Tin tức

Nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác pháp chế ngành Giáo dục

26 Tháng Mười Hai 2015
Hôm nay (25/12), tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo công tác pháp chế ngành giáo dục năm 2015. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng cùng Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đồng chủ trì hội thảo.
1 / 5
  Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng cùng Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đồng chủ trì hội thảo.
Dự hội thảo có đại diện các Cục, Vụ chức năng Bộ GD&ĐT và Bộ Tư pháp - những bộ phận thường xuyên có công tác phối hợp trong công tác pháp chế thời gian qua.

Hội thảo là dịp để các đơn vị chức năng của hai Bộ thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đi đến thống nhất các giải pháp, nhiệm vụ phối hợp trọng tâm công tác pháp chế trong năm 2016.

Phối hợp ngày càng chặt chẽ, hiệu quả

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh đến sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả trong công tác pháp chế giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Tư pháp trong các năm gần đây (từ 2010 - 2014). Hai Bộ đã đều đặn tổ chức hội nghị để đánh giá kết quả thực hiện công tác pháp chế trong năm và bàn phương hướng hợp tác trong năm tiếp theo.

Đặc biệt, trong năm 2015, sự phối hợp công tác pháp chế của hai Bộ càng chặt chẽ và đạt hiệu quả cao hơn, thể hiện qua sự kiện Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Bộ trưởng Bộ Tư pháp kí Chương trình phối hợp thực hiện công tác pháp chế giai đoạn 2015 – 2020 và kế hoạch phối hợp thực hiện công tác pháp chế năm 2015.

Tại hội thảo, các ý kiến của đại diện các Cục, Vụ chức năng hai Bộ đều nhất trí đề cao vai trò của công tác pháp chế, xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật...; đồng thời cho rằng cần phải tổ chức nhiều diễn đàn trao đổi, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng tham mưu, xây dựng văn bản cho không chỉ lãnh đạo mà cả các chuyên viên, cán bộ các Cục, Vụ chức năng, cơ quan trực thuộc Bộ GD&ĐT để công tác này ở các cơ quan, đơn vị được tổ chức thực hiện tốt hơn;

Bên cạnh đó, tăng cường hơn nữa chức năng quản lý nước về GD&ĐT để kiểm soát, rà soát văn bản theo từng lĩnh vực cụ thể, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm, được dư luận xã hội quan tâm, đẩy mạnh kiểm soát văn bản của các địa phương trong lĩnh vực GD&ĐT...

Xác định nhiệm vụ phối hợp trọng tâm

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng ghi nhận công tác pháp chế của Bộ GD&ĐT năm 2015 về cơ bản hoàn thành những kế hoạch đặt ra. Các mặt công tác đã được hai Bộ trưởng kí kết cùng phối hợp cũng đạt được những yêu cầu đề ra, góp phần hoàn thành những kế hoạch công tác khác của Bộ GD&ĐT.

Thứ trưởng Đinh Trung Trụng yêu cầu đẩy mạnh công tác phối hợp giữa hai Bộ, giữa các bộ phận chức năng của hai Bộ trong công tác này; Sau năm 2015, các bộ phận này phải rà soát những công tác đã triển khai, những việc đã cùng nhau làm được, những tồn tại, vướng mắc trong tổ chức phối hợp để rút kinh nghiệm trong phối hợp công tác pháp chế, đạt được sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn trong năm 2016 và những năm tiếp theo;

Ngay từ bây giờ, để chuẩn bị cho công tác năm 2016, hai bên cần rà soát lại những lĩnh vực công tác để phối hợp có trọng tâm, trọng điểm, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp cũng như tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện, theo dõi, đánh giá việc tổ chức thực hiện công tác trọng tâm ở cả hai Bộ và các địa phương trên cả nước...

Thứ trưởng Đinh Trung Tụng nhấn mạnh: Đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế phải được kiện toàn, củng cố không chỉ riêng ở cơ quan Bộ GD&ĐT, mà cả Sở GD&ĐT các địa phương trên cả nước, các ĐH , trường ĐH, học viện, các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp, phổ thông trong hệ thống giáo dục quốc dân; làm sao để công tác pháp chế hiện diện rộng khắp và phát huy hiệu quả trong các hoạt động quản lý, chuyên môn của ngành giáo dục.

Nâng cao hiệu quả công tác pháp chế ngành giáo dục

Năm 2015, với sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tư pháp, sự phối hợp của các đơn vị chức năng của Bộ Tư pháp, Bộ GD&ĐT trình cấp trên ban hành 12 văn bản (đã ban hành 10 văn bản) và ban hành theo thẩm quyền (35 văn bản). Cụ thể: Đã trình Chính phủ ký ban hành 5 Nghị định, 3 Quyết định, 2 Chỉ thị.

Ngoài ra, trong quá trình soạn thảo văn bản, Bộ GD&ĐT cũng thường xuyên nhận được sự trao đổi thông tin, tham gia đóng góp ý kiến của các đơn vị trực thuộc Bộ Tư pháp cho các văn bản có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống văn bản. Tham gia góp ý cho các Thỏa thuận quốc tế, thẩm định các Điều ước quốc tế trước khi trình Chính phủ.

Bộ GD&ĐT cũng đã cử cán bộ tham gia các Hội đồng tư vấn, thẩm định; Ban soạn thảo các dự án Luật, Pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật...

Hai Bộ thường xuyên trao đổi nghiệp vụ, thực hiện phối hợp cung cấp các thông tin để thực hiện các báo cáo theo định kỳ 6 tháng, báo cáo năm, báo cáo theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ do Bộ Tư pháp chủ trì.

Bộ GD&ĐT cũng đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ, phối hợp của các Cục, Vụ chức năng của Bộ Tư pháp trong các công tác: Kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; Kiểm soát thủ tục hành chính; Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Công tác hợp nhất văn bản và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; Công tác Bồi thường của nhà nước; Và nhất là trong công tác pháp chế ngành giáo dục.

Các lĩnh vực công tác này được hai Bộ phối hợp chặt chẽ trong những năm qua và năm 2015, đã phát huy hiệu quả cao đáp ứng được những yêu cầu đặt ra trong công tác pháp chế.

Theo giaoducthoidai.vn