Nội san

Giải pháp bảo tồn và phát huy những giá trị tiêu biểu của chùa Bổ Đà, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang trong giai đoạn hiện nay

24 Tháng Tám 2017

Nguyễn Thị Nga [*]

 

Những năm qua, công tác tổ chức và qun lý di tích chùa Bổ Đà có nhiều sự tiến bộ rõ rệt. Nội dung quản lý nhà nước về di tích cũng được xác định rõ ràng hơn giai đoạn trước.Tuy nhiên, qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, khảo sát thì trong nhiều năm qua, công tác quản lý di tích chùa Bổ Đà bên cạnh những kết quả tích cực vẫn còn những hạn chế, khó khăn. Chính vì vậy, việc nghiên cứu một cách nghiêm túc, đầy đủ về quản lý di tích chùa Bổ Đà để có giải pháp phù hợp nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử của dân tộc, làm phong phú đời sống văn hoá tinh thần, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân là một đòi hỏi cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

1. Nhóm giải pháp về hoàn thiện tổ chức bộ máy và hệ thống pháp luật điều chỉnh

Trước hết,  hoàn thiện bộ máy quản lý di tích Chùa Bổ Đà

Chùa Bổ Đà vốn dĩ chứa đựng rất nhiều những giá trị độc đáo, nổi bật cần được bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị trong tương lai. Vì thế, cần thiết phải xây dựng được một hệ thống tổ chức quản lý có quyền lực thực sự và đội ngũ cán bộ, nhân viên có trình độ chuyên môn cao, đảm bảo cả số lượng và chất lượng, đủ đáp ứng yêu cầu quản lý và thực thi nghiệp vụ bảo quản, tu bổ, tôn tạo đối với di sản văn hóa vật thể, đủ năng lực để nghiên cứu lập hồ sơ lưu trữ và hoạt động bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Theo đó, cơ cấu Ban quản lý di tích chùa Bổ Đà có thể được thiết lập lại gồm: 01 Trưởng ban (do thành viên Ban quản lý di tích cấp huyện đảm nhận); 02 Phó ban (01 đại diện chính quyền địa phương, 01 đại diện nhà chùa) và các bộ phận chuyên môn (như: hành chính, an ninh bảo vệ, quản lý dịch vụ, công đức)...

Khi đã thiết lập được một bộ máy nhân sự hoàn chỉnh, việc phân định thẩm quyền, trách nhiệm của từng bộ phận, từng thành viên và các bên liên quan cũng cần phải được phân định rõ ràng để việc bảo tồn và phát huy những giá trị độc đáo đó trong bối cảnh hiện nay được hiệu quả.

Tiếp theo, xây dựng một hệ thống pháp luật điều chỉnh đồng bộ, thống nhất

Thực tiễn quản lý đã cho thấy, muốn bảo vệ được các di sản, chúng ta cần tập trung tăng cường hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa và có lộ trình để đưa các văn bản quy phạm pháp luật đó phát huy hiệu lực trong cuộc sống. Đặc biệt, cần quan tâm hơn nữa đến chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật do cấp tỉnh và địa phương ban hành.

Mặt khác, Chính phủ cần sớm hoàn chỉnh hệ thống chính sách về di tích, nhất là những chính sách về xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích; những quy định của các Luật thuế cho phép các doanh nghiệp, cá nhân được giảm một phần thuế kinh doanh, thuế thu nhập… Một cơ chế, chính sách phù hợp; cùng một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hoàn chỉnh sẽ có tác động nâng cao hiệu quả quản lý di tích chùa Bổ Đà, tạo động lực cho các hoạt động bảo tồn di tích này trong thời gian tiếp theo.

2. Nhóm giải pháp bảo tồn các giá trị tiêu biểu của chùa Bổ Đà

Một là, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Mộc bản

Mộc bản là một trong những di sản độc đáo, tiêu biểu của chùa Bổ Đà, đòi hỏi phải có một kế hoạch tổng thể để bảo tồn và phát huy. Do đó, phải có những kiểm soát tốt về nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật về quy trình bảo quản, kho bảo quản, sắp xếp, phân loại... nhằm bảo đảm những điều kiện tốt nhất chống lại sự xâm hại của côn trùng, mối mọt, có các giải pháp hạn chế sự suy thoái của gỗ theo thời gian.

Đặc biệt, không để bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng lấy một bản ra khỏi giá, kệ hoặc sờ tay vào mộc bản. Việc này có thể dẫn tới mất chữ, mẻ chữ trên mộc bản hoặc mất mát mộc bản. Hơn nữa, chùa cũng là nơi tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn, nên cũng cần phải có trang thiết bị phòng cháy và chữa cháy đạt tiêu chuẩn để bảo quản mộc bản. Bởi lẽ, mộc bản kinh Phật có niên đại vài trăm năm tuổi là di sản văn hóa mang đậm dấu ấn thời đại, việc gìn giữ và quảng bá giá trị của di sản đó cần được quan tâm thật xứng tầm.

Hai là, bảo vệ, gìn giữ khu vườn tháp và các hiện vật trong di tích

Sở hữu gần 100 ngôi tháp lớn nhỏ, vườn tháp chùa Bổ Đà xứng danh là một trong hai danh lam cổ tự có vườn tháp nhiều ngôi nhất nước ta. Mặc dù các ngôi tháp đều được kiến tạo bằng đá và gạch chỉ được bít mạch dùng vôi vữa trộn với mật mía và bột giấy bản rất bền nhưng về lâu dài, cần phải có kế hoạch bảo tồn, tôn tạo theo từng giai đoạn, kịp thời sửa chữa khắc phục các tòa tháp bị nứt vỡ, hư hỏng. Đồng thời cần có các biện pháp bảo vệ, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại trực tiếp đến cảnh quan cũng như kiến trúc của từng ngôi tháp trong quá trình khai thác và phát huy các giá trị của di tích.

Việc xây dựng quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống tượng Phật thời Lê, văn khắc, ván bia, thư tịch cổ, đại tự, câu đối, hương án, đèn, chuông đồng niên hiệu Tự Đức, hương án đồ thờ…. hay các di vật, cổ vật khác còn lưu giữ cần được thực hiện và triển khai theo từng lộ trình nhất định. Ngoài ra,các nhà quản lý cần phải được nghiên cứu, phân loại, xác định niên đại, giá trị lịch sử để đăng ký, bảo tồn và phương án ứng dụng khoa học công nghệ thông tin xây dựng phần mềm bảo tồn nhằm hạn chế tối đa việc xâm hại hoặc trộm cắp di vật, cổ vật. Nếu có thể thì gắn hệ thống báo động, gắn chip điện tử vào cổ vật để có thể lần theo dấu vết khi chuyện không may xảy ra.

Bởi lẽ, bất cứ một di vật hay cổ vật nào trong chùa Bổ Đà cũng đều có gốc tích và ý nghĩa lịch sử văn hóa riêng của nó; một khi những cổ vật này bị mất đi, một di tích lịch sử văn hóa như chùa Bổ Đà như bị mất “linh hồn”.

Ba là, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy di tích chùa Bổ Đà

Bên cạnh việc hoàn thiện bộ máy quản lý, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa, cơ chế phối hợp liên ngành, công khai minh bạch tài chính... thì việc tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm luôn luôn cần phải được chú trọng, thực hiện song hành với các biện pháp bảo tồn khác.

Theo đó, cần quy định trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân thành viên trong công tác này. Có thể triển khai kế hoạch tổ chức tiến hành kiểm tra chéo giữa các địa  bàn, các khu vực để nâng cao hiệu quả hoạt động. Ban quản lý di tích cần thường xuyên bám sát, khảo sát, điều tra, phát hiện kịp thời những chỗ hư hỏng, xuống cấp, cùng bàn bạc với chính quyền và cộng đồng tìm cách khắc phục, thay vì chờ đến lúc dư luận “kêu cứu” mới quan tâm tới khắc phục sửa chữa. Chủ động, kịp thời tiếp nhận đơn thư tố giác tình trạng vi phạm di tích hoặc tình trạng xuất hiện những hoạt động lệch chuẩn, cơ quan chức năng cần phải lắng nghe cũng như lập đoàn công tác xuống địa phương tìm hướng giải quyết kịp thời.

Có phương án bố trí cơ sở vật chất, nguồn nhân lực thu gom rác thải hợp lý, thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội. Tiến hành lắp đặt hệ thống biển báo, biển nhắc và các thùng chứa, gom rác tại khu di tích. Tiến hành lắp đặt, xây dựng các nhà vệ sinh phục vụ du khách tại các điểm tham quan, nghỉ dưỡng và mua sắm nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến mỹ quan khu di tích.

3. Nhóm giải pháp phát huy giá trị tiêu biểu của Chùa Bổ Đà

Thứ nhất, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, tuyên truyền để quảng bá di tích chùa Bổ Đà

Trong tiến trình bảo tồn, tôn tạo các giá trị lịch sử và văn hóa của mỗi một di tích, công tác nghiên cứu một vai trò rất quan trọng.Việc khảo sát, nghiên cứu, tìm tòi ván khắc, kinh sách đã được in trước đây, hiện còn được giữ trong các kho tư liệu của các viện nghiên cứu hữu quan, các chùa có liên hệ, thậm chí cả những bộ sưu tập đồ cổ của cá nhân… là những hướng đi cần được chú ý.

Thường xuyên chú trọng phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, các sự kiện văn hóa, du lịch, hội nghị, hội thảo trong và ngoài tỉnh để tăng cường thông tin tuyên truyền quảng bá, giới thiệu hình ảnh, cá giá trị nổi bật của di tích cũng như các sản phẩm du lịch mới độc đáo hấp dẫn thu hút du khách đến tham quan di tích chùa Bổ Đà.Tích cực khai thác thế mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình, báo, đài, mạng internet v.v...) nhằm làm thay đổi nhận thức của người dân địa phương về vai trò, giá trị của di sản văn hóa phi vật thể và vật thể hiện diện trên quê hương mình.

Thứ hai, đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường phối hợp liên ngành, nâng cao vai trò của cộng đồng dân cư

Để tiếp tục xứng danh là danh lam cổ tự nổi tiếng của vùng Kinh Bắc xưa thì tương lai của việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích chùa Bổ Đà không chỉ đơn thuần là sự liên kết nhỏ hẹp giữa thôn xóm, các xã, thị trấn hay giữa các ngành chuyên môn trong huyện Việt Yên mà còn là sự liên kết giữa các cấp, các ngành, các địa phương của toàn đất nước cho một mục tiêu chung: Bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa của các dân tộc Việt Nam để trao truyền lại cho thế hệ sau.

Do vậy, cần tích cực tăng cường hợp tác giữa các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành như giao thông vận tải, xây dựng, lao động - thương binh và xã hội, công an, thuỷ sản... và các cơ quan khác đóng trên địa bàn đảm bảo cho môi trường di tích (bao gồm cả môi trường thiên nhiên và môi trường hội) được trong sạch. Đồng thời tiếp tục thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhằm góp phần khơi dậy những tiềm năng, thu hút sự tham gia đóng góp của các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài tnh.

Như vậy, chúng ta cần nỗ lực tạo điều kiện cho cộng đồng nhận diện đúng giá trị của di tích chùa Bổ Đà, được tiếp cận và thụ hưởng lợi ích tinh thần và vật chất thông qua hoạt động bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa của di tích. Để từ đó, lòng tự hào, tình yêu di sản văn hóa luôn được hâm nóng trong cộng đồng, tạo ra động lực tinh thần cho họ đóng góp trí tuệ, công sức, tiền của cho các dự án tu bổ, tôn tạo di tích.

Thứ ba, công khai, minh bạch huy động, quản lý, sử dụng các nguồn nguồn lực tài chính

Trong bối cảnh hiện nay và tương lai, ngoài sự nỗ lực của mỗi địa phương, mỗi vùng miền trong việc bảo vệ di sản của chính mình, còn cần có sự hỗ trợ của cấp trên về khoa học công nghệ, kinh nghiệm cũng như tài chính. Do vậy, tất cả các nguồn lực tài chính như ngân sách nhà nước, nguồn xã hội hóa và các nguồn thu từ hoạt động khai thác, phát huy di tích; hoạt động công đức đều phải nhằm mục đích sử dụng cho các hoạt động quản lý, bảo tồn, tu bổ tôn tạo, chống xuống cấp, bảo vệ giữ gìn và tuyên truyền, phát huy giá trị di tích.

Các nguồn lực khi được quy tụ từ các nguồn thu của di tích và từ hoạt động xã hội hóa, ban quản lí di tích cần kết hợp chặt chẽ với cộng đồng để khai thác, sử dụng minh bạch, đúng mục đích, có hiệu quả. Riêng đối với nguồn thu từ hoạt động xã hội hóa, tiếp tục phát huy hiệu quả quản lý theo cách thức ghi chép cập nhật vào sổ theo dõi, niêm yết trên bảng đặt tại nơi dễ quan sát để toàn thể cộng đồng, du khách cùng biết. Chắc chắn, cùng với quy chế thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa tín ngưỡng tại các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo và việc hoàn thiện ban quản lý di tích chùa Bổ Đà, công tác quản lý, sử dụng nguồn tài chính được đầu tư và công đức cho Bổ Đà sẽ luôn được công khai, minh bạch; ngày càng góp phần thu hút đông đảo các tầng lớp xã hội tham gia đóng góp để trùng tu, tôn tạo di tích.

 

 

     

Nói tóm lại, di tích chùa Bổ Đà là một bộ phận quan trọng của di sản văn hoá dân tộc, chứa đựng những giá trị vô giá gắn liền với lịch sử oai hùng, truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng. Vì thế, việc quản lý nhằm bảo tồn, giữ gìn những giá trị văn hoá đó cho hôm nay và mai sau là thể hiện sự biết ơn của chúng ta đối với bậc tiền nhân. Những giải pháp đưa ra đều chú trọng tới vai trò quản lý của nhà nước, hệ thống văn bản pháp lý, đề cao sự tham gia của cộng đồng cư dân nơi di tích đang tồn tại cùng cơ chế phối hợp giữa các bên tham gia, tất cả đều là những yếu tố đem lại thành công trong quản lý. Ngoài ra các giải pháp về cơ chế chính sách, tăng cường các hoạt động chuyên môn, tổ chức khai thác giá trị của di tích một cách hợp lý, có hiệu quả…cũng được đề cập tới.

Tài liệu tham khảo

1.      Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang (2010-2012), “Điều tra, nghiên cứu bảo tồn di vật, cổ vật, bảo vật trên các di tích lịch sử văn hóa tỉnh Bắc Giang”; Đề tài khoa học, Bắc Giang;

2.     Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang (2010), Bảo tồn, tôn tạo di tích - Khi nội lực được khơi thông, Bắc Giang;

3.  Bùi Thị Thắm (2011), Di tích chùa Bổ Đà trong phát triển du lịch văn hóa tỉnh Bắc Giang”, Khóa luận tốt nghiệp, Trường Đại học Văn Hóa Hà Nội;

4.      Cao Trung Vinh (2016), Mô hình quản lý di sản ở chùa Bổ Đà tỉnh Bắc Giang, Tham luận tại Hội thảo khoa học “Giá trị các mặt của di sản mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà gắn với phát triển bền vững”, Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k3– Chuyên ngành Quản lí Văn hóa