Hoạt động nghiên cứu

Nghiệm thu đề tài Khoa học Công nghệ cấp Bộ năm 2014 -2015

16 Tháng Ba 2016

 

                                                                                                                        BBT

 

Sáng ngày 14/3/2016, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã tiến hành nghiệm thu đề tài Khoa học Công nghệ cấp Bộ “Mục tiêu, chuẩn kết quả, khung nội dung, định hướng hình thức tổ chức dạy học, đánh giá kết quả học tập chương trình các môn Mỹ thuật, Âm nhạc ở Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông” (Mã số: 05). Tham dự Hội đồng nghiệm thu có 07 thành viên trong Hội đồng, chủ nhiệm đề tài và thành viên thực hiện đề tài.

 

Hội đồng nghiệm thu Khoa học Công nghệ cấp Bộ năm 2014 - 2015

Theo Quyết định Hội đồng số 411/QĐ-BGDĐT ngày 04 tháng 02 năm 2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng nghiệm thu khoa học Công nghệ cấp Bộ được thành lập gồm có: PGS.TS. Phạm Trọng Toàn (Giảng viên khoa Sau đại học, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW) - Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS. Nguyễn Nghĩa Phương (Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) - Ủy viên, Phản biện 1; TS. Nguyễn Đỗ Hiệp (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) – Ủy viên, Phản biện 2; PGS.TS. Trịnh Hoài Thu (Trường ĐHSP Nghệ thuật TW) - Ủy viên, Thư kí; TS. Đỗ Việt Hưng (Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp) - Ủy viên; TS. Trần Bảo Lân (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) - Ủy viên; TS. Phạm Văn Tuyến (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) - Ủy viên.

Nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp Bộ năm 2014 – 2015 với mã số 05 được nhóm tác giả Trường ĐHSP Nghệ thuật TW thực hiện do TS. Trần Đình Tuấn – Phó Hiệu trưởng Nhà trường làm chủ nhiệm. Đây là một đề tài có tính thực tiễn cao, hướng tới mục tiêu, chuẩn kết quả, khung nội dung, định hướng hình thức tổ chức dạy học, đánh giá kết quả học tập chương trình các môn Mỹ thuật, Âm nhạc ở tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

 

           TS.  Trần Đình Tuấn - Chủ nhiệm đề tài trình bày Báo cáo tổng kết

 Tại Hội đồng nghiệm thu, TS. Trần Đình Tuấn – Chủ nhiệm đề tài đã thay mặt các thành viên đề tài báo cáo kết quả nhiệm vụ nghiên cứu bao gồm các nội dung như: tính cấp thiết của đề tài, mục tiêu, đối tượng – phạm vi nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu,... Trong các nội dung đó, Chủ nhiệm đề tài đặc biệt nhấn mạnh tới mục tiêu nghiên cứu là nhằm đi tới xây dựng nội dung, chương trình, hình thức tổ chức dạy học và đánh giá kết quả học tập giáo dục nghệ thuật trong chương trình giáo dục phổ thông qua việc tham khảo nền giáo dục của một số nước trên thế giới như: Đan Mạch, Nhật Bản, Australia,....và dựa trên nền tảng văn hóa, giáo dục phổ thông của Việt Nam để từ đó đề xuất mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể cho từng cấp học, chuẩn kết quả, khung nội dung, định hướng hình thức tổ chức dạy học, đánh giá kết quả học tập chuyên ngành giáo dục nghệ thuật ở các trường phổ thông Việt Nam trong thời gian tới.

 

PGS.TS. Phạm Trọng Toàn – Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu

đề tài Khoa học Công nghệ cấp Bộ nhận xét đề tài

Sau khi nghe báo cáo, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đã lần lượt đưa ra ý kiến nhận xét, chỉ ra những ưu điểm cũng như những mặt còn tồn tại của nghiên cứu và đặt câu hỏi cho nhóm tác giả. Nhìn chung, Hội đồng đánh giá đề tài là một công trình nghiên cứu nghiêm túc, mang tính thời sự, nội dung đề tài được phân tích rõ ràng, phù hợp với mã ngành nghiên cứu,... Bố cục được triển khai logic, hợp lí; sơ đồ minh họa rõ ràng, phong phú và bám sát nội dung nghiên cứu. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế cần chỉnh sửa để nhiệm vụ nghiên cứu hoàn thiện hơn như: cần bổ sung thêm phạm vi nghiên cứu, bổ sung phụ lục và mục lục của phụ lục để người đọc dễ dàng tìm kiếm, bổ sung danh mục tài liệu tham khảo, trích dẫn nguồn đúng theo quy định, sửa các lỗi vi tính, bổ sung một số chi tiết thuộc chuyên ngành âm nhạc,… Hội đồng cũng đã có nhiều ý kiến trao đổi với chủ nhiệm đề tài cùng các thành viên để gợi mở cho những nghiên cứu tiếp theo.

Nhóm tác giả thực hiện đề tài đã nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu ý kiến và trả lời những câu hỏi của Hội đồng đặt ra. Dựa trên những góp ý của Hội đồng, đề tài sẽ được chỉnh sửa hoàn thiện và nộp về Bộ (thông qua phòng Khoa học Công nghệ của Nhà trường). Kết thúc phần nhận xét, Hội đồng nghiệm thu đã nhất trí thông qua đề tài, đánh giá đề tài xếp loại tốt, với số điểm là 86,5. Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ là tài liệu học tập bổ ích cho học sinh, sinh viên chuyên ngành Mỹ thuật, Âm nhạc và cũng là cơ sở cho những nghiên cứu tiếp theo. Ngoài ra, sản phẩm còn có thể sử dụng làm tài liệu cho việc biên soạn sách giáo khoa Mỹ thuật, Âm nhạc; góp phần vào việc đổi mới giáo dục nghệ thuật của nước nhà.