Hoạt động nghiên cứu

Hình tượng người phụ nữ trong thể loại tranh sinh hoạt của Edgar Degas

12 Tháng Năm 2016

                                                                                            Nguyễn Minh Tuấn  [*]

 

Edgar Degas là một họa sĩ tiêu biểu của hai trường phái Hiện thực và Ấn tượng Pháp cuối thế kỷ XIX. Ông nổi tiếng với những bức tranh vẽ về người phụ nữ hết sức chân thực và sống động. Bài viết tập trung phân tích hình tượng người phụ nữ trong bốn bức tranh sinh hoạt tiêu biểu của danh họa Edgar Degas: “Người uống rượu Ápxanh” (1876), “Những người giặt là” (1884-1886), “Lớp học múa” (1873-1875) và “Sau khi tắm” (1892). Từ đó chỉ ra được vẻ đẹp tạo hình và giá trị thẩm mỹ trong các tác phẩm của ông.

Từ lâu, vẻ đẹp của người phụ nữ đã trở thành nguồn cảm hứng và đề tài vô tận trong các sáng tác nghệ thuật, thu hút sự quan tâm của nhiều nghệ sỹ. Bước sang thế kỷ XIX, vẻ đẹp thoát tục của Đức Mẹ Maria, sự kiều diễm của thần Vệ Nữ trong nghệ thuật cổ điển dần được thay thế bởi vẻ đẹp đời thường của người phụ nữ trong chính cuộc sống thực tại; Từ những cô thợ giặt là, cô vũ công múa ballet, người phụ nữ trong quán rượu, người mẹ trong gia đình cho đến những cô gái làng chơi lả lướt chốn kỹ viện Paris. Những hình tượng người phụ nữ ở thời kỳ này ít có sự phù phiếm và mang đầy tính “thế tục” .

Một trong những họa sĩ thế kỷ XIX đã thành công  khi diễn tả vẻ đẹp của người phụ nữ đó là danh họa người Pháp Edgar Degas. Là bậc thầy của thể loại tranh sinh hoạt, Degas đề cao hình thể và con người, lấy đó làm đối tượng khi xây dựng tác phẩm. Degas vẽ nhiều nhân vật khác nhau song vẫn dành cho người phụ nữ một sự ưu ái đặc biệt. Một số bức họa vẽ về hình tượng người phụ nữ như “Người uống rượu Ápxanh”, “Những người giặt là”, “Lớp học múa” và “Sau khi tắm” cho thấy sự nghiên cứu rất kỹ lưỡng về đối tượng sáng tác, đặc biệt là những chuyển động cơ thể và thần thái cảm xúc diễn ra trên khuôn mặt nhân vật, từ đó tìm ra ấn tượng chính yếu nhất và thể hiện nó lên mặt toan .

Tác phẩm “Người uống rượu Ápxanh” (1876)

Khung cảnh quán rượu và rượu Ápxanh luôn là những đề tài yêu thích của các họa sĩ Paris cuối thế kỷ XIX. Trong bức “Người uống rượu Ápxanh”, Degas miêu tả hai nhân vật trong không gian của quán Cafe de la Nouvelle Athenes. Người đàn ông vận quần áo xộc xệch, tay đặt trên bàn, khuôn mặt tỉnh táo đang ngậm tẩu thuốc, mắt nhìn hướng về phía trước. Người phụ nữ thì ngược lại, mặt hơi cúi xuống, tỏ rõ vẻ ủ rũ mệt mỏi, đôi tay buông thõng dưới gầm bàn cùng ly rượu Ápxanh còn đầy ắp để trước mặt. Họ ngồi cùng bàn nhưng lại tỏ ra xa lạ và không hề quen biết nhau.

Người uống rượu Ápxanh - Edgar Degas (Nguồn: st)

Hòa sắc trong tranh lấy tông màu xám làm chủ đạo, gợi nên sự tĩnh lặng, một cảm giác thấm đẫm nỗi ảm đảm và u buồn trái ngược hẳn với tông màu rực rỡ và không khí náo nhiệt vẫn thường thấy ở những quán rượu trong tranh của Renoir hay Lautrec. Trọng tâm của bức tranh tập trung vào hình ảnh người phụ nữ. Cô chính là ẩn dụ cho mặt trái đen tối của cuộc sống đô thị hiện đại. Rời xa sự hào nhoáng của những chuyến dã ngoại và những cuộc đua ngựa náo nhiệt, con người trở lại với cuộc sống đầy lo toan với biết bao nhọc nhằn, mệt mỏi. Không còn gì hơn sự cô đơn lẻ loi, với cảm giác đầy thẫn thờ và bất lực. Và như một lẽ tự nhiên, người phụ nữ tìm đến rượu Ápxanh để giải sầu, để ngồi đó một mình nhâm nhi chút rượu đắng của cuộc đời. Người đàn ông ngồi cạnh ngoảnh mặt đi một chỗ khác, không hề tỏ ra chút nào là để tâm đến cô; phải chăng dụng ý của họa sĩ muốn nói đến sự thờ ơ, vô tâm của con người đối với nhau giữa cuộc sống đầy những hối hả, bon chen ?

Sau này, bức “Trong quán rượu Con chuột chết (1899) của Toulouse-Lautrec khiến ta cảm thấy sự ảnh hưởng rõ ràng từ bức Người uống rượu áp xanh của Degas. Sự đối lập hết sức thú vị giữa hai người phụ nữ - cô gái buồn bã và cô kỹ nữ tươi tắn - là minh chứng sống động cho cuộc sống vốn dĩ rất muôn màu muôn vẻ, giống như một bức tranh ghép gồm rất nhiều mảnh hình ghép lại với nhau. Có những mảnh ghép khớp với nhau tạo thành niềm vui và hạnh phúc nhưng cũng có những mảnh ghép lệch nhau tạo nên nỗi cô đơn và buồn tẻ. Sự kỳ diệu của nghệ thuật nằm ở chỗ đem đến cho ta những cảm nhận tinh tế hơn về cuộc sống, về những vẻ đẹp rất đời thường mà đôi khi chúng ta không nhận ra hoặc vô tình bỏ qua nó. Cũng như Degas đã từng nói: “Nghệ thuật không phải là điều bạn thấy mà là điều bạn khiến người khác thấy.”

Tác phẩmNhững người giặt là” -  (1884-1886)

Ở bức họa “Những người giặt là”, Degas miêu tả hình ảnh của hai người thợ giặt là trong hai sắc thái tương phản: thư giãn và làm việc căng thẳng. Bức tranh được vẽ trên vải toan sợi thô không hồ, sử dụng loại màu khô sền sệt tạo độ xốp khá hiệu quả, một số chỗ còn thấy được cả sợi vải dày bên dưới tranh. Nếu nhìn thoáng qua thì rất dễ bị nhầm lẫn rằng đây là phấn tiên chứ không phải là sơn dầu.

 

Những người giặt là - Edgar Degas (Nguồn: st)

 

Bức tranh đem đến cho người xem một niềm hứng khởi kỳ lạ, như có thêm động lực để bắt tay vào hoàn thành nốt những công việc đang dang dở của mình. Thay vì miêu tả nhân vật trong trạng thái u buồn, mệt nhọc vì làm việc vất vả như các họa sĩ hiện thực phê phán vẫn hay làm; Degas lại tạo nên một không khí làm việc hăng say với một hòa sắc tươi tắn và rất dễ chịu. Hình ảnh người phụ nữ trong trạng thái thư giãn trở thành trọng tâm nổi bật nhất của tranh. Chỉ một cái ngáp đơn giản nhưng nó đã xua tan hoàn toàn mọi nỗi căng thẳng và mệt mỏi. Cô là minh chứng cho ta thấy hiện thực cuộc sống không phải lúc nào cũng chỉ có nỗi bi quan và tiêu cực; bên cạnh đó cũng còn có rất nhiều niềm vui và sự hứng khởi; chỉ cần ta luôn lạc quan và yêu đời thì sẽ tìm thấy niềm vui ngay cả trong những lúc khó khăn, vất vả nhất. Xét cho cùng, sướng hay khổ thì cũng đều do tinh thần của ta tự quyết định cả.

Tác phẩm “Lớp học múa” (1873-1875)

Niềm đam mê đối với những vũ điệu ballet và các cô vũ công của Degas diễn ra trong suốt những năm 1970, bắt nguồn từ sự yêu thích của ông đối với âm nhạc cùng những buổi đi nghe hòa nhạc ở rạp hát Opéra. Ông đã để lại không dưới 1500 bức tranh vẽ về đề tài này, bao gồm cả sơn dầu, chì và phấn tiên.

Lớp học múa - Edgas Degas (Nguồn: st)

Hình ảnh những cô vũ công trong bức “Lớp học múa” hiện lên với dáng vẻ mỏng manh cùng những cánh tay mềm mại như cánh bướm đang vươn nhẹ lên tràn đầy sự duyên dáng và tinh tế. Thời điểm yêu thích nhất của Degas đó là khoảng thời gian khi các cô vũ công đang luyện tập hoặc nghỉ ngơi, chứ không phải là lúc họ đang biểu diễn trên sân khấu. Lúc này ông có thể quan sát chặt chẽ những sắc thái phong phú biểu hiện trên gương mặt và cử chỉ của các học viên, từ vẻ mặt hăng say lúc luyện tập cho đến những dấu hiệu mệt mỏi hay thái độ lơ đãng khi buổi học gần kết thúc. Các tư thế và điệu bộ được ông miêu tả hết sức chân thực, từ hành động chỉnh tóc, gãi lưng cho đến chỉnh sửa trang phục đều được thể hiện một cách vô cùng sinh động và tinh tế.

Bên cạnh lối bố cục nhiếp ảnh, bức tranh còn cho thấy sự ảnh hưởng rất rõ ràng từ bố cục của tranh in khắc gỗ Nhật Bản, với các nhân vật chính đều được đẩy ra rìa mép của bức tranh thay vì ở trung tâm như thường thấy trong các bố cục cổ điển của hội họa phương Tây. Ánh sáng trong bức tranh nhẹ nhàng và chân thực, bắt nguồn từ ánh sáng tự nhiên được rọi chiếu thông qua những khung cửa sổ vào bên trong toàn bộ căn phòng, giống như khung cửa ta thấy đằng xa của bức tranh. Ánh sáng ban ngày khá mạnh làm nổi bật các chi tiết nhưng đồng thời cũng làm đường viền và hình thể mờ đi. Ở đây, ta có thể thấy rõ hình dạng của những chiếc bóng đổ cũng sự chuyển đổi sắc độ đậm nhạt thể hiện một cách mềm mại trên từng nếp váy trắng của người vũ nữ. Hòa sắc của bức tranh tập trung vào gam màu lạnh của màu xanh trên tường cùng màu trắng trên váy của những cô vũ công, mang lại cho người xem một cảm giác dịu nhẹ và êm ái. Các cử động và dáng điệu hầu như chỉ có thể bắt kịp bằng cách chụp ảnh. Bức tranh vừa phảng phất nét cổ điển song cũng cũng rất trẻ trung, hiện đại khiến ta xao xuyến và không thể rời mắt mỗi khi ngắm nhìn.

Tác phẩm “Sau khi tắm” (1892)

Ở bức tranh “Sau khi tắm” (1892) nói riêng cũng như loạt tranh về người phụ nữ tắm nói chung, khi vẽ về những người mẫu khỏa thân, Degas đã loại bỏ hoàn toàn tất cả những yếu tố như tính lý tưởng hóa hay tính chất quy củ kiểu hàn lâm,… Ông chỉ đơn giản là vẽ các nhân vật trong tư thế chân thực và tự nhiên nhất của họ; không hề trang điểm hay son phấn; mọi cử chỉ được bắt gặp trong những khoảnh khắc riêng tư, kín đáo của người phụ nữ như lau mình, lau khô tóc, chải tóc để được hết sức chú trọng và không bỏ sót bất kỳ một chi tiết nào cả. Chất xốp của những vạch phấn tiên bùng lên thứ ánh sáng rực rỡ tươi mát của da thịt, những đường nét không chỉ còn là đường viền của những hình thể hay khối nữa mà còn là những mảng màu sống động. Tư thế ngồi quay lưng lại rất phổ biến trong loạt tranh của Degas cho thấy sự ảnh hưởng rõ ràng về tư thế ngồi trong bức Người tắm Valpinçon của Ingres. Bức tranh cũng cho thấy sự nghiên cứu kỹ lưỡng, thử nghiệm các kỹ thuật và chất liệu khác nhau. Mục đích của Degas không gì hơn đó là nhằm mô tả lại các tư thế nhân vật một cách chân thực và chính xác nhất, theo đúng tinh thần của chủ nghĩa hiện thực khách quan.

Sau khi tắm - Edgar Degas (Nguồn: st)

Đối với thời kỳ mà công chúng nghệ thuật đã quen với những hình tượng phụ nữ khỏa thân được lý tưởng hóa theo kiểu của Bouguereau thì những bức tranh của Degas quả là điều không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, tranh của ông không đến nỗi bị châm biến và đả kích nặng nề như những gì từng xảy ra với bức “Olympia” của Manet, dù rằng ông cũng bày tỏ một “hiện thực phũ phàng” đến với người xem.

Kết luận

 Các nhà phê bình nghệ thuật ngày nay đánh giá tinh thần sáng tạo gần như vô hạn của Edgar Degas có lẽ chỉ Titian và Picasso mới có thể sánh bằng được. Renoir từng nhận xét về Degas như sau: “Ngay cả khi không còn nhìn được nữa, Degas vẫn sáng tác nên những những tác phẩm đẹp nhất.” Những hình tượng người phụ nữ trong tranh của Degas đều là kết quả của tinh thần sáng tạo, làm việc nghiêm túc dựa trên những gì học được của những tiền bối đi trước cùng với quá trình tự mày mò, nghiên cứu tỉ mỉ của ông về cuộc sống hiện thực xã hội. Tinh thần cách tân và không ngừng học hỏi của ông quả thực là một tấm gương sáng cho các lớp họa sĩ trẻ sau này noi theo.

                                           

                                                      

                                                   Tài liệu tham khảo

1.                  Kathy Statzer (2015), Trò chuyện cùng nàng Mona Lisa (Diệp Thanh Trúc biên dịch), Nxb Trẻ.

2.                  Phạm Cao Hoàn - Khải Phạm - Nguyễn Cao Hồng (1999), 70 Danh họa bậc thầy thế giới, Nxb Mỹ Thuật.

3.                  Đặng Thái Hoàng - Nguyễn Văn Đỉnh (đồng chủ biên) (2012), Giáo trình Lịch sử Nghệ thuật (tập II), Bộ môn Lý thuyết và Lịch sử kiến trúc Trường Đại học Xây dựng, Nxb Xây Dựng.

4.                  Lê Thanh Lộc (biên dịch) (1998), Các nhà danh họa thế kỷ XIX : Edgar Degas, Nxb Văn hóa Thông tin.

5.                  Nguyễn Thắng Vu (chủ biên) (2007), Danh nhân nghệ thuật tạo hình thế giới (tập 4), Nxb Kim Đồng.

6.                  Karin H. Grimme (Thúy Anh biên dịch) (28/01/2016), Tranh vẽ người uống rượu Áp-xanh, Tạp chí Soi.today.

 

 

____________________________

[*] K8A- Đại học Sư phạm Mỹ thuật