Nội san

Xây dựng đời sống văn hóa trong học sinh, sinh viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam

14 Tháng Tám 2017

                    Đặng Anh Tuấn [*]

 

Trong sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay, vai trò của học sinh, sinh viên ngày càng nổi bật vì đây là nguồn nhân lực quan trọng của công cuộc đổi mới trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, cần xây dựng cho học sinh, sinh viên ngày nay có ý thức đạo đức tốt, có lối sống đẹp, và đặc biệt là phải có lý tưởng hoài bão, có ý thức tự lực, tự cường, cần tạo ra cho họ niềm tin vững chắc vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở đất nước ta. Đó là lý do quan trọng khiến chúng ta phải quan tâm tới việc xây dựng đời sống văn hóa nhằm tạo nên phẩm chất, góp phần hoàn thiện nhân cách cho học sinh, sinh viên - nguồn nhân lực quý giá của đất nước.

Nằm trong hệ thống các trường đại học và cao đẳng thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam là một trong những cái nôi, là trung tâm đào tạo âm nhạc và nghiên cứu khoa học lớn của cả nước. Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam có bề dày truyền thống với 60 năm xây dựng và trưởng thành (1956-2016), đã đào tạo rất nhiều các thế hệ nghệ sỹ cho đất nước, đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với những thành tích đạt được, Học viện đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba và Huân chương Hồ Chí Minh cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Trong quá trình phát triển và trưởng thành, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam hết sức coi trọng đến công tác xây dựng đời sống văn hóa cho cán bộ, giảng viên, đặc biệt là đội ngũ học sinh, sinh viên. Học viện luôn xác định xây dựng đời sống văn hóa cho cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên vừa là mục tiêu vừa là động lực để phát triển, tạo môi trường lành mạnh, văn minh, nếp sống có văn hóa để xứng đáng là một địa chỉ đáng tin cậy, một môi trường trong sáng, thân thương, là cái nôi của nền âm nhạc nước nhà. Tuy nhiên, hiện nay đất nước ta đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, kéo theo đó là văn hóa phương Tây du nhập dẫn đến môi trường văn hóa phần nào đã bị ảnh hưởng đến tư tưởng, đạo đức, lối sống của thế hệ trẻ. Nhận thức được điều đó, trong những năm qua Nhà trường đã tổ chức nhiều buổi sinh hoạt chính trị, nhiều hoạt động văn hóa, nhiều mô hình được thực hiện nhằm xây dựng đời sống văn hóa cho học sinh, sinh viên trong nhà trường được tốt hơn. Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục.

Sự du nhập và ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai đang diễn ra rất phức tạp. Ngoài những yếu tố tích cực thì lối sống thực dụng, đua đòi, sử dụng thuốc lắc, may túy đá, mại dâm, lối sống thiếu lành mạnh, không có ý chí vươn lên, nhận thức về tư tưởng chính trị lệch lạc, làm ảnh hưởng đến thuần phong mĩ tục của văn hóa dân tộc đang tác động đến một bộ phận không nhỏ các thế hệ trẻ nước ta. Vì vậy, cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng đời sống văn hóa cũng như môi trường văn hóa. Qua đó cần xác định xây dựng văn hóa, môi trường văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và liên tục. Đồng thời nêu cao vai trò gương mẫu, tiên phong của các tổ chức đoàn thể tham gia vào xây dựng đời sống văn hóa, nhất là các cán bộ chủ chốt. Hoàn thiện các thể chế văn hóa là nhiệm vụ đang được đặt ra hết sức cấp bách nhằm góp phần hạn chế những tiêu cực, thúc đẩy lối sống lành mạnh, định hướng về tư tưởng cho thế hệ trẻ, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong thời gian tới.

Trong đó cần tiếp tục hoàn thiện các nội quy, quy chế trong nhà trường để tạo ra một môi trường học tập lành mạnh, thu hút được các em học sinh, sinh viên tham gia vào các hoạt động chung trong nhà trường, xây dựng và mở rộng cơ sở vật chất đầy đủ và hiện đại hơn để nâng cao chất lượng giáo dục.

Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam là một ngôi trường có những đặc thù riêng, không giống các trường đại học, cao đẳng khác. Ở đây học sinh, sinh viên được đào tạo từ lúc còn nhỏ,  bao gồm nhiều lứa tuổi học sinh khác nhau. Đặc biệt, các em học sinh chủ yếu ở các tỉnh ngoài Hà nội phải sống xa gia đình, bố mẹ nên vai trò của Nhà trường là hết sức quan trọng trong việc chăm lo giáo dục, định hướng tư tưởng cho các em trong quá trình học tập. Chính vì vậy, xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa cho học sinh, sinh viên tạo Học viện cũng mang tính chất riêng biệt, đặc thùđể các em coi nhà trường như ngôi nhà thứ hai của mình. Ban giám đốc Học viện cần xây dựng kế hoạch các hoạt động văn hóa, giáo dục lòng nhân ái cho các em học sinh, sinh viên ngay từ nhỏ, từ lúc bắt đầu bước chân vào nhà trường. Muốn xây dựng văn hóa học đường ngày càng hoàn thiện cần sự quan tâm của các thầy cô giáo, các tổ chức Đoàn, Hội cũng như Ban quản lý Ký túc xá và gia đình, khi các em được chăm sóc, quan tâm thì sẽ tự tu dưỡng được bản thân, vượt qua những khó khăn của cuộc sống, sống hòa đồng với mọi người, từ đó dần hình thành cho các em bản lĩnh trong cuộc sống, có lối sống chan hòa với mọi người, chống chọi lại với những áp lực, cám dỗ. Hình thành nhân cách lối sống bao dung, thân thiện, gần gũi với môi trường xung quanh.Vận động toàn bộ cán bộ, giảng viên và học sinh, sinh viên tham gia hưởng ứng các phong trào văn hóa. Đặc biệt là phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”, tích cực thi đua học tốt, dạy tốt để thúc đẩy hoàn thiện nhân cách, lối sống cho học sinh, sinh viên.

Tăng cường đầu tư nguồn lực, Học viện là môi trường đào tạo, vì vậy chất lượng cán bộ, giảng viên luôn được đặt lên hàng đầu, quyết định đến sự phát triển, tương lai của Học viện. Có thể nói, đội ngũ giảng viên của Học viện là những người có chuyên môn cao, có ảnh hưởng trong môi trường âm nhạc. Những năm qua, nhà trường luôn đạt thành tích cao trong học tập, biểu diễn trong các cuộc thi quốc gia như: Em Nguyễn Đăng Quang, sinh viên đại học năm thứ nhất, đoạt giải Nhất cuộc thi Piano quốc tế Hà Nội, năm 2013. Em Nguyễn Thế Vinh, học sinh trung cấp năm thứ 8/9 đạt giải Nhì cuộc thi tài năng trẻ Steinway Việt Nam lần thứ hai năm 2014. Năm 2017, các em Lưu Đức Anh đoạt giả Đặ biệt cuộc thi Piano quốc tế tại Pháp, em Trần Minh Châu giải Nhất cuộc thi Piano tại Tây Ban Nha, đặc biệt năm 2017 em Trần Lê Quang Tiến, học sinh trung cấp 4/7 đạt giải “Trình diễn tác phẩm đương đại xuất sắc ” tại cuộc thi Violon danh giá mang tên Tchaikovsky được tổ chức tại Kazakhstan.

Đầu tư thêm các nguồn sách, gồm các loại sách chuyên ngành âm nhạc, bổ sung thêm các tạp chí, tài liệu khoa học, để các em đến đọc và trao đổi thông tin, kiến thức, trang bị các loai nhạc cụ mới đủ tiêu chuẩn để đáp ứng việc học và dạy ngày càng tốt hơn. Nâng cấp hệ thống máy tính đã hư hỏng, lạc hậu để các em vào đó truy cập tài liệu, đọc báo mạng với tốc độ nhanh và có hiệu quả hơn. Cần tổ chức rút kinh nghiệm theo định kỳ 3 năm một lần về kết quả thực hiện xây dựng đời sống văn hóa trong học sinh, sinh viên tại Học viện, qua đó tổng kết, đánh giá thực trạng để làm cơ sở xây dựng kế hoạch dài hạn và đồng bộ đời sống văn hóa tại Học viện.

      Phải tăng cường công tác giáo dục tư tưởng chính trị, nêu cao vai trò gương mẫu của các tổ chức đoàn thể, chính quyền mà ở đây là vai trò của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Phòng Chính trị quản lý học sinh, sinh viên, Ban quản lý Ký túc xá. Thường xuyên tổ chức sơ kết, đánh giá tình hình hoạt động để rút ra những kinh nghiệm trong quá trình thực hiện. Đánh giá những mặt đã làm được và những mặt chưa làm được để xây dựng phương hướng trong đợt thực hiện tiếp theo. Nhân rộng mô hình tập thể, cá nhân tiên tiến nhằm thúc đẩy phong trào thi đua trong toàn Học viện. Tổ chức các buổi đọa đàm giữa học sinh, sinh viên với lãnh đạo nhà trường và các cán bộ chuyên môn về các chế độ chính sách và nhu cầu ăn, ở, sinh hoạt của học sinh, sinh viên. Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các cuộc thi sinh viên tài năng, thanh lịch, những buổi sinh hoạt rèn luyện kĩ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử vv.. Đồng thời, mỗi học sinh, sinh viên cần phải nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của việc đề cao tính tự giác, tự giác học tập, bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng sống, tự rèn luyện mình trong quá trình học tập khi ngồi trên ghế nhà trường. Thực tế cho thấy khi có ý thức tự giác học tập thì kiến thức và nhận thức về cuộc sống cũng có nhiều thay đổi tích cực hơn, giúp con người trở nên hoàn thiện về nhân cách hơn. Chính vì vậy khi đã có ý thức tự giác học tập thì chắc chắn lối sống văn hóa của học sinh, sinh viên sẽ có những chuyển biến, nó trở thành thói quen và là bộ phận khăng khít trong đời sống hằng ngày. Từ đó, các em sẽ hình thành một ý thức tự lập, lối sống có nề nếp, có kỉ luật, có tinh thần phấn đấu, đoàn kết trong môi trường học tập, tạo ra môi trường sống văn hóa, văn minh, cách ứng xử tốt đẹp.

Có thể nói, công tác xây dựng đời sống văn hóa nói chung và xây dựng đời sống văn hóa cho học sinh, sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nói riêng là cả một quá trình lâu dài, bền bỉ không phải thực hiện trong ngày một ngày hai mà đòi hỏi cần có những bước đi cơ bản, có định hướng rõ ràng. Sự tác động của nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến việc xây dựng đời sống văn hóa hiện nay chưa đạt hiệu quả cao. Từ đó đề ra các biện pháp, chủ trương cụ thể và rõ ràng, tăng cường giáo dục nhận thức, hoàn thiện các thể chế, đầu tư nguồn lực cũng như đổi mới phương thức xây dựng đời sống văn hóa với mục đích tạo ra môi trường thực sự văn hóa, hình thành nhân cách các em học sinh, sinh viên ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, giúp các em trưởng thành về mọi mặt để làm hành trang bước vào đời, là những người có ích cho xã hội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Những vấn đề lý luận và thực tiễn về đời sống văn hóa, môi trường văn hóa, (2015),Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội

2.      Nghị quyết Trung ương 9 khóa 11, Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước

3.      Nguyễn Hữu Thức(2009),Về cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Nxb Từ điển Bách khoa và Viện Văn hóa, Hà Nội

4.      Tài liệu tập huấn cán bộ phụ trách công tác tư tưởng- văn hóa, (2015), Bộ Giáo dục và Đào tạo.

____________________________

[*] Lớp Cao học k3– Chuyên ngành Quản lí Văn hóa