Tin tức

Đổi mới công tác thanh tra đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT

19 Tháng Mười Hai 2015

 

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại Hội thảo

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại Hội thảo

Sáng nay (17/12), tại Hà Nội, TS. Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đã chủ trì Hội thảo trực tuyến Đổi mới công tác thanh tra đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. 

Dự Hội thảo có lãnh đạo các Vụ, Cục chức năng, lãnh đạo đầu cầu 63 tỉnh thành và thanh tra các Sở, phòng GDTĐT.

Hội thảo nhằm đánh giá những thành công, hạn chế sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị định 42/2013 và Thông tư 39. Cụ thể, các Sở GD&ĐT thực hiện đổi mới hoạt động thanh tra theo hướng chuyển nội dung từ thanh tra hoạt động chuyên môn sang thanh tra công tác quản lý, chuyên nghiệp hóa hoạt động thanh tra.

Hiện nay, tổng số cán bộ thanh tra của 63 Sở GD&ĐT có 318 cán bộ, chiếm 8,5% cán bộ của Sở. 215 người đã được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra (chiếm 67,6%). Các Sở GD&ĐT đã kịp thời bổ sung, tăng cường lực lượng thanh tra theo yêu cầu đổi mới. Bên cạnh đó, cả nước có 22.445 cộng tác viên thanh tra (CTVTT). 

Đến nay 30/63 Sở đã cử CTVTT giáo dục tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ theo chương trình của Bộ GD&ĐT tại Học viện Quản lý Giáo dục và Trường Cán bộ quản lý Giáo dục TP.HCM với 2.236 học viên đã được cấp chứng chỉ.

Đặc biệt, thanh tra hành chính được 612 cuộc, thanh tra theo chuyên ngành được 1.030 cuộc. Số đơn vị được thanh tra trong năm học ít hơn so với trước. Các tỉnh như Bình Thuận, Hà Nội, Tp.HCM, Cần Thơ, Hà Giang tiêu biểu trong hoạt động thanh tra đột xuất. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được các Sở tập trung giải quyết dứt điểm, ngăn chặn được tình trạng đơn thư kéo dài, vượt cấp.

Tại Hội thảo đã có 12 ý kiến đóng góp với các nội dung về: Thanh tra chuyên ngành đối với việc thực hiện qui chế chuyên môn, thanh tra chuyên đề và vai trò của Phòng GD&ĐT, Kinh phí đối với hoạt động thanh tra và những khó khăn, việc xử lý sau thanh tra, triển khai thanh tra chuyên đề đầu năm học về những vấn đề nóng gây bức xúc xã hội, Xây dựng lực lượng CTVTT và cán bộ thanh tra, Công tác phối hợp thanh tra Sở, tỉnh và huyện…

Phát biểu tổng kết, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã nhấn mạnh: Để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, thanh tra giáo dục cần phải đẩy mạnh đổi mới quản lý, tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra. Thanh tra Bộ đang hoàn thiện trình lãnh đạo Bộ, ban hành Đề án “Tăng cường năng lực thanh tra đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT giai đoạn 2015-2020, nhằm hoàn thiện công tác thanh tra, phục vụ công tác quản lý giáo dục.

Kế hoạch thanh tra hiện theo hướng giảm số đơn vị được thanh tra nhưng bao quát được các nội dung cơ bản trong hoạt động của các đơn vị; hoạt động thanh tra chuyển trọng tâm từ thanh tra chuyên môn sang thanh tra trách nhiệm quản lý của thủ trưởng đơn vị, như thế sẽ phát huy được năng lực quản lý cũng như sáng kiến, năng lực của đội ngũ giáo viên. 

Hầu hết các Sở GD&ĐT không còn thanh tra toàn diện nhà trường và thanh tra hoạt động sư phạm nhà giáo. Nội dung thanh tra tập trung vào một số nội dung gây bức xúc dư luận xã hội.

Theo giaoducthoidai.vn