Hoạt động nghiên cứu

Nghiệm thu đề tài Khoa học Công nghệ cấp Bộ mã số B2015-36-27 tại cơ sở

26 Tháng Mười Hai 2016

            BBT

 

Chiều ngày 23/12/2016, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã tiến hành nghiệm thu đề tài Khoa học Công nghệ cấp Bộ “Giải pháp nâng cao năng lực chuyên môn nghệ thuật cho đội ngũ giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật ở các trường Tiểu học và Trung học cơ sở miền Bắc Việt Nam đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông” (Mã số: B2015-36-27). Tham dự buổi nghiệm thu có các thành viên trong Hội đồng, chủ nhiệm và các thành viên nhóm thực hiện đề tài.  

 

Toàn cảnh Hội đồng nghiệm thu Khoa học Công nghệ cấp Bộ ở cơ sở

 

Theo Quyết định Hội đồng số 2550/QĐ-ĐHSPNTTW-KHCN ngày 28 tháng 11 năm 2016 của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, Hội đồng nghiệm thu cấp Cơ sở nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ cấp Bộ của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW được thành lập gồm có 07 thành viên, do PGS.TS. Nguyễn Phúc Linh (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) - Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS. Vũ Hướng (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) – Phản biện 1; PGS.TS. Trần Đình Tuấn – Phản biện 2; ThS. Lê Thị Hiền – Thư ký, Ủy viên; PGS.TS. Đinh Gia Lê – Ủy viên; TS. Bạch Thị Lan Anh - Ủy viên; ThS. Trần Thị Thảo - Ủy viên (Trường ĐHSP Nghệ thuật TW).

 

PGS.TS. Trịnh Hoài Thu - Chủ nhiệm đề tài trình bày Báo cáo tổng kết

 

 Tại Hội đồng nghiệm thu, PGS.TS. Trịnh Hoài Thu – Chủ nhiệm đề tài đã thay mặt các thành viên báo cáo tóm tắt kết quả công trình nghiên cứu với những nội dung như: thông tin kết quả nghiên cứu, tính cấp thiết của đề tài, mục tiêu, đối tượng – phạm vi nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu,... Ngoài ra, chủ nhiệm đề tài cũng giới thiệu khái quát các nội dung chính của công trình nghiên cứu, gồm: Cơ sở lý luận và thực tiễn; Đánh giá thực trạng chất lượng giáo dục nghệ thuật, năng lực chuyên môn nghệ thuật, các kỹ năng dạy học của giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật; Giải pháp và các điều kiện tổ chức thực hiện nâng cao năng lực chuyên môn nghệ thuật cho đội ngũ giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật ở các trường Tiểu học và Trung học cơ sở ở miền Bắc Việt Nam. Trong các nội dung nói trên, chủ nhiệm đề tài đặc biệt đi sâu vào nghiên cứu, phân tích vấn đề thực trạng, năng lực chuyên môn và kỹ năng dạy học của giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật. Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng đã đưa ra được những giải pháp và các điều kiện tổ chức thực hiện nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật ở các trường Tiểu học và Trung học cơ sở ở miền Bắc Việt Nam. Sau một năm thực hiện đề tài, công trình nghiên cứu đã được hoàn thành và có những đóng góp mới cho hoạt động giáo dục nghệ thuật như: tổng kết được kinh nghiệm dạy học nghệ thuật ở trường Tiểu học và Trung học cơ sở, đề xuất được 3 giải pháp, biên soạn được 4 chương trình bồi dưỡng cơ bản và nâng cao nhằm nâng cao năng lực chuyên môn nghệ thuật cho giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật ở các trường Tiểu học và Trung học cơ sở miền Bắc Việt Nam đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.

 

PGS.TS. Trần Đình Tuấn – Phản biện 2 nhận xét đề tài

 

 Sau khi nghe báo cáo, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đã lần lượt đưa ra ý kiến nhận xét, chỉ ra những ưu điểm cũng như những mặt còn tồn tại của nghiên cứu và đặt câu hỏi cho nhóm tác giả. Nhìn chung, Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá cao sự nghiêm túc, công phu của nhóm tác giả trong quá trình làm việc, đặc biệt là những kết quả có được qua quá trình thực nghiệm. Đây là đề tài có ý nghĩa khoa học và mang tính thực tiễn cao, đáp ứng yêu cầu của một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ. Nội dung các chương được triển khai logic, hợp lí, trích dẫn nguồn rõ ràng, các phương pháp nghiên cứu phù hợp và đặc biệt là có sự phân tích, so sánh với hệ thống giáo dục của một số nước trên thế giới,.... Bên cạnh đó, đề tài cũng còn một số hạn chế cần chỉnh sửa để nhiệm vụ nghiên cứu hoàn thiện hơn như: nên bổ sung thêm nội dung cho chương 1 để cân đối với chương 2 và 3, bổ sung phần năng lực, vai trò của giáo viên nghệ thuật để làm rõ hơn tính đặc thù của ngành, sửa các lỗi vi tính, … Ngoài ra, Hội đồng cũng đã có nhiều ý kiến trao đổi với nhóm thực hiện đề tài để công trình nghiên cứu được hoàn thiện. 

Kết thúc phần nhận xét, bước đầu Hội đồng nghiệm thu đã nhất trí thông qua đề tài và đề nghị các thành viên chỉnh sửa để chuẩn bị tốt cho lần nghiệm thu cấp Bộ tới đây.