Nội san

Giải pháp phát huy giá trị đối với di tích đền thờ các vị vua nhà Lý ở thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh trong thời gian tới

15 Tháng Tám 2017

 Nguyễn Thị Xuyến [*]

 

Cho đến nay, hoạt động quản lý Nhà nước về Di sản văn hóa (DSVH) và phát huy các giá trị lịch sử, văn hoá của đền Đô luôn được lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và UBND thị xã Từ Sơn quan tâm. Ban quản lí di tích (BQL DT) đền Đô đã chủ động triển khai tích cực và có hiệu quả các hoạt động như: công tác khảo sát, kiểm kê di tích và di vật; hoạt động trùng tu, tôn tạo các đơn nguyên kiến trúc trong khu di tích; hoạt động phát huy giá trị thông qua hoạt động truyền thông và đón tiếp khách tham quan... Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức và thực hiện, BQL DT đền Đô vẫn còn một số tồn tại cần được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với đặc điểm tình hình của khu di tích. Do vậy, trong thời gian tới cần phải có các giải pháp góp phần hiệu quả cao trong quá trình quản lý tại khu di tích đền Đô.

1. Nhóm giải pháp về tổ chức bộ máy và việc chỉ đạo triển khai các văn bản pháp quy

 Tuyển dụng, kiện toàn và đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên

Thực thế cho thấy, các lĩnh vực muốn hoạt động có hiệu quả đều phụ thuộc vào bộ máy, cơ cấu tổ chức và sự vận hành của nó. Do đó đòi hỏi cần có một đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực thực sự mới đủ khả năng để nghiên cứu, bảo vệ và phát huy giá trị của khu di tích theo đúng khoa học chuyên ngành. Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của BQL DT Đền Đô này là cần xây dựng đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, có chất lượng về chuyên môn, nghiệp vụ.

Cán bộ khi được tuyển dụng vào làm việc tại BQL DT Đền Đô ngoài việc phải đáp ứng tiêu chí cần có là tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành di sản văn hóa còn cần phải học qua các lớp đào tạo nghiệp vụ về Quản lý Nhà nước về văn hóa... Thông qua đó, cán bộ nhân viên của BQL DT Đền Đô được trang bị các kiến thức về Luật DSVH, lý luận và kỹ thuật tu bổ, tôn tạo di tích.

Bên cạnh đó, những người làm công tác thủ từ tại khu di tích cũng phải được trang bị những kiến thức cơ bản về di tích, về Luật DSVH và hiểu biết về các hoạt động quản lý của di tích đền Đô.

BQL DT đền Đô cần xin chủ trương để thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ, nhân viên làm việc tại BQL DT đền Đô để cập nhật kiến thức mới về nghiệp vụ cũng như công tác quản lý.

Để các hoạt động tổ chức và quản lý tại khu di tích đạt hiệu quả, trước hết là các cán bộ, nhân viên có trình độ chuyên môn cao mới có thể tham mưu đúng và trúng cho lãnh đạo BQL DT đền Đô và các cơ quan cấp trên. Vì vậy, BQL DT đền Đô cần kiến nghị UBND tỉnh Bắc Ninh và UBND thị xã Từ Sơn tăng cường cán bộ biên chế cho BQL DT đền Đô có chuyên môn, nghiệp vụ di sản văn hóa.

1.2. Tăng cường thực thi các văn bản vào cuộc sống

Từ hoạt động thực tiễn cho thấy cần phải nâng cao chất lượng hoạt động của BQL DT Đền Đô, xây dựng quy chế phân cấp quản lý DT LSVH của thị xã Từ Sơn trên cơ sở quyết định của UBND tỉnh Bắc Ninh. Trên cơ sở đó, lãnh đạo thị xã Từ Sơn cần tham mưu cho cấp tỉnh trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đối với hoạt động tổ chức, quản lý của BQL DT đền Đô. Đồng thời, tổ chức mở các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên môn về lĩnh vực DSVH, triển khai phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo tồn DT LSVH như: các nghị định, thông tư… dành cho đối tượng là cán bộ, nhân viên của BQL DT và cán bộ phụ trách VH&TT cấp thị xã, cấp phường, từ đó làm cho Luật DSVH và các văn bản pháp quy thực sự đi vào đời sống văn hóa xã hội đương đại. UBND tỉnh Bắc Ninh cần xây dựng văn bản hướng dẫn cấp huyện và BQL DT đền Đô trong việc tu bổ và tôn tạo tại khu di tích để không bị sai phạm trong quá trình trùng tu tôn tạo. 

2. Nhóm giải pháp bảo tồn giá trị di tích khu lăng mộ và Đền Đô

 Xây dựng chương trình kế hoạch ngắn hạn, dài hạn về hoạt động tu bổ, tôn tạo

Việc xây dựng kế hoạch ngắn hạn, dài hạn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của BQL DT đền Đô, do đó đơn vị này cần chủ động lập kế hoạch tu bổ, tôn tạo di tích nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của khu di tích trong 5 đến 10 năm tiếp theo. Từ đó đưa ra kế hoạch thực hiện cụ thể và phù hợp với tình hình thực tế của khu di tích.

BQLDT đền Đô cần có các phương án dài hạn trong việc xây dựng và triển khai các dự án nhằm bảo vệ và phát huy giá trị DSVH của khu di tích lăng mộ và đền Đô trong thời gian tới như: Phối hợp với các cơ quan chức năng từ Trung ương đến cấp thành phố, huyện tiến hành lập dự án thí điểm quy hoạch tổng thể khu vực III của khu di tích, thực hiện dự án về chương trình đầu tư trọng điểm cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị của khu di tích quốc gia đặc biệt này.

Đối với BQLDT đền Đô, việc lập kế hoạch ngắn hạn cho từng năm, từng thời điểm là rất quan trọng, cần gắn các kế hoạch đó với các sự kiện của thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh và đất nước. Trong kế hoạch ngắn hạn cần xác định được các hạng mục kiến trúc trong khu di tích cần tu bổ, tôn tạo với mức kinh phí cụ thể để trình UBND thị xã Từ Sơn và UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt và triển khai. Ngoài ra, cần tập trung thực hiện việc đẩy nhanh tiến độ tu bổ, tôn tạo các hạng mục công trình đang và chuẩn bị thi công theo đúng tiến độ đã đề ra.

Từ nay đến năm 2020, lãnh đạo UBND thị xã Từ Sơn và BQLDT đền Đô cần hoàn thành quy hoạch tổng thể khu di tích này với 03 khu vực bảo vệ rõ ràng và sớm ban hành cơ chế quản lý và giao từng phần tự chủ cho đơn vị này, đặc biệt là vấn đề thu chi tài chính. Đồng thời, cần công khai thủ tục, trình tự lập và thẩm định cũng như phê duyệt các dự án tôn tạo khu di tích theo tinh thần của Nghị định 70/2012/NĐ-CP.

Tăng cường công tác bảo vệ di vật, cổ vật, đồ thờ

            Để công tác bảo vệ đi vào nề nếp, có hiệu quả, BQLDT đền Đô cần quan tâm chú trọng đến một số vấn đề như: cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của BQLDT đền Đô; nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp. Do đó tổ chức các buổi hội thảo chuyên ngành về hoạt động quản lý và khai thác giá trị tại khu di tích. Qua đó định hướng cho công tác bồi dưỡng chuyên ngành quản lý, bảo tồn và khai thác sử dụng DSVH đối với cán bộ nhân viên BQLDT đền Đô, phòng VH&TT, Trung tâm VH&TT, UBND phường Đình Bảng. Giao trách nhiệm cụ thể cho các vị trí công tác đối với từng cán bộ, nhân viên tại BQLDT đền Đô trong việc bảo vệ các di vật, hiện vật, đồ thờ cúng ở khu di tích. Thực hiện tốt việc rà soát, kiểm kê, đăng ký toàn bộ di vật, hiện vật, đồ thờ cúng tại khu di tích này theo quy định.

2.3. Tăng cường công tác tổ chức và quản lý lễ hội

Hàng năm xây dựng kế hoạch tài chính chi cho hoạt động lễ hội như: Chi cho hoạt động thực hành nghi thức nghi lễ; chi cho công tác quảng bá, tuyên truyền; chi giải thưởng cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao... Bên cạnh đó, cần chú trọng và đề cao công tác xã hội hóa (XHH) thực hành lễ hội bằng cách tự người dân đóng góp kinh phí, nhân tài, vật lực cho tổ chức lễ hội, sử dụng tốt nguồn vốn thu được qua dịch vụ để tái đầu tư, tôn tạo vào khu di tích, ngăn ngừa xu hướng thương mại hóa lễ hội. Gắn việc tổ chức lễ hội truyền thống với việc bảo vệ cảnh quan môi trường, giữ gìn phong tục, tập quán tốt đẹp của người dân Đình Bảng. Động viên tuyên truyền giáo dục người dân về pháp luật trong sinh hoạt về lễ hội, về những gì làm được và không làm được trong thực hành lễ hội, về cái hay, cái đẹp, cái xấu, cái giở... để người dân tự giác hướng theo cái đẹp, phù hợp với thuần phong, mỹ tục, được pháp luật cho phép và tránh xa các tệ nạn xã hội.      

           

 Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, khen thưởng và xử lý vi phạm kịp thời

Xây dựng kế hoạch cụ thể về thanh tra, kiểm tra ngắn, dài hạn một cách thường xuyên trong việc chấp hành thực hiện theo Luật DSVH, thực hiện việc tu bổ, tôn tạo di tích theo Nghị định 70/2012/NĐ-CP. Thanh tra, kiểm tra việc thu, chi và sử dụng nguồn kinh phí cấp theo chương trình, mục tiêu chống xuống cấp tại khu di tích đền Đô.

Xây dựng mạng lưới cộng đồng, đề cao vai trò của Ban Thanh tra Nhân dân cấp thị xã, trong đó có đại điện của phường Đình Bảng tham gia trong việc thanh, kiểm tra các vi phạm tại khu di tích đền Đô.

Công tác thi đua khen thưởng và xử lý vi phạm cần phải được làm thường xuyên, định kỳ theo từng quý, 6 tháng, một năm, hoặc theo vụ việc. Qua đó, có thể tuyên truyền, động viên, khích lệ hoặc răn đe kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm tới khu di tích, đồng thời nâng cao trách nhiệm tham gia bảo vệ và phát huy giá trị của khu di tích ngày hiệu quả cao hơn.

3. Nhóm giải pháp phát huy giá trị di tích khu lặng mộ và Đền Đô

 Tuyên truyền, xây dựng và áp dụng mô hình giáo dục truyền thống

BQL DT đền Đô cần xây dựng các mô hình giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ tại đây như: Tổ chức cho học sinh tham quan và mở các lớp học tại khu di tích... Đây được coi là bài học ngoại khóa trong chương trình học tập môn lịch sử. Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về nhà Lý và công trạng của các vị vua Lý; phát động các cuộc thi tìm hiểu về thời đại nhà Lý và khu di tích đền Đô để các thế hệ học sinh có tầm hiểu biết nhiều hơn về thời đại nhà Lý ở thế kỷ XI; khuyến khích các đơn vị, trường học, chi bộ Đảng cơ sở tổ chức các sự kiện quan trọng tại khu di tích…  Đây chính là cách giáo dục truyền thống và đem lại hiệu quả đối với đông đảo học sinh và quần chúng nhân dân. Việc tuyên truyền cho nhiều đối tượng khác nhau với nhiều hình thức như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng internet, các hoạt động ngoại khóa của các trường học thuộc các cấp ở thị xã Từ Sơn nói riêng và tỉnh Bắc Ninh nói chung.

 Quảng bá hình ảnh và giá trị của khu di tích

Việc thu hút khách tham quan là một trong các hình thức quan trọng của việc quảng bá, giới thiệu và phát huy giá trị của di tích đền Đô, bởi nó có mục đích rõ ràng về mặt chính trị, có dẫn chứng chính xác về mặt khoa học. Khách tham quan đến có thể cảm nhận ngay được cái hay, cái đẹp và nhận diện được về giá trị, lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ một cách trực diện, trực tiếp và đạt hiệu quả. Do vậy, các tuors, tuyến, điểm du lịch không chỉ giới thiệu các di tích đã được biết đến nhiều. Đồng thời cần đưa vào các tuor du lịch khác mới lạ, hấp dẫn, phong phú về tâm linh, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng, du lịch theo dấu chân các làng quê để hưởng thụ văn hóa ẩm thực, cảnh sinh hoạt lễ hội tại khu di tích này. Bởi vì bản thân khu di tích là một công trình, sản phẩm riêng lẻ, đặc biệt.

 Khai thác các giá trị tại khu di tích gắn với phát triển du lịch

Việc phát triển kinh tế du lịch dựa trên hệ thống DT LSVH ở thị xã Từ Sơn, trong đó trọng điểm là khu di tích lăng mộ và đền Đô hiện vẫn ở dạng tiềm năng chưa khai thác hết. Để có thể phát huy được tiềm năng ấy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan văn hoá, BQL DT đền Đô và các công ty lữ hành du lịch trong và ngoài Từ Sơn phối hợp tổ chức các hoạt động văn hoá du lịch nhằm bảo vệ và khai thác hiệu quả nhất đối với khu di tích lăng mộ và đền Đô (thiết lập các tour du lịch gắn kết khu di tích đền Đô này thành một điểm tham quan trong điểm của thị xã Từ Sơn như làng nghề chạm khắc gỗ Phù Khê...). Tập trung nghiên cứu tìm hiểu nhu cầu của du khách và tổ chức các dịch vụ cung ứng, tăng cường đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên của BQLDT đền Đô có nghiệp vụ chuyên môn.

BQLDT đền Đô cần tham mưu cho UBND thị xã Từ Sơn đề nghị Sở VH,TT&DL tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo phòng du lịch cùng phối hợp với các công ty lữ hành ở Bắc Ninh đưa khu di tích đền Đô thành điểm tham quan trong các tour du lịch Hà Nội - Từ Sơn - Bắc Ninh... Gắn công tác quản lý với công tác phát triển dịch vụ - du lịch tại khu di tích. Khảo sát giá trị tiêu biểu của khu di tích đền Đô gửi đến các công ty du lịch để họ lựa chọn và thiết lập các tour du lịch phù hợp.

 Chính sách đầu tư và thu hút đầu tư, đẩy mạnh XHH hoạt động bảo tồn di sản

Trong những năm qua, khu di tích đền Đô ngày một được tôn tạo khang trang, là đơn vị được đánh giá cao trong việc huy động nguồn vốn cho việc đầu tư tu bổ, phục hồi di tích. Tuy nhiên, đến nay quy chế quy định về chính sách hỗ trợ bảo vệ DSVH và việc thu hút vốn đầu tư vẫn chưa được thực hiện triệt để. Chính vì vậy đã hạn chế việc huy động nguồn vốn từ các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp có khả năng tham gia.

Trong những năm tới, BQLDT đền Đô cần tiếp tục phát huy tốt hơn nữa sức mạnh của toàn dân trong công tác tu bổ, tôn tạo tại khu di tích theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm, vận động sức dân là chính”, BQLDT đền Đô cần xây dựng các đề án XHH các hoạt động quản lý và chuyên môn. Nội dung XHH theo từng giai đoạn và bao gồm nhiều vấn đề như: 1/XHH về bảo vệ di tích nhằm huy động mọi tầng lớp nhân dân tham gia vào việc giữ gìn, bảo vệ khu di tích tiến tới xóa bỏ được tình trạng xâm phạm, lấn chiếm khu di tích; 2/XHH việc tu bổ, tôn tạo để huy động nhân dân đóng góp ủng hộ công sức, tiền của cho việc tôn tạo khu di tích; 3/XHH về tuyên truyền, giới thiệu về khu di tích đền Đô. Bên cạnh đó, cần chú trọng đến XHH việc hưởng thụ các giá trị văn hóa, mọi người dân đều được hưởng thụ các giá trị từ khu di tích đem lại.

Cần có cơ chế và chính sách thích đáng, phù hợp khuyến khích về mặt vật chất và tinh thần đối với các cá nhân, tổ chức khi đóng góp nguồn vốn vào tu bổ tại khu di tích.

Kết luận

Qua nghiên cứu, khảo sát thực tế về công tác tổ chức và quản lý tại khu di tích lăng mộ các vị vua Lý và Đền Đô ở phường Đình Bảng cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được còn có một số tồn tại cần được khắc phục trong cơ cấu tổ chức, các khâu quản lý như tu bổ, tôn tạo; phát huy giá trị; thanh tra, kiểm tra các vi phạm… Các giải pháp cụ thể về các mặt như cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý; công tác quản lý nhằm gìn giữ; công tác quản lý nhằm phát huy giá trị di tích đã giải quyết những mặt còn tồn tại và nâng cao hiệu quả công tác quản lý tại khu di tích này. Các giải pháp nêu trên sẽ góp phần vào việc phát huy các giá trị của khu di tích quốc gia đặc biệt này trong thời gian tới.

 

                            Tài liệu tham khảo

1.    Ban quản lý di tích Đền Đô (2016), Báo cáo tổng kết công tác quản lý di tích lăng mộ và đền thờ các vị vua Lý năm 2016, Bản đánh máy lưu hành nội bộ, Đình Bảng.

2.    Ban quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh (2014), Hồ sơ khoa học xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt khu di tích lăng mộ các vị vua nhà Lý và Đền Đô ở thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, Bắc Ninh.

3.    Quyền Minh Hoàng Phương (2016), “Quản lý di sản văn hóa vương triều Lý ở thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh”, Luận văn Thạc sĩ Quản lý văn hóa, Trường đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k3– Chuyên ngành Quản lí Văn hóa