Nội san

Biện pháp rèn luyện kỹ năng thể hiện những bài “Hát cho trẻ nghe” ở trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn

17 Tháng Tám 2017

                                                                        Đỗ Thị Lê [*]

 

Nghe nhạc, nghe hát là một hoạt động quan trọng trong chương trình giáo dục âm nhạc ở trường mầm non, là cơ sở để trẻ học hát, vận động và chơi theo nhạc. Các tác phẩm dùng cho trẻ nghe nhạc, nghe hát rất phong phú, trẻ không chỉ được nghe các bài hát mầm non quen thuộc mà còn được nghe rất nhiều bài “Cô hát cho trẻ nghe”. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi đề cập đến sự cần thiết trong việc học những bài “Cô hát cho trẻ nghe”, thực trạng dạy  học, từ đó đưa ra một số biện pháp rèn luyện kỹ năng thể hiện những bài “Cô hát cho trẻ nghe” cho Sinh viên (SV) Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Mầm non ở trường CĐSP Lạng Sơn. 

1. Sự cần thiết của việc học những bài “Cô hát cho trẻ nghe” đối với SV CĐSP Mầm non

            Qua nghiên cứu ý nghĩa của hoạt động “Cô hát cho trẻ nghe” ở trường mầm non cho thấy, mỗi giáo viên (GV) mầm non cần có những kỹ năng nhất định để thực hiện hoạt động này đạt hiệu quả. Vậy, đó là kỹ năng gì?

Thứ nhất, kỹ năng hát: là kỹ năng cơ bản cần có đối với mỗi GV mầm non đó là: tư thế, hơi thở, hát chính xác, hát rõ lời, thể hiện sắc thái…

Thứ hai, kỹ năng tổ chức các hoạt động cho trẻ nghe hát. Dựa trên nội dung nghe nhạc, nghe hát trong trường mầm non, kết hợp với các kỹ năng hát cơ bản của bản thân, GV lựa chọn các hình thức phù hợp để tổ chức các hoạt động nghe nhạc, nghe hát cho trẻ.

            Với những yêu cầu về các kỹ năng nói trên cho thấy, việc học những bài “Cô hát cho trẻ nghe” đối với SV CĐSP mầm non là rất cần thiết. Điều này được thể hiện ở những điểm sau:

Trước hết, học những bài “Cô hát cho trẻ nghe” SV sẽ được cung cấp những hiểu biết về các bài hát, các kỹ năng hát cơ bản để thể hiện bài hát. Từ đó, SV có thể thể hiện được các bài hát trong chương trình quy định theo đúng nội dung tư tưởng, nghệ thuật của tác phẩm, đáp ứng yêu cầu của phân môn Hát nói riêng và môn Âm nhạc nói chung, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo SV CĐSP Mầm non, đồng thời, giúp cho SV có các kỹ năng khi tham gia các hoạt động ngoại khóa, hoạt động văn hóa, văn nghệ do khoa và nhà trường tổ chức.

Sau khi tốt nghiệp, “Cô hát cho trẻ nghe” sẽ là một trong những nội dung quan trọng trong việc tổ chức hoạt động cho trẻ nghe nhạc, nghe hát ở trường mầm non. Từ những hiểu biết về các bài hát và các kỹ năng hát đã được học tại trường CĐSP, GV mầm non tương lai sẽ thể hiện tốt các bài hát trong chương trình nghe nhạc, nghe hát ở trường mầm non quy định. Đồng thời, cô sẽ tự tin tổ chức hiệu quả hoạt động “Cô hát cho trẻ nghe” ở trường mầm non. Được học những bài “Cô hát cho trẻ nghe” cũng là một thuận lợi khi các cô giáo mầm non tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, ngoại khóa của nhà trường.

Như vậy, hoạt động “Cô hát cho trẻ nghe” có tầm quan trọng rất lớn trong chương trình giáo dục âm nhạc cho trẻ mầm non. Điều đó dẫn đến việc SV CĐSP Mầm non cần phải học những bài “Cô hát cho trẻ nghe” để có những hiểu biết về bài hát và có những kỹ năng hát cơ bản nhằm thể hiện tốt được nội dung, tư tưởng, nghệ thuật của các bài hát theo quy định. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo hệ CĐSP Mầm non và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục âm nhạc cho trẻ tại các trường mầm non.

2. Thực trạng hoạt động “Cô hát cho trẻ nghe” ở một số trường mầm non trên địa bàn thành phố Lạng Sơn

Thông qua các đợt đi thực tế cơ sở giáo dục và dẫn SV đi thực tập tại một số trường mầm non trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, chúng tôi đã dự giờ, khảo sát ý kiến và trao đổi, phỏng vấn GV, lãnh đạo của một số trường mầm non. Qua đây chúng tôi nhận thấy, hoạt động “Cô hát cho trẻ nghe” ở các trường mầm non cũng đã được thực hiện, một số ít GV mầm non có năng khiếu ca hát đã thực hiện tốt hoạt động trên. Tuy nhiên, hoạt động này chưa được quan tâm đúng mức, bởi phần đông GV mầm non còn thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng hát cơ bản để thể hiện các bài hát trong chương trình quy định.

Từ những vấn đề còn tồn tại trong tổ chức hoạt động “Cô hát cho trẻ nghe” ở một số trường mầm non trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, chúng tôi đã tiếp tục tìm hiểu về tình hình dạy học những bài “Cô hát cho trẻ nghe” cho SV CĐSP Mầm non tại trường CĐSP Lạng Sơn – nguồn cung cấp chủ yếu giáo viên mầm non cho thành phố Lạng Sơn.

3. Tình hình dạy học những bài “Cô hát cho trẻ nghe” ở trường CĐSP Lạng Sơn

Năm 1997, Trường CĐSP Lạng Sơn được thành lập trên cơ sở nâng cấp từ Trường Trung học Sư phạm Lạng Sơn. Đây là cơ sở giáo dục đại học có nhiệm vụ đào tạo, liên kết đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên trình độ đại học, cao đẳng đảm bảo chất lượng thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học giáo dục, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển giáo dục - kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh trong khu vực.

Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu đặc điểm khả năng ca hát của SV mầm non ở trường CĐSP Lạng Sơn thấy rằng, hầu hết các em có khả năng ca hát, cảm thụ âm nhạc tốt, đủ điều kiện để đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu đào tạo trong dạy hát nói chung và học các bài “Cô hát cho trẻ nghe” nói riêng.

            Để tìm hiểu thực trạng dạy và học hát cho SV hệ CĐSP Mầm non ở trường CĐSP Lạng Sơn, chúng tôi đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu như: dự giờ, quan sát; nghiên cứu sản phẩm học tập; sử dụng phiếu điều tra và đàm thoại với một số GV phân môn Hát.

            Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, trong giờ dạy GV cho cả lớp cùng luyện thanh chừng 3, 4 mẫu âm, một số mẫu rất khó, nhưng lại có mẫu rất đơn giản. Nhìn chung một số mẫu luyện thanh chỉ dừng lại ở mức khởi động giọng, mà không hướng vào rèn luyện một kỹ năng hát nào cụ thể. Đến phần dạy các bài hát, GV cho SV tập hát từng câu theo lối móc xích. Sau mỗi bài hát, GV cho SV hát với nhạc đệm. Ở một số giờ GV cho SV nghe qua băng đĩa và yêu cầu các em tự luyện tập theo, GV không kiểm tra lại các bài hát đã giao. Về phía SV, qua quan sát dự giờ chúng tôi nhận thấy, một số em có ý thức, tích cực, chủ động trong học tập. Tuy nhiên phần đông SV chưa hiểu về nội dung, phong cách thể loại bài hát cũng như chưa có các kỹ năng ca hát cơ bản để thể hiện những bài “Cô hát cho trẻ nghe”.

Từ những bất cập trong dạy học những bài “Cô hát cho trẻ nghe” thông qua việc tìm hiểu thực trạng ở trên, chúng tôi cho rằng cần phải tìm ra những biện pháp để nâng cao chất lượng dạy hát nói chung và kỹ năng thể hiện những bài “Cô hát cho trẻ nghe” nói riêng ở CĐSP Mầm non tại trường CĐSP Lạng Sơn.

4. Biện pháp rèn luyện kỹ năng thể hiện những bài “Cô hát cho trẻ nghe”

Từ những nghiên cứu về cơ sở lý luận và thực tiễn cho thấy, việc đưa ra các biện pháp rèn luyện kỹ năng thể hiện những bài “Cô hát cho trẻ nghe” cho SV CĐSP Mầm non là rất cần thiết. Trên cơ sở đó, chúng tôi đưa ra một số biện pháp như sau:

Thứ nhất, tìm hiểu những bài “Cô hát cho trẻ nghe”. Trong phần này, chúng tôi đi vào tìm hiểu về đặc điểm thể loại bài hát, về đề tài, lời ca, về giai điêu, tiết tấu và hình thức bài hát.

Thứ hai, xây dựng một số bài tập rèn luyện các kỹ năng thể hiện những bài “Cô hát cho trẻ nghe”. Chúng tôi nghiên cứu và xây dựng các bài tập luyện kỹ năng hát liền tiếng, nẩy tiếng, hát luyến, hát ngân dài và thể hiện sắc thái cường độ, nhịp độ.

Thứ ba, hướng dẫn thể hiện một số bài “Cô hát cho trẻ nghe”. Trên cơ sở tìm hiểu các bài hát, xây dựng các bài tập rèn luyện kỹ năng thể hiện bài hát, chúng tôi tiếp tục hướng dẫn SV thể hiện một số bài “Cô hát cho trẻ nghe” ở các thể loại khác nhau trong chương trình.

Thứ tư, xây dựng quy trình dạy học những bài “Cô hát cho trẻ nghe”. Để việc rèn luyện các kỹ năng thể hiện những bài “Cô hát cho trẻ nghe” ở hệ CĐSP Mầm non trường CĐSP Lạng Sơn đạt hiệu quả, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu và xây dựng quy trình dạy học những bài “Cô hát cho trẻ nghe” với các bước cụ thể, khoa học.

Trên đây là những biện pháp nhằmNhững biện pháp đó mới chỉ là những nghiên cứu bước đầu và còn hạn hẹp, song đã chứng minh rằng nó có tính khả thi, thực tiễn và nâng cao hiệu quả dạy học những bài “Cô hát cho trẻ nghe” ở hệ CĐSP Mầm non trường CĐSP Lạng Sơn. Đồng thời, góp phần cải thiện chất lượng giáo dục âm nhạc cho trẻ mầm non trên địa bàn thành phố Lạng Sơn.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phạm Thị Hòa (2011), Tổ chức hoạt động âm nhạc cho trẻ mầm non, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

2. Nguyễn Mai Khanh (1997), Sách học thanh nhạc, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí  Minh.

3. Nguyễn Trung Kiên (2001), Phương pháp sư phạm thanh nhạc, Viện Âm nhạc Hà Nội, Hà Nội.

4. Ngô Thị Nam (2003), Hát 1, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

5. Nguyễn Thị Nhung (2005), Hình thức, Thể loại Âm nhạc, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

6. Lê Đức Sang, Hoàng Công Dụng, Trịnh Hoài Thu (2008), Âm nhạc và Múa, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k5– Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp giảng dạy Âm nhạc