Sự kiện

Khoe sắc giữa lòng Thủ đô

03 Tháng Hai 2009
Sau những ngày nghỉ đón tết Kỷ Sửu, sáng ngày 29/01/2009 (mùng 4 tết), Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã mở cửa trở lại đón khách bằng một chương trình đón xuân khá ấn tượng. Ngay từ sáng sớm, không khí ở Bảo tàng đã trở nên tưng bừng, rộn rã khác hẳn so với các điểm vui xuân khác tại Thủ đô.
Ngay trước nhà Trống đồng, du khách quây quần và hoà mình trong một điệu múa vui nhộn. Cuộc sống lao động đã góp phần hình thành nên một trong những nét đẹp truyền thống của người Thái, đó là điệu múa xoè vòng. Tiếng Thái, múa xoè vòng được gọi là “xoé voóng”. Khi múa, người ta cầm tay nhau múa du dương. Tiếng trống rộn rã nổi lên, hoà trong tiếng reo hò của các nam thanh, nữ tú, nhờ thế vòng xoè đã nhanh chóng được hình thành. Điều đặc biệt của điệu múa xoè vòng là không phân biệt già, trẻ, gái, trai, mọi người có mặt đều có thể tham gia vào vòng xoè. Một không khí ấm áp, thân tình, cởi mở được chúng tôi cảm nhận rõ nhất khi tham gia hoạt động văn hoá tiêu biểu này.
 Nằm trong kho tàng của hệ thống múa dân gian Việt Nam, xoè vòng có vai trò quan trọng trong việc góp phần làm nên một bản sắc văn hoá Việt Nam tiêu biểu, đậm đà bản sắc dân tộc. Múa xoè vòng đã được người Thái nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung tự hào là nét đẹp văn hoá đặc trưng và truyền thống, góp phần xây dựng một cuộc sống lành mạnh, thúc đẩy sản xuất, làm giàu cho quê hương, đất nước. Múa xoè vòng thực sự là một hoạt động văn hoá có sức mạnh gắn kết tình cảm của con người trong cộng đồng xích lại gần nhau hơn.
 
Người du xuân hoà mình cùng điệu múa xoè vòng của người Thái
 
 Ngay sau điệu múa xoè vòng là màn múa sạp của các cô gái Thái. Đây là điệu múa dân gian đặc sắc của nhiều tộc người, điệu múa này thường được diễn ra vào các dịp lễ, Tết hàng năm. Đạo cụ cần thiết cho màn múa này là hai cây tre to, thẳng và dài để làm sạp cái, ngoài ra còn cần những cây tre, hoặc nứa nhỏ, dài từ 3m - 4m để làm những cặp sạp con.Khi múa, người ta đặt hai sạp cái cách nhau vừa đủ để gác hai đầu các cây sạp con lên, trong khi đó, từng cây sạp con được đặt cách đều nhau, song song tạo thành từng dàn sạp. Người tham gia điệu múa chia thành hai tốp: Tốp đập sạp và tốp múa, mỗi tốp có thể có từ vài cặp trai, gái, càng đông, màn múa càng sinh động. Ngắm nhìn các động tác múa sạp, khi lướt uyển chuyển, lúc dồn dập quay, những đôi chân có lúc như bay, như lướt nhẹ nhàng trên sạp của các cô gái Thái, trong tiếng cồng, tiếng trống rộn ràng, người du xuân như đều muốn hoà mình vào điệu múa một cách hào hứng, say mê.
 
 Múa Sạp của người Thái
 
 Một hoạt động không kém phần sôi nổi và thu hút khá nhiều du khách tham gia tại Bảo tàng đó là trò chơi dân gian làm và thi Pháo đất. Thi Pháo đất là phong tục cổ truyền của người Việt, hội thi bắt đầu có từ thời nhà Trần. Những người tham gia thi Pháo đất tập trung đủ mọi lứa tuổi nhưng cùng chung đặc điểm khéo tay, khoẻ mạnh, nhanh nhẹn và bình tĩnh. Khi tiếng trống báo hiệu giờ thi bắt đầu, lập tức đất được dàn ra, lên khuôn.
 
 Thi Pháo đất
 
 Việc đầu tiên của người làm pháo là làm cánh pháo, sau đó tiến hành bấu mép - nơi mỏng nhất ở cánh pháo, để khi tung, cánh pháo sẽ mở ra. Tiếp đó là việc làm những “nắm kế”- là nắm đất tròn như quả cam, có tác dụng để đỡ cho cánh pháo khỏi bị rã. Chuốt bụng pháo, xem lại cánh pháo là khâu cuối cùng của việc làm pháo. Kết thúc, người dự thi đứng vững chãi, ưỡn ngực, lấy sức xoay mạnh hai tay đưa pháo lên cao rồi giáng mạnh xuống đất. Những tiếng nổ lớn vang lên cùng tiếng reo hò của đông đảo người tham dự. Cánh pháo bay ra, xoắn lại, vắt ngang thân pháo như một con trăn lớn, trông rất đẹp mắt.
 Ngay sân sau nhà Trống đồng là các hoạt động văn hoá dân gian khác vô cùng hấp dẫn, như: in tranh Đông Hồ, Thư pháp, đẩy lưng, đẩy gậy, kéo co của người Việt.
Nhưng sôi nổi hơn cả, cuốn hút hơn cả là trò Đánh đu. Đây là hoạt động gây sự chú ý nhiều nhất của các nam, nữ thanh niên. Đánh đu ngày xuân ở nhiều vùng quê Việt Nam luôn luôn là trò chơi dân gian được nhiều người ái mộ. Đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam những ngày này, khách du xuân sẽ được thoả lòng khi tham gia các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc Văn hoá Việt Nam mà trò Đánh đu là một ví dụ.
 
Khách du xuân vui với trò Đánh đu
 
 
 Ngay trước sân Nhà Việt, một không khí sôi động, hấp dẫn nhiều du khách tham dự trong một chương trình múa rối nước đặc sắc. Trong nhiều loại hình nghệ thuật ở nước ta, múa rối nước là một trong những môn nghệ thuật cổ truyền có từ lâu đời, đây là sản phẩm đặc sắc của vùng đồng bằng sông Hồng Việt Nam, gắn bó mật thiết với nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước. Nội dung cơ bản của múa rối nước là nhằm phản ánh đời sống, sinh hoạt của người nông dân Việt Nam trên đồng ruộng với bao lo toan, vất vả trước thiên tai, địch hoạ nhưng vẫn lạc quan, yêu đời. Loại hình nghệ thuật đặc sắc này đã được các Nghệ nhân đến từ phường Hồng Phong, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương biểu diễn tại Bảo tàng trong những ngày đầu xuân Kỷ Sửu. Đến Bảo tàng, thưởng thức màn múa rối nước, khách du xuân sẽ có được một niềm vui dân dã, sảng khoái và hồn nhiên.
Múa rối nước của phường Hồng Phong,
huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương
 
 Thông điệp mà các Nghệ nhân muốn gửi tới cho người xem là hãy sống vui và vui sống. Dù cuộc sống còn bao vất vả, nhưng với tinh thần lạc quan thì dù có khó khăn đến đâu, người dân Việt Nam cũng có thể vượt qua để hướng tới một tương lai tươi sáng.Hiện nay, trong nhều môn nghệ thuật cổ truyền của nước ta, múa rối nước là một trong những loại hình nghệ thuật được biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới, được khán giả các nước nhiệt liệt cổ vũ, hoan nghênh.
 Bên ngôi nhà dài của người Ê Đê, khách du xuân đang chăm chú theo dõi Hội trình nghề Tứ dân chi nghiệp (sĩ, công, nông, thương). Nói là tứ dân, nhưng thực ra có rất nhiều nghề: thợ cày, thợ cấy, thợ mộc, người chăn tằm, quay tơ dệt vải, thợ tung bông, đánh đàn, thầy đồ, thầy thuốc, người đi câu, đặt lờ bắt tôm… Hội trình nghề Tứ dân chi nghiệp hay còn gọi là trò Bách nghệ khôi hài (phần hội trong lễ hội Trò Trám - một lễ hội dân gian độc đáo, mang đậm tín ngưỡng phồn thực của người Việt). Với lối diễn xuất tự nhiên, những lời hát vui nhộn, giai điệu dễ nghe, dễ nhớ, những câu từ mang tính hài hước, hội trình nghề Tứ dân chi nghiệp đã mô phỏng những nét đặc trưng của nhiều nghề khác nhau trong xã hội Việt Nam. Trò diễn đã mang lại những tiếng cười sảng khoái cho du khách vui xuân tại Bảo tàng.
 
Một màn diễn trong Hội trình nghề Tứ dân chi nghiệp
do các Nghệ nhân đến từ xóm
Cổ Lãm, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
 
Một màn diễn trong Hội trình nghề Tứ dân chi nghiệp.
 
 Theo sử cũ, lễ hội Trò Trám được tổ chức hàng năm nhằm tỏ lòng biết ơn của dân làng đối với các vua Hùng - những người đã dạy cho người dân nghề trồng lúa nước, ông tổ của các loại nghề trong làng. Lễ hội cũng nói lên khát vọng của người dân là cầu mong cho mùa màng tươi tốt, ca ngợi sự lành mạnh trong tình yêu đôi lứa, cầu mong cho giống nòi ngày càng sinh sôi, nảy nở. Đến với Bảo tàng, thông qua Hội trình làng Tứ dân chi nghiệp, khách du xuân có dịp được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của mình đối với cha ông - những người đã có công gây dựng giang sơn, đất nước.
 
Một màn diễn trong Hội trình nghề Tứ dân chi nghiệp
 
 Trong không khí rộn ràng của một năm mới, khách du xuân sẽ còn được thưởng thức nhiều hoạt động văn hoá tiêu biểu của các tộc người Việt Nam. Tại nhà Rông của người Ba Na, du khách sẽ được hướng dẫn làm đồ chơi hình trâu; tại bãi cỏ của khu nhà người Dao, du khách sẽ được thưởng thức các làn điệu múa khèn, thổi kèn lá, đàn môi, ném Pao, đánh cù của người Hmông; tại bãi cỏ nhà Hà Nhì, du khách sẽ được thưởng thức những làn điệu múa, hát giao duyên của người Lự, người Cống, người Hà Nhì. Ngoài ra, khách du xuân còn được tham gia các trò chơi tó má lẹ, én cáy của người Thái; hương vị đậm đà của các món ăn người Thái sẽ được chính các chủ nhân của nó giới thiệu tại lễ hội. Trò Ném Còn của người Thái cũng là hoạt động thu hút đông đảo du khách tham gia.
 
Hát giao duyên của người Lự.
 
Múa khèn, ném Pao của người H'mông.
 
 
 Được thưởng thức, tìm hiểu và trực tiếp tham gia các hoạt động văn hoá của các tộc người tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trong những ngày đầu xuân là một may mắn của những người tham dự. Đặc biệt với chúng tôi - những giảng viên của Khoa Văn hoá- Nghệ thuật thì đó là một cơ hội thực tế bổ ích cho chuyên môn của mình. Một không khí sôi động, một cảm giác phấn chấn, yên bình, thanh thản, một tâm trạng vui vẻ, và trong sâu thẳm lòng mình là một niềm tự hào lớn lao trước một không gian văn hoá đa màu, đa sắc của một nền văn hoá Việt Nam phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. Những hoạt động văn hoá này thực sự là một vườn hoa khoe sắc giữa lòng Thủ đô trong những ngày đầu xuân Kỷ Sửu.
 
Trịnh Thanh