Tin tức

Phương pháp dạy học tích cực: Thông qua hoạt động nhóm và tự đánh giá năng lực HS

15 Tháng Mười Hai 2015

 

Phương pháp dạy học tích cực:  Thông qua hoạt động nhóm và tự đánh giá năng lực HS

GD&TĐ - Phương pháp dạy học tích cực nhằm hướng tới việc tích cực hóa hoạt động nhận thức của người học, nghĩa là tập trung vào quá trình phát huy tính tích cực của học sinh. 

Đối với học sinh tiểu học, việc kích thích khả năng nhận thức, sáng tạo sẽ giúp các em lĩnh hội kiến thức một cách chủ động hơn.

Tăng cường hoạt động nhóm

Một giờ học của cô và trò Trường Tiểu học Thăng Long (Hà Nội) luôn tràn ngập sự hào hứng, vui tươi bởi sự gần gũi thân thiện giữa cô và trò. Lớp học không kê theo kiểu truyền thống mà các bàn học được kê quây tròn theo mỗi tổ.

Cô giáo Nguyễn Thị Huyền - Giáo viên dạy lớp 2A2 Trường Tiểu học Thăng Long (Hà Nội) - chia sẻ: Với cách ngồi học như thế này, giáo viên không chỉ dễ bao quát lớp học mà học sinh sẽ thuận lợi hơn trong việc trao đổi và hoạt động nhóm. 

Khi cô giáo đưa ra một câu hỏi mỗi học sinh đều có những câu trả lời của riêng mình. Sau đó, các em cùng thảo luận trong nhóm để đưa ra những ý kiến hợp lý nhất. 

Với cách dạy mới, cô giáo đã thiết kế bài dạy một cách linh hoạt đồng thời tăng cường các hoạt động nhóm để học sinh được thực sự khám phá, phát huy năng lực của bản thân.

Trong giờ học về bài “Sự tích cây vú sữa”, thay vì việc đọc văn bản như cách dạy truyền thống, cô giáo đã cho học sinh tiếp xúc với văn bản bằng ngôn ngữ kể kèm theo điệu bộ cử chỉ với ngữ điệu của các nhân vật. 

Nhờ cách kể hấp dẫn mà cô giáo đã tạo được sự hứng thú cho lớp học. Bên cạnh việc gọi học sinh đọc mẫu, cô giáo đã hướng dẫn các em đọc thầm theo từng nhóm, rồi đọc thi đua giữa các nhóm trong lớp.

Để học sinh tham gia tích cực trong giờ học, giáo viên còn khuyến khích các em mạnh dạn nhận xét những ưu khuyết điểm của từng bạn khi tham gia đọc. 

Như vậy, ngay trong giờ học các em đã nắm vững được kỹ năng khi đọc bài. Đây là một trong những yêu cầu cơ bản đối với mỗi học sinh tiểu học.

Kết hợp với tự đánh giá năng lực học tập

Theo cô Tạ Thị Bích Ngọc - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội), quá trình dạy học bao gồm hai hoạt động dạy và học, với hai chủ thể là GV và học sinh. Trong quá trình này luôn cần có sự điều chỉnh và tự điều chỉnh. 

Vì vậy, ngoài sự đánh giá của GV, phải có sự tự đánh giá của học sinh. Với học sinh tiểu học mức độ lĩnh hội kiến thức và tự đánh giá bản thân cũng được thể hiện linh hoạt qua mỗi bài học. 

Bởi vậy trong phương pháp dạy học tích cực, GV cần chú trọng đến việc dạy cho học sinh cách tự tiếp cận bài học đi kèm với năng lực tự đánh giá. 

Với cách tổ chức lớp học theo nhóm sẽ giúp cho học sinh phát huy được năng lực bản thân với các kỹ năng hoạt động nhóm. Trong quá trình hoạt động nhóm, học sinh không chỉ tự lĩnh hội kiến thức theo sự hướng dẫn của cô giáo mà các em còn được tập dượt cách nhận xét, đánh giá các bạn và tự đánh giá bản thân mình.

Trong bài dạy về “Sự tích cây vú sữa” của cô giáo Nguyễn Thị Huyền, bên cạnh việc rèn luyện kỹ năng đọc cho học sinh, thì hệ thống các câu hỏi của cô sẽ giúp các em lĩnh hội kiến thức một cách tự nhiên. 

Đặc biệt câu hỏi mà cô đưa ra về nút thắt của câu chuyện: Việc người mẹ bỏ nhà ra đi gợi cho em những suy nghĩ gì? Đã mang đến những câu trả lời khác nhau của nhiều học sinh như: Không nên ham chơi, cần phải luôn ở bên bố mẹ, biết vâng lời và biết chăm sóc bố mẹ…

Chính từ nội dung câu chuyện mà mỗi học sinh đều tự hình thành cho mình suy nghĩ về tình yêu và trách nhiệm với những người thân xung quanh mình. 

Mỗi một câu trả lời của từng học sinh đều được các bạn trong lớp nhận xét, bổ sung đầy đủ. Như vậy, qua cách tiếp cận bài học theo phương pháp chú trọng đến năng lực người học, mỗi học sinh không chỉ đánh giá được các bạn trong nhóm mình mà còn có thể tự đánh giá năng lực của bản thân.

Cũng theo cô Huyền, ngoài cách tổ chức các hoạt động theo nhóm, để giúp học sinh tiếp cận kiến thức được tự nhiên, cô còn hướng dẫn cho học sinh của mình tóm tắt cốt truyện theo sơ đồ tư duy thông qua trình tự thời gian với các nút thắt, cao trào của truyện, hay theo sơ đồ kiểu mạng nhện để các em có mối liên hệ khoa học dễ nhớ hơn khi học bài.

 

Qua cách tự đánh giá, HS sẽ đưa ra những nhận định về bản thân và tự điều chỉnh cách học của mình cho phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả học tập.                                                                                                                                                                                         Thiếu năng lực này học sinh không thể tự điều chỉnh cách học của mình và không hoàn chỉnh được phương pháp tự học. Như vậy, năng lực tự học luôn gắn liền với năng lực tự đánh giá, tự điều chỉnh. Đó là dấu hiệu của phương pháp dạy học tích cực.

Theo giaoducthoidai.vn