Nội san

Thiết kế trò chơi âm nhạc cho học sinh lớp 4, lớp 5

24 Tháng Tám 2017

Nguyễn Quang Minh [*]

 

          Để thiết kế trò chơi âm nhạc cho học sinh lớp 4, lớp 5. Việc cần thiết trước hết phải xác định tiêu chí xây dựng, lựa chọn các tiết học âm nhạc có thể đưa trò chơi vào. Đồng thời, các biện pháp thực hiện cần phải dựa trên những điều kiện thực tế về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, về trình độ của đội ngũ giáo viên đang dạy âm nhạc tiểu học…

1. Tiêu chí thiết kế trò chơi âm nhạc cho học sinh lớp 4, lớp 5

          Thiết kế trò chơi âm nhạc cho HS lớp 4, lớp 5 dựa trên các tiêu chí sau: Âm nhạc là yếu tố quyết định trò chơi;  Căn cứ trên chương trình sách giáo khoa, sách giáo viên và kế hoạch dạy học âm nhạc của trường; Phù hợp với lứa tuổi học sinh và giáo viên lớp 4 hoặc lớp 5.

1.1. Âm nhạc là yếu tố quyết định trò chơi

          Trong mỗi trò chơi, cần lấy âm nhạc làm cơ sở để xây dựng, âm nhạc như sợi dây xuyên suốt quá trình tham gia trò chơi của học sinh. Sử dụng các bài hát trong chương trình âm nhạc tiểu học, trọng tâm là âm nhạc lớp 4, lớp 5. Khai thác tiết tấu của và giai điệu của các bài tập đọc nhạc, sử dụng âm thanh của một số loại nhạc cụ nước ngoài và Việt Nam trong những tiết giới thiệu nhạc cụ, một số hình nốt và kiến thức âm nhạc học sinh đã được học trong chương trình âm nhạc tiểu học.

1.2. Căn cứ trên chương trình sách giáo khoa, sách giáo viên và kế hoạch dạy học âm nhạc của trường

          Chương trình âm nhạc tiểu học chính là căn cứ nền tảng, vì thế mỗi trò chơi âm nhạc được xây dựng đều bám sát chương trình âm nhạc cấp học này mà trọng tâm là chương trình âm nhạc lớp 4, lớp 5, bởi đối tượng tham gia trò chơi là những học sinh lớp 4, lớp 5 đang học tại trường phổ thông.  Đồng thời, trò chơi được đưa vào phải phù hợp với kế hoạch dạy học của nhà trường, không làm xáo trộn các tiết học, đặc biệt là bám sát kế hoạch dạy học âm nhạc ở lớp 4, lớp 5. Thông qua việc nghiên cứu, phân tích lựa chọn các tiết học âm nhạc trong chương trình có thể thực hiện được trò chơi âm nhạc để xây dựng các trò chơi gắn liền với tiết học đó trên lớp. Thông thường trò chơi được đưa vào các tiết ôn hát, ôn tập đọc nhạc hay các tiết giới thiệu nhạc cụ dựa trên nội dung cụ thể trong sách giáo khoa ( SGK) âm nhạc.

1.3. Phù hợp với lứa tuổi học sinh và giáo viên lớp 4 hoặc lớp 5

Phù hợp với lứa tuổi học sinh lớp 4 hoặc lớp 5

          Học sinh lứa tuổi lớp 4, lớp 5 là độ tuổi còn rất ham thích vui chơi, hiếu động, thích tham gia các hoạt động nhóm, tập thể đặc biệt là hoạt động có tính giải trí, những hoạt động liên quan đến các môn nghệ thuật trong đó có môn Âm nhạc và trò chơi âm nhạc. Vì thế, khi xây dựng trò chơi âm nhạc, cần coi trọng yếu tố phù hợp với lứa tuổi tham gia trò chơi. Trò chơi có yêu cầu, nội dung không quá đơn giản như đối với lớp 1, 2, 3 mà cũng không quá cầu kỳ phức tạp như các trò chơi dành cho người lớn. Trò chơi âm nhạc ở đây gắn liền với nội dung SGK âm nhạc lớp 4, lớp 5.

Phù hợp với giáo viên dạy lớp 4 hoặc lớp 5

          Hiện nay nhiều trường có trang bị về máy tính, máy chiếu, giáo viên ( GV) cũng hay sử dụng để dạy các môn học khác nên khả năng sử dụng máy tính của họ tương đối tốt. Chính nhờ thế mạnh này, bên cạnh các trò chơi truyền thống, cần xây dựng thêm các trò chơi có khai thác công nghệ máy tính nhằm giúp GV có thể sử dụng một cách dễ dàng, tiện dụng khi lên lớp. Những trò chơi này sau khi đưa vào thực nghiệm, chính họ là những người thẩm định tính khả dụng của chúng, đồng thời cùng tham gia đóng góp ý kiến để hoàn thiện trò chơi sao cho thực sự phù hợp với khả năng của họ. 

1.4. Có tính thi đua giữa các cá nhân hoặc giữa các nhóm

          Trong bất kỳ trò chơi âm nhạc nào đều cũng cần có tính thi đua giữa các cá nhân hoặc giữa các nhóm. Vì có như thế, trò chơi âm nhạc mới thực sự thu hút, tạo sự hứng khởi cho người tham gia đặc biệt là trẻ em. Tính thi đua được thể hiện ở cách tính điểm hay có thể là việc thưởng phạt, ví dụ như: đội nào có số điểm cao hơn, về đích đầu tiên, thực hiện đúng yêu cầu động tác của trò chơi âm nhạc sẽ là đội thắng cuộc. Đội thắng cuộc sẽ được quyền phạt đội thua bằng một hình thức nào đó, ví dụ: đội thắng sẽ yêu cầu đội thua làm một động tác hóm hỉnh, tức cười như phải đứng co chân và há mồm, hay yêu cầu đội thua nhấc ghế cho đội thắng ngồi xong đội thua phải nhảy lò cò xung quanh ghế ngồi của đội thắng cuộc.

          Tính thi đua còn được thể hiện ở việc giáo viên cho học sinh tham gia làm người quản trò, làm giám khảo cho các đội tham gia trò chơi âm nhạc, các em được chấm điểm cho các đội chơi…

1.5. Có quy định về không gian và thời gian

          Vì trò chơi âm nhạc được xây dựng bám sát chương trình âm nhạc tiểu học và kế hoạch dạy học chung của nhà trường nên địa điểm tổ chức trò chơi phải diễn ra ngay trong tiết học và lớp học đó dù số lượng người chơi có thể khác nhau. Bên cạnh đó, trò chơi âm nhạc phải được thực hiện theo từng tiết học nên thời gian quy định cho trò chơi cũng hết sức cụ thể, tuỳ vào mỗi tiết mà thời gian dành cho mỗi trò chơi có thể là 5 đến 7 phút. Trò chơi âm nhạc chỉ đóng vai trò là hoạt động phụ trong một tiết học, là hoạt động nhằm giúp học sinh thư giãn, củng cố thêm những kiến thức âm nhạc đã học, giúp các em hào hứng hơn trong học tập.

1.6. Có cách chơi rõ ràng

          Mỗi trò chơi âm nhạc cần phải có cách chơi cụ thể, rõ ràng thông qua các bước hướng dẫn. Như thế, giáo viên có thể dễ dàng sử dụng trò chơi mà không bị lúng túng khi tổ chức trò chơi, học sinh cũng được tham gia trò chơi một cách nhịp nhàng, hào hứng. Chính cách chơi cụ thể sẽ giúp cho trò chơi diễn ra liền mạch, đúng trình tự, thời gian đã quy định. Giáo viên thao tác tốt trò chơi âm nhạc, học sinh tham gia hiệu quả.

          Khi bắt đầu trò chơi giáo viên phải hướng dẫn cách chơi cho học sinh tham gia. Vì vậy, nếu trò chơi không có hướng dẫn cụ thể và rõ ràng thì giáo viên sẽ gặp khó khăn khi hướng dẫn lại cho học sinh. Khi học sinh không hiểu rõ cách chơi, giáo viên lúng túng khi tổ chức, thao tác trò chơi thì trò chơi âm nhạc sẽ mất đi sự sôi động vốn có, không còn thu hút học sinh.

1.7. Có khai thác đồ chơi, đạo cụ, sử dụng tối đa công nghệ hiện đại

          Công cụ hỗ trợ cho trò chơi bao bồm đồ chơi, đạo cụ, các phương tiện liên quan đến công nghệ hiện đại như máy tính, máy chiếu, các phần mềm tin học. Hai loại công cụ hỗ trợ này có thể sử dụng tương tác lẫn nhau nhưng cũng có thể thay thế cho nhau. Cụ thể như trong trường hợp mất điện thì các trò chơi có sử dụng phương tiện công nghệ hiện đại lại không dùng được, thay vào đó các công cụ như đồ chơi, đạo cụ sẽ thay thế kịp thời nếu có sự chuẩn bị tốt.

2. Lựa chọn tiết học âm nhạc ở lớp 4, lớp 5

          Cần phải lựa chọn tiết học âm nhạc ở hai khối lớp 4 và lớp 5 là do: Thứ nhất, số lượng trò chơi trong chương trình âm nhạc hai khối này rất ít chỉ có tổng cộng 4 trò chơi. Thứ hai, trong các tiết học không phải tiết nào cũng đưa trò chơi vào bởi còn tuỳ thuộc nội dung, thời lượng của từng tiết. Thứ ba, việc xây dựng trò chơi dựa trên nội dung gắn liền với một tiết học cụ thể trong chương trình âm nhạc nội khoá.

2.1. Lựa chọn tiết học âm nhạc lớp 4

         Dựa vào kết quả thực tế sau khi dự giờ, phân tích SGK và sách giáo viên (SGV), đồng thời căn cứ vào quy định kế hoạch dạy học của nhà trường. Những trò chơi này phải phù hợp với nội dung chương trình và không làm xáo trộn kế hoạch dạy học chung của trường.

2.2. Lựa chọn âm nhạc lớp 4

         Căn cứ vào việc lựa chọn các tiết học, âm nhạc trong trò chơi lớp 4 bao gồm những bài hát, kiến thức có liên quan trong chương trình âm nhạc. Tuy nhiên, trong quá trình thiết kế xây dựng trò chơi âm nhạc, cũng cần sử dụng thêm một số bài hát ở các lớp 1, 2, 3.

2.3. Lựa chọn tiết học âm nhạc lớp 5

         Cũng như đối với lớp 4, lớp 5 cũng dựa vào kết quả thực tế sau khi dự giờ, phân tích SGK và SGV, đồng thời căn cứ vào quy định kế hoạch dạy học của nhà trường. Những trò chơi này phải phù hợp với nội dung chương trình và không làm thay đổi kế hoạch dạy học chung của trường.

2.4. Lựa chọn âm nhạc lớp 5

         Căn cứ vào việc lựa chọn các tiết học, âm nhạc trong trò chơi lớp 5 bao gồm những bài hát, kiến thức có liên quan trong chương trình âm nhạc lớp 5. Tuy nhiên, trong quá trình thiết kế xây dựng trò chơi âm nhạc, cũng cần sử dụng thêm một số bài hát lớp 1, 2, 3, 4.

        

2.5. Lựa chọn phần mềm, thiết bị

 Các phần mềm thiết kế trò chơi

         Trong thời đại công nghệ hiện nay, có rất nhiều phần mềm làm công cụ cho việc soạn thảo, thiết kế, chỉnh sửa, biên tập… các tiện ích đó giúp cho việc xây dựng trò chơi âm nhạc một cách tiện lợi, tích hợp được nhiều hình ảnh, âm thanh, các đoạn video clips, các hiệu ứng đẹp mắt, sinh động mang lại hiệu quả tích cực cho những nhu cầu khác nhau trong đó có việc xây dựng trò chơi âm nhạc.

         Phần mềm Microsoft Powerpoint: Là phần mềm chuyên dụng dùng để trình chiếu, thuyết trình đặc biệt thông dụng cho việc thiết kế bài giảng điện tử. Phần mềm này thường được tích hợp sẵn trong bộ Microsoft Office của máy tính. Phần mềm có giao diện đẹp mắt, thân thiện với người sử dụng. Tuy nhiên, phần mềm này có những hạn chế nhất định đó là chỉ nhận 1 vài định dạng audio và video. Vì thế, một số video khi muốn tích hợp vào thì cần phải có thêm phần mềm khác để chuyển đổi đuôi cho các videos đó. Tuy nhiên, cần thấy rằng phần mềm này vẫn tốt bởi tính thân thiện và thông dụng của nó, đồng thời GV có thể sử dụng được. Đây cũng là phần mềm chính được sử dụng làm giao diện cho các trò chơi âm nhạc.

         Phần mền Encore 5: Hiện nay đã có nhiều phiên bản Encore thế hệ sau ra đời, tuy nhiên trong thực tế sử dụng thì Encore 4.5.3 là thông dụng nhất cho người dùng. Đây là phần mềm chuyên dùng để chép nhạc, đọc nhạc ở dạng file midi, có thể xuất ra file midi, có thể phối khí âm nhạc nhưng khá phức tạp. Cùng với Powerpoint là một trong 2 phần mềm chính được dạy trong chương trình Tin học âm nhạc ở trình độ cao đẳng và ĐH âm nhạc. Tuy nhiên, cần phải có chương trình để cài đặt thêm vào máy tính. Sử dụng phần mềm này cho việc chép nhạc cho các câu nhạc, tiết tấu, bài hát có liên quan, đồng thời từ các files Encore có thể xuất thành file midi phục vụ cho trò chơi.

         Phần mềm Total Video Converter: Là phần mềm chuyên dụng dùng để chuyển đổi qua lại các định dạng âm thanh, phim ảnh khá phong phú. Phần mềm này khá dễ sử dụng, được chia làm 2 nhóm: nhóm chuyển đổi định dạng âm thanh (audio) và nhóm chuyển đổi định dạng phim (video). Tuy nhiên, cần phải có chương trình để cài đặt thêm vào máy tính. Đây là phần mềm thường được sử dụng kết hợp để chuyển đổi định dạng video đưa vào Powerpoint.

         Phần mềm Photoshop:Phần mềm chuyên dụng để sửa chữa, cắt ghép, trang trí và biên tập ảnh, tạo hiệu ứng động... Phần mềm này khá thông dụng nhưng có nhiều tính năng nên khó sử dụng. Cần kết hợp sử dụng phần mềm này để sửa chữa, cắt ghép, trang trí hình ảnh, đặc biệt tạo các logo, nền giao diện trước khi đưa vào trò chơi trình chiếu trên Powerpoint. Tuy nhiên, cần phải có chương trình để cài đặt thêm vào máy tính.

         Phần mềm Flash Movie: Là phần mềm giúp cho việc tích hợp các định dạng flash vào Powerpoint như đồng hồ tính giờ… Ưu điểm là không cần dùng các đoạn code, hay phải mất rất nhiều thao tác khi thiết lập đồng hồ trực tiếp trên Powerpoint. Dùng phần mềm này để chèn các file Flash vào trò chơi trong Powerpoint.

Thiết bị hỗ trợ trò chơi

         Đàn phím điện tử dùng để sử dụng lấy âm thanh các nhạc cụ, thu các trích đoạn bài hát, âm thanh tiết tấu, làm một số nhạc nền. Máy tính dùng cho việc thiết kế các trò chơi có sử dụng phần mềm và sử dụng cáp qua cổng HDMI kết nối với máy chiếu hoặc TV LCD được trang bị sẵn trong mỗi lớp học. Sử dụng hệ thống loa lớp học để phát âm thanh, bút điều khiển từ xa để điều khiển trò chơi âm nhạc trên Powerpoint. Ngoài ra, cần sử dụng máy quay phim, máy ảnh, điện thoại thông minh để thu thập hình ảnh, video. Các loại đồ chơi, đạo cụ cũng nên sử dụng để phục vụ cho trò chơi âm nhạc, góp phần phát triển hoạt động sân khấu hoá ở các tiết học hay các tiết tập biểu diễn trong chương trình âm nhạc.

         Tóm lại, trò chơi sẽ giúp học sinh biết huy động sức mạnh trí tuệ để chiến thắng, thông qua thi đua sẽ kích thích các em tư duy, chủ động, sáng tạo, trao đổi ý kiến, tăng cường khả năng hoạt động nhóm, đoàn kết tương trợ lẫn nhau. Ngoài ra, trò chơi âm nhạc còn giúp học sinh giải toả được căng thẳng vì trong khi chơi, các em được hoạt động, có phân chia thắng thua nhưng không phải xếp loại, từ đó các em cảm thấy nhẹ nhàng trong học tập, dễ dàng ôn luyện được những kiến thức, nội dung, kỹ năng âm nhạc đã học.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Phan Trần Bảng (2001), Phương pháp giảng dạy âm nhạc trong nhà trường phổ thông, tái bản lần thứ nhất, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

2.    Bộ Giáo dục và Đào tạo (2006), Chương trình khung giáo dục Đại học, Ngành Giáo dục tiểu học, Ban hành kèm theo Quyết định số 39/2006/QĐ - BGDĐT ngày 02 tháng 10 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3.    Bộ Giáo dục và Đào tạo (2006), Hướng dẫn thực hiện chương trình các môn học lớp 1, 2, 3, 4, 5, Ban hành kèm theo công văn số 9832/BGD&ĐT-GDTH ngày 01 tháng 9 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (KT.BT Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai).

4.    Lý Thu Hiền (2007), Trò chơi âm nhạc cho trẻ từ 2 đến 6 tuổi theo hướng tích hợp chủ đề, Nxb Giáo dục Hà Nội.

5.    Hoàng Lân (1987), Làm quen với âm nhạc qua trò chơi, Nxb Giáo dục Hà Nội.

6.    Hoàng Long (2011), Sách Âm nhạc cấp Tiểu học, Tập bài hát lớp 1, 2, 3 và Sách giáo khoa Âm nhạc lớp 4, 5, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

7.    Hoàng Long (2011), Sách giáo viên, Nghệ thuật lớp 1, 2, 3 và Âm nhạc lớp 4, 5, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

8.    Thái Phong Minh (2004), Lịch sử trò chơi, Nxb Tổng hợp TP.HCM.

9.    Ngô Thị Nam (1994,1996), Âm nhạc và phương phápgiáo dục âm nhạc (Tập 1, Tập 2), Nxb Giáo dục Việt Nam.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k5– Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp giảng dạy Âm nhạc