Tin tức

Những lưu ý về phương pháp dạy Âm nhạc ở trường tiểu học

15 Tháng Mười Hai 2015

Những lưu ý về phương pháp dạy Âm nhạc ở trường tiểu học

GD&TĐ - Khẳng định vai trò của giáo dục âm nhạc trong trường tiểu học, thầy Phạm Quế Nguyên (Khoa Sư phạm, Trường ĐH Bạc Liêu) đã đưa ra những lưu ý trong phương pháp dạy môn học này ở từng khối lớp.

Lớp 1, 2, 3: Dạy hát để giáo dục âm nhạc

Thầy Phạm Quế Nguyên cho biết, ở những lớp này, dạy âm nhạc cho học sinh chủ yếu là dạy hát, dạy hát để giáo dục âm nhạc. Dạy cho các em tập hát đúng giai điệu, tiết tấu những bài hát phù hợp với lứa tuối, để tập học sinh quen hát tập thể, hát đồng đều và hoà giọng.

Ở những lớp này cũng dạy học sinh hiểu và phân biệt được những âm thanh cao, thấp, dài, ngắn, với tốc độ khác nhau; phát triển năng lực nghe nhạc và năng lực cảm thụ âm nhạc thông qua tập hát và các hoạt động kết hợp với âm nhạc. 

Thông qua các bài học cụ thể, giáo dục học sinh những tình cảm trong sáng, lành mạnh, phát triển năng lực trí tuệ làm cho đời sống tinh thần của trẻ thêm phong phú.

Theo thầy Phạm Quế Nguyên, đây là môn học thực hành, lấy thực hành để chuyển tải những kiến thức sơ giản về âm nhạc. Cấu trúc một tiết học âm nhạc thường gồm 2 phần học hát và hoạt động.

Sự kết hợp như vậy làm tiết học có nội dung phong phú, hấp dẫn trẻ hơn. Quan điểm tích hợp các nội dung học tập âm nhạc trong một tiết học cần được thường xuyên vận dụng để tạo cho học sinh luôn được làm quen với các hoạt động: nghe, hát và rèn luyện tiết tấu.

Dạy hát ở lớp 1, 2, 3, giáo viên chủ yếu dạy theo phương pháp hát mẫu giáo viên hát mẫu từng câu ngắn, sau đó học sinh hát theo và nối tiếp cho đến hết bài.

Trước khi dạy hát và trong lúc học sinh tập hát, giáo viên cần uốn nắn tư thế ngồi đứng cho đúng cách (ngồi ngay ngắn, lưng thẳng, không nghiêng vẹo). 

Khi các em hát sai, giáo viên chỉ rõ chỗ sai và hát mẫu để các em sửa chữa ngay. Trong khi dạy hát, giáo viên kết họp đánh đàn và cho nghe băng, đĩa.

Trình tự bài hát đã được thực hiện như sau: Giới thiệu bài hát(tên bài, tác giả, đôi nét về nội dung bài); Hát mẫu (cho học sinh nghe băng giáo viên hát); Cho học sinh đọc lời ca và giáo viên giải thích những từ khó; Dạy từng câu hát ngắn; Củng cố bài, nâng cao chất lượng tiếng hát.

Lúc tập hát, giáo viên cho học sinh với tốc độ chậm vừa, khi đã học xong toàn bộ lời ca là học sinh hát đúng tốc độ cần thể hiện.

Khi học sinh đã hát được giai diệu và lời ca, giáo viên cho các em hát kết hợp với vận động thân thể nhẹ nhàng, làm động tác phù hoạ. Có bài kết hợp với động tác múa đơn giản. Hát kết hợp với dùng nhạc cụ gõ đệm theo là một hình thức rèn luyện về nhịp điệu, tiết tấu rất quan trọng.

Lớp 4, 5: Tiếp cận các ký hiệu ghi chép nhạc

Thầy Phạm Quế Nguyên cho biết: Đến lớp 4, 5, âm nhạc được tách riêng thành một môn học. Như vậy, lớp 4, 5 việc học âm nhạc của học sinh tiểu học đã chuyển sang một giai đoạn mới: Vừa học các bài hát, vừa học những kí hiệu ghi chép nhạc.

Do chương trình âm nhạc lớp 4, 5 có nhiều nội dung khác nhau mang tính phân môn, vì thế phương pháp dạy học cũng đặt ra nhiều vấn đề mới.

Cụ thể, về dạy hát, quy trình này đã quá quen thuộc với giáo viên vì dạy hát đã liên tục thực hiện ở lớp 1, 2, 3. Tuy nhiên, đến lớp 4, 5 nhấn mạnh thêm một vài vấn đề như:

Khi dạy hát đã kết hợp với nhạc cụ, cho học sinh nghe đàn và giáo viên đệm đàn. Tập hát vẫn tiếp tục thực hiện các hoạt động kết hợp như gõ đệm vận động phụ họa trò chơi âm nhạc.

Giáo viên tăng cường cho học sinh tập biểu diễn và chú ý giúp các em nâng cao chất lượng tiếng hát, hát hòa giọng, có diễn cảm.

Khi dạy hát giáo viên có sự liên hệ nội dung bài hát với các kiến thức liên quan mang tính kết hợp chuyên môn như Văn học, Lịch sử, Địa lý môi trường, mở rộng thêm hiểu biết cho học sinh.

Về dạy tập đọc nhạc, theo thầy Phạm Quế Nguyên, yêu cầu của phân môn này đã đặt ra hết sức nhẹ nhàng, đơn giản.

Giai đoạn đầu học sinh thực hành các bài tập về độ cao và tiết tấu riêng, về cao độ giáo viên cho các em nghe, tập nhận ra âm thanh cao thấp tương ứng với vị trí các nốt nhạc trên khuông từ 2-3 âm, 4-5 âm trong phạm vi quãng 8. Tiếp theo, học sinh tập đọc theo thang 5 âm đồ - rê - mi- son - la và tiến tới tập đọc thang 7 âm đô - rê - mi - pha - son - la - si.

Về trường độ, học sinh làm quen với các nốt và luyện tập thể hiện các hình nốt trong mối quan hệ hai hình nốt rồi ba hình nốt kết hợp. Cách dạy thực hành trường độ trên các hình nốt đã vận dụng dưới dạng các trò chơi. Ví dụ: đen - đen - đen - lặng; đen - đơn đơn - đen - đơn đơn - trắng...

Giai đoạn tiếp theo là học sinh tập đọc một bài nhạc đơn giản. Khi dạy tập đọc nhạc trên một bài cụ thể, giáo viên cho các em tập lần lượt cao độ, tiết tấu riêng. Sau đó, giáo viên đàn cho học sinh nghe giai điệu vài lần để tập đọc theo từng câu ngắn. Tiếp theo, cho học sinh ghép lời ca với gõ phách đều đặn nhịp nhàng.

 

 

Dạy kể truyện âm nhạc và nghe nhạc

Khi kể chuyện âm nhạc cho học sinh nghe, thầy Phạm Quế Nguyên lưu ý, giáo viên cần phải có tranh ảnh, đĩa hình minh họa.

Khi cho học sinh nghe nhạc, giáo viên minh họa bằng một số âm sắc của nhạc cụ có sẵn trong đàn phím điện tử để tiết học thực sự sinh động và hấp dẫn.

Theo giaoducthoidai.vn