Nội san

Giới thiệu đề tài “Các mô hình đào tạo âm nhạc”

16 Tháng Mười Một 2009
   

Sáng ngày 4/11/2009, tại Phòng hòa nhạc, trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW đã diễn ra buổi giới thiệu đề tài “Các mô hình đào tạo âm nhạc” của GS.TS.NGND Trần Thu Hà, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Tham dự buổi giới thiệu có TS. Tạ Quang Đông – Trưởng phòng đối ngoại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, TSKH. Phạm Lê Hòa – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường, đồng chí Vũ Văn Hậu – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng, TS. Phạm Trọng Toàn, Phó Hiệu Trưởng Nhà trường, các cán bộ, giảng viên cùng đông đảo sinh viên trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW.

Mở đầu buổi giới thiệu, TSKH. Phạm Lê Hòa thay mặt Đảng ủy, BGH nêu bật vai trò, chức năng của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW cũng như bề dày mối quan hệ thân thiết giữa hai trường trong sự nghiệp đào tạo âm nhạc. Đồng thời, thầy đã nhấn mạnh tầm quan trọng của đề tài “Các mô hình đào tạo âm nhạc” đối với sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam.

GS.TS.NGND Trần Thu Hà đã có nhiều đóng góp cho nền giáo dục âm nhạc Việt Nam với những công trình nghiên cứu được quốc tế ghi nhận và khen thưởng. Đề tài trọng điểm cấp Bộ “Các mô hình đào tạo âm nhạc” của tập thể các giáo sư, tiến sĩ thuộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam được thực hiện với mục đích thông qua quá trình nghiên cứu, so sánh những mô hình đào tạo âm nhạc quốc tế nhằm tìm ra một mô hình đào tạo âm nhạc phù hợp nhất đối với hoàn cảnh, tình hình cụ thể của Việt Nam, trong đó đề xuất một cách có định hướng những vấn đề như xã hội hóa đào tạo âm nhạc, chế độ chính sách cho chiến lược đào tạo âm nhạc hiện nay.

GS.TS.NGND Trần Thu Hà thuyết trình trong buổi tập huấn

Sau một thời gian thực hiện, nhóm tác giả đề tài đã nghiên cứu, tham khảo và so sánh những mô hình đào tạo âm nhạc trên thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan từ xuất phát điểm thấp, chỉ là một khoa âm nhạc với chương trình giảng dạy chủ yếu về lý luận âm nhạc và giáo dục sư phạm, sau hơn mười năm, đã có sự phát triển vượt bậc nhờ việc tăng cường đào tạo theo phương thức liên kết quốc tế. Hiện nay, Thái Lan đã có một nguồn giảng viên, giáo viên âm nhạc có chứng chỉ quốc tế và là quốc gia thường xuyên tổ chức những cuộc thi âm nhạc lớn. Singapore thì tập trung phổ cập âm nhạc cho người dân và đào tạo lớp thế hệ trẻ tương lai có kiến thức và chất lượng cao về âm nhạc. Hiện nay, Singapore thực hiện chính sách “nhập khẩu” trong giáo dục đào tạo: đội ngũ giảng viên, giáo viên là người Mỹ hoặc đã từng đi học ở Mỹ; có chính sách học bổng thu hút những sinh viên xuất sắc từ những nước đông dân có điều kiện kinh tế chưa cao.Cùng với việc đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, Singapore đã trang bị cho mình nền tảng vững chắc cho sự phát triển âm nhạc trong tương lai.

 Đề tài cũng đã nghiên cứu các mô hình đào tạo của một số nước châu Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trung Quốc đưa ra năm phương châm chiến lược chính về giáo dục, trong đó, nâng cao tố chất con người được coi như yếu tố quan trọng trong lĩnh vực phát triển văn hóa nói chung và âm nhạc nói riêng. Nhiều trường đào tạo âm nhạc được thành lập nhằm phổ cập âm nhạc cho tất cả người dân ở mọi lứa tuổi, trình độ khác nhau.Cùng với đó là việc dành sự quan tâm đặc biệt đối với đội ngũ giảng viên, giáo viên âm nhạc. Chính vì lẽ đó, việc đào tạo âm nhạc ở Trung Quốc được đánh giá cao với nhiều giải thưởng quốc tế quan trọng.

Các mô hình đào tạo âm nhạc ở các châu lục khác cũng được nghiên cứu và so sánh. Tại Châu Âu, nếu như Nga được coi như cái nôi nuôi dưỡng những tài năng âm nhạc với chính sách thu hút chất xám, với việc mở rộng hệ thống các trường tư đào tạo âm nhạc bên cạnh những trường công nổi tiếng; thì Đức lại là một “thương hiệu” cho sự đào tạo chuẩn mực nhất, hoàn chỉnh và toàn diện nhất với những chính sách đãi ngộ đặc biệt như học đại học không phải đóng học phí, đội ngũ giảng viên luôn được coi trọng và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công tác. Hệ thống đào tạo âm nhạc của Úc cũng được quan tâm đặc biệt. Bằng hình thức liên kết đào tạo, nền giáo dục Úc thể hiện sự tổng hợp, đa dạng và mang tính chuẩn mực quốc tế. Còn tại Mỹ, các mô hình đào tạo âm nhạc thể hiện tính đa dạng, phong phú. Với việc tập trung tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hiện nay nước Mỹ đã có những nghệ sĩ nổi tiếng, hình thành những cơ sở đào tạo âm nhạc đáng tự hào hàng đầu thế giới.

 Bằng việc nêu, phân tích và so sánh những mô hình đào tạo âm nhạc của các quốc gia trên thế giới, GS.TS.NGND Trần Thu Hà khẳng định: hiện nay, âm nhạc tại Việt Nam đã đạt được những thành tích đáng kể, tuy nhiên, chúng ta cũng luôn cần tăng cường học hỏi, giao lưu quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo.

Cũng trong khuôn khổ của buổi giới thiệu, giảng viên và sinh viên trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW đã biểu diễn một số tiết mục âm nhạc đặc sắc, để lại ấn tượng cho những người tham dự.

Kết thúc buổi giới thiệu, TSKH. Phạm Lê Hòa cám ơn sự tham gia nhiệt tình của GS.TS.NGND Trần Thu Hà, chúc Giáo sư dồi dào sức khỏe để cống hiến cho sự nghiệp đào tạo âm nhạc của đất nước.

                                                                                                Hồng Hà