Nội san

Vài nét về lễ hội đền Đại Cại, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái

15 Tháng Tám 2017

Hứa Xuân Thắng [*]

           

Di tích lịch sử văn hóa là những di sản văn hóa quý báu của mỗi dân tộc, mỗi địa phương cũng như của cả nhân loại. Và là những dấu vết, dấu tích còn lại của quá khứ, phản ánh những biến cố, những sự kiện lịch sử văn hóa hay nhân vật qua các thời kỳ lịch sử. Di tích lịch sử văn hóa còn là chứng tích, là tư liệu sống để các thế hệ mai sau tìm hiểu, nghiên cứu về các thời kỳ lịch sử đã đi qua, từ đó giáo dục thế hệ trẻ truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc.

Trong rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh Yên Bái, chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc về đền Đại Cại thộc Xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái với những nét đặc sắc của lễ hội tại đây.

Đền Đại Cại có từ ngàn xưa do nhân dân lập nên thờ bà chúa quân lương thành nhà Bầu Vũ Thị Ngọc Anh (Tên tựa là Ngọc Nữ Huỳnh Dung). Theo dân gian và sử sách truyền lại, đền Đại Cại có từ thời Lê do nhân dân xã Lâm Hạ (nay là xã Tân Lĩnh), tổng Lâm Trường Hạ, Châu Lục Yên, phủ Yên Bình, trấn Tuyên Quang tạo dựng. Mỗi năm cứ vào ngày rằm tháng giêng, hàng nghìn người dân trong vùng, trong nước đến đền Đại Cại thắp hương cầu bà chúa Bầu họ Vũ phù hộ cho mùa màng tốt tươi, buôn bán, làm ăn phát đạt.

Theo sách Kiến văn tiểu lục của nhà sử học Lê Quí Đôn thời vua Chiêu Tông (1516 - 1522), Mạc Đăng Dung nổi lên chống triều đình nhà Lê, xây dựng căn cứ thành nhà Mạc ở xứ Tuyên Quang. Vua Lê Chiêu Tông cử Vũ Văn Mật, người ở huyện Gia Phúc (Nay là Gia Lộc tỉnh Hưng Yên) dấy binh ở suối Khổng (lập Thạch, Vĩnh Phúc) thu thập binh mã kéo lên vùng châu Thu Vật (Nay thuộc huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái). Tại vùng này, ông tổ chức cho xây dựng thành Nhà Bầu bao gồm: thành Nghị Lang ở Lương Sơn - Lục Yên; thành Cát Tường ở Khánh Vân - Lục Yên; thành Bắc Pha ở xã Đà Dương - Lục Yên; thành Bình Ca ở Hàm Yên (Tuyên Quang); thành Việt Tĩnh ở Diên Gia - Châu Thu (Lục Yên - Yên Bình - Yên Bái). Khi đó bà Vũ Thị Ngọc Anh là con nhà dòng dõi tướng lĩnh, tinh thông văn võ lại am hiểu nghề nông. Tướng quân Vũ Văn Mật tiến cử bà với nhà Vua và được vua Lê phong chức phó tướng, phụ trách quân lương hậu cần. Với trọng trách của mình, bà đã giữ trọn việc quân lương ở vùng núi non hiểm trở - nơi sinh sống của hầu hết dân là đồng bào dân tộc thiểu số trình độ canh tác thấp. Trong bối cảnh ấy, bà chúa Bầu họ Vũ đã đem kinh nghiệm canh tác ở miền xuôi lên; phổ biến cho bà con miền núi và quân binh trong vùng khai hoang ruộng nước, trồng bông dệt vải. Hàng chục cánh đồng ở châu Lục Yên, châu Thu Vật đều có công của bà chỉ bảo dân - binh khai khẩn định cư trồng bông, làm lúa nước. Bà đã cùng tướng công Vũ Văn Mật xây dựng nên một hệ thống thành nhà Bầu rộng khắp. Trong thành đều có nơi luyện tập binh mã. Bà cũng là người trực tiếp luyện quân, tập binh để bổ sung lực lượng. Sau khi dẹp xong nhà Mạc, tướng Vũ Văn Mật được Vua Lê phong “Quốc Công An Tây Vương”. Còn bà Vũ Thị Ngọc Anh, một nữ tướng luôn bên cạnh Quốc công Vũ Văn Mật; có nhiều công lao trong xây dựng căn cứ và dạy dân trồng lương thảo được bà con trong vùng tôn từ như: “Bà chúa lương”, “Bà chúa kho”, “Bà chúa Bầu”, “Bà Anh thần nông”. Đồng bào địa phương còn gọi bà là “Bà Bụt” khi cúng bà trong các hội xuống đồng.

Giờ đây với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, huyện Lục Yên đã đầu tư tôn tạo đền Đại Cại; và cứ vào rằm tháng giêng hàng năm tổ chức lễ dâng hương và các hoạt động lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc để tưởng nhớ công ơn truyền lưu một thời.

Dưới thờ Tự Đức, để cho việc lễ bái của dân chúng được thuận tiện. Đền Đại Cại được chuyển sang Gò Đền đối diện nơi cũ ở gò Đại Mạo bên tả ngạn ngòi Đại Cại, Miếu Hắc Y vì đổ nát (bằng đất nung) nên cũng nhập vào thờ với Đền Đại Cại. Đầu đời Khải Định (1916 - 1925), đền dời đến vị trí hiện nay. Năm Tân Mùi (1931) đền được dân, chức dịch và khách thập phương xây gạch, bằng tiền công đức.

Trải qua thời kháng chiến chống Pháp đền bị bỏ hoang, thiên nhiên xâm thực, đền xuống cấp nghiêm trọng, cỏ ngập rêu phong, đồ thờ thất tán, phủ Miếu Vũ Thị Ỏn chìm ngập dưới mặt nước khi nước Sông Chảy dâng cao. Năm 1991, bà Bùi Thị Hằng quê ở Vụ Bản (Nam Định) tới, đưa Đền lên cao tu bổ, khôi phục và khách thập phương lại về cúng bái…

Đền Đại Cại trước đây thờ Phật Tam thế, Tam tòa Vương Quốc Mẫu, nhưng ngày nay Phật Tam thế được ngự riêng tại một ngôi Chùa ngay bên hữu đền cùng với một gian riêng thờ “Phật Dược Sư” và sau ngôi Đền này, dân chúng cũng lập lại ngôi Miếu thờ thần Hắc Y, trước mặt Đền và thấp hơn một chút là Động Sơn Trang.

Đền Đại Cại có đủ các đồ thờ tự như bát nhang sứ, đồng, ngai thờ sơn son thếp vàng, đều có chạm trổ tứ quý làm từ gỗ tứ quý như chò chỉ, vàng tâm, lõi thọ, đinh hương. Ðặc biệt, những tảng đá kê cột đền được chạm trổ hình mặt trăng, hoa sen, lá đề, mỗi tảng nặng hơn 100 kg. Ðền có chiêng đồng, chuông đồng, có sắc phong. Ngôi đền có kiến trúc đồ sộ, các chân tảng kê cột loại lớn có đường kính tới 45cm, loại nhỏ 32cm để đỡ các cột nách, cột lòng, hậu cung thờ Tam tòa Vương Quốc Mẫu, ban công đồng, và ban thờ bà Vũ Thị Ỏn (tức Vũ Thị Ngọc Anh) cùng hai bà hầu là Vi Thị Cẩm và Vũ Thị Thanh. Sau khi tu bổ lại thì ngoài bái đường đặt thêm ban bên hữu hai vị “Hộ Quốc Công Thần” (Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật).

 Lễ hội đền Đại Cại được tổ chức vào ngày 15 - 16 tháng Giêng hằng năm. Nhân dân các dân tộc xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên lại mở lễ hội Đền Đại Cại để tưởng nhớ các vị hiền nhân đã có công khai sơn, phá thạch, xây thành, lập lũy bảo vệ vùng biên cương phía Bắc của Tổ quốc. Rạng sáng 11/2 (tức 15 tháng Giêng) đã có hàng nghìn du khách thập phương đổ về nhà Đền Đại Cại để tham gia lễ khai hội, lễ tụng kinh niệm phật, lễ cúng thiên địa, cầu an, cầu mùa… cầu cho quốc thái dân an. Bên cạnh đó, du khách còn tham gia chương trình giao lưu văn nghệ, thể thao và hòa trung với nhịp điệu vui tươi trong đêm lửa trại; tham gia chương trình thả đèn hoa đăng bên bờ dòng sông Chảy;

Trong ngày lễ hội, bên cạnh những môn thể thao hiện đại không thể thiếu những trò chơi đậm bản sắc của đồng bào nơi đây. Ngay sau lễ rước, dòng sông ngay trước cửa đền đã vang động tiếng trống thôi thúc các vận động viên đua thuyền tranh tài. Chiếc thuyền độc mộc này là phương tiện đi lại không thể thiếu của đồng bào Tày, đồng bào Dao của các xã dọc theo sông Chảy như Tân Lĩnh, An Lạc. Bơi thuyền đạp chân như bẩm sinh trong mỗi chàng trai, cô gái ở đất này và ai được tham gia cuộc đua này cũng lấy làm tự hào lắm.

Kết thúc cuộc đua trên sông, cũng vừa khi sương sớm tan hết, nắng lên đủ để trai làng, gái bản và du khách nhìn rõ vòng còn. Cây nêu cao vút dựng lên ngay giữa sâu khấu nhà đền, vòng còn nhỏ nhoi thách thức những người chơi điệu nghệ và những quả còn tíu tít qua lại như muốn nói lên ước vọng và tinh thần vượt lên khó khăn của mỗi người dân vùng cao.

Trong Hội đền Đại Cại, kéo co cũng là môn thi đấu không thể thiếu. Nhưng vui hơn ở đây là cuộc thi tài giữa các thôn của xã Tân Lĩnh – một địa bàn được coi là có trường luyện binh, là nơi sản xuất lương thực nuôi quân của Phó tướng Vũ Thị Ngọc Anh năm xưa. Những người tham gia các đội chơi này đã thể hiện bề dày truyền thống lịch sử của vùng đất thiêng. Đặc biệt thú vị là ở môn đánh quay. Ở sân chơi này, những con quay được người chơi đẽo gọt công phu, nhiều con quay gắn bó với họ trong nhiều cuộc chơi ở thôn bản. Người chơi cũng thật giỏi giang khi đánh thật trúng quay đối phương để vào những vòng trong để rồi xứng đáng nhận phần thưởng từ ban tổ chức.Cũng như môn kéo co, sân đấu vật trống thúc liên hồi giục giã các đô vật là các chàng trai người Tày, người Kinh, người Dao vào xới. Sức khỏe, sự khôn khéo, nhanh nhẹn thể hiện trong từng miếng lừa, thế tấn, bước ra vào mạnh mẽ. Tiếp sau là môn đẩy gậy – một môn thi đấu đòi hỏi sức khỏe và kỹ thuật cao. Tuy không có nhiều vận động viên, nhưng việc đưa vào thi đấu như khẳng định rằng đây là môn thể thao mũi nhọn của các địa phương vùng cao ở huyện Lục Yên thuộc tỉnh Yên Bái. Ngoài các môn thể thao này, tùy theo quy mô Lễ hội hàng năm mà địa phương còn tổ chức thi đấu bóng chuyền, cờ tướng, bắn nỏ và một số môn khác.

Đền Đại Cại có vị trí thuận lợi cho du khách ghé thăm. Đến chiêm bái đền Đại Cại, khách hành hương sẽ được ngắm cảnh sơn lâm hùng vĩ, tìm hiểu lịch sử, phong tục tập quán bản địa. Nhiều điều vừa bí ẩn ở miền “Biên Viễn”  vừa mới mẻ của quần thể di tích Hắc Y – Đền Đại Cại đang chờ du khách khám phá.

Với sự phát triển của cuộc sống hối hả của sự Công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa dân tộc ở những quy mô khác nhau. Nhiều di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng, tu bổ và tôn tạo; nhiều cổ vật, di vật được bảo vệ; lễ hội truyền thống, diễn xướng, trò chơi dân gian, thuần phong, mỹ tục được lưu giữ và phát triển. Tuy nhiên, do những điều kiện khách quan như sự biến thiên về thời gian, thiên tai, chiến tranh… và một số điều kiện chủ quan như tư tưởng, nhận thức về di sản văn hóa của một số vùng miền địa phương nên những di sản văn hóa đang có nguy cơ bị mai một. Đền Đại cại và Lễ hội đền Đại Cại cũng không nằm ngoài tác động của sự phát triển như vậy. Thiết nghĩ với những giá trị về di tích và lễ hội vốn có, đền Đại Cại rất cần được quan tâm quản lý để vừa được phát huy lại vừa được bảo tồn những giá trị văn hóa vốn có trong xu thế hội nhập hiện nay.

 

 

Tài liệu tham khảo

 

1.    Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lục Yên (2005), Lịch sử Đảng bộ huyện Lục Yên. Xuất bản tại công ty cổ phần in - Bộ Công nghiệp.

2.    Ban Chấp hành Đảng bộ xã Tân Lĩnh (2009), Lịch sử Đảng bộ xã Tân Lĩnh (1930 - 2007). Xuất bản tại công ty cổ phần in Yên Bái.

3.    Hồ Văn Thái, Nguyễn Liễn (2005)  Đền, Chùa, Đình ở tỉnh Yên Bái,
xuất bản  tại Xí nghiệp in tỉnh Yên Bái.

4.    Sở Văn hóa, thông tin Yên Bái (2008) Di tích lịch sử - Khảo cổ học Hắc Y, xuất bản  tại công ty CP in và Quảng cáo Đông Đô.

5.    Tỉnh ủy - Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái  (2003), tỉnh Yên Bái một thế kỷ (1900 - 2000), xuất bản tại xưởng in ĐHSP - Đại học quốc gia Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k3– Chuyên ngành Quản lí Văn hóa