Nội san

Cồng Mường trong thời đại toàn cầu hoá

30 Tháng Mười 2009

TSKH. Phạm Lê Hòa

Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

 

1. Việt Nam là một quốc gia có lịch sử lâu đời nhiều nghìn năm với 54 thành phần dân tộc. Mỗi thành phần dân tộc có một nền văn hóa mang bản sắc riêng độc đáo của mình. Điều đó làm cho Việt Nam có một nền văn hóa vừa phong phú, vừa đa dạng mà không phải nhiều quốc gia trên thế giới có được. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn trình bày những suy nghĩ của mình về một khía cạnh quan trọng trong âm nhạc dân gian người Mường: cồng Mường.  

Khi nói tới di sản âm nhạc dân gian của người Mường chúng ta không thể nào không nhắc tới nghệ thuật cồng chiêng như một thành tố tất yếu của văn hoá âm nhạc Mường. Với người Mường, cũng như nhiều tộc người khác ở vùng rừng núi Tây Nguyên, cồng Mường là một tài sản vô cùng quí giá và mang đậm ý nghĩa tâm linh. Để có một bộ cồng chiêng, trước đây người ta thường phải đổi rất nhiều trâu, bò là những vật trao đổi rất có giá trị thời đó. Và điều đó cũng có nghĩa là chỉ những gia đình giàu có, có thế lực mới có thể có được một bộ cồng chiêng.

2. Người Mường sử dụng cồng chiêng vào nhiều dịp trong năm và nhân các sự kiện đặc biệt: khi chúc Tết, mừng nhà mới, các nghi lễ cầu mùa, trong đám cưới và đám tang v.v…Có thể nói: trong suốt cuộc đời của người Mường, lúc vui, khi buồn thường đều có sự hiện diện của những âm thanh cồng chiêng. Khi đó là lời của tổ tiên, khi là lời tâm sự/tâm tình, là nhạc cụ đệm cho các giai điệu dân ca, là âm nhạc đệm cho các điệu múa. Cho đến hôm nay, những âm thanh cồng chiêng vẫn hiện diện như những gì thân quen nhất trong đời sống của tộc người người Mường trên mọi vùng của Tổ quốc. Hàng năm, nhiều địa phương trên cả nước vẫn tổ chức những ngày hội cồng chiêng nhằm tôn vinh và bảo lưu những giá trị văn hoá truyền thống của người Mường.

Theo các cụ cao niên ở Mường Vang (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) kể lại, bộ cồng Mường trước đây thường gồm có các loại như sau:

Cồng dàm (còn gọi là cồng cái hoặc cồng khầm): 1 chiếc. Đây là cồng có kích thước lớn nhất và như vậy cũng là cồng có âm trầm nhất trong bộ cồng. Cồng Dàm thường được diễn tấu đầu tiên (cồng gọi) và sau đó làm nhiệm vụ giữ bè trầm cho toàn bộ cồng. Khi chuyển các bài cồng, cồng Dàm làm nhiệm vụ giữ nhịp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cồng Dàm cũng tham gia diễn tấu giai điệu.

Cồng đủm (còn gọi là cồng voòng): 2 chiếc. Âm thanh 2 cồng này giống nhau và cao hơn cồng Dàm. Trong bộ cồng thì cồng đủm thường giữ vai trò diễn tấu giai điệu. Chính vì vậy, người đánh cồng đủm phải là người thuộc nhiều giai điệu và có khả năng sáng tạo cao.

Cồng boòng beng: 2 chiếc âm thanh thường giống nhau và cao hơn cồng đủm. Trong khi diễn tấu, cồng boòng beng cũng thường đảm nhiệm diễn tấu giai điệu.

Cồng khố: từ 1 trở lên (số lượng không cố định). Trong âm nhạc cồng, cồng khố thường giữ vai trò đánh đệm và làm phong phú thêm màu sắc của cả dàn cồng.

Cồng chót (còn gọi là cồng sói): số lượng không cố định, thậm chí nhiều khi không có. Đây là cồng có âm thanh cao nhất trong bộ cồng Mường, thường làm phong phú thêm màu sắc của cả bộ cồng.

Khi khảo sát ở một số nơi khác ngoài Mường Vang, chúng tôi có một số nhận xét như sau:

+ Tên gọi “cồng” hay “chiêng”, hay “cồng chiêng”, hay “chiêng cồng” trong văn hoá dân gian Mường hiện chưa nhất quán trong nhiều công trình nghiên cứu của các tác giả. Tuy nhiên, cũng có những nhà nghiên cứu có quan điểm khác. Chúng ta có thể tham khảo ở đây quan điểm của nhà nghiên cứu văn hoá Mường Hoà Bình nổi tiếng- tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về văn hoá Mường vùng Hoà Bình đã được công bố và nhận nhiều Giải thưởng cao của Hội văn nghệ dân gian Việt Nam - ông Bùi Thiện. Ông cho rằng “cồng” “là một từ mới do sau này cán bộ ta gọi bởi tiếng “cồng kính công” của chiêng mà ra. Sự thực, hết thảy từ xưa người Mường vẫn gọi là “chiêng” như các bạn Tây Nguyên” (1)…

+ Nhiều tài liệu đều cho rằng dàn cồng chiêng đầy đủ thường gồm 12 chiếc và người ta cũng cho rằng con số 12 gắn với số tháng trong 1 năm. Một năm là sự giao thoa của bốn mùa – là sự hoà hợp của 12 chiếc cồng.

+ Tên gọi 12 chiếc cồng cũng chỉ thống nhất ở mức độ tương đối. Ngoài cách gọi như chúng tôi đã nêu ở trên còn có thể có các cách gọi sau:

a.      Dàn cồng 12 chiếc gồm: 4 chiêng dàm (loại chiêng cồng có kích thước lớn nhất trong dàn cồng), 4 chiêng bồng (gồm những chiêng có kích thước nhỏ hơn chiêng dàm) và 4 chiêng tlé (gồm những chiêng có kích thước nhỏ nhất trong dàn cồng).

b.      Dàn cồng gồm 12 chiếc được gọi tên theo thứ tự âm thanh từ cao nhất trở xuống: chiêng một, chiêng hai, chiêng ba, …chiêng mười hai.

 

 

3. Theo nguyên tắc phân loại nhạc cụ đã được Hội đồng quốc tế âm nhạc truyền thống (International Council of Traditional music viết tắt là ICTM) thuộc UNESCO công nhận của hai nhà nghiên cứu âm nhạc nổi tiếng thế giới E.M. Hornbostel và C. Sachs thì cồng Mường Hoà Bình là nhạc cụ bằng đồng thuộc họ tự thân vang (Idiophone), chi gõ. Ở đây cũng cần chú ý rằng: nếu như với các dân tộc ở vùng không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên, cồng chiêng có thể được diễn tấu bằng nhiều phương pháp kích âm khác nhau, thì ở cồng Mường qua những vùng đã khảo sát/nghiên cứu chúng tôi chỉ thấy một phương pháp kích âm duy nhất là dùng dùi để gõ. Cũng có thể đồng bào Mường còn phương pháp kích âm khác không phải bằng dùi chăng mà chúng tôi chưa biết chăng? Dùi gõ ở đây được làm bằng loại gỗ không quá cứng, có bọc vải bên ngoài cho âm thanh êm ái và khi diễn tấu không có hiện tượng dùng tay bịt cho âm không vang xa. Theo các cụ cao niên kể lại thì trước đây dùi được bọc cầu kỳ hơn nhiều: dùi bọc vải bên trong, đan sợi gai bên ngoài hoặc bọc bằng da của bộ phận sinh dục con trâu.

Thành của các loại cồng Mường đều có đục 2 lỗ nhỏ để luồn 1 dây quai. Dây đeo phải mền và dai để vừa chắc vừa không ảnh hưởng đến âm sắc của cồng khi diễn tấu. Nếu cồng nhỏ thì người đánh cồng vừa xách cồng vừa đánh, còn nếu cồng to thì có thể có 2 người khiêng còn 1 người đánh. Dàn cồng sắc bùa đầy đủ trước đây thường gồm 12 chiếc, nhưng hiện nay chúng ta thường gặp những dàn cồng có số lượng ít hơn.

Một đặc điểm nổi bật của các dàn cồng Mường là sự không thống nhất về phương diện tổ chức/trật tự cao độ của hàng âm. Và trong một chừng mực nào đó, chúng ta có thể có giả thuyết: phải chăng điều đó cũng có nghĩa là người Mường không tư duy cụ thể/cố định vào một hàng âm nhất định, mà tư duy theo âm khu/mảng màu sắc của dàn cồng. Mỗi dàn cồng được tạo bởi những chiếc cồng có cao độ khác nhau, do đó mỗi dàn cồng có một hàng âm khác nhau nhưng lại thường có 5 loại như đã nói ở trên. Nói một cách khác, khi chọn mua cồng người Mường không chú ý đến cao độ tuyệt đối của âm thanh mà thường chỉ lựa chọn sao cho âm thanh của cồng vang xa, có âm sắc êm đẹp và thực sự là âm thanh của cồng, không lẫn với các loại nhạc cụ cùng họ tự thân vang khác. Người ta thường ước lượng độ vang của âm thanh cồng bằng đơn vị sải tay, cồng càng vang lâu thì càng có giá trị cao. Đây cũng là một điều thú vị vì trong cách nói thông thường của người Việt thì sải là đơn vị đo chiều dài, nhưng ở đây sải của đồng bào Mường lại là đơn vị đo thời gian. Theo các già bản kể lại thì sải là khoảng thời gian co tay vào trước ngực rồi dang tay thẳng ra. Như vậy, thời gian cồng vang xa chính là số lần người đo cồng co tay trước ngực rồi giang tay ra. Và như vậy, độ vang xa của  cồng Mường hoàn toàn mang ý nghĩa tương đối.

Mỗi chiếc cồng có một hồn riêng (vạn vật hữu linh) và vì vậy nó cũng có một cao độ riêng của nó. Chính vì vậy mà sử dụng cồng phải đúng nơi, đúng lúc, không được sử dụng bừa bãi vì như vậy sẽ bị điều không tốt. Khi không sử dụng cồng được để trên những thanh gỗ gác trên xà nhà, cũng có khi chủ nhà treo ở trên vách nhà như một đồ trang trí.

Trong những ngày lễ hội, khi không sử dụng, cồng bao giờ cũng được xếp ngay ngắn một cách có trật tự. Người Mường thường lưu truyền trong dân gian một nguyên tác được mọi người luôn tuân là không bao giờ được úp cồng xuống đất. Cồng xếp trên mặt đất bao giờ cũng phải ngửa lên phía trên.

 

 

Trước đây, theo truyền thống, dàn cồng sử dụng trong Sắc bùa thường do các cô gái Mường diễn tấu. Nhưng trong những khảo sát/nghiên cứu khoảng 20 – 30 năm gần đây thì người diễn tấu không có qui định rõ ràng, tuỳ theo điều kiện có thể của mỗi dàn cồng mà người diễn tấu có thể là nam hay nữ. Nhưng thày Thường thì vẫn như trước đây, chỉ có thể là một người đàn ông.

Với khả năng diễn tấu độc đáo, bộ cồng từ xưa đã được người dân Mường coi như vật quí trong nhà, được gìn giữ và bảo quản cẩn thận. Ngày xưa bản nào cũng có bộ cồng của bản mình. Ngoài ra các quan lang cũng có bộ cồng riêng của mình. Cồng còn được coi là thước đo của sự giàu có và quyền uy của quan lang. Cồng càng cổ càng quí bởi nó mang trong mình dòng chảy của truyền thống. Người Mường cho rằng như vậy khi cúng giỗ mà đánh cồng thì tổ tiên, ông bà dù ở thế giới của Mường ma cũng trở về cùng con cháu. Cồng như một “cầu nối” giữa quá khứ và hiện tại. Cồng chiêng, theo truyền thống chỉ được trao lại cho con trai trưởng, không có con trai trưởng mới trao lại cho con thứ. Trong lịch sử của người Mường, cồng chiêng nhiều khi cũng chính là nguyên nhân xung đột của nhiều quan lang trong vùng.

Người Mường Vang có câu: “Chiêng bui ó ti khoi bải, Mai thôt ó ti khoi lang” nghĩa là “Chiêng hay không đi khỏi mái nhà, gái đẹp không đi lấy chồng xa”.

Trong khi nghiên cứu các sáng tác khí nhạc hiện đại châu Âu, chúng tôi nhận thấy các nhạc sỹ sáng tác âm nhạc hiện đại cũng rất mê và hay sử dụng những âm thanh đầy màu sắc của cồng trong sự hòa hợp với thế giới âm thanh được diễn tấu bởi dàn nhạc giao hưởng truyền thống châu Âu. Nhưng sự khai thác ngôn ngữ cồng ở đây mới chỉ ở mức độ làm phong phú thêm màu sắc của ngôn ngữ âm nhạc giao hưởng. Còn đối với tư duy sáng tạo âm nhạc của người châu Á, các nhạc sĩ sáng tác không chỉ khai thác màu sắc âm thanh độc đáo của cồng, mà còn khai thác cả khả năng diễn tấu giai điệu của dàn cồng. Nhiều tác phẩm khí nhạc của các nhạc sĩ châu Á đã có những đoạn (episode) chỉ diễn tấu bởi dàn cồng. Và đó cũng là điều chúng tôi tìm thấy trong nghệ thuật cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường ở Mường Vang, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.

 Sinh hoạt Sắc bùa của đồng bào Mường do các Phường bùa đảm trách. Trong một vùng có thể có nhiều phường bùa khác nhau. Mỗi phường bùa có số thành viên không cố định, thường từ 10 đến 20 người do Trưởng bùa đứng đầu. Các thành viên của phường bùa thường không chỉ biết đánh cồng mà còn biết hát. Ngoài các thành viên đó, phường bùa còn có 2 người gánh một chiếc thúng để dựng quà biếu của các gia chủ được chúc mừng năm mới. Quà của gia chủ cũng tuỳ theo hoàn cảnh của họ. Thông thường là lúa, gạo, bánh tết ...

Phường bùa ở Mường Vang không tập trung luyện tập thường xuyên, mà thường chỉ tập hợp trước mỗi khi có việc. Khi đó người trưởng phường bùa tập hợp anh chị em trong phường bùa lại, và việc đầu tiên của Phường bùa trước mỗi tiến trình Sắc bùa là lấy cồng được để từ trên gác bếp xuống rồi lau cồng bằng chính dùi đánh cồng. Ở đây cũng cần lưu ý là dùi đánh cồng Mường bao giờ cũng được bịt bằng vải do đó tạo cho tiếng cồng tuy vang xa mà vẫn mềm mại, hòa hợp với thiên nhiên đầy chất trữ tình nơi đồng bào Mường cư trú.

Sau khi lau và kiểm tra cồng, mọi thành viên của phường bùa thử cồng trước khi nghe Trưởng bùa phổ biến các vấn đề liên quan đến bài bản cồng cũng như kế hoạch của chuyến đi chúc mừng năm mới. Trong những dịp như vậy cả phường bùa thường uống với nhau đôi chai rượu vừa là dịp chúc mừng nhau, vừa là chúc cho thành công của cuộc sắc bùa sắp tới.

Một điều cũng cần lưu ý ở đây là vấn đề trang phục của Phường bùa. Trang phục của nam thường là: áo dài thâm, vấn khăn xanh. Trang phục nữ là: đầu vấn khăn màu trắng, áo trắng có yếm màu hồng ở trong, lưng quấn xà tích và khăn lưng màu xanh, quần đen. Theo ý của chúng tôi, ngay trang phục của phường bùa cũng như của đồng bào Mường đã gợi ý nhiều cho chúng tôi khi nghiên cứu âm nhạc Mường trong không gian Mường Vang.

Trong phân loại nhạc cụ theo phương pháp của E.M. Hornbostel và C. Sachs (Đây cũng là nguyên tắc phân loại nhạc cụ âm nhạc được Hội đồng quốc tế âm nhạc truyền thống thuộc UNESCO công nhận) thì cồng Mường là loại nhạc khí thuộc họ tự thân vang, chi gõ. Về phương diện cao độ, giai điệu trong âm nhạc cồng Mường thường chỉ được xây dựng trên một số âm nhất định (thường từ 2 đến 4 âm) ở âm khu cao của dàn cồng. Cao độ giữa các âm cấu thành giai điệu thường có độ cách quãng đủ để có thể phân biệt rõ dù cho dàn cồng vừa đi vừa diễn tấu trong một môi trường tự nhiên đặc trưng của vùng rừng núi miền Tây Bắc Tổ quốc. Cũng cần chú ý ở đây là các cồng Mường được chế tác theo những tiêu chuẩn thẩm mỹ riêng và phù hợp với điều kiện cũng như qui mô của việc thực hành sinh hoạt văn hóa dân gian trong không gian nơi cư trú của mình.

Về phương diện tiết tấu, dù là của các bài bản diễn tấu khi đi đường, chúng ta không gặp ở đây âm hình tiết tấu móc đơn có chấm dôi và móc kép

(  þ×  þ ) vốn là đặc trưng của ngôn ngữ âm nhạc mang tính nhịp đi của nhiều dân tộc trên thế giới. Hay nói cách khác, tiết tấu của dàn cồng Mường mang tính bình ổn cao, không phức tạp và hầu hết trường hợp thuộc loại nhịp đồng độ. Do khuôn khổ có hạn của thời gian Hội thảo, chúng tôi không thể đi sâu vào vấn đề này, xin được trình bày đầy đủ hơn trong một dịp khác.

Trước khi viết tham luận này, chúng tôi có đọc lại một số sách cũng như các tài liệu liên quan đến cồng và cồng Mường. Thí dụ các cuốn: Nghệ thuật cồng chiêng do Sở VHTT Gialai- Kontum và Viện nghiên cứu Âm nhạc xuất bản năm 1986 (trong đó có bài Dàn cồng Mường Hòa Bình của tác giả Phạm Đức Lộc); Văn hóa dân tộc Mường do Sở VHTT và Hội văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình xuất bản năm 1995 .v.v... thì nhận thấy là các tác giả đều ký âm cao độ của dàn cồng Mường trên khuông nhạc năm dòng kẻ.

Với lịch sử sáng tạo âm nhạc thế giới nhiều thế kỷ qua, cách ghi nhạc trên năm dòng kẻ là một bước tiến lớn trong việc ghi lại chính xác những âm thanh theo hệ âm điều hòa (mà ở nước ta trước đây quen gọi là hệ bình quân luật) - hệ âm mà ở đó 1 quãng tám đúng được chia đều thành 12 bán cung bằng nhau.

Chúng tôi rất kính trọng và đã học hỏi được nhiều từ công trình của các nhà nghiên cứu trước đây về cồng Mường, nhưng qua thực tế khảo cứu những âm thanh của dàn cồng Mường của mình, chúng tôi có một băn khoăn: các âm thanh của dàn cồng Mường không trùng hợp một cách chính xác như những âm thanh theo hệ âm điều hòa trong âm nhạc kinh điển châu Âu. Vì vậy, nếu dùng khuông nhạc với 5 dòng kẻ theo kiểu châu Âu để ghi lại cao độ các âm thanh của dàn cồng Mường, thì theo chúng tôi, là không thể phản ánh chính xác những âm thanh của cồng Mường như nó đã và đang tồn tại. Làm như vậy, chúng tôi hoài nghi: nếu những ai chưa có dịp đến Mường Vang để được nghe chính những âm thanh của dàn cồng Mường, và nếu các thế hệ sau này chỉ nhìn vào bản ký âm âm thanh của dàn cồng Mường trên khuông nhạc năm dòng kẻ liệu có hình dung ra được chính xác những âm hưởng mang đầy cá tính độc đáo không thuộc hệ bình quân luật của dàn cồng Mường hay không? Nếu không làm được như vậy, phải chăng chúng ta đã vô tình sáng tạo ra những âm hưởng mới của dàn cồng Mường, nếu như không muốn nói là ...

Ở đây cũng cần nói thêm rằng, từ hàng nghìn năm trước đây, ngay chính người châu Âu và cư dân nhiều khu vực khác trên thế giới cũng không quen chia 1 quãng tám đúng ra làm 12 bán cung đều nhau như ở hệ âm điều hòa. Và thậm chí cho đến ngày hôm nay, các nhạc sỹ sáng tác âm nhạc hiện đại thế giới cũng đã và đang tìm mọi cách thoát khỏi cái “vòng kim cô 5 dòng kẻ”, để tìm đến với những âm thanh mới có khả năng làm giàu hơn nữa ngôn ngữ sáng tạo nghệ thuật âm nhạc. Hệ âm điều hòa mới có lịch sử vài trăm năm gần đây đã góp phần quan trọng trong sự phát triển cuả nghệ thuật sáng tạo và biểu diễn âm nhạc thế giới. Song trong nhiều trường hợp cụ thể đối với văn hóa âm nhạc dân gian, nó đã bộc lộ nhiều bất cập. Thậm chí tại một cuộc Hội thảo âm nhạc quốc tế có nhà phê bình âm nhạc đã phải đọc tham luận dưới tiêu đề “Ghi nhạc bằng khuông nhạc 5 dòng kẻ, bảo tồn hay bóp chết một nền âm nhạc dân gian”!!!

Tất nhiên, ở đây chúng ta cũng không nên cực đoan khi cho rằng chia 1 quãng 8 thành 12 bán cung hay không chia 1 quãng 8 thành 12 bán cung là tốt hơn. Vấn đề là trong từng trường hợp cụ thể, do những đòi hỏi cụ thể của hiện tượng âm nhạc. Những nội dung tư tưởng mới bao giờ cũng đòi hỏi những hình thức biểu hiện mới phù hợp với chúng.

Đặt vấn đề như trên, chúng tôi đã nghĩ nhiều đến giải pháp khắc phục. Trên thực tế, phương pháp ký âm âm nhạc dân gian đã từ lâu là vấn đề khó khăn đối với nhiều nền âm nhạc dân gian trên thế giới, trong đó có cả nền âm nhạc dân gian các dân tộc Việt Nam chúng ta. Không chỉ thế giới mà ngay ở Việt Nam chúng ta cũng đã tốn khá nhiều thời gian, công sức vào vấn đề này. Nhiều công trình nghiên cứu cùng những thể nghiệm bước đầu đã được công bố song cho đến hôm nay vẫn chưa có sự thống nhất giữa các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian về vấn đề này. Là người đi sau và được kế thừa kết quả nghiên cứu nhiều năm của các bậc cha, chú, các bậc đàn anh đi trước, cũng như được tiếp xúc với phần nào tri thức của nghệ thuật sáng tạo âm nhạc thế giới nhiều thế kỷ qua, chúng tôi xin mạnh dạn trình bày thiển ý của mình như sau: tại sao ở đây chúng ta không dùng loại khuông nhạc gồm 3 hoặc 4 dòng kẻ tuỳ theo số lượng cồng diễn tấu giai điệu cùng với các chú thích cần thiết về cao độ âm thanh ở từng dòng để ghi âm các âm thanh của dàn cồng Mường. Bởi khi nghiên cứu cồng Mường, như ở phần trên chúng tôi đã nói, chúng tôi nhận thấy rằng người Mường chỉ chú ý nhiều từ 2 đến 4 cồng diễn tấu giai điệu, các cồng còn lại chỉ có ý nghĩa tạo thành chồng âm vào cuối mỗi tiết nhạc.

Cách làm tương tự như thế này đã từng được sử dụng trong một số trường hợp cụ thể trong sáng tạo nghệ thuật âm nhạc, trong ký âm những âm thanh không thuộc hệ âm điều hòa hoặc những âm mà giới sáng tạo nghệ thuật âm nhạc chuyên nghiệp gọi là âm thanh không có cao độ xác định.

Bên cạnh đó, hiện chúng ta đang sống trong một thời đại mà khoa học công nghệ đã đạt đến đỉnh cao. Khai thác các thành quả của khoa học công nghệ là một việc làm cần thiết cho công tác nghiên cứu khoa học cũng như công tác bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể ở nước ta. Vì vậy, cùng với việc ký âm trên văn bản, việc sử dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật cao để ghi hình và sau đó đưa vào đĩa CD- rom với thời hạn bảo quản cao sẽ giúp chúng ta bảo tồn một cách tốt nhất các giá trị văn hóa cho tương lai.

Cồng Mường là một nét đặc sắc trong sinh hoạt văn hóa dân gian sắc bùa nói riêng, trong sinh hoạt văn hoá dân gian Mường nói chung. Việc tìm hiểu cồng Mường chắc chắn sẽ còn thu hút được sự chú ý của các nhà nghiên cứu để có thể phản ánh một cách đầy đủ và trung thực nhất hiện tượng văn hóa dân gian này. Đây không chỉ là công việc đòi hỏi nhiều thời gian và công sức của các nhà nghiên cứu mà còn là công việc mang tính khoa học cao trong quá trình thực hiện. Nhưng với quyết tâm của giới nghiên cứu trong một thời đại đầy tính trí tuệ như hiện nay, thời đại của nền kinh tế tri thức, chúng tôi nghĩ đó hoàn toàn là vấn đề mang tính khả thi cao.

_______________________

 

[1] Bùi Thiện. Chiếc xắc bùa. Trong tập “Văn hoá dân tộc Mường. Kỷ yếu Hội thảo Văn hoá dân tộc Mường tại Hoà Bình tháng 9 năm 1993”. Sở Văn hoá Thông tin và Hội văn hoá các dân tộc tỉnh Hoà Bình xuất bản. 1995. Trang 71.