Nội san

Kỹ thuật chùm ba móc kép, biến đổi tiết tấu ứng dụng trong soạn đệm đàn phím điện tử

24 Tháng Tám 2017

                                                                                  Liễu Quỳnh Như [*]

 

1. Chùm ba móc kép

            Kỹ thuật chùm ba: một trong dạng kỹ thuật cơ bản trên đàn Keyboard là chùm ba (triplet) và đặt thế tay giải quyết các nốt móc kép (semiquaver) thường ở tốc độ nhanh, tempo = 120- 180. Về cấu tạo, chùm ba gồm ba nốt có độ dài trường độ như nhau. Trong các bài kỹ thuật đàn Keyboard, loại chùm ba phổ biến nhất là chùm ba đen, đơn và kép. Sự khác biệt ở chỗ: khi bấm các ngón tay trong chùm ba luôn tạo tiếng đàn (trường độ, sắc thái...) như nhau. Ví dụ: chùm ba yêu cầu legato (liền tiếng), các ngón tay bắt buộc ở thế bấm tạo độ liền liên tục (âm sau nối tiếp âm trước không rời).

Ví dụ: trích Etude No 22 (Heller: fifty selected studies Vol.24)

 

 

Trong etude No 22, các chùm ba yêu cầu dạng kỹ thuật legato tay phải kết hợp với giữ nốt (tròn và trắng) cả hai tay. Để tạo âm thanh liền tiếng (legato) đòi hỏi các vị trí ngón tay chính xác, có độ miết sâu xuống phím đàn, các ngón tay bấm nối tiếp liên tục, không rời. Đây là dạng kỹ thuật được ứng dụng nhiều trong đệm hát bởi hiệu quả âm thanh đem lại tiếng đàn đẹp, đầy đặn. Kỹ thuật chùm ba được phát triển ở cả ba sắc thái: legato, staccato và non legato. Mỗi loại sắc thái đều có màu sắc riêng biệt, rõ ràng. Với staccato (nảy tiếng), yêu cầu ngón tay nhạy, bấm sâu và bật lên ngay, nghe âm thanh gọn, sắc sảo.

Kỹ thuật móc kép: để hình thành những câu nhạc trong đệm hát trên đàn Keyboard. Một trong kỹ thuật chủ đạo là di chuyển ngón tay theo các nốt móc kép nhằm trình bày các sắc thái diễn tả tình cảm con người theo nhiều cách khác nhau. Kỹ thuật móc kép luôn tạo cho người chơi đàn Keyboard sự tập trung và làm chủ kỹ thuật bởi các ngón tay di chuyển liên tục, không ngừng nghỉ. Có nhiều dạng kỹ thuật móc kép, trong phần chỉ trình bày 3 dạng kỹ thuật liên quan đến đệm hát của đàn Keyboard: từ thấp lên cao, từ cao xuống thấp và theo hình sin (zíc zắc).

Móc kép phát triển từ âm thấp lên phía trên: các câu nhạc đi từ thấp lên cao phù hợp với cấu tạo bàn tay phải theo đánh số ngón tay: ngón cái: 1, ngón trỏ: 2, ngón giữa: 3, ngón áp út: 4 và ngón út: 5. Kỹ thuật luồn ngón tay được giải quyết trong các gam (trưởng, thứ tự nhiên, hòa thanh, giai điệu), khi áp dụng vào kỹ thuật móc kép, sự cơ động, nhạy bén ngón tay phải đóng vai trò quan trọng. Trong khi đó, ngón tay trái thuận lợi khi giai điệu móc kép đi từ âm cao xuống âm thấp (ngược với tay phải). Trong phần này sẽ trình bày loại bài kỹ thuật móc kép từ thấp lên cao bên tay phải và trái, từ đó ứng dụng vào đệm hát hiệu quả.

Các nốt móc kép cách nhau quãng ba từ dưới thấp đi thẳng lên cao liên tục hình thành nét nhạc chuyển động không ngừng. Kỹ thuật di chuyển ngón tay trên đàn Keyboard là sự nối tiếp giữa các ngón, trong đó luồn ngón đòi hỏi nhanh, nhạy và cơ động. Khi ứng dụng móc kép từ thấp lên cao, phần đệm hát sẽ tạo nhiều nét nhạc nhanh, gây bất ngờ và thúc đẩy người hát vào các đoạn cao trào, kịch tính. 

Móc kép phát triển từ trên xuống: ngược với đường đi lên, móc kép từ trên xuống khó xử lý về kỹ thuật ngón tay ở tay phải. Thủ pháp luồn ngón luôn đòi hỏi độ với của ngón tay chính xác từng phím đàn. Thông thường, sẽ khó khăn nếu không luyện tập kỹ khi ngón tay di chuyển nhiều phím đen (tác phẩm có dấu hóa). Tuy vậy, những móc kép từ trên cao xuống thấp luôn gây hiệu quả bất ngờ, trong đệm hát thường sử dụng vào những câu kết để tạo âm hưởng trầm hùng, sâu sắc.

Những móc kép luôn đem lại cảm nhận âm nhạc diễn biến nhanh trong vòng xoáy đầy bất ngờ. Các nét nhạc từ cao xuống thấp khi sử dụng âm sắc strings (dàn dây) hoặc Guitar đem lại hiệu quả nhiều màu sắc khác nhau. Do đó, đệm hát trên đàn Keyboard chính là sự ứng dụng nhiều dạng kỹ thuật, trong đó móc kép đi lên, đi xuống là một trong các yếu tố chủ đạo, góp phần hình thành bài đệm phong phú và đa dạng.

 Móc kép theo hình sin (Zíc zắc): trong nhiều câu nhạc, khi cần phát triển giai điệu các bè theo chiều dọc hợp âm, đan xen trong đó là những câu nhạc móc kép hình sin luồn lách, lúc ẩn lúc hiện, làm đầy đặn nền nhạc đệm cho giai điệu ca khúc. Hiệu quả móc kép hình sin chính là các đường zíc zắc lên xuống trong một quãng 4,5, đôi khi mở rộng ra quãng 8. Điều này có mối quan hệ có chủ ý về cấu tạo 5 ngón tay người. Trong quãng 4, 5 các vị trí nốt thường liền bậc, đúng vị trí ngón tay khi bấm phím, tăng khả năng nhạy bén và chủ động di chuyển ngón tay.  Do đó, kỹ thuật móc kép hình sin là một dạng phổ biến, tạo sự phát triển nhanh về độ nhạy của ngón tay trên đàn Keyboard.

Khi ứng dụng loại kỹ thuật móc kép hình sin vào đệm hát trên đàn Keyboard, một vấn đề lưu ý, đó là không áp dụng vào âm sắc bộ kèn đồng hoặc gỗ. Điều này liên quan đến tính năng nhạc cụ, trong đó kèn đồng thường tạo âm hưởng hùng tráng, thúc đẩy, kịch tính.

2. Biến đổi tiết tấu

            Tiết tấu là một trong những phương pháp diễn tả quan trọng của âm nhạc được phát triển rất sớm khi giai điệu và điệu thức còn chưa hình thành. Tiết tấu liên quan chặt chẽ tới ngôn ngữ, cả với hơi thở cũng như các hoạt động của con người. Tiết tấu gắn kết toàn bộ tác phẩm âm nhac lại với nhau, góp phần tạo nên một tác phẩm âm nhạc hoàn chỉnh.

            Việc phân tích cấu trúc tác phẩm, đặc biệt là dựa vào âm hình tiết tấu của bài hát để xác định tiết điệu cho bài hát là nội dung hết sức quan trọng. Bởi vì, khi sinh viên nắm vững đặc trưng tiết tấu của từng loại tiết điệu thì khi cầm một bản nhạc hoặc nghe ai đó hát, bằng cách phân tích tiết tấu các em có thể xác định được bản nhạc, giải điệu đó thuộc loại tiết điệu nào. Vì vậy, giảng viên phải hướng dẫn kĩ cho sinh viên phân tích âm hình tiết tấu và những biến đổi của nó để từ đó xác định được tiết điệu phù hợp với bài hát.

            Các bài hát trong chương trình học đệm của học phần Đàn phím điện tử thường là những ca khúc trong chương trình học môn Âm nhạc của hệ Trung học phổ thông, đó là những bài hát có tiết tấu nhịp nhàng, tốc độ vừa phải( moderato), hình thức chủ yếu trong một đoạn đơn. Tuy vậy, các nhạc sĩ có gắng khai thác, lựa chọn âm hình tiết tấu đơn giản, không phức tạp như viết ca khúc người lớn. Nhịp bước với âm hình gọn gàng theo từng phách tạo âm hưởng bài hát dễ thuộc dễ nhớ, không phức tạp, cầu kỳ, giới hạn các biến hóa tiết tấu (theo phng cách nhạc nhẹ). Đây là đặc điểm chung tiết tấu chủ đạo. Khi soạn đệm đàn Keyboard, những âm hình nhịp bước được ứng dụng, triển khai bằng loại nhịp theo phong cách khác nhau để tạo ra không khí phẩn khởi, vui tươi.

            Từ nhịp ban đầu, biến thể tiết tấu mở rộng, nhưng vẫn đảm bảo dáng dấp, nguyên tắc, âm hình nhịp bước. Bên cạnh đó, các nhạc sĩ cũng biến thể, sáng tạo trong cách viết về tiết tấu khác như: Biến thể nhịp trống 1, biến thể nhịp trống 2, biến thể nhịp bước mở rộng.

            Như vậy, từ âm hình nguyên dạng có mối liên hệ gần gũi với các trò chơi của trẻ em Việt Nam, các nhạc sĩ đã khai thác, sử dụng các nhóm âm hình để viết các bài hát phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi, thiếu niên. Đây là âm hình, tiết tấu rất phổ biến, ngoài ra còn rất nhiều âm hình mở rộng khác, được người viết luận văn trình bày, mục đích ứng dụng vào soạn phần đệm hát trong dạy học đàn Keyboard.

            Ngoài ra, trong chương trình môn Âm nhạc tại các trường THPT còn có những bài hát dân ca đậm chất âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Đối với những dạng bài này, riêng phần hợp âm thì không thể sử dụng hòa thanh điệu thức 7 âm trưởng (T-S-D) mà phải sử dụng điệu thức 5 âm (ngũ cung), đó là: Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ. Để đệm những bài hát sử dụng điệu thức 5 âm, ta có thể: dùng những chồng âm, trong đó bao gồm những âm cấu tạo nên điệu thức và chạy âm rải bằng các âm trong điệu thức của bài.

Có thể nói, chùm ba là một dạng kỹ thuật được áp dụng phổ biến trong đệm hát trên đàn Keyboard. Điều này xuất phát từ hiệu quả âm thanh mà chùm ba đem lại với nhiều sắc thái phong phú. Ở các loại nhịp có tốc chậm như: ballad, slow, slow rock...chùm ba là dạng kỹ thuật rất thông dụng, tính chất âm nhạc buông lơi, chòng chành rất thú vị.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Đinh Công Hải (2011), “Soạn đệm một số ca khúc THCS cho hệ  Âm nhạc vừa học vừa làm(không dùng bộ đệm tự động)”, Nghiên cứu khoa học của Giảng viên trường ĐHSP Nghệ thuật TW,Hà Nội

2. Hoàng Dũng- Ngô Ngọc Thắng (2008), Methode Rose, Nxb Đà Nẵng.

3. Đoàn Phương Hải (2011), “Phương pháp soạn đệm trên đàn Organ”, Đề tài nghiên cứu khoa học, Học viện Âm nhạc Huế.

4. Dương Vũ Diễm Hằng (2007), “Tăng cường nội dung đệm trong môn đàn Organ cho sinh viên Hệ Cao đẳng Sư phạm Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc họa TW”, Khóa luận ĐHSP Âm nhạc Trường ĐHSP Nghệ thuật TW khóa 2004- 2007. 

5. Xuân Tứ (2004), Hướng dẫn dạy và học đàn Organ tập 2, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

6. Nguyễn Vũ (2004), “Phát triển âm hình đệm từ một số nhịp cơ bản (dùng

    cho đàn phím điện tử)”, Nghiên cứu khoa học của giảng viên ĐHSP thành phố Hồ Chí Minh.

7. Lê Vũ, Quang Đạt (1999), Độc tấu trên đàn Keyboard 1,2,3,4, Nxb Trẻ, Hà Nội.

8. S. Makximop (1951), Bài tập hòa âm trên piano tập 1,2,3, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k5– Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp giảng dạy Âm nhạc