Tuyển sinh sau đại học

Lễ bảo vệ luận văn Thạc sĩ của hai học viên Nguyễn Thị Huyền Trang và Nguyễn Thị Thanh Vân

08 Tháng Tám 2016

                                                                                                                        BBT

 

Chiều ngày 05/8/2016, được sự đồng ý của Ban giám hiệu cùng Hội đồng thảo luận luận văn Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, khoa Sau Đại học đã tổ chức Lễ bảo vệ luận văn Thạc sĩ cho hai học viên Nguyễn Thị Huyền Trang và Nguyễn Thị Thanh Vân - khóa IV Cao học chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc.

 

Hội đồng chấm luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc

 

Buổi bảo vệ luận văn được điều hành bởi GS.TSKH. Phạm Lê Hòa – Chủ tịch Hội đồng, cùng với sự tham gia của 05 thành viên khác gồm có: PGS.TS. Trịnh Hoài Thu; PGS.TS. Vũ Hướng; GS.TSKH. Tô Ngọc Thanh; PGS.TS. Nguyễn Đăng Nghị; TS. Lê Vinh Hưng trong vai trò là Phản biện 1, Phản biện 2, Ủy viên và Thư kí tại hai hội đồng chấm luận văn.

 

Học viên Nguyễn Thị Huyền Trang trong phần trình bày luận văn của mình

 

Soạn đệm ca khúc là kỹ năng quan trọng với người học đàn phím điện tử, nó đòi hòi sự kết hợp kiến thức của nhiều bộ môn như: Nhạc lý, Hòa thanh, Phối khí,... chính vì vậy, đây cũng là một trong những nội dung đòi hỏi người học ngoài yếu tố năng khiếu còn cần phải có sự nỗ lực, không ngừng học tập để trau dồi kiến thức chuyên môn. Thấy được những thực trạng trong dạy và học môn đàn phím điện tử của sinh viên sư phạm âm nhạc, học viên Nguyễn Thị Huyền Trang đã chọn đề tài: “Dạy học soạn đệm ca khúc thiếu nhi trên đàn phím điện tử cho sinh viên sư phạm âm nhạc” dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Nguyễn Đăng Nghị. Với vai trò vừa là người nghiên cứu, vừa là một giảng viên Trường Cao đẳng văn hóa Nghệ thuật Nghệ An, học viên Nguyễn Thị Huyền Trang đã có hướng nghiên cứu khá sát với thực tiễn dạy và học môn đàn phím điện tử cho sinh viên sư phạm âm nhạc. Luận văn đi sâu vào nghiên cứu việc dạy soạn đệm một số ca khúc thiếu nhi mang âm hưởng dân gian và kết quả bước đầu tác giả đã đưa ra được một cách thức mới cho việc soạn đệm cho ca khúc thiếu nhi mang âm hưởng dân gian qua các bước soạn đệm như: Chọn chất liệu; Đặt hợp âm cho giai điệu; Soạn nhạc dạo đầu; Soạn nhạc dạọ giữa; Soạn nhạc kết;…

 

Học viên Nguyễn Thị Thanh Vân Trả lời câu hỏi trước Hội đồng chấm luận văn

 

Múa đèn Đông Anh là một loại hình văn hóa phi vật thể  đặc sắc và có giá trị, tuy nhiên lại đang đứng trước nguy cơ thất truyền. Với mong muốn giữ gìn những nét văn hóa độc đáo này, học viên Nguyễn Thị Thanh Vân đã lựa chọn đề tài “Dạy hát tổ khúc múa đèn Đông Anh cho học sinh Trường Trung học cơ sở Quang Trung, thành phố Thanh Hóa” dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Trịnh Hoài Thu. Qua quá trình thực nghiệm sư phạm và nghiên cứu, học viên đã nêu lên những nét khái quát về tổ khúc Múa đèn dân ca Đông Anh Đông Sơn Thanh Hóa, trong đó chứa đựng nhiều nội dung quan trọng được coi là những đóng góp, bổ sung thêm cho những nghiên cứu gần hoặc cùng hướng như: Khái niệm về dân ca, nguồn gốc của dân ca Đông Anh Đông Sơn Thanh Hóa; Hệ thống các trò diễn Đông Anh Đông Sơn Thanh Hóa; Nghiên cứu trò Múa đèn - Tổ khúc Múa đèn Đông Anh Đông Sơn Thanh Hóa; Giá trị của Múa đèn Đông Anh Đông Sơn;…Đồng thời, luận văn cũng đã đánh giá được thực trạng của việc dạy và học hát dân ca tại Trường Trung học cơ sở Quang Trung, thành phố Thanh Hoá. Trên cơ sở những nghiên cứu có được, học viên cũng đề xuất một số giải pháp nhằm giữ gìn bản sắc của loại hình nghệ thuật Múa đèn Đông Anh Đông Sơn qua việc đưa vào giảng dạy chính khóa và ngoại khóa tại Trường Trung học cơ sở Quang Trung, thành phố Thanh Hóa như: Xây dựng quy trình dạy học hát dân ca; Dạy tổ khúc Múa đèn Đông Anh trong chính khóa; Dạy tổ khúc Múa đèn Đông Anh trong hoạt động ngoại khóa;…

 

GS.TSKH. Tô Ngọc Thanh nhận xét luận văn Thạc sĩ của học viên Nguyễn Thị Thanh Vân

 

Sau phần trình bày chi tiết của các học viên, hai Hội đồng đã đưa ra những nhận xét và đặt câu hỏi cho các học viên. Về ưu điểm, nội dung hai luận văn phù hợp với tên đề tài và chuyên ngành đào tạo, đáp ứng yêu cầu của một luận văn Thạc sĩ; Đề tài của hai luận văn không trùng lặp với những công trình nghiên cứu trước đó; Có tính thời sự, tính thực tiễn và ý nghĩa khoa học cao; Kết quả nghiên cứu của đề tài là tài liệu tham khảo trong giảng dạy và các công trình nghiên cứu có chuyên ngành gần hoặc cùng chuyên ngành. Bên cạnh những ưu điểm, luận văn của hai học viên cũng còn những hạn chế và đã được Hội đồng góp ý, chỉnh sửa như: cách sắp xếp đề mục, tài liệu tham khảo theo trường quy khoa học, bảng chữ cái viết tắt, cách dẫn ý câu, các chú thích, trích dẫn cần rõ nguồn, lỗi vi tính,.... để luận văn hoàn thiện hơn.

Đánh giá cao thái độ nghiên cứu nghiêm túc của hai học viên, Hội đồng đã nhất trí xếp loại đề tài luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc của hai học viên Nguyễn Thị Huyền Trang và Nguyễn Thị Thanh Vân đạt loại Xuất sắc.

 

Hai tân Thạc sĩ chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ hướng dẫn khoa học và

các thành viên trong Hội đồng