Nội san

Biện pháp dạy học đệm đàn phím điện tử cho sinh viên Giáo dục Mầm non - Sư phạm Âm nhạc Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương

18 Tháng Tám 2017

Mai Đình Khang [*]

 

Đàn phím điện tử là công cụ không thể thiếu đối với giáo viên trong các hoạt động âm nhạc ở trường mầm non bởi tính gọn nhẹ, dễ sử dụng và tính kinh tế. Nó có thể sử dụng mọi nơi, mọi lúc, dùng để đệm khi dạy trẻ hát, các chương trình biểu diễn, tổ chức trò chơi, có thể thu trước bài đệm mở cho trẻ hát theo nhạc. Qua đàn phím điện tử có thể kết nối với USB lấy tiết điệu, âm sắc ngoài hoặc mở các bài nhạc beat cho trẻ nghe, hát theo. Giáo viên có khả năng đệm hát, biết khai thác tối đa tính năng đàn phím điện tử sẽ giúp các giờ lên lớp cũng như hoạt động âm nhạc trở lên sôi động, hiệu quả hơn và sẽ có sức hút đáng kể đối với trẻ.

  1. Thực trạng học đệm đàn phím điện tử của sinh viên Giáo dục Mầm non - Sư phạm Âm nhạc (GDMN - SPAN)

Trên địa bàn Hà Nội, một số trường đào tạo ngành GDMN như trường ĐHSP Hà Nội, Trung cấp Sư phạm Mẫu giáo Nhà trẻ Hà Nội... Sinh viên được học môn Lý thuyết âm nhạc, Tổ chức hoạt động âm nhạc và môn Nhạc cụ, không được học các môn chuyên sâu về âm nhạc như: Phân tích tác phẩm, Đọc - Ghi nhạc, Hòa âm, Thanh nhạc, Đệm đàn phím điện tử...Vì vậy, kỹ năng đệm hát của sinh viên ngành này là rất hạn chế.

Nhận thức được tầm quan trọng việc đệm hát, trường CĐSP TW đã xây dựng chương trình môn đệm đàn phím điện tử là môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo hệ Cao đẳng ngành GDMN - SPAN với thời lượng 2 tín chỉ, học trong kỳ I của năm thứ 3 (55 tiết thực hành trên lớp, 60 tiết tự học) giúp sinh viên khi ra trường có khả năng đáp ứng việc giảng dạy âm nhạc trong trường mầm non cũng như tổ chức các hoạt động âm nhạc một cách chuyên nghiệp.

            Trước khi học môn đệm đàn phím điện tử, sinh viên được học các môn Lý thuyết Âm nhạc, Hòa âm, Thanh nhạc, Hình thức thể loại, Đọc - Ghi nhạc, hai học phần Nhạc cụ 1 và Nhạc cụ 2... Mặt khác sinh viên có điều kiện liên hệ, vận dụng môn học này với các học phần ở năm thứ 2 như: Chỉ huy dàn dựng tập thể, Phương pháp dạy học âm nhạc, Thực hành Sư phạm âm nhạc… Ý thức được vị trí vai trò, khả năng ứng dụng của môn này sau khi ra trường nên phần lớn sinh viên đều yêu thích, say mê với môn học, có những cố gắng đáng kể trong thời gian học trên lớp và các hoạt động ngoại khóa của nhà trường.

Thực tế nhiều năm cho thấy, Nhà trường chỉ tuyển sinh đầu vào môn âm nhạc là môn hát với trình độ năng kiếu thấp, không thi tuyển các môn âm nhạc khác đặc biệt là môn nhạc cụ. Do vậy, các em khi thi tuyển đầu vào chỉ ôn luyện một hoặc hai bài hát để dự thi và đây cũng là một hạn chế lớn để Nhà trường lựa chọn được những sinh viên có khả năng phát triển ngón tay.

Phần lớn sinh viên đỗ vào trường chưa làm quen với một loại nhạc cụ nào, đặc biệt là đàn phím điện tử cho nên trình độ chơi đàn của các em là không đồng đều, có sự chênh lệch rất lớn, thậm chí có những em có năng lực âm nhạc rất kém khó có thể hoàn thành yêu cầu một số môn học âm nhạc chuyên sâu đặc biệt là môn nhạc cụ. Do vậy, môn đệm đàn đối với các em còn rất xa lạ. Các em vào trường mới bắt đầu được học nhạc cụ và bước đầu làm quen với việc đệm đàn các bài hát mầm non đơn giản. Do mới làm quen với âm nhạc nên khả năng kỹ thuật về ngón tay, xử lý sắc thái, cũng như tư duy âm nhạc và một số môn bổ trợ khác còn nhiều hạn chế nên ảnh hưởng tới kỹ năng đệm đàn của các em.

Hầu hết sinh viên theo học ngành GDMN - SPAN đều là nữ giới nên lợi thế là chăm học, học tốt môn nhạc cụ với những bài độc tấu, kỹ thuật. Riêng với môn đệm đàn, khả năng nhanh nhạy ứng biến, sáng tạo của các em nữ còn rất hạn chế, chủ yếu dựa vào những bản nhạc có phần đệm được viết sẵn của giảng viên thì các em đệm tốt. Với phần đệm, các em tự soạn thì kỹ năng đệm đàn, khả năng tư duy và liên hệ các kiến thức âm nhạc môn học khác còn hạn chế, lúng túng. Ngoài ra, năng lực biểu diễn trong các hoạt động âm nhạc ngoại khóa của các em nữ có phần rụt rè, nhút nhát, thiếu bản lĩnh.

Thời gian lên lớp cho môn đệm đàn phím điện tử không nhiều (2 tín chỉ), đòi hỏi tính tích cực chủ động của sinh viên. Nhưng phần lớn sinh viên chưa tự giác, chưa thực sự cố gắng luyện tập, nghiên cứu tài liệu thậm chí chưa ý thức được tầm quan trọng của môn đệm đàn.

Về kỹ năng đệm đàn, một số sinh viên còn nhầm lẫn giữa phần đệm ca khúc với cách thực hiện độc tấu tác phẩm. Do đó khi đệm ca khúc mầm non đơn giản, các em còn lúng túng không biết đệm, không biết lựa chọn tiết điệu, âm sắc, đoạn nhạc dạo, âm hình đệm, đặt hòa thanh và đặc biệt là khai thác các tính năng của đàn. Tuy nhiên cũng có một số em rất hứng thú với việc học đệm, xác định được đó là một đòi hỏi cho công việc sau này nên số ít sinh viên đã chủ động tìm hiểu, học thêm ở các lớp học tư nhân để bồi dưỡng thêm khả năng đệm hát.

  1. Biện pháp nâng cao chất lượng dạy học đệm đàn phím điện tử cho sinh viên GDMN - SPAN

Thực trạng trên sẽ là cơ sở lý luận khoa học đưa ra các biện pháp dạy học môn đệm đàn phím điện tử cho sinh viên GDMN - SPAN như tổ chức lớp học, đổi mới chương trình, giáo trình, đổi mới phương pháp dạy học của giảng viên và sinh viên, kiến thức và kỹ năng đệm đàn theo phong cách piano và theo bộ đệm tự động (Acmp).

Tổ chức lớp học

Có thể chia nhóm sinh viên theo trình độ: Nhóm sinh viên khá là những em có kỹ năng chơi đàn tốt; nhóm sinh viên trung bình là những sinh viên có kỹ năng mức độ bình thường; nhóm sinh viên yếu là những sinh viên có kỹ năng kém. Qua đó, giảng viên có điều kiện phát triển nhằm nâng cao kỹ năng, phát huy tính tích cực sáng tạo cho những em thuộc nhóm đối tượng khá như giao bài đệm khó hơn, hướng dẫn những phương pháp đệm cao hơn. Với những em thuộc đối đượng trung bình, yếu cần có phương pháp phù hợp với trình độ nhận thức của các em, luôn quan tâm, sâu sát, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng đệm cơ bản.  

Với giờ học lý thuyết, giờ nghe nhạc, phân tích bài... có thể tổ chức lớp học tập trung từ 40 - 50 sinh viên. Riêng giờ học thực hành chỉ nên tổ chức lớp học từ 15 - 20 sinh viên/ lớp do điều kiện phòng học đàn nhỏ, chỉ sắp xếp được tối đa 20 đàn. Mặt khác, với số lượng sinh viên ít, giảng viên có điều kiện quan sát, hướng dẫn, kiểm tra và chỉnh sửa cho từng sinh viên.

Đổi mới giáo trình

Thực tế đệm đàn ca khúc ở trường mầm non là rất cần thiết và được sử dụng thường xuyên ngay trong tiết học chính khóa cũng như các hoạt động ngoại khóa nên ở học phần Nhạc cụ 1 và Nhạc cụ 2, cần giảm bớt bài kỹ thuật như gamme, etude, tác phẩm piano, tác phẩm organ thay thế bằng bài đệm các ca khúc mầm non trong và ngoại khóa. Việc giảm bớt các bài kỹ thuật không làm ảnh hưởng nhiều tới kỹ thuật chơi đàn của sinh viên, giúp sinh viên làm quen với các bước chuẩn bị cho bài đệm, kỹ năng soạn đệm và hướng dẫn thực hành đệm các ca khúc mầm non; tập trung hướng dẫn sinh viên khai thác và sử dụng các tính năng trên đàn phím điện tử một cách tỉ mỉ, cụ thể, sáng tạo. Qua đó, tạo nền tảng vững chắc để phát triển kỹ năng kỹ xảo, tư duy sáng tạo trong đệm hát ở học phần đệm đàn phím điện tử, củng cố và tăng cường khả năng đệm đàn của các em trong thời gian dài, liên tục.

Giáo trình môn học này cần hiện thực hóa một cách cụ thể về kiến thức, sử dụng các chức năng cũng như tính năng trên đàn phím điện tử, các bước chuẩn bị trước khi đệm đàn, quy trình thực hiện đệm một ca khúc hoàn chỉnh, các kỹ năng, các bài thực hành, hệ thống bài đệm mẫu, giáo trình, tài liệu tham khảo cho môn học…

Đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên

Để đạt được hiệu quả cao nhất trong dạy học, giảng viên cần đổi mới và phát huy phương pháp dạy học tích cực, lấy hoạt động của người học làm trung tâm. Mọi hoạt động dạy học đều hướng tới người học, đưa người học vào những tình huống có vấn đề cần giải quyết, khơi gợi và định hướng cho hoạt động học tập của người học, niềm hứng thú, kích thích và phát triển năng lực duy sáng tạo của người học, tạo cho người học luôn có sự vận động, trao đổi thông tin.

Ngoài ra, giảng viên cần sử dụng các phương pháp đặc thù như hướng dẫn sinh viên cách nghe, phân tích bài đệm mẫu: Giọng, nhịp, cấu trúc hình thức, tìm hòa âm, âm sắc, tiết điệu, tiết tấu, đoạn nhạc dạo đầu, dạo giữa, cầu nối...giúp các em có phản xạ nhanh nhạy khi đệm hát. Hướng dẫn thu, ghi trên đàn phần giai điệu để tập phần đệm theo kiểu piano, cách thu giai điệu một bài hát có hợp âm, thu từng phần đệm riêng biệt (thu từng track)...

Giảng viên cần truyền đạt lý thuyết trước khi cho sinh viên thực hành, tăng thời gian thực hành luyện tập kỹ năng trong giờ học do có sự giám sát và sửa chữa kịp thời của giảng viên. Khi thực hiện một kỹ năng trong đệm đàn, giảng viên cần hướng dẫn và gợi mở cho sinh viên biết vận dụng kiến thức của nhiều môn học khác một cách linh hoạt.

Mặt khác, cần đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá giữa giảng viên với sinh viên, giữa sinh viên với sinh viên và ý thức tự kiểm tra đánh giá của từng sinh viên giúp các em tích lũy, hệ thống và mở rộng nâng cao kiến thức.

Đổi mới phương pháp học tập của sinh viên

Sinh viên cần có thái độ học tập nghiêm túc, tích cực và niềm đam mê môn học như đi học đúng giờ, chăm chú nghe giảng, hăng hái phát biểu xây dựng bài, luôn đặt câu hỏi, thắc mắc, tự tìm hiểu trao dồi kiến thức, hăng say tập luyện những kỹ năng đã được học, hoàn thành các bài tập được giao, khả năng cộng tác với giảng viên, tâm thế học tập thật thoải mái. Tích cực tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ trong và ngoài Nhà trường.

Có ý thức lập kế hoạch tập luyện khoa học, có hệ thống, kịp thời và thực hành bằng nhiều cách nhiều phương pháp khác nhau, từ đơn giản đến phức tạp, từ chậm đến nhanh, từ dễ đến khó, từ đơn giản đếm phức tạp. Lên kế hoạch cụ thể, chi tiết trước khi đệm đàn như tìm hiểu bài, các bước chuẩn bị cho bài đệm, kế hoạch đệm đàn cũng như phương án dự phòng.

Có kế hoạch học nhóm cụ thể như thời gian, ngày giờ, có mục tiêu, nguyên tắc, có kế hoạch tập luyện, phân công công việc. Thảo luận, trao đổi kiến thức, kỹ năng đệm hát và khả năng kết hợp giữa người hát với người đệm đàn. Đúc kết kinh nghiệm, kịp thời bổ sung, điều chỉnh nội dung cũng như cách thức phối hợp với nhau.

Ngoài tìm hiểu, luyện tập, tích lũy kiến thức qua giáo trình, tài liệu tham khảo môn học, sinh viên cần chủ động và độc lập trong hoạt động học tập nghiên cứu, mở rộng trao dồi liên hệ kiến thức các môn học khác như: Phân tích tác phẩm, Lý thuyết Âm nhạc và Hòa âm, Nhạc cụ, Đọc - Ghi nhạc,...

           Cùng với việc thường xuyên nắm bắt công nghệ về đàn phím điện tử. Sinh viên cần tìm hiểu và sử dụng các phần mềm âm nhạc hỗ trợ cho việc đệm hát như: Phần mềm soạn nhạc (Encor, Final), phần mềm đệm hát (Band in a Box)... Có kỹ năng tìm kiếm, mở rộng kiến thức và kỹ năng đệm hát thông qua các công cụ như: Google, Youtube...

 

Có thể nói, kỹ năng đệm đàn là một nội dung quan trọng của môn đệm đàn phím điện tử, là kỹ năng cần thiết đối với sinh viên  GDMN - SPAN. Nhận thức được vị trí và vai trò của môn học tác giả đã đi sâu nghiên cứu cơ sở lí luận và thực trạng dạy học đệm đàn phím điện tử cho sinh viên GDMN - SPAN tại trường CĐSP TW,  đưa ra các biện pháp phù hợp nâng cao chất lượng dạy học đệm đàn phím điện tử. Cung cấp kiến thức cơ bản và nâng cao, rèn luyện kỹ năng đệm đàn cho sinh viên trong giảng dạy và tổ chức các hoạt động văn nghệ, ngoại khóa sau khi ra trường, đảm nhiệm vụ giáo viên âm nhạc chuyên trách ở các trường mầm non.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Đoàn Phương Hải (2011), Phương pháp soạn đệm trên đàn Organ, Đề tài nghiên cứu khoa học, Học viện Âm nhạc Huế.

2.    Đinh Công Hải (2011), Soạn đệm một số ca khúc THCS cho hệ ĐHSP Âm nhạc vừa học vừa làm (Không dùng bộ đệm tự động), Nghiên cứu khoa học của Giảng viên Trường ĐHSP Nghệ thuật TW.

3.    Cù Nhật Minh (2007), Organ thực hành cho thiếu nhi, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

4.    Xuân Tứ (2001), Giáo trình đệm đàn phím điện tử, Nxb ĐHSP TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.

5.    Czerny (2000), Exercices & Etudes four piano, Op.599, Nxb Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh.

____________________________

[*] Lớp Cao học k5– Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp giảng dạy Âm nhạc.