Nội san

Công tác quản lỷ văn hóa ở thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ hiện nay

25 Tháng Tám 2017

                                              Nguyễn Xuân Thịnh [*]

 

 

Là trung tâm văn hoá giáo dục, kinh tế vùng phía Tây, Tây Bắc của Tỉnh, thị xã Phú Thọ có tổng diện tích tự nhiên 64,5 km2, dân số gần 80 ngàn người với 10 đơn vị hành chính và 107 khu dân cư (2). Có hơn 100 cơ quan, đơn vị của Trung ương của Tỉnh và quân đội đóng trên địa bàn. Nằm giữa giao điểm hai tuyến đường quan trọng của Quốc tế và Quốc gia, đó là đường Cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường Hồ Chí Minh và hệ thống giao thông huyết mạch khác về đường bộ, đường sắt, đường sông, kết nối trực tiếp với các tỉnh Tây Bắc và Thủ đô Hà Nội với các vùng kinh tế trọng điểm của Quốc gia…Đây là điều kiện thuận lợi để thị xã Phú Thọ khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế  nhằm thúc đẩy KT-XH phát triển, xây dựng Thị xã xứng đáng là một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học kỹ thuật phía Tây Tây Bắc của tỉnh và đất nước.

Xác định xây dựng đời sống văn hóa là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Đời sống văn hóa giữ vai trò quan trọng, tác động trực tiếp tới tâm lý, tình cảm, đạo đức, lối sống, nếp sống xã hội, cộng đồng dân cư và mỗi người dân. Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XII nhấn mạnh tư tưởng chỉ đạo: Các cấp, các ngành phải nhận thức đầy đủ và thực hiện có kết quả mục tiêu: Xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; làm cho văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Với tầm quan trọng như vậy, trong những năm qua, công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và quần chúng nhân dân trong thị xã đặc biệt quan tâm. Trên địa bàn thị xã, các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng, thông tin đại chúng, tuyên truyền cổ động luôn hướng về cơ sở và đã đạt nhiều kết quả tốt. Hệ thống các thiết chế như: Nhà văn hóa, sân thể thao, câu lạc bộ… đã được xây dựng rộng khắp làm cơ sở cho việc nâng cao chất lượng đời sống văn hóa. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trọng tâm là phong trào xây dựng gia đình văn hóa, tổ dân phố văn  hóa được quan tâm chỉ đạo sát sao. Tỷ lệ gia đình đạt Gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa hàng năm tăng, đến nay toàn thị có 87% số hộ và 98,7% khu dân cư đạt tiêu chuẩn văn hóa (6)... Đời sống văn hóa cơ sở ngày càng được nâng cao góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân, là điều kiện để củng cố hệ thống chính trị cơ sở, góp phần xóa đói, giảm nghèo…

Được sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thị xã, Sở Văn hóa, thể thao Du lịch; Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ, sự phối hợp chặt chẽ của các phòng, ban, các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan trên địa bàn, sự nỗ lực cố gắng của tập thể cán bộ, công chức, viên chức Phòng Văn hóa & thông tin Thị xã, công tác văn hóa, thông tin của thị xã đã được triển khai, thực hiện với nhiều thành tích, kết quả toàn diện, góp phần tích cực vào việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thị xã, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cụ thể trên các lĩnh vực:

Đối với công tác quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa

Các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn thị xã Phú Thọ đã dần đi vào nền nếp, tuân thủ các quy định của pháp luật. Hàng năm, công tác quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa đặc biệt là các loại hình như Karaoke; kinh doanh băng đĩa hình, băng đĩa nhạc  được Ủy ban nhân dân thị xã quan tâm chỉ đạo. Các biện pháp hướng đến hoạt động quản lý được thực hiện đồng bộ từ tuyên truyền vận động, thanh tra kiểm tra cho đến xử lý vi phạm. Tăng cường và duy trì công tác thanh tra kiểm tra các cơ sở kimh doanh dịch vụ văn hóa như cơ sở kinh doanh Karaoke, Internet, băng đĩa hình, băng đĩa nhạc. Do làm tốt công tác quản lý, nên hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa đã đi vào nền nếp góp phần quan trọng làm lành mạnh đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, kịp thời sử lý những trường hợp vi phạm về kinh doanh dịch vụ văn hóa, giải quyết những tồn tại, kiến nghị của nhân dân, đem lại một môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo sự phát triển đồng bộ trên các lĩnh vực.

Đối với công tác quản lý xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

Xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực làm suy thoái về đạo đức lối sống của một số bộ phận người dân. Phong trào văn hóa văn nghệ của nhân dân được diễn ra sôi nổi, các hoạt động được tổ chức nhân các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của địa phương, đất nước thu hút được đông đảo nhân dân tham gia hưởng ứng; các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ được thành lập và đi vào tổ chức có hiệu quả, hàng năm có hàng trăm buổi giao lưu văn hóa văn nghệ giữa các đơn vị cơ sở, giữa các làng văn hóa với nhau. Phong trào thể dục thể thao ngày càng phát triển, các thiết chế văn hóa cơ sở giành cho thể thao được quy hoạch, cơ sở hạ tầng ngày càng được quan tâm đầu tư nâng cấp xây dựng. Đến nay toàn thị hiện có 16 sân bóng đá, 57 sân bóng chuyền, 87 sân cầu lông, 57 sân bóng bàn, 4 sân tenis, 2 bể bơi và 2 nhà tập đa năng … với hàng chục CLB thể thao. Tỷ lệ người tham gia luyện tập các môn cầu lông, bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, thể dục dưỡng sinh, đi bộ… thường xuyên đạt 24

Đối với công tác quản lý lễ hội

Thị ủy, Ủy ban nhân dân thị xã cũng đã chỉ đạo và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, xác định rõ ý nghĩa của công tác tổ chức lễ hội. Các xã, phường phải xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội tại địa phương mình chi tiết, cụ thể báo cáo Ủy ban nhân dân Thị xã để chỉ đạo Phòng Văn hóa và thông tin thị xã hướng dẫn chi tiết về chương trình, nội dung, cách thức tổ chức. Do vậy, các lễ hội được tổ chức trang trọng, tiết kiệm. Hoạt động mê tín dị đoan như: lên đồng, bói toán, sóc thẻ cơ bản được ngăn chặn, hiện tượng lợi dụng lễ hội trục lợi được xử lý kịp thời, việc đốt vàng mã đã được hạn chế. Ban tổ chức các lễ hội làm tốt công tác hướng dẫn các đoàn thể dâng hương tham gia hoạt động lễ hội chu đáo.

Tuy đã bên cạnh những kết quả đạt được thì trong công tác quản lý văn hóa ở cơ sở, song vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém đó là:

Nhận thức của một số ngành, cá nhân về vai trò của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế xã hội, chưa đầy đủ, còn hạn chế. Lĩnh vực văn hóa chưa được quan tâm đúng mức, đôi lúc còn bị xem nhẹ. Cơ chế phối hợp, chỉ đạo giữa các cơ quan quản lý về văn hóa ở các cấp với các tổ chức chính quyền và đoàn thể trong hệ thống chính trị còn lỏng lẻo, chưa phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công cuộc xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương còn xem nhẹ công tác quản lý nhà nước về văn hóa, dẫn đến cơ chế chính sách về văn hóa ở địa phương ít được chú trọng triển khai, chậm đổi mới. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa còn thấp. Công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra các hoạt động văn hóa trên địa bàn còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, đoàn kiểm tra liên ngành có khi chưa thực hiện hết chức trách nhiệm vụ, chưa chặt chẽ, có lúc có nơi còn tùy tiện và có những biểu hiện tiêu cực;  Đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở còn yếu kém về trình độ chuyên môn, thiếu kinh nghiệm trong tham mưu, tổ chức, triển khai, chỉ đạo phong trào nên hiệu quả công việc còn thấp. Công tác bồi dưỡng, tập huấn cán bộ chưa được chú trọng, một số cán bộ thiếu ý thức trong việc học tập nghiên cứu nên chưa đáp ứng được với yêu cầu và đòi hỏi của công tác quản lý văn hóa hiện nay.

Chế độ đãi ngộ cho cán bộ làm công tác văn hóa ở địa phương còn thấp. Cơ sở vật chất kỹ thuật đầu tư cho phát triển văn hóa còn nghèo nàn, chính sách đầu tư cho sự nghiệp văn hóa hiện nay chưa được quan tâm thỏa đáng, chưa đáp ứng kịp sự phát triển của văn hóa, do đó đã hạn chế không ít đến sự nghiệp tổ chức xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, cũng như thỏa mãn nhu cầu văn  hóa tinh thần của nhân dân. 

Công tác quản lý và giáo dục đạo đức, lối sống cho các đối tượng thanh thiếu niên, học sinh trong gia đình, nhà trường và các đoàn thể vẫn còn buông lỏng, thiếu biện pháp kiên quyết. Vì vậy, một bộ phận thanh thiếu niên đã lao vào con đường hư hỏng, nghiện ngập... Đó là biểu hiện không lành mạnh của một bộ phận lớp trẻ rất đáng lo ngại.

Để tiếp tục đưa văn hóa vào mọi mặt đời sống của xã hội, trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của địa phương, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, thời gian tới, công tác quản lý văn hóa phải có những giải pháp quyết liệt, mang tính đổi mới căn bản và toàn diện. Đặc biệt là vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý của chính quyền và công tác vận động tập hợp quần chúng của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân góp phần từng bước thắt chặt mối liên hệ giữa Đảng - Chính quyền và các đoàn thể trong công tác quản lý; Chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cộng đồng, bởi chỉ giáo dục, đào tạo lâu dài trên diện rộng mới có thể làm thay đổi căn bản nhận thức và hành vi của người tổ chức và người tham gia các hoạt động văn hóa. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân trên địa bàn thị xã Phú Thọ về vai trò, vị trí, của văn hóa thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; mục đích, ý nghĩa của văn hóa trong đời sống tinh thần của nhân dân. Tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các hoạt động sáng tạo, hưởng thụ văn hóa để người dân thấy rõ vai trò của họ với tư cách là chủ thể của văn hóa. Nâng cấp, rà soát, sửa chữa các Nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố; nâng cao chất lượng hoạt động các thiết chế văn hóa, đáp ứng nhu cầu tổ chức, hưởng thụ văn hóa, thể thao của các tầng lớp nhân dân. Tăng chi Ngân sách cho sự nghiệp văn hóa, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa. Khai thác sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn của tỉnh cấp cho chương trình phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của thị xã để xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ các hoạt động văn hóa. Quan tâm đào tạo đại học cho cán bộ đã có trình độ trung cấp, cao đẳng chuyên môn về văn hóa. Sau đào tạo nhất thiết phải gắn với bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bọ, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ. Tuyển dụng cán bộ mới đáp ứng được trình độ chuyên môn về văn hóa, am hiểu phong tục, tập quán, văn hóa dân gian địa phương. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ thuộc phạm vi quản lý và đề xuất quy hoạch các chức danh thuộc diện cấp trên quản lý. Chú trọng đào tạo cán bộ tại chỗ, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức về văn hóa cho cán bộ văn hóa xã, phường. Xây dựng một đội ngũ cán bộ văn hóa có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp văn hóa. Chú trọng việc xây dựng, sửa đổi bổ sung quy chế làm việc của Phòng Văn hóa thông tin, các Ban Văn hóa xã, phường; kiện toàn Ban Chỉ đạo "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" các cấp, kịp thời bổ sung, phân công nhiệm vụ cho các ngành thành viên Ban Chỉ đạo; xây dựng quy chế phối hợp tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao & du lịch giữa ngành Văn hóa và các ngành, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể trong thị xã; Định hướng các hoạt động văn nghệ quần chúng một cách kịp thời và phù hợp với từng giai đoạn, thời kỳ phát triển kinh tế, đặc biệt trong cơ chế kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhân dân thực hiện quyền được hoạt động sáng tạo và quyền được hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật do bản thân và xã hội làm ra.

Nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", vận động và thu hút đông đảo nhân dân tham gia tập thể dục thể thao, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đa dạng các hình thức tổ chức tập luyện thể dục, thể thao ở cơ sở. Gắn việc chỉ đạo phát triển phong trào thể dục, thể thao với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", với chương trình xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu có 35% gia đình tham gia tập thể thao thường xuyên.

Văn hóa là một lĩnh vực rộng lớn, đa dạng và phức tạp. Do vậy, quản lý văn hóa luôn phải đương đầu với nhiều thách thức, khó khăn. Để đạt được những bước đột phá trong công tác này theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về văn hóa, những năm tới, đòi hỏi ngành văn hóa, từ thị đến cơ sở cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của Ngành phải có những cố gắng, nỗ lực cao, đưa văn hóa dân tộc hoạt động đúng hướng, bắt kịp thực tiễn phát triển của đất nước và xu thế hội nhập toàn cầu mạnh mẽ trên thế giới hiện nay.

 

Tài liệu tham khảo

1. Tạp chí Văn hóa Đất tổ, số 390, tháng 12-2016.

2. Cục thống kê tỉnh Phú Thọ (2016). Niên giám thống kê thị xã Phú Thọ năm 2016.

3. Thị ủy Phú Thọ (2015). Nghị Quyết đại hội Đảng bộ thị xã Phú Thọ khóa XXI nhiệm kỳ 2015 - 2020.

4. UBND thị xã Phú Thọ (2016). Báo cáo kinh tế xã hội thị xã Phú Thọ giai đoạn 2010 - 2015.

5. UBND tỉnh Phú Thọ (2016). Báo cáo kinh tế xã hội tỉnh Phú Thọ năm 2016.

6. Báo cáo phòng Văn hóa - Thông tin thị xã 2016.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k3– Chuyên ngành Quản lí Văn hóa