Tuyển sinh sau đại học

Lễ bảo vệ luận văn Thạc sĩ khóa I chuyên ngành Quản lý văn hóa

24 Tháng Mười Hai 2015

          BBT

 

Ngày 23/12/2015, được sự đồng ý của Ban giám hiệu cùng Hội đồng thảo luận luận văn Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, Khoa Sau Đại học đã tổ chức Lễ bảo vệ luận văn Thạc sĩ cho 02 học viên Vương Kiều Vân và Nguyễn Thị Xuân Thư - khóa I (2013 - 2015) chuyên ngành Quản lý văn hóa.

Buổi bảo vệ luận văn được điều hành bởi Chủ tịch Hội đồng GS.TSKH. Phạm Lê Hòa cùng với sự tham gia của 05 thành viên khác bao gồm: GS.TS. Lê Hồng Lý; PGS.TS. Bùi Quang Thanh; PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Thanh; TS. Trần Đình Tuấn; TS. Phạm Ngọc Dũng trong vai trò là Phản biện 1, Phản biện 2, Ủy viên và Thư kí tại 02 Hội đồng chấm luận văn.

 

Học viên Vương Kiều Vân trình bày đề tài “Hoạt động bảo tồn và phát huy nghệ thuật Ca trù tại Hà Nội trong giai đoạn hiện nay (Qua trường hợp giáo phường Ca trù Thăng Long, thành phố Hà Nội)”

 

Hoạt động bảo tồn và phát huy những giá trị của Ca trù - loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc là vấn đề được đặc biệt quan tâm trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay. Để có hướng đi phù hợp cũng như tìm được giải pháp trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật Ca trù, học viên Vương Kiều Vân đã lựa chọn nghiên cứu đề tài Hoạt động bảo tồn và phát huy nghệ thuật Ca trù tại Hà Nội trong giai đoạn hiện nay (Qua trường hợp giáo phường Ca trù Thăng Long, thành phố Hà Nội) dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Bùi Quang Thanh. Qua quá trình điền dã, khảo sát ở một số câu lạc bộ, giáo phường (CLB,GP) Ca trù trên địa bàn Hà Nội như: CLB ca trù Đồng Trữ; GP Ca trù Lỗ Khê; CLB Ca trù Hà Nội; GP Ca trù Thái Hà, học viên bước đầu đánh giá được những kết quả tích cực cũng như những hạn chế trong công tác bảo tồn, phát huy Ca trù nói chung và trong trường hợp cụ thể tại GP Ca trù Thăng Long. Với mong muốn đưa Ca trù sớm trở thành một di sản văn hóa phi vật thể, học viên đã mạnh dạn đưa ra những giải pháp có tính ứng dụng cao trong thực tế như: nhóm giải pháp nâng cao nhận thức về vai trò bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa nói chung và nghệ thuật Ca trù nói riêng; thành lập hiệp hội các CLB, GP Ca trù trên địa bàn thành phố Hà Nội; phát triển du lịch và tuyên truyền đối với nghệ thuật Ca trù; xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động diễn xướng Ca trù;…

 

Học viên Nguyễn Thị Xuân Thư trình bày đề tài “Quản lý nhà nước về văn hóa trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội”

 

Hiện nay quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội đang phải đối mặt với những thời cơ cũng như thách thức trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa trên địa bàn quận. Bằng kinh nghiệm của người làm công tác quản lý lâu năm, học viên Nguyễn Thị Xuân Thư tiến hành thực hiện luận văn Thạc sĩ với đề tài Quản lý nhà nước về văn hóa trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội dưới sự hướng dẫn khoa học của GS.TS. Lê Hồng Lý. Sau khi nghiên cứu tổng quan vai trò của quản lý nhà nước về văn hóa đối với sự phát triển văn hóa – xã hội quận Hai Bà Trưng, học viên bước đầu đánh giá được thực trạng quản lý nhà nước đối với một số lĩnh vực văn hóa để trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa ở quận Hai Bà Trưng. Trong vai trò là người nghiên cứu, học viên đã đưa ra một số khuyến nghị đối với Đảng, Nhà nước và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: nghị quyết của Đảng cần phải thể chế hóa thành luật và các chính sách hiện có về công tác quản lý văn hóa; hoàn thiện pháp luật về văn hóa; cấp trang thiết bị văn hóa và kinh phí cho ngành văn hóa…Đối với các cấp lãnh đạo của thành phố: nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý văn hóa, kết hợp với công tác phòng chống các biểu hiện và hành vi phi văn hóa, bài trừ tệ nạn xã hội…. Đối với Quận ủy, Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng: đổi mới công tác tuyển dụng. đề bạt và sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý; cần có những hế hoạch, quy hoạch cụ thể cho việc phát triển các loại hình dịch vụ văn hóa sao cho phù hợp với tình hình thực tế địa phương….

 

Hội đồng 01 chấm luận văn Thạc sĩ của học viên Vương Kiều Vân

 

Sau phần trình bày chi tiết, Hội đồng lần lượt đưa ra nhận xét về luận văn và đặt câu hỏi cho học viên. Về ưu điểm, nội dung hai luận văn trình bày cân đối, phù hợp với tên đề tài và chuyên ngành đào tạo, đáp ứng yêu cầu của một luận văn thạc sĩ; bản tóm tắt trung thực với nội dung luận văn. Phương pháp nghiên cứu khoa hoc; giải pháp đưa ra có tính thuyết phục cao; hệ thống bảng biểu và ảnh minh họa có tính chọn lọc. Đề tài của hai luận văn tuy không mới nhưng được khai thác dưới góc độ quản lý văn hóa nên có tính thời sự, tính thực tiễn và ý nghĩa khoa học cao, là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà giảng dạy và các nhà quản lý. Bên cạnh những ưu điểm, học viên cũng cần xác định rõ chủ thể quản lý, các khái niệm chuyên ngành và cách sắp xếp các đề mục trong luận văn. 

 

PGS.TS. Bùi Quang Thanh - Cán bộ hướng dẫn khoa học nhận xét luận văn Thạc sĩ cho học viên Vương Kiều Vân

 

Qua quá trình làm việc nghiêm túc, Hội đồng đã thống nhất, đánh giá luận văn của hai học viên đạt loại Xuất sắc với số điểm lần lượt là 9,0 và 9,2.