Nội san

Vài nét về thực trạng công tác quản lý hoạt động văn hóa của trung tâm văn hóa Kinh Bắc tỉnh Bắc Ninh

24 Tháng Tám 2017

 Nguyễn Thị Lưu Ninh [*]

 

Đất nước ta đang trong thời kì đổi mới, đẩy mạnh quá trình phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.  Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có những chủ trương, chính sách để xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, trong đó có xây dựng phát triển hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở.

Trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX năm 2001 nêu: “Tiếp tục đưa văn hoá - thông tin về cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát động phong trào toàn dân đoàn kết tham gia thực hiện nếp sống văn minh, gia đình, làng, bản văn hoá, tiến tới hoàn chỉnh hệ thống thiết chế văn hoá bằng nguồn lực Nhà nước và mở rộng xã hội hoá, làm cho văn hoá thấm sâu vào từng khu vực dân cư”... Việc phát triển văn hoá đến từng địa phương và từng bộ phận nhân dân đóng vai trò hết sức quan trọng. Bởi vậy, các trung tâm văn hoá cấp tỉnh và cấp cơ sở giữ một vị trí đắc lực tất yếu đối với nền văn hoá của nước nhà.

Từ lâu nước ta đã có những thiết chế văn hóa cơ sở để xây dựng đời sống văn hóa mới như: Nhà văn hóa, cung văn hóa, thư viện, nhà truyền thống, bảo tàng, công viên văn hóa... những thiết chế đó đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân về hưởng thụ, sáng tạo và bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam. Thực tiễn đã khẳng định hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở không thể thiếu trong đời sống văn hóa của nhân dân, giữ vai trò nòng cốt trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội của đất nước, khẳng định vai trò chỉ đạo, hướng dẫn các hoạt động văn hóa - văn nghệ ở cơ sở và là bộ mặt văn hóa của địa phương. Thực tế hệ thống này tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau. Đa phần thiết chế văn hóa cấp tỉnh hay huyện gọi là Trung tâm văn hóa nhưng ở xã và thôn, làng, bản, ấp người dân gọi là Nhà văn hóa, Nhà rông văn hóa…

Trong điều kiện cơ chế thị trường hiện nay, nhiệm vụ cấp thiết đặt ra cho thiết chế văn hóa thông tin cấp tỉnh là phải nhanh chóng đổi mới phương thức hoạt động của mình để thu hút quần chúng nhân dân đến với các hoạt động văn hóa cũng như phục vụ có hiệu quả hơn công tác thông tin tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước đối với cơ sở. Ngoài ra trong xã hội hiện nay, các tệ nạn xã hội đang có những chiều hướng gia tăng không ngừng, để góp phần ngăn chặn những tệ nạn này, Nhà văn hóa trung tâm cũng phải thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền về tác hại của các tệ nạn đó tới mọi lứa tuổi. Không chỉ dừng ở đó, thiết chế văn hóa trung tâm của tỉnh phải luôn luôn đổi mới, sáng tạo các phương thức, hình thức mới để thu hút đông đảo lực lượng thanh thiếu niên đến với các hoạt động văn hóa lành mạnh, hạn chế được phần nào sự ảnh hưởng của những tệ nạn đó tới nhân dân trong cộng đồng.

Bắc Ninh là vùng đất Kinh Bắc xưa, không chỉ được biết đến bởi bề dày lịch sử và các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, mà nơi đây còn được xem là trung tâm văn hóa Phật giáo quan trọng của cả nước với những di tích lịch sử nổi tiếng như: chùa Dâu, chùa Bút Tháp, đền Đô… Chính vì thế, công tác quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa lịch sử, văn hóa tâm linh có tính chất đặc thù cần phải được quan tâm chú trọng của các cấp, các ngành trong toàn tỉnh.

Trung tâm văn hóa Kinh Bắc tỉnh Bắc Ninh ra đời muộn hơn so với nhiều các thiết chế nhà văn hóa ở các địa phương khác. Mặc dù đã có những bước phát triển nhất định song hoạt động của Trung tâm vẫn còn tồn tại nhiều bất cập trong công tác quản lý.

Các thiết chế văn hóa cơ sở là một cơ quan giáo dục xã hội chủ nghĩa ngoài nhà trường, là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, truyền tải những giá trị, tinh hoa văn hóa nghệ thuật của dân tộc và nhân loại về cho quần chúng nhân dân hưởng thụ, đồng thời tạo mọi điều kiện để quần chúng nhân dân sáng tạo ra những giá trị văn hóa, để gìn giữ, bảo lưu và xây dựng nền văn hóa mới, để đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu tinh thần của mình trong thời gian rảnh rỗi.

Trung tâm văn hóa Kinh Bắc là cầu nối trực tiếp giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân trong việc tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị thông qua các hoạt động văn hóa nghệ thuật để lãnh đạo nhân dân xây dựng đất nước. Qua đó đã tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, góp phần nâng cao chất lượng sống.

Là vùng đất có nhiều di tích lịch sử, hệ thống các hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc của vùng đất Kinh Bắc là một trong những tiềm năng thế mạnh phát triển của Trung tâm văn hóa Kinh Bắc. Trong những năm qua, những kết quả đạt được trong các hoạt động của Trung tâm văn hóa Kinh Bắc thực sự đã góp phần không nhỏ thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước. Đặc biệt công tác quản lý các hoạt động văn hóa tại Trung tâm văn hóa Kinh Bắc những năm gần đây đã đạt được nhiều kết quả cao, được cấp các ngành ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được Trung tâm văn hóa Kinh Bắc vẫn còn nhiều hạn chế cần được nhìn nhận thẳng thắn để đặt ra cho mình những giải pháp thích hợp từng bước nâng cao chất lượng hoạt động. Nâng cao chất lượng hoạt động là vấn đề quan trọng và trọng tâm của công tác quản lý các hoạt động văn hóa tại Trung tâm, nó quyết định sự phát triển của Trung tâm trong giai đoạn tiếp theo.

Bước đầu xác định được yếu tố quan trọng tác động đến công tác quản lý hoạt động của Trung tâm văn hóa Kinh Bắc đó chính là quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng tại Bắc Ninh. Yếu tố này cũng tạo ra nhiều khó khăn cho công tác tổ chức các hoạt động văn hóa tại Trung tâm. Từ thực trạng đã đề ra những mục tiêu cụ thể cho công tác quản lý hoạt động văn hóa trong thời gian tới, đồng thời để thực hiện được các mục tiêu đề ra chúng tôi cũng nghiên cứu đề xuất các nhóm giải pháp có liên quan về cơ chế chính sách, về nguồn nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất kĩ thuật… Với những giải pháp mang tính ứng dụng cao, hi vọng rằng công tác quản lý hoạt động văn hóa tại Trung tâm văn hóa Kinh Bắc sẽ từng bước đạt được kết quả cao góp phần nâng cao đời sống văn hóa của cộng đồng địa phương trong thời gian tới.

Thiết chế văn hóa cơ sở ở nước ta được sử dụng cho các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nhằm phục vụ nhu cầu nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Vấn đề xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở được Nhà nước quy định và đưa vào Hiến pháp từ năm 1945, thông qua các hoạt động tổ chức tại hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, nhằm góp phần tuyên truyền phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí; bảo tồn, phát huy các hình thức sinh hoạt văn hóa dân tộc; bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật; nâng cao dân trí và mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân; tụ hội người dân ở cơ sở và thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các tầng lớp nhân dân tham gia vào mọi hoạt động của văn hóa; truyền thụ giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng môi trường văn hóa; đoàn kết dân cư, phục vụ và thúc đẩy các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Trong những năm qua, Trung tâm văn hóa Kinh Bắc luôn phát huy đoàn kết nội bộ, đổi mới, năng động, đồng thuận vượt qua nhiều khó khăn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu UBND tỉnh giao, công tác tổ chức bộ máy được kiện toàn, công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, kịp thời và có nhiều cách làm sáng tạo, công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và giới thiệu bản sắc văn hóa địa phương được quan tâm đúng mức và từng bước được phát huy, phối hợp tốt với các cơ quan ban ngành liên quan đẩy mạnh các hoạt động văn hóa tuyên truyền phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương, vai trò của Trung tâm văn hóa Kinh Bắc được khẳng định ngày càng vươn xa có uy tín để các địa phương khác trong khu vực cùng học tập.

Bên cạnh những thành tựu nhất định trong công tác quản lý hoạt động tại Trung tâm văn hóa Kinh Bắc thì vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế bởi những yếu tố chủ quan và khách quan. Để hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm phục vụ công cuộc xây dựng quê hương Kinh Bắc và nhân dân trong thời kỳ mới đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, như đầu tư kinh phí xây dựng, tổ chức hoạt động, trong đó có sự đầu tư của Nhà nước và đóng góp của nhân dân, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao ở cơ sở gắn với mở rộng dịch vụ và thị trường; quy hoạch, đào tạo và sử dụng tốt đội ngũ cán bộ; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chế đối với hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở, tăng cường công tác quản lý nhà nước, công tác tuyên truyền vận động của ngành văn hóa, thể thao và du lịch; nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở...

Nhìn chung, hoạt động của Trung tâm văn hóa Kinh Bắc đã đang đi đúng hướng, kịp thời thay đổi các hoạt động cho phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương, đây không là nơi diễn ra các hoạt động văn hoá chung của cộng đồng dân cư, mà còn là nơi phát huy những giá trị tinh thần có tính chất truyền thống văn hoá của địa phương, giúp nhân dân nâng cao đời sống văn hoá, đặc biệt là đời sống tinh thần. Đặc biệt đối với tầng lớp thanh thiếu niên có chỗ vui chơi giải trí, chơi thể thao, trẻ em có sân chơi lành mạnh, không sa vào các điểm Internet, các điểm chơi game hoặc sa vào tệ nạn xã hội khác; nếu không có những sân chơi bổ ích được tổ chức tại Trung tâm văn hóa Kinh Bắc sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống văn hóa cộng đồng nói chung và mỗi gia đình nói riêng, góp phần xây dựng con người và vùng đất Kinh Bắc ngày càng phát triển.

Tài liệu tham khảo

1.    Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (2010), Thông tư số 11/2010/TT-BVHTTDL ngày 25/12/2010 về việc Quy định tiêu chí của Trung tâm Văn hoá - Thể thao huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.

2.      Lê Như Hoa (2002), Quản lý di sản văn hóa đô thị trong điều kiện công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

3.      Trung tâm văn hóa Kinh Bắc (2015), Báo cáo Kết quả hoạt động 2013- 2015.

4.       Trung tâm văn hóa Kinh Bắc (2015), Báo cáo công tác văn hóa – tuyên truyền năm 2015, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2016.

5.      Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh (2011), Quyết định số 102/2011/QĐ-UBND ngày 16 tháng 08 năm 2011 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc hỗ trợ phụ cấp cho cán bộ và kinh phí hoạt động của Trung tâm Văn hoá -Thể thao cấp xã trên địa bàn tỉnh.

6.      Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh (2011), Quyết định số 198/QĐ-UBND ngày 04 tháng 5 năm 2017 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc phê duyệt Đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2017- 2025, định hướng đến năm 2030”.

7.      Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh (2015), Quyết định số 3088/QĐ-UBND ngày 10/12/2015 về Giao chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước năm 2016.

8.      Trung tâm văn hóa tỉnh Bắc Ninh, http://ttvh.bacninh.gov.vn, truy cập 19h00,  22/9/2016.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k3– Chuyên ngành Quản lí Văn hóa