Sự kiện

Tiến bước dưới Quân kỳ

29 Tháng Mười Hai 2015
Văn thao

Vừng đông đã hửng sáng
Núi non xanh ngàn trùng xa
Tổ quốc bao la hiền hòa...

Dù ở nơi đâu, bất cứ lúc nào, khi nghe giai điệu bài hát nổi lên, tôi lại thấy trong lòng trào lên một cảm giác thật khó diễn tả.


Nhạc sĩ Doãn Nho

Âm hưởng hào hùng của bài hát với ca từ giản dị giàu hình ảnh, lay động, ám ảnh tôi từ khi còn là một đứa “nhõi con” 13 tuổi rủ mấy đứa trẻ cùng phố trốn đi xem duyệt binh ngày 2/9/1960. Chúng tôi háo hức hẹn nhau dậy từ 4 giờ sáng để lên Hồ Hoàn Kiếm. Dân từ khắp nơi đổ về đứng chật kín các dãy phố quanh hồ. Chúng tôi len mãi mới tìm được chỗ đứng ở góc đường Tràng Thi - Bà Triệu. Chúng tôi đợi, đợi mãi rồi cũng đến lúc đoàn quân diễu binh đi tới. Mọi người nhốn nháo đứng bật dậy chen lấn nhau tràn cả ra đường. Tôi cũng nhoai ra đường, cố nghển cổ nhìn dọc theo phố Tràng Thi về phía Cửa Nam hy vọng là đứa đầu tiên nhìn thấy đoàn diễu binh. Nhưng chỉ thấy những tiếng bước chân rầm rập vọng đến cùng tiếng hát: “Vừng đông đã hé sáng”. Tự nhiên không hiểu sao ngay từ lúc đó giai điệu và lời ca của bài hát hòa quyện với nhịp của tiếng bước chân rung chuyển phố phường của đoàn quân đã cho tôi một cảm giác nôn nao, háo hức và xúc động đến khó tả. Tôi lắp bắp hát theo và không ngờ mình đã thuộc bài hát đó nhanh đến thế (dù lúc đó và nhiều năm sau này tôi cũng không hề biết tên của bài hát và cũng không biết cả tên tác giả). Đoàn quân tiến tới. Tôi ngây người nhìn những anh bộ đội quần áo chỉnh tề, bồng súng hiên ngang, xếp hàng đều tăm tắp, với những bước chân rầm rập “nghe rung núi đồi từng bước ta đi”. Hình ảnh người sĩ quan súng lục trễ bên hông đi đầu đoàn quân, giương cao lá cờ đỏ sao vàng với hàng chữ “Quyết chiến quyết thắng” cùng những tấm huân chương lấp lánh trong nắng vàng mùa thu đã mãi ghi vào trong tâm khảm tôi. Đoàn quân nối nhau nhấp nhô như những đợt sóng trên đường phố Thủ đô. Họ vừa đi vừa hát. Lũ “nhõi con” chúng tôi cũng hát. Mọi người dân cũng hát. Tiếng hát chan chứa niềm tin. Tiếng hát cuồn cuộn âm vang trên phố phường. Tiếng hát đã “tô thắm tươi thêm màu cờ”, tiếng hát thúc giục “lớp lớp sóng người tiến bước dưới cờ/ Vinh quang này là đoàn quân đã chiến thắng”. Lũ trẻ chúng tôi đi theo đoàn quân dọc phố Bà Triệu về nơi tập kết tại sân bay Bạch Mai. Chúng tôi vừa đi vừa hát, tay chân vung loạn xạ.

Chiều hôm đó tôi nảy ra một ý. Tôi tụ tập lũ trẻ con trong phố, mỗi đứa tìm một cái gậy buộc dây giả làm súng chơi trò “duyệt binh”. Nhiều đứa bé quá không được chọn vào đội hình, cứ khóc thút thít. Tôi đẽo một khẩu súng lục dắt vào cạp quần, buộc áo may ô lên cán chổi làm cờ. Gần hai chục đứa trẻ quần đùi áo may ô, đeo gậy xếp thành ba hàng. Tôi cầm lá cờ “áo may ô” súng lục gỗ giắt cạp quần dẫn đầu, mặt vênh lên và hát rất to: “Tươi thắm bóng cờ/ vờn bay trên cao/ muôn trái tim này hòa nhịp cùng ngàn lời ca trong sóng lúa/ lấp lánh sao bay trên quân kỳ...”. Đoàn diễu binh trẻ con đi từ đầu phố đến cuối phố Thuyền Quang - một con phố nhỏ có chiều dài độ 300m, rồi từ Yết Kiêu đến Trần Bình Trọng. Chúng tôi hát đến khản cả cổ trên con đường đó không biết bao nhiêu lần. Dân tình đổ ra đường xem, nhiều người đi đường cũng dừng xe đứng lại xem lũ “nhõi con” duyệt binh. Tôi thấy những ánh mắt cùng những nụ cười trìu mến. Chúng tôi cảm thấy tự hào và hãnh diện vô cùng. Mũi đứa nào đứa ấy phồng rộp cả lên...

Tiến bước dưới Quân kỳ là một trong những tác phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Doãn Nho. Mãi những năm tháng gần đây, tôi mới có cái duyên được gặp ông và hầu chuyện cùng ông. Tôi hỏi ông về hoàn cảnh ra đời bài hát. Ông nhìn tôi, ánh mắt sáng lên với nụ cười đôn hậu, trầm ngâm giây lát và hồi tưởng...

Tháng 8/1958 nhạc sĩ Doãn Nho được Đoàn ca múa Quân đội cử đi tiền trạm lên Điện Biên để chuẩn bị chương trình đưa đoàn lên lưu diễn. Dừng chân trên đồi A1, ông bồi hồi xúc động khi thấy những ngôi mộ của các chiến sĩ vô danh bên cạnh xác một chiếc xe tăng của giặc. Tại khu đồi A1 này, nhiều bạn học với ông tại trường sĩ quan Lục quân khóa 6 năm 1950-1951 đã hy sinh. Ông ngồi xuống bên chiếc xe tăng cạnh hai ngôi mộ của những ngươi lính vô danh. Một nét nhạc bật ra trong đầu: “Gương bao anh hùng bừng cháy trong tim, quên thân mình một niềm tin trong phong ba/ Tô thắm tươi thêm màu cờ”.

Đêm ấy, ông gần như thức trắng để viết bài hát. Riêng phần mở đầu ông vẫn trăn trở. Mờ sáng, ông trở dậy. Từ phía xa, sau những dãy núi hùng vĩ bao quanh thung lũng Mường Thanh, những ánh hồng đầu tiên xuất hiện. Câu hát tự nhiên bật ra: “Vừng đông đã hửng sáng/ Núi non xanh ngàn trùng xa”, và cứ thế, đoạn mở đầu bài hát ra đời trong giây lát. Hình ảnh lá cờ được sử dụng nhiều lần, xuyên suốt tác phẩm.

 Tiến bước dưới Quân kỳ của nhạc sĩ Doãn Nho đã đi vào trái tim của mọi người, là niềm tự hào của những người lính Cụ Hồ.

Thời gian trôi đi. Lũ trẻ phố tôi lớn lên, tiếp bước cha anh đi vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chúng tôi mang theo ký ức tuổi thơ, theo tiếng gọi của Tổ quốc “tiến bước dưới Quân kỳ” đi xẻ dọc Trường Sơn cứu nước.

Giờ đây, chúng tôi đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”. Đứa còn, đứa mất, đứa hy sinh ngoài mặt trận. Cuộc sống đưa chúng tôi rời xa phố cũ. Không hiểu có lúc nào, những người bạn còn lại của tôi có nhớ đến trò chơi “duyệt binh” năm xưa?

 

Theo hoinhacsi.org