Tin tức

Dàn dựng chương trình nghệ thuật- "Thử thách" thú vị với sinh viên ngành Quản lý văn hóa

31 Tháng Mười Hai 2015

                                                                                                               Đan Ly

 

            Ngành Quản lý văn hóa của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW hiện nay đã trở thành một cái tên quen thuộc đối với những sinh viên yêu nghệ thuật nói chung và những sinh viên yêu thích sự năng động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói riêng. Với các bạn sinh viên ngành Quản lí văn hóa, những môn học thực hành như môn Dàn dựng chương trình nghệ thuật giống như một thử thách đầy thú vị và là kỷ niệm đáng nhớ trong những năm học tập tại giảng đường đại học.

            Môn học Phương pháp dàn dựng chương trình nghệ thuật tổng hợp là một trong số các môn học thực hành giúp cho sinh viên học ngành Quản lí văn hóa có cơ hội thể hiện mình trong một vai trò mới. Khác với việc các bạn thực hành hát, múa, diễn kịch cá nhân, ở môn học này các bạn có được kỹ năng tổng hợp của người đạo diễn, chỉ đạo tổ chức sản xuất chương trình nghệ thuật. Sinh viên được tăng cường khả năng thực hành biểu diễn nghệ thuật các môn năng khiếu như: múa, thanh nhạc, diễn kịch. Bên cạnh đó các bạn sinh viên thể hiện được khả năng tổ chức sắp xếp mọi công việc để hoàn thành một chương trình biểu diễn nghệ thuật.

 

Chương trình thực hành dàn dựng của sinh viên ngành Quản lý văn hóa

 

            Mỗi nhóm tham gia thực hành dàn dựng có từ 15 đến 20 sinh viên, sẽ dựng một ý tưởng chủ đề sao cho hấp dẫn người xem. Những chương trình mang tính chất dân gian, hiện đại, cổ điển hay cổ động quần chúng đều được dàn dựng công phu. Để tạo nên được một nội dung chương trình chất lượng, sinh viên cần có sự đoàn kết, thống nhất trong nhóm từ ý tưởng cho đến quy trình thực hiện. Công việc này đòi hỏi sự tư duy, đồng lòng, sáng tạo và phối hợp của các thành viên. Thông thường nhóm sẽ bầu ra các nhóm trưởng các nhóm chuyên trách riêng: hát, múa, sân khấu. Mỗi sinh viên đảm trách một phần công việc: người viết kịch bản khung, kịch bản chi tiết, người dẫn chương trình và viết kịch bản lời dẫn. Nhóm phân ra người làm thiết kế sân khấu, đạo cụ cho từng tiết mục, thiết kế poster, backdrop, giấy mời, thư mời.... Trang phục là phần rất quan trọng trong sự thể hiện của từng tiết mục. Sinh viên phụ trách trang phục sẽ chịu trách nhiệm thực hiện đúng ý tưởng của từng tiết mục dàn dựng để lựa chọn sao cho phù hợp với chủ đề. Bên cạnh đó nhóm dàn dựng cũng đầu tư cho việc chuẩn bị âm nhạc, âm thanh và ánh sáng sân khấu như những chương trình chuyên nghiệp theo điều kiện sân khấu nhà trường đầu tư hỗ trợ. Mỗi buổi tập luyện, các bạn phân tách các nội dung tiết mục để chia người luyện tập, khi hoàn thành sẽ ghép lại để thực hiện chạy các tiết mục khớp vào nhau cùng lời dẫn chương trình.

 

Tiết mục thi kết thúc học phần Phương pháp dàn dựng chương trình nghệ thuật tổng hợp

 

            Có thể nói, môn phương pháp dàn dựng với thời lượng học 4 đơn vị tín chỉ đã cơ bản trang bị cho sinh viên ngành Quản lí văn hóa một nền tảng tốt về kỹ năng, phương pháp dàn dựng một chương trình nghệ thuật. Môn học giúp các em bước đầu chủ động trong việc chỉ đạo và tổ chức một chương trình văn hóa nghệ thuật, điều này hữu ích và thiết thực cho công việc của các em sau khi ra trường. Trải nghiệm của môn dàn dựng nghệ thuật tổng hợp thực sự là một điều thú vị, mở mang về nghề đối với các bạn sinh viên ngành Quản lí văn hóa. Những bài học thực hành nhỏ đã thôi thúc và nuôi dưỡng đam mê lớn hơn; giúp sinh viên gắn bó, đam mê với công việc của một người học ngành Văn hóa và sớm định hướng, tìm ra cho mình những công việc tốt trong tương lai.