Tin tức

Chấm điểm tổ chức lễ hội: Vừa thực hiện, vừa điều chỉnh

03 Tháng Giêng 2016
(Chinhphu.vn) - Năm 2015 là năm đầu tiên Bộ VHTT&DL thực hiện chấm điểm công tác tổ chức, quản lý lễ hội dân gian trên toàn quốc thông qua các tiêu chí, thang điểm cụ thể.

 

 

Ảnh minh họa

Theo bảng chấm điểm, việc chấm gồm 3 phần: Do địa phương tự chấm, cơ quan báo chí chấm và cơ quan Nhà nước chấm.

Kết quả sau 3 vòng chấm có 8 tỉnh, thành phố đạt loại A, chiếm tỉ lệ 12,69% gồm: Hà Nam, Long An, An Giang, Hải Dương, Lào Cai, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Thừa Thiên-Huế. Có 25/63 tỉnh, thành phố đạt loại B; một tỉnh đạt loại C là Bến Tre.

Nhận xét về kết quả chấm điểm này, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Trịnh Thị Thủy cho biết: “Kết quả chấm điểm và xếp hạng trên đã phản ánh đúng thực tế chất lượng tổ chức quản lý lễ hội của địa phương".

Có 29/63 tỉnh, thành phố không gửi kết quả tự chấm điểm nên không được xếp loại, chiếm hơn 46%. Đến ngày tổng kết công tác tổ chức lễ hội (31/12), có 7 địa phương vẫn chưa nộp báo cáo và chấp nhận bị phê bình, 12 tỉnh có báo cáo nhưng không chấm điểm.

Theo đánh giá chung, 8 địa phương đạt loại A nhìn chung đã được đánh giá tương đối chính xác. Tuy nhiên, so với những địa phương có nhiều lễ hội lớn như Hà Nội, TPHCM, Nam Định, Thái Bình thì Long An, Thanh Hóa, Hà Nam ít hơn hẳn về số lượng và quy mô lễ hội.  Do đó, việc xếp hạng cũng chỉ mang tính tương đối.

“Một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Bắc Ninh, Phú Thọ đã làm khá tốt công tác tổ chức, đặc biệt là Bắc Ninh, nhưng chỉ vì lễ hội chém lợn Ném Thượng mà bị mất điểm. Hà Nội và Phú Thọ bị ảnh hưởng bởi các bài báo phản ánh hình ảnh phản cảm của lễ hội cướp lộc, cướp phết”, bà Thủy cho hay.

Tại Lễ tổng kết công tác tổ chức lễ hội 2015, bà Nguyễn Thị Tố Uyên, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Lào Cai đã bày tỏ một số băn khoăn về bộ chấm điểm lễ hội này. Theo bà Uyên, hình thức đánh giá này chưa hợp lý, đối tượng của việc chấm điểm chưa rõ ràng. “Tôi không hiểu bảng đánh giá này chấm cho đối tượng cơ quan quản lý Nhà nước về lễ hội hay chấm điểm cho bản thân lễ hội”, bà Uyên thắc mắc.

Theo bà Uyên, để chính cơ quan quản lý địa phương chấm điểm và báo cáo thì không khách quan. Còn nếu muốn tổ chức lễ hội tốt hơn thì phải nâng cao trình độ quản lý của Nhà nước cũng như tăng cường các chế tài xử phạt nghiêm chứ không phải đưa ra mức đánh giá như một cuộc thi.

Một số ý kiến từ các địa phương cũng cho rằng thang điểm của bảng chấm điểm lễ hội chưa rõ ràng. Chẳng hạn chưa quy định tiêu chí, quy mô lễ hội như thế nào thì được chấm điểm mà chỉ liệt kê 186 lễ hội được cho là lớn, có ảnh hưởng mạnh đến xã hội.

Đối với những địa phương có nhiều lễ hội dân gian như Lào Cai, Hà Nội, TPHCM thì có thể tổ chức, quản lý tốt lễ hội này, song lại chưa tốt ở lễ hội khác, vì thế theo bà Uyên, đánh giá công tác tổ chức lễ hội của địa phương qua bảng chấm điểm là không hoàn toàn chính xác.

Cục trưởng Trịnh Thị Thủy cho hay, năm nay là năm đầu tiên Bộ VHTT&DL triển khai đánh giá công tác tổ chức lễ hội với thang điểm 100. Trong quá trình thực hiện, Cục Văn hóa cơ sở sẽ có điều chỉnh để bảng chấm điểm này sát thực tế hơn, đánh giá đúng và khách quan hơn. 

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh cũng kiên quyết: “Dứt khoát phải thực hiện Quyết định 486/QĐ-BVHTTDL về tiêu chí, thang điểm đánh giá thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội dân gian. Chúng ta khẳng định là chúng ta làm đúng, trong quá trình thực hiện nếu có gì sơ sót, chưa phù hợp thì bổ sung, hoàn chỉnh”.

Theo chinhphu.vn