp âm nhạc đồ sộ của mình với rất nhiều tác phẩm viết về Việt Nam như: Phù Đổng, Tây Sơn... và sớm ghi danh trong các từ điển nổi tiếng như Le petit Larousse, Le Petit Robert.

Khi trò chuyện với nhau, tôi vẫn gọi ông là “một đặc công của âm nhạc Việt Nam đánh chiếm đỉnh cao thế giới” và nhận ra ông theo đuổi trường phái âm nhạc này như “bị giời đày”.

Hành trình trở về

Ngay từ những năm chiến tranh, thông qua “Hội Việt kiều yêu nước ở Pháp”, Nguyễn Thiên Đạo đã gửi tặng nhiều tác phẩm của mình cho Hội Nhạc sĩ Việt Nam, bởi thế sau ngày thống nhất năm 1977, nhạc sĩ Đỗ Nhuận - tổng thư ký hội - đã mời ông về Hà Nội dàn dựng và biểu diễn tác phẩm Phù Đổng. Nhưng do ngôn ngữ âm nhạc của ông quá mới mẻ so với năng lực cảm thụ âm nhạc trong nước vừa ra khỏi chiến tranh nên ở thời điểm đó Nguyễn Thiên Đạo chưa được chào đón nồng hậu.

Năm 1995, trong tình hình đất nước cởi mở hơn sau 10 năm đổi mới, Bộ trưởng Trần Hoàn đã mời ông mang tác phẩm về trình diễn đợt kỷ niệm 50 năm thành lập nước. Lúc ấy, bản Hòa tấu 95 vang lên đã chiếm được tình cảm của đông đảo công chúng, đánh dấu một bước quan trọng trong hành trình trở về Việt Nam của ông.

Từ đấy, ông liên tục mang tác phẩm về trình diễn tại nước nhà. Để âm nhạc của ông có thể phổ cập rộng rãi hơn, tôi đã bàn với Nhà xuất bản Đà Nẵng để viết cuốn tiểu thuyết chân dung về sự nghiệp âm nhạc của ông mang tênNguyễn Thiên Đạo - nhạc sĩ bị giời đày.

Cuốn sách đã được ấn hành năm 2003 với lời giới thiệu của nhà thơ Bằng Việt và đã nhận được giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Sau cuốn sách, tôi còn giúp ông xuất bản nhiều DVD tác phẩm của ông như Sóng nhất nguyên, Hồn thiêng sông núi... và đặc biệt là Khai giác, bản giao hưởng hợp xướng ông viết để trình diễn trong Đại lễ Phật giáo Liên Hiệp Quốc (Vesak) năm 2008.

Ngay đầu năm 2015 này, ông lại nhờ tôi giúp ông xuất bản cuốn truyện Sống lửa mà ông tự viết hình như là để nói về một dã sử của dòng tộc gia đình.

Nguyễn Thiên Đạo là người rất cẩn trọng truyền thực và chăm chỉ trong luyện tập. Ông muốn còn được dâng hiến nhiều nữa cho xứ sở quê hương. Nhưng đã là con người làm sao tránh khỏi định mệnh. Xin được viết những dòng vĩnh biệt thành kính tới anh linh ông.

Người giao hòa âm nhạc Đông - Tây

Nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo sinh ngày 3-7-1940 tại Hà Đông, định cư tại Pháp từ năm 1954.

Nguyễn Thiên Đạo đã theo học âm nhạc tại Schola Cantorum - Paris (1953 - 1962), Nhạc viện Quốc gia Paris (1963 - 1968). Sự nghiệp sáng tác âm nhạc của ông đã được thế giới ghi nhận bởi các sự kiện: giải nhất sáng tác của Nhạc viện Paris dành cho tác phẩm Thành đồng Tổ quốc năm 1968, giải thưởng Gabriel Chapelier của Hội Nhạc sĩ Pháp năm 1970, giải thưởng Georges Bizet của Viện hàn lâm Pháp năm 1972, giải thưởng Olivier Messiaen của Fondation Erasmus (Hà Lan) dành cho giao hưởng Máu và hoa năm 1974, giải thưởng André Caplet của Viện hàn lâm Pháp cho toàn bộ tác phẩm âm nhạc năm 1983, huân chương Chevalier de Arts et des Lettres của Chính phủ Pháp trao tặng năm 1984... Tên tuổi Nguyễn Thiên Đạo cũng được ghi danh trong từ điển Le Petit Larousse năm 1982, từ điển Le Petit Robert năm 1995 vì những đóng góp trong việc giao hòa âm nhạc Đông - Tây.

Nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo viết 82 tác phẩm khí nhạc, opera, kịch múa đã dàn dựng ở các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Brazil...

Ông đã tự dàn dựng và chỉ huy nhiều tác phẩm của mình tại Việt Nam như: Hòa tấu 1995, Khai giác, Hồn non nước, Sóng hồn, Sóng nhất nguyên, kịch múa Hồn Trương Chi... Ông viết nhiều tác phẩm cho nhạc cụ dân tộc độc tấu và hòa tấu cùng dàn nhạc giao hưởng với những cách tân về âm sắc và kỹ thuật diễn tấu, trong đó mới nhất là sáu tác phẩm mang tên Khói, và “chùm khói” này đang lần lượt được giới thiệu với công chúng Việt Nam:

Khói nguyệt cho đàn nguyệt, Khói khói cho sáo trúc và tiêu, Khói hát cho nhị, Khói Trương Chi cho bầu, Khói sóng cho đàn tranh và Khói thác cho tì bà. Giao hưởng - hợp xướng Khai giác, Hồn thiêng sông núi.

Ngoài ra, nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo còn viết nhạc phim (Vũ khúc con cò, Chuyện của Pao) và tham gia giảng dạy sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội, Nhạc viện TP.HCM.

Cuộc đời và tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo đã được giới thiệu trong khoảng 70 cuốn sách và từ điển, trong nhiều chương trình truyền hình tại Pháp và Việt Nam.

 

Theo tuoitre.vn